Đại biểu Quốc hội Nghệ An: Quy định cụ thể để tránh lạm dụng kỹ thuật trong khám, chữa bệnh

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn) - Đại biểu Thái Thị An Chung - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An đề nghị Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) cần bổ sung thêm quy định sử dụng kỹ thuật trong khám, chữa bệnh để tránh lạm dụng nhằm giảm thời gian, thủ tục, chi phí cho người bệnh, cũng như giảm chi của Quỹ Bảo hiểm y tế.

Trong phiên thảo luận tổ chiều 26/5, dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) nhận được nhiều ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội về các nội dung liên quan.

Đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Nghệ An chủ trì thảo luận tại Tổ 11 gồm các đại biểu của các tỉnh: Bắc Giang, Khánh Hòa và Nghệ An.

Đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nghệ An, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An chủ trì thảo luận tại Tổ 11. Ảnh: Phan Hậu
Đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nghệ An, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An chủ trì thảo luận tại Tổ 11. Ảnh: Phan Hậu

Góp ý về dự án luật này, đại biểu Thái Thị An Chung - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An đánh giá, nội dung luật không đề cập đến hoạt động y tế dự phòng. Tuy nhiên, trong dự thảo Luật có nhiều điều khoản liên quan đến nội dung này, do đó đề nghị không đưa vào quy định về hoạt động y tế dự phòng.

Bên cạnh đó, khi ban hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), cũng cần sớm xây dựng Luật về phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe theo như định hướng xây dựng chương trình xây dựng luật và pháp lệnh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành. Vì vấn đề phòng bệnh là vấn đề rất đáng quan tâm và cũng để đảm bảo đồng bộ với Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). “Nếu bỏ chi phí một đồng phòng bệnh, có thể giảm 3 đồng trong chữa bệnh”, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An nói.

Đại biểu Thái Thị An Chung - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An phát biểu ý kiến. Ảnh: Phan Hậu

Đại biểu Thái Thị An Chung - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An phát biểu ý kiến. Ảnh: Phan Hậu

Đại biểu Thái Thị An Chung cũng đồng tình cao với điểm mới được đưa vào dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) là giao cho Hội đồng Y khoa quốc gia tổ chức thi và cấp, thu hồi giấy phép hành nghề của cá nhân.

“Hội đồng Y khoa quốc gia đã được thành lập năm 2020 và đã ban hành quy chế hoạt động. Như vậy, tôi thấy Chính phủ đã có bước chuẩn bị trước về cấp giấy phép hành nghề”, nữ đại biểu nói và cho rằng, đây là phương án tốt, đảm bảo được tính độc lập, tách bạch với công tác quản lý Nhà nước của Bộ Y tế về khám, chữa bệnh và hành nghề của cá nhân.

Đại biểu Thái Thị An Chung cũng đồng tình với việc phân cấp, giao thẩm quyền cho Sở Y tế cấp tỉnh trong việc cấp và thu hồi giấy phép hoạt động đối với các bệnh viện tư nhân, bệnh viện của các bộ, ngành trên địa bàn, trừ các bệnh viện thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng và Bộ Công an trong bối cảnh tăng cường phân cấp, phân quyền như hiện nay.

Tuy nhiên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An bày tỏ không đồng tình với nội dung dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) là đóng phí để duy trì giấy phép hành nghề vì đội ngũ cán bộ y tế đang thiếu, cũng như thời gian vừa qua có thể thấy sự đóng góp của đội ngũ này rất lớn; trong khi các hoạt động nghề nghiệp khác không đặt ra vấn đề đóng phí duy trì giấy phép hành nghề.

Đặc biệt, dự thảo luật lần này quy định trường hợp từ chối khám chữa bệnh khi người bệnh, thân nhân người bệnh không tuân thủ các nội quy, quy chế hoạt động các cơ sở; không tuân thủ chẩn đoán, chỉ định của người hành nghề sau khi được người hành nghề tư vấn.

Quy định trên trong dự thảo khiến đại biểu Thái Thị An Chung tỏ ra băn khoăn và đề nghị nghiên cứu sửa đổi vì liên quan đến vấn đề y đức, quy định Hiến pháp cũng khẳng định quyền được khám, chữa bệnh của công dân; đồng thời nội quy, quy chế hoạt động của cơ sở khám, chữa bệnh thực chất chỉ là quy chế nội bộ. Đại biểu bày tỏ đồng tình từ chối khám, chữa bệnh trường hợp nếu người bệnh hoặc người nhà bệnh nhân đe dọa tính mạng; xúc phạm danh dự, nhân phẩm của đội ngũ y bác sĩ.

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An cũng đề nghị bổ sung thêm quy định sử dụng kỹ thuật trong khám, chữa bệnh, trường hợp nào chỉ định kỹ thuật xét nghiệm, trường hợp nào liên thông sử dụng lại kết quả xét nghiệm trước đó để giảm thời gian, thủ tục, chi phí cho người bệnh và giảm chi cho Quỹ Bảo hiểm y tế vì trong thực tế có tình trạng lạm dụng kỹ thuật trong khám, chữa bệnh khi người bệnh từ cơ sở y tế này chuyển sang cơ sở y tế khác vẫn được chỉ định thực hiện lại các kỹ thuật xét nghiệm đã thực hiện trước đó.

Đại biểu Hoàng Minh Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội phát biểu ý kiến. Ảnh: Phan Hậu

Đại biểu Hoàng Minh Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội phát biểu ý kiến. Ảnh: Phan Hậu

Còn đại biểu Hoàng Minh Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nhận định: với mục tiêu lấy người bệnh làm trung tâm, thì dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) chưa đảm bảo được mục tiêu đó.

Nguyên nhân theo đại biểu phân tích là có những vấn đề rất quan trọng mà trong dự án luật chưa thể hiện rõ, nhất là mối quan hệ giữa người bệnh và người khám, chữa bệnh; cụ thể là trong dự án luật này hầu như chưa đặt quyền của người được khám, chữa bệnh.

Qua tham khảo kinh nghiệm một số nước, đại biểu Hoàng Minh Hiếu cho biết, để đảm bảo quyền của người được khám, chữa bệnh có nhiều yếu tố, trong đó có 3 yếu tố quan trọng nhất là: bảo vệ thông tin của bệnh nhân; xử lý xung đột lợi ích giữa người khám, chữa bệnh và người được khám, chữa bệnh; trách nhiệm trong việc chăm sóc và đưa ra phác đồ điều trị.

Đại biểu Phạm Phú Bình - Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội nêu ý kiến về quy định sử dụng ngôn ngữ trong hành nghề khám, chữa bệnh. Ảnh: Phan Hậu

Đại biểu Phạm Phú Bình - Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội nêu ý kiến về quy định sử dụng ngôn ngữ trong hành nghề khám, chữa bệnh. Ảnh: Phan Hậu

Tuy nhiên, theo đại biểu Đoàn Nghệ An, trong dự thảo luật lần này mới chỉ đề cập đến một số yếu tố trong mối quan hệ trên liên quan đến bảo đảm thông tin và cung cấp thông tin trong quá trình khám, chữa bệnh; song cũng mới chỉ đề cập đến quyền, chứ chưa đề cập đến các biện pháp.

Trên cơ sở phân tích đó, ông tha thiết đề nghị: dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) cần phải được đầu tư thêm để có biện pháp bảo vệ tốt hơn đối với người được khám, chữa bệnh.

Ngoài ra, đại biểu Quốc hội đoàn Nghệ An cũng đề cập, góp ý vào một số nội dung khác của Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).

Tin mới