Đại biểu Quốc hội đoàn Nghệ An: Đồng bào miền núi vẫn còn thiếu ăn, thiếu mặc

(Baonghean.vn) - Tại phiên thảo luận tổ chiều 22/10, các đại biểu Quốc hội Nghệ An đã có nhiều ý kiến đề nghị tập trung chính sách cho phát triển miền núi vì đồng bào khu vực này còn rất nhiều khó khăn.
Đồng chí Nguyễn Đắc Vinh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An chủ trì phiên thảo luận tổ
Đồng chí Nguyễn Đắc Vinh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An chủ trì phiên thảo luận tổ.

Chiều 22/10, dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Đắc Vinh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An, tại tổ 11 gồm các đoàn Nghệ An, Hòa Bình và Bà rịa – Vũng Tàu thảo luận về các nội dung:


- Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2020.

- Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn.

- Dự thảo Nghị quyết về khoanh tiền nợ thuế, xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước.

- Việc cho lùi thời gian thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và khai thác tài nguyên nước.

Theo báo cáo, dự kiến cả nước sẽ hoàn thành toàn diện các mục tiêu phát triển KT-XH 2019, là năm thứ hai liên tiếp đạt và vượt toàn bộ 12 chỉ tiêu chủ yếu, trong đó 5 chỉ tiêu vượt kế hoạch. Nước ta được xếp thứ 8 trong số các nền kinh tế tốt nhất thế giới để đầu tư năm 2019, tăng 15 bậc so với năm 2018. Diễn đàn kinh tế Thế giới đánh giá năng lực cạnh tranh của Việt Nam cải thiện vượt bậc trên cả 3 trụ cột thể chế, cơ sở hạ tầng và kỹ năng, xếp thứ 67/141 quốc gia, vùng lãnh thổ, tăng 10 bậc so với năm 2018.

Tán thành với các nội dung đã được thể hiện trong báo cáo, đại biểu Nguyễn Thanh Hiền – Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An nhận định, năm 2019 Chính phủ, bộ, ngành đã có nhiều đổi mới trong cách làm. Các bộ, ngành, địa phương tập trung giải quyết các kiến nghị của cử tri đây cũng là tạo hiệu quả trong điều hành quản lý. Có 55% số xã đã xây dựng nông thôn mới và cơ bản thay đổi phương thức sản xuất.

Tuy nhiên, tình hình kinh tế - xã hội vẫn còn gặp không ít những khó khăn như: Công tác quản lý chưa đảm bảo, công tác thanh tra, kiểm tra còn chưa thường xuyên để chỉ khi xảy ra những vụ việc đáng tiếc mới tìm cách giải quyết; Tội phạm ma túy tiếp tục diễn biến phức tạp; công tác quản lý, bảo vệ, rừng, quản lý đất đai, khoáng sản, môi trường còn bất cập; vấn đề giao đất sản xuất cho đồng bào dân tộc ít người triển khai chậm.

Cấp phát gạo cho đồng bào nghèo vùng cao tham gia trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng. Ảnh tư liệu: P.V
Cấp phát gạo cho đồng bào nghèo vùng cao tham gia trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng. Ảnh tư liệu: P.V

Do đó, đại biểu Nguyễn Thanh Hiền đề nghị sớm thông qua Đề án tổng thể đầu tư phát triển kinh tế -xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn giai đoạn 2021 - 2025. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo; Củng cố tiềm lực quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định, chính trị, xã hội.

Đại biểu Nguyễn Vân Chi phát biểu tại phiên thảo luận tổ
Đại biểu Nguyễn Vân Chi phát biểu tại phiên thảo luận tổ.

Đại biểu Nguyễn Vân Chi cho rằng, chúng ta cần kích cầu tiêu dùng trong nước để thuận lợi cho các hàng hóa trong nước phát triển; cần có các biện pháp quản lý thuế để thu được lợi nhuận thực tế của kinh doanh. Trong báo cáo cần làm rõ mục tiêu thay đổi chính sách để đạt được số thu hơn 300 nghìn tỷ đồng và cần đưa vào kế hoạch chương trình để thực hiện; đồng thời ban hành quyết định mức để tạo ra dư địa thu.

Đối với Nghị định 20 về chuyển giá, đại biểu Nguyễn Vân Chi cũng cho rằng các doanh nghiệp còn có nhiều khó khăn. Tuy nhiên, liên quan đến lãi tiền vay gặp khó khăn cần nghiên cứu để sửa đổi, tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp.

Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu cho rằng: Trong nhiều năm Đảng, Nhà nước quan tâm đến đồng bào dân tộc. Tuy nhiên, đồng bào vẫn còn thiếu ăn thiếu mặc, thiếu điện, thiếu học và thiếu đất sản xuất và nước sạch. Đại biểu cũng đề nghị toàn Đảng, toàn dân cần tập trung cho miền núi vì đồng bào còn rất khó khăn. Đối với các dự án treo, gây lãng phí, cần có Nghị quyết xử lý các dự án treo.

Đại biểu Hồ Đức Phớc phát biểu tại phiên thảo luận
Đại biểu Hồ Đức Phớc phát biểu tại phiên thảo luận.

Theo đại biểu Hồ Đức Phớc, muốn kinh tế phát triển cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển. Tập trung giải quyết tồn đọng, tháo gỡ vướng mắc để phát triển KT-XH (đầu tư công, tháo gỡ khó khăn về đất đai; xử lý các vướng mắc giữa các Luật Đầu tư công, Luật Quy hoạch, Luật Xây dựng…); Tập trung giải quyết các vấn đề đang xảy ra: ma túy, môi trường, ô nhiễm không khí, nguồn nước, an toàn vệ sinh thực phẩm để cải thiện đời sống, sức khỏe của nhân dân nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững của xã hội.

Tin mới