Đại biểu Quốc hội đoàn Nghệ An kiến nghị Luật Giáo dục (sửa đổi) phải sát với thực tế

(Baonghean.vn) - Ngày 15/11, Quốc hội thảo luận dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) tại hội trường, các đại biểu đoàn Nghệ An đã tham gia nhiều ý kiến về dự thảo này.

Theo đại biểu Nguyễn Thanh Hiền - Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An, dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) kế thừa cấu trúc của Luật Giáo dục hiện hành và được bổ sung, sửa đổi khá toàn diện với nhiều quy định, nhiều chính sách mới, khắc phục được những tồn tại bất cập trong hoạt động giáo dục và đáp ứng được yêu cầu phát triển của sự nghiệp giáo dục nước ta trong giai đoạn tới.  

Đại biểu Nguyễn Thanh Hiền phát biểu tại phiên thảo luận Ảnh: Thanh Loan
Đại biểu Nguyễn Thanh Hiền phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: Thanh Loan
 Tuy nhiên, việc sắp xếp, bố cục của dự thảo Luật vẫn còn thiếu cân đối, chưa theo hướng tập trung các vấn đề để giải quyết, cũng như những vấn đề có chung nội dung chưa được quy định thống nhất tại một điều luật để đảm bảo vừa dễ hiểu, dễ nhận thức và đảm bảo kỹ thuật lập pháp.

Bên cạnh đó, một số nội dung, thuật ngữ chưa tương thích với các đạo luật khác, hoặc chưa thống nhất trong dự thảo luật, đặc biệt là một số nội dung cần phải được quy định cụ thể để thực hiện thì dự thảo luật còn quy định chung chung, mang tính định hướng khó tổ chức thực hiện.

Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục rà soát, sắp xếp, sửa đổi theo hướng súc tích, mạch lạc, rõ ràng hơn và có các quy định cụ thể để giải quyết từng vấn đề đặt ra.

Về chính sách nâng chuẩn trình độ được đào tạo đối với giáo viên mầm non từ trung cấp sư phạm lên cao đẳng sư phạm. Hiện nay, theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì giáo viên mầm non cả nước trong năm học 2017-2018 là 337,488 người. Số giáo viên đạt chuẩn trung cấp là 332,403 người. Và theo chuẩn của dự thảo luật giáo dục (sửa đổi) thì số giáo viên chưa đạt chuẩn trình độ cao đẳng là 107,150 người. Để giải quyết tình trạng này. Bộ Giáo dục đã có lộ trình, có nguồn lực và phương pháp để thực  hiện cụ thể theo các hình thức vừa học, vừa làm, đào tạo cuốn chiếu, đào tạo liên thông, phù hợp với từng địa bàn, từng địa phương.

Tuy nhiên, từ thực tiễn cho thấy mặc dù đúng về chủ trương nhưng thiếu các quy định cụ thể thì việc thực hiện còn gặp khó khăn. Vì vậy, tôi đề nghị cần phải xây dựng kế hoạch thực hiện hợp lý để giáo viên yên tâm công tác, bố trí, sắp xếp việc đào tạo, bồi dưỡng hàng năm phù hợp với yêu cầu giảng dạy, tránh tình trạng thiếu giáo viên cục bộ ở một số nơi thì vẫn tiếp tục phải hợp đồng giáo viên để giảng dạy. Đồng thời, khi thực hiện đại trà thì các địa phương miền núi sẽ gặp khó khăn, do đó cần tính đến đặc thù của từng địa phương để triển khai.

Theo đại biểu Hiền, để tiếp tục thực hiện xã hội hóa trong giáo dục thì dự thảo luật cũng cần phải nghiên cứu để có các quy định điều chỉnh sự chênh lệch, sự khó khăn trong thực hiện XHH giữa các vùng, miền. Mặt khác, cần có cơ chế quản lý, kiểm tra, giám sát các nguồn thu, sử dụng từ XHH.

Mặt khác, cùng với việc vận động xã hội hóa giáo dục, tôi đề nghị cần phải quy định thêm việc thực hiện đóng góp Quỹ xây dựng trường hàng năm cho tất cả các đối tượng để bảo đảm công bằng trong thực hiện nghĩa vụ để các cơ sở giáo dục có nguồn lực xây dựng, đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất trong khi ngân sách nhà nước còn hạn hẹp, đồng thời có chính sách miễn giảm cho đối tượng học sinh là con hộ nghèo và gia đình chính sách một cách phù hợp.

Cũng cho ý kiến vào dự thảo Luật này, đại biểu Đinh Thị Kiều Trinh - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An cho biết: Tại điều 30 “Chương trình giáo dục phổ thông, sách giáo khoa” tại khoản 1 nêu: “chương trình giáo dục phổ thông thống nhất trong cả nước và được tổ chức thực hiện linh hoạt, phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương và cơ sở giáo dục…”.

Tại điều 2 lại nêu “Thực hiện xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa, cơ sở giáo dục được lựa chọn sách giáo khoa để sử dụng ổn định trong giảng dạy”.

Đại biểu cho rằng, vì chương trình giáo dục phổ thông thống nhất trong cả nước thì nội dung sách giáo khoa từng cấp học cũng phải được thống nhất trong cả nước, thực tế những năm qua cho thấy, nội dung, chương trình sách giáo khoa không đồng bộ, thống nhất gây dư luận bức xúc, bất bình trong phụ huynh, học sinh. Do vậy, cần quy định thống nhất chương trình, sách giáo khoa trong cả nước để đảm bảo việc dạy, học, thi cử đồng nhất trong cả nước...

Ngoài ra, đại biểu Kiều Trinh cũng phân tích và góp ý về các quy định: thu học phí; trình độ chuẩn đào tạo của nhà giáo; phân luồng học sinh... đề nghị Ban soạn thảo cần đánh giá tác động và đề xuất các giải pháp để các quy định này được thực thi trên thực tế.

Tin mới