Đại biểu Nghệ An: Kỳ vọng 'bàn tay thép' thu hồi tài sản tham nhũng

(Baonghean.vn) - Phát biểu tại Hội trường trong phiên thảo luận của Quốc hội ngày 21/11, đại biểu Hoàng Thị Thu Trang - Nghệ An kỳ vọng sự bứt phá và một "bàn tay thép" trong thu hồi tài sản tham nhũng.

Đại biểu Hoàng Thị Thu Trang. Ảnh: CTV
Đại biểu Hoàng Thị Thu Trang. Ảnh: CTV

Thảo luận về dự án Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XIV, liên quan đến vấn đề thu hồi tài sản tham nhũng, đại biểu Trang cho rằng tài sản chính là mục tiêu, động cơ của tham nhũng.

Dẫn báo cáo của Thanh tra Chính phủ nêu 10 năm qua chỉ thu hồi được 4.676 tỷ/59.000 tỷ, chiếm 8%; 219 ha đất/400 ha đất, chiếm 54%, người đứng đầu Cục Thi hành án dân sự Nghệ An bức xúc: “Nhưng điều đáng nói 10 năm qua còn 55.000 tỷ chúng ta chưa thu hồi được nếu không nói là không thể thu hồi được. Số tiền này cử tri đã có sự so sánh bằng số tiền ngân sách dự kiến bỏ ra để xây đường cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017-2020 và nó cũng thu ngân sách trong vòng khoảng 5 năm của một tỉnh nghèo, cử tri rất xót xa và bức xúc trước tình trạng muối bỏ bể này”.

Đại biểu Trang bày tỏ kỳ vọng sự bứt phá và một "bàn tay thép" trong thu hồi tài sản tham nhũng trong dự thảo lần này, tuy nhiên, dự thảo chưa có quy định bứt phá mà chỉ mới nhắc lại một số quy định của Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Thanh tra, Luật Kiểm toán hiện hành.

Để khắc phục tình trạng yếu kém về thu hồi tài sản, bà Trang cho rằng cần nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó hoàn thiện thể chế về thu hồi tài sản là vấn đề cốt yếu.

“Tôi cho rằng giải trình nguồn gốc tài sản là quyền của người có tài sản, còn chứng minh việc vi phạm hay tội phạm thì lại trách nhiệm của cơ quan nhà nước, có như vậy thì mới phù hợp với hệ thống pháp luật hiện hành, đặc biệt phù hợp với nguyên tắc suy đoán vô tội Hiến pháp thừa nhận, cũng như Bộ luật Tố tụng hình sự đã quy định rất rõ và nó cũng phù hợp với thực tiễn của người Việt Nam, tức là thói quen sử dụng tiền mặt, thói quen dành dụm tích lũy từ đời này sang đời khác hay thói quen vay mượn, hỗ trợ lẫn nhau trong cuộc sống”, vị đại biểu nữ phân tích.

Bà Trang lấy ví dụ, đa số cán bộ, công chức, viên chức, công nhân, thậm chí là nông dân hiện nay vẫn có thể mua đất xây nhà cao cửa rộng. Nguồn gốc tài sản có thể có hợp pháp hoặc không hợp pháp; hợp pháp có thể từ lương thưởng, từ sự hỗ trợ của người thân hoặc do vay mượn, bất hợp pháp có thể do tham nhũng hoặc do làm ăn phi pháp. Trong trường hợp này yêu cầu người có tài sản chứng minh thì rất khó, nếu áp dụng nguyên tắc suy đoán có tội như nhiều đại biểu Quốc hội đề xuất.

Đại biểu đến từ Nghệ An trăn trở: “Tôi e rằng nếu áp đặt và duy ý chí vậy thì cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng của chúng ta có gì giống như quá trình đấu tố hay quy địa chủ trước đây. Chính vì trách nhiệm chứng minh thuộc về cơ quan nhà nước nên tôi nghĩ cần có một quy định để cơ quan nhà nước được tham gia sớm và tham gia sâu vào truy thu nguồn gốc tài sản về phong tỏa, về kê biên và về thu hồi tài sản tham nhũng”.

Trước toàn thể Hội trường, đại biểu Hoàng Thị Thu Trang đề nghị cần bổ sung một chương riêng về thu hồi tài sản tham nhũng, theo đó quy định cụ thể về nguyên tắc trình tự, thủ tục của các nội dung như là truy thu nguồn gốc tài sản, phong tỏa, kê biên, thu hồi và về tương trợ tư pháp cần tăng quyền hạn cho các cơ quan, thanh tra, kiểm toán, cơ quan tiến hành tố tụng và cơ quan thi hành án dân sự. Đồng thời, đại biểu đề xuất quy định trách nhiệm pháp lý, nếu các cơ quan này không áp dụng biện pháp trên dẫn đến tẩu tán thất thoát tài sản nhằm xử lý tình trạng e ngại, né tránh vì sợ oan sai./.

PV-CTV

TIN LIÊN QUAN

Tin mới