Đại biểu Quốc hội đề nghị quy định rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong quản lý thuế

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, một số ý kiến đề nghị bổ sung nội dung quy định cụ thể hơn về nhiệm vụ, trách nhiệm của các bộ, ngành trong quản lý thuế về chống chuyển giá, gửi giá, trốn thuế, xử lý nợ đọng, truy thu thuế, cưỡng chế về thuế...

Sáng  24/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, nghe trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi)

Trước đó tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến lần đầu về Dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi). Trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Cơ quan thẩm tra, Cơ quan soạn thảo và các cơ quan liên quan nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi).

Quốc hội nghe trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi)
Quốc hội nghe trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi).
Trình bày tóm tắt báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo Luật lần này rà soát, cụ thể hóa tối đa các nội dung; sửa lại phạm vi điều chỉnh theo hướng bao quát tất cả các nguồn thu ngân sách Nhà nước (NSNN), không tách bạch nguồn thu do cơ quan quản lý thuế thu và nguồn thu không do cơ quan quản lý thuế thu.

Để nâng cao hiệu quả quản lý thuế đối với các công ty đa quốc gia và các doanh nghiệp có giao dịch liên kết, dự thảo Luật được bổ sung vào nội dung giải thích từ ngữ về cơ sở dữ liệu thương mại; các bên có quan hệ liên kết, giao dịch độc lập, giao dịch liên kết, và Công ty mẹ tối cao của tập đoàn; bổ sung nội dung giao Chính phủ quy định chi tiết về quản lý thuế đối với các giao dịch liên kết của những doanh nghiệp có quan hệ liên kết.

Quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, một số ý kiến đề nghị bổ sung nội dung quy định cụ thể hơn về nhiệm vụ, trách nhiệm của các Bộ, ngành trong quản lý thuế về chống chuyển giá, gửi giá, trốn thuế, xử lý nợ đọng, truy thu thuế, cưỡng chế về thuế; có ý kiến đề nghị rà soát để bổ sung trong dự thảo Luật quy định về trách nhiệm của một số bộ, ngành khác có liên quan trong quản lý thuế.

Tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo Luật đã rà soát và bổ sung nhiệm vụ của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan khác ở Trung ương trong việc quản lý thuế của 11 bộ, ngành có liên quan, chủ yếu là các bộ, ngành có liên quan trực tiếp, thường xuyên đến công tác quản lý thuế. Đồng thời, để bảo đảm tính bao quát, dự thảo Luật đã quy định: “Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan khác của Chính phủ có trách nhiệm phối hợp với Bộ Tài chính thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về quản lý thuế theo quy định của Chính phủ”.

Cùng với đó, Dự thảo Luật quyền của người nộp thuế; nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp trong việc quản lý thuế; nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Kiểm toán nhà nước, cơ quan Thanh tra nhà nước.

Làm rõ nội dung khoanh nợ, xóa tiền thuế nợ, tiền chậm nộp, tiền phạt

Giải trình, làm rõ nhiều vấn đề liên quan đến nội dung khoanh nợ, xóa tiền thuế nợ, tiền chậm nộp, tiền phạt, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Đức Hải nêu rõ, các trường hợp khoanh nợ tại dự thảo Luật hầu hết là các doanh nghiệp đã đóng cửa, không còn hoạt động sản xuất, kinh doanh hoặc cá nhân đã chết, mất tích. Dự thảo Luật không quy định khoanh nợ cho người nộp thuế có dấu hiệu trốn thuế, vi phạm pháp luật.

Về các trường hợp xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt, một số ý kiến đề nghị đề nghị cần có đánh giá kỹ hơn về tình hình nợ thuế, rà soát lại các trường hợp được xóa nợ thuế để quy định chặt chẽ hơn. Cương quyết không xóa nợ cho các đối tượng cố tình vi phạm Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư và pháp luật có liên quan để bảo đảm công bằng với các đối tượng khác.

Tiếp thu ý kiến đại biểu, Dự án Luật tiếp thu theo hướng: Bỏ cụm từ “Chủ doanh nghiệp tư nhân” ra khỏi Khoản 2, Điều 85 quy định về các trường hợp được xóa nợ và Điểm b, Khoản 1 Điều 87 quy định về thẩm quyền xóa nợ. Theo đó, trường hợp chủ doanh nghiệp tư nhân mà chết, mất năng lực hành vi dân sự thì được thực hiện theo quy định của Luật Doanh nghiệp. Việc xóa nợ thuế đối với doanh nghiệp tư nhân được thực hiện theo quy định chung tại Khoản 1, Điều 85 của Luật này. Bỏ quy định xóa nợ đối với trường hợp cá nhân được pháp luật coi là đã mất tích. Đồng thời, bổ sung quy định về không còn tài sản phải bao gồm cả tài sản được thừa kế trong dự thảo Luật.

Phân cấp thẩm quyền quyết định về xóa nợ thuế

Về việc phân cấp thẩm quyền quyết định về xóa nợ thuế, Dự thảo Luật đã quy định: Đối với trường hợp người nộp thuế là cá nhân đã chết, mất tích, doanh nghiệp đã phá sản, hộ gia đình, cá nhân đã bị thu hồi giấy phép và khoản nợ đã quá 10 năm đã áp dụng các biện pháp cưỡng chế mà vẫn không có khả năng thu hồi thì thẩm quyền xóa nợ là Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố. Nội dung này là kế thừa Luật Quản lý thuế hiện hành.

Đối với các trường hợp khác còn lại, tiếp thu ý kiến ĐBQH, dự án Luật chỉnh lý theo hướng: Mở rộng thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được xóa nợ thuế đối với khoản nợ dưới 5 tỷ đồng trên cơ sở đề nghị của Cục trưởng Cục thuế, Cục trưởng cục Hải quan. đồng thời Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh về tình hình xóa nợ thuế tại phiên họp đầu năm.

Đối với các khoản nợ thuế từ 5 tỷ đồng trở lên: Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan quyết định xóa nợ thuế đối với các khoản nợ từ 5 tỷ đồng đến dưới 10 tỷ đồng.

Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định xóa nợ đối với doanh nghiệp thuộc trường hợp quy định tại Khoản 3, Điều 85, Luật này có khoản nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt từ 10 tỷ đồng đến dưới 15 tỷ đồng.

Thủ tướng Chính phủ quyết định xóa nợ đối với doanh nghiệp thuộc trường hợp quy định tại Khoản 3, Điều 85 của Luật này có khoản nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt từ 15 tỷ đồng trở lên.

Ngoài ra, tiếp thu tối đa ý kiến đại biểu, dự án luật cũng được chỉnh lý về từ ngữ, kỹ thuật văn bản, bảo đảm thống nhất nội dung giữa các điều, khoản, phù hợp với Hiến pháp và các văn bản pháp luật có liên quan và xin được thể hiện cụ thể trong dự thảo Luật. 

Tin mới