Đại biểu Nghệ An đề nghị Quốc hội tiếp tục giao rừng sản xuất cho dân

(Baonghean.vn) - Phó Trưởng đoàn ĐBHQ tỉnh Nguyễn Thanh Hiền đề nghị Quốc hội giữ quy định giao rừng sản xuất là rừng tự nhiên cho cộng đồng dân cư trong Luật Bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi).

» Cần xây dựng và ban hành các cơ chế chính sách chia sẻ lợi ích từ rừng
 

Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Thanh Hiền. Ảnh tư liệu
Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Thanh Hiền. Ảnh tư liệu

Phóng viên: Có những thay đổi lớn về nội dung dự thảo Luật Bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi), đặc biệt phạm vi điều chỉnh của Dự án Luật là toàn bộ các hành vi xã hội trong lĩnh vực lâm nghiệp trên nguyên tắc quản lý theo chuỗi. Ông có ý kiến gì về vấn đề này?

Ông Nguyễn Thanh Hiền: Trước hết, tôi thống nhất với Báo cáo giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự thảo Luật Bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi) và dự thảo dự án luật.  

Tuy nhiên, trước những thay đổi về nội dung dự thảo Luật, tôi cho rằng nên lấy tên “Luật Lâm nghiệp” là hợp lý, vừa ngắn gọn, vừa bao quát đầy đủ các nội dung của Luật; thể hiện rõ mục tiêu và quan điểm sửa đổi Luật Bảo vệ và Phát triển rừng là đổi mới quản lý hoạt động lâm nghiệp theo chuỗi giá trị.

Hơn nữa, tên gọi Luật Lâm nghiệp cũng tạo sự đồng bộ, gắn kết với các văn bản quy định về định hướng Chiến lược phát triển lâm nghiệp, Quy hoạch phát triển lâm nghiệp và tên gọi hệ thống tổ chức cơ quan quản lý về lâm nghiệp hiện hành.

Phóng viên: Thế còn vấn đề giao rừng, cho thuê rừng sản xuất là rừng tự nhiên, quan điểm của ông thế nào?

Ông Nguyễn Thanh Hiền: Tôi thống nhất với Ủy ban Thường vụ Quốc hội về đề nghị Quốc hội tiếp tục cho giữ quy định giao rừng sản xuất là rừng tự nhiên cho cộng đồng dân cư (điểm a khoản 3 Điều 21).

Trong thực tế, người dân chưa thực sự sống được với việc nhận khoán bảo vệ rừng tự nhiên.

Ví dụ như ở Nghệ An, có những huyện rừng tự nhiên chiếm tỷ lệ 80 - 86% diện tích tự nhiên như: Con Cuông, Quế Phong, có những xã rừng tự nhiên chiếm đến 95% nên việc quy hoạch đất canh tác cho các khu vực này rất khó khăn, một số nơi có tình trạng thiếu đất sản xuất nông nghiệp.

Rừng săng lẻ, Tương Dương, Nghệ An. Ảnh tư liệu
Rừng săng lẻ, Tương Dương, Nghệ An. Ảnh tư liệu

Tôi cũng đề nghị làm rõ khái niệm về “rừng tự nhiên” tại Điều 2 và nội dung “sở hữu rừng” tại Điều 7. Theo quy định tại Điều 7 thì toàn bộ rừng tự nhiên thuộc sở hữu của Nhà nước.

Tuy nhiên, trên thực tế có rất nhiều diện tích rừng tự nhiên do chủ rừng sử dụng nguồn tài chính không có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước để khoanh nuôi, bảo vệ và phục hồi. Vì vậy, đề nghị Quốc hội cần làm rõ vấn đề này.

Phóng viên: Còn về nguyên tắc giao rừng, cho thuê rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng và thu hồi rừng. Ông có đề nghị gì?

Ông Nguyễn Thành Hiền: Dự thảo Luật quy định: “Không chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang mục đích khác trừ dự án quan trọng quốc gia; dự án phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh; dự án cấp thiết khác được Chính phủ phê duyệt” là quá cứng nhắc, bó buộc trong quá trình thực hiện.

Vì trong thực tế, có nhiều diện tích rừng tự nhiên, có trữ lượng thấp, tính đa dạng sinh học không cao và không có giá trị kinh tế cần được cải tạo hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác có hiệu quả hơn (nhưng không phải mục đích như dự thảo Luật quy định).

"Ở Nghệ An, có những huyện rừng tự nhiên chiếm tỷ 80-86% diện tích tự nhiên như: Con Cuông, Quế Phong, có những xã rừng tự nhiên chiếm đến 95 % nên việc quy hoạch đất canh tác cho các khu vực này rất khó khăn, một số nơi có tình trạng thiếu đất sản xuất nông nghiệp; phần đất không có rừng để sử dụng sản xuất và đời sống chỉ còn 5-15% diện tích tự nhiên".

Nguyễn Thanh Hiền - Phó trường đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An

Do đó, tôi đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu theo hướng chỉ quy định “Không chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên là rừng phòng hộ và rừng đặc dụng sang mục đích khác…” cho phù hợp với thực tiễn.

Mặt khác, tại khoản 4, Điều 19 quy định: “Chủ rừng được Nhà nước giao rừng tự nhiên, rừng trồng do Nhà nước đầu tư không được cho tổ chức, cá nhân khác thuê những diện tích rừng đó”. Quy định này xét về mặt quản lý Nhà nước tổng thể là đúng và phù hợp.

Tuy nhiên, trong thực tế các khu vực có tiềm năng khai thác du lịch, dịch vụ ở các Vườn Quốc gia và Khu bảo tiền thiên nhiên thường gắn các cảnh quan thiên nhiên với rừng.

Trong điều kiện Nhà nước chưa đủ khả năng tài chính để khai thác tiềm năng về du lịch thì việc xã hội hóa là hết sức cần thiết.

Quy định như trên sẽ gây khó khăn nhất định cho các chủ rừng khai thác các dịch vụ du lịch, đồng thời bỏ qua nguồn lực rất lớn để phát triển kinh tế - xã hội.

Vì vậy, tôi cũng đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu cần có quy định mở đối với những trường hợp chủ rừng cho thuê lại diện tích rừng với mục đích khai thác tiềm năng về du lịch.

Phóng viên: Ông có ý kiến gì đối với các hành vi bị cấm?

Ông Nguyễn Thanh Hiền: Tôi đề nghị bổ sung thêm hành vi bị cấm: “Lợi dụng chức vụ quyền hạn để bao che, tiếp tay khai thác rừng, săn bắt động vật rừng để buôn bán trái pháp luật”.

Thực tế cho thấy không ít vụ việc khai thác gỗ, săn bắt, buôn bán động vật rừng có sự tiếp tay, bao che của người có chức có quyền và sự làm ngơ của lực lượng chức năng.

Do vậy, luật cần quy định cụ thể hành vi này vào Điều 9 góp phần nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ và phát triển rừng.

Phóng viên: Cảm ơn ông!

Nhóm PV - CTV

TIN LIÊN QUAN

Tin mới