Đại biểu Quốc hội Đoàn Nghệ An: Sửa Luật Đấu thầu cần bịt được những kẽ hở, tránh thông thầu

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Chiều 7/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Đoàn ĐBQH Nghệ An thảo luận tại Tổ 16 cùng Đoàn ĐBQH các tỉnh Phú Yên, Tây Ninh về: Dự án Luật Giá (sửa đổi); Dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi); Việc thực hiện Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam liên quan đến thông tin “nơi sinh” trên hộ chiếu.
Toàn cảnh phiên thảo luận tại Tổ 16. Ảnh: Quang Khánh

Toàn cảnh phiên thảo luận tại Tổ 16. Ảnh: Quang Khánh

ĐỀ NGHỊ CÓ QUY ĐỊNH RIÊNG VỀ ĐẤU THẦU THUỐC, VẬT TƯ Y TẾ

Về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi), đại biểu Thái Thị An Chung - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An tán thành ý kiến là nên có một chương riêng liên quan đến đấu thầu thuốc, vật tư y tế, hóa chất, sinh phẩm, vì đây là một loại hàng hóa rất đặc thù.

Đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH, Chủ tịch HĐND tỉnh Nghệ An chủ trì thảo luận tại Tổ 16 chiều 7/11. Ảnh: Quochoi.vn

Đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH, Chủ tịch HĐND tỉnh Nghệ An chủ trì thảo luận tại Tổ 16 chiều 7/11. Ảnh: Quochoi.vn

“Hiện nay, đồng thời với việc sửa đổi Luật Đấu thầu thì chúng ta đang sửa đổi Luật Khám, chữa bệnh. Trong quá trình thảo luận cũng có nhiều ý kiến thảo luận xung quanh nội dung này. Để có thể giải quyết được triệt để vướng mắc trong công tác đầu thầu thuốc, vật tư y tế và hóa chất thì trong Luật Đấu thầu sửa đổi nên có một chương riêng”, vị đại biểu Đoàn Nghệ An nêu quan điểm.

Theo đó, trong chương này cũng phải có những quy định rõ hơn về công tác phân cấp, phân quyền đối với hoạt động đấu thầu trong lĩnh vực y tế. Bởi thực tế hiện nay, có nhiều đơn vị được giao tự chủ mức độ 1, mức độ 2, do đó việc phân cấp trong đấu thầu cần phải rõ để thuận lợi trong thực hiện.

Cùng với đó, đại biểu An Chung cũng đề nghị trong Luật Đấu thầu sửa đổi chỉ nên quy định có tính chất bắt buộc việc đăng tải các thông tin liên quan đấu thầu ở một địa chỉ duy nhất là Hệ thống đấu thầu quốc gia. Mặt khác, Luật sửa đổi cũng cần quy định xử lý hủy thầu trong trường hợp mời thầu nhiều lần mà không có người tham gia.

Đại biểu Thái Thị An Chung - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An thảo luận về dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi). Ảnh: Hồ Long

Đại biểu Thái Thị An Chung - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An thảo luận về dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi). Ảnh: Hồ Long

Cũng liên quan đến dự Luật này, đại biểu Võ Thị Minh Sinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nghệ An phân tích các điều khoản liên quan đến việc ký kết hợp đồng dự án đầu tư kinh doanh, nhất là điều kiện ký hợp đồng. Theo đó, tại thời ký kết, nhà đầu tư được lựa chọn phải đáp ứng được năng lực kỹ thuật, tài chính để thực hiện các dự án theo yêu cầu hồ sơ mời thầu.

Tuy nhiên, đối chiếu quy định này, vị đại biểu Đoàn Nghệ An bày tỏ băn khoăn khi dự thảo Luật chưa quy định rõ căn cứ xác định “đáp ứng năng lực tài chính” của nhà thầu; vấn đề xử lý trường hợp hủy thầu nếu nhà thầu không đủ năng lực hoặc việc bù đắp chi phí cho các bên liên quan để bù đắp chi phí đấu thầu lại;… cho nên nếu thực hiện sẽ rất khó khăn.

Mặt khác, đại biểu Võ Thị Minh Sinh cũng đặt vấn đề, tại sao không quy định yêu cầu làm rõ năng lực của nhà thầu ở giai đoạn trình thẩm định, phê duyệt công khai kết quả lựa chọn thầu mà phải đến bước cuối cùng là ký kết hợp đồng mới xác định năng lực tài chính của nhà thầu?

Đại biểu Võ Thị Minh Sinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nghệ An thảo luận về dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi). Ảnh: Quang Khánh

Đại biểu Võ Thị Minh Sinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nghệ An thảo luận về dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi). Ảnh: Quang Khánh

Bà Võ Thị Minh Sinh cũng đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc xem xét bổ sung vào hoạt động giám sát, theo dõi hoạt động đấu thầu của các tổ chức chính trị - xã hội, vì trong dự thảo Luật chưa thấy “bóng dáng” của các tổ chức này, mà mới quy định toàn bộ nội dung giám sát là do cơ quan quản lý Nhà nước về đấu thầu thực hiện.

Còn đại biểu Trần Đức Thuận - Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu xây dựng Luật này theo hướng có những quy định chặt chẽ, bịt được những kẽ hở; đảm bảo công khai, minh bạch, rõ ràng khi đấu thầu; tránh lợi dụng kẻ hở để thực hiện các hành vi tiêu cực, thông thầu.

Tướng Trần Đức Thuận cũng đề nghị Luật Đấu thầu sửa đổi có quy định giao Bộ Quốc phòng quy định nội dung về công tác đấu thầu trong Bộ Quốc phòng, để vừa đảm bảo không trái quy định của Luật; vừa đảm bảo bí mật quân sự, bí mật Nhà nước về mua sắm tài sản, hàng hóa phục vụ nhiệm vụ quốc phòng.

Liên quan đến dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi), bà Hoàng Thị Thu Hiền - Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN Nghệ An nhận định: Quy định “gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn mà người có thẩm quyền xét thấy cần có sự tham gia của nhà đầu nước ngoài để nâng cao chất lượng gói thầu” là không rõ ràng, có tính định tính; trong khi các quy định liên quan đến sự tham gia của nhà thầu quốc tế đã rất rõ. Do đó, đại biểu đề nghị bỏ quy định trên khỏi dự thảo Luật.

Toàn cảnh phiên thảo luận tại Tổ 16. Ảnh: Quang Khánh

Toàn cảnh phiên thảo luận tại Tổ 16. Ảnh: Quang Khánh

Cùng với đó, trên cơ sở phân tích bản chất của đấu thầu là mang tính công khai, cạnh tranh, vị đại biểu Đoàn Nghệ An cũng nêu quan điểm không nên quy định điều luật về đấu thấu hạn chế, mà việc này sẽ được quy định trong các yêu cầu của gói thầu cụ thể đối với một số gói thầu có tính chuyên môn cao khi tổ chức mời thầu.

Mặt khác, đại biểu Hoàng Thị Thu Hiền cũng bày tỏ không đồng tình khi nhiều điểm trong quy định của dự thảo Luật đưa ra như: Thi công di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật để phục vụ công trình, giải phóng mặt bằng, thi công rà phá bom mìn hoặc gói thầu thực hiện các dự án quan trọng quốc gia cần triển khai ngay theo Nghị quyết của Quốc hội lại thuộc phạm vi điều chỉnh về chỉ định thầu.

“Dự án quan trọng quốc gia theo Nghị quyết của Quốc hội thường là dự án lớn cần được đấu thầu rộng rãi, lựa chọn được nhà thầu đủ năng lực”, đại biểu nêu quan điểm và đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu để xây dựng danh mục chỉ định thầu phù hợp hơn.

BĂN KHOĂN QUY ĐỊNH ĐỦ ĐIỀU KIỆN KINH DOANH DỊCH VỤ

THẨM ĐỊNH GIÁ

Về Luật Giá (sửa đổi), ông Trần Nhật Minh - ĐBQH chuyên trách Đoàn Nghệ An cho rằng, dự thảo Luật quy định “HĐND cấp tỉnh giao Thường trực HĐND có ý kiến quyết định giá hàng hóa, dịch vụ trong trường hợp UBND cấp tỉnh trình xin ý kiến theo quy định của pháp luật” là chưa phù hợp với quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND cấp tỉnh tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương; do đó nên bỏ khỏi dự thảo Luật giá sửa đổi.

Ông Trần Nhật Minh - ĐBQH chuyên trách Đoàn Nghệ An thảo luận về dự thảo Luật Giá (sửa đổi). Ảnh: Quang Khánh

Ông Trần Nhật Minh - ĐBQH chuyên trách Đoàn Nghệ An thảo luận về dự thảo Luật Giá (sửa đổi). Ảnh: Quang Khánh

Đối với công tác quản lý Nhà nước về giá, thẩm định giá, đại biểu Trần Nhật Minh cũng đề nghị cân nhắc, theo hướng không nên quy định cụ thể về việc giao nhiệm vụ cho Bộ trưởng Bộ Tài chính, UBND cấp tỉnh đối với cơ quan quản lý giá thuộc Bộ, tỉnh như dự thảo nhằm tạo sự linh hoạt trong công tác điều hành cho người đứng đầu Bộ, địa phương.

Vị đại biểu Đoàn Nghệ An cũng bày tỏ băn khoăn khi dự thảo Luật quy định để được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá cần ít nhất có 5 người có thẻ thẩm định viên về giá so với quy định chỉ 3 người so với Luật hiện hành; trong khi đó báo cáo tác động của Chính phủ chưa nêu rõ lý do, những tác động tích cực, tiêu cực của việc sửa đổi, bổ sung theo hướng như trên trong Luật Giá sửa đổi lần này.

Các đại biểu Quốc hội Đoàn Nghệ An tại phiên thảo luận Tổ. Ảnh: Quochoi.vn

Các đại biểu Quốc hội Đoàn Nghệ An tại phiên thảo luận Tổ. Ảnh: Quochoi.vn

Trước đó, sáng 7/11, Quốc hội làm việc tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi); Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật này. Quốc hội cũng đã thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk trước khi Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Tiếp đó, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về việc thực hiện Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam liên quan đến thông tin “nơi sinh” trên hộ chiếu; Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo thẩm tra việc thực hiện Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam liên quan đến thông tin “nơi sinh” trên hộ chiếu. Tiếp đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá và Bộ trưởng Bộ Công an phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Tin mới