Đại biểu Quốc hội: Nhiều địa phương không nghiêm túc khi thực hiện Quyết định 22

(Baonghean.vn) - Bà Nguyễn Vân Chi cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến chính sách hỗ trợ nhà cho người có công đến nay có nhiều bức xúc là do một số địa phương chưa nghiêm túc.

Sáng 2/12, tại trụ sở UBND xã Diễn Lợi (Diễn Châu), các đại biểu Quốc hội gồm: bà Nguyễn Vân Chi - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội; ông Nguyễn Thanh Hiền - Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An đã có buổi tiếp xúc cử tri với 4 xã: Diễn Lợi, Diễn Lộc, Diễn Phú, Diễn Thọ.

Cùng dự có đại diện các sở, ban, ngành cấp tỉnh và một số lãnh đạo huyện Diễn Châu.

Đông đảo người dân 4 xã ở Diễn Châu về dự cuộc tiếp xúc cử tri.
Đông đảo người dân 4 xã ở Diễn Châu về dự cuộc tiếp xúc cử tri.

Phát biểu với đại biểu Quốc hội, cử tri Cao Văn Thái - Chủ tịch UBND xã Diễn Phú, cho rằng chế độ phụ cấp của người hoạt động không chuyên trách ở xã và các thôn, bản hiện nay quá thấp, ảnh hưởng đến hiệu quả của công việc. “Nhiều cán bộ do phụ cấp quá thấp đã xin từ chức. Nếu không cải thiện được vấn đề này sẽ ảnh hưởng đến cả công tác cán bộ nguồn”, ông Thái nói.

Ông Thái cũng bày tỏ lo ngại về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm với đại biểu Quốc hội. Cử tri này cho rằng, đây là vấn đề nan giải, phải từng bước giải quyết. “Trước tiên phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, có từng thông điệp cụ thể đến người dân để từng bước nâng cao ý thức, đạo đức của người tiêu dùng cũng như các hộ kinh doanh. Ngoài ra, cũng cần đẩy mạnh tăng cường quản lý nhà nước và chế tài xử phạt người vi phạm”, cử tri Thái đề xuất.

Trong khi đó, cử tri Lưu Văn Khoa cho hay, ông vốn là cựu chiến binh phục vụ nhiều năm ở chiến trường. Sau khi xuất ngũ, hai vợ chồng ông có con tàn tật bẩm sinh. Năm 2002, ông Khoa được cho đi giám định để hưởng chế độ chất hóa học nhưng đến nay vẫn chưa được hưởng. Cử tri Khoa mong đại biểu tiếp nhận, hối thúc các cơ quan chức năng giải quyết trường hợp của mình.

Cử tri
Cử tri Lưu Văn Khoa nêu lên trường hợp của mình chưa được giải quyết chế độ chất độc hóa học.

Cho rằng tình trạng tham nhũng vẫn còn rất nhiều, cử tri Nguyễn Đức Kiên, kiến nghị cần phải xử lý các tội phạm tham nhũng dứt điểm. Cũng giống nhiều ý kiến bức xúc của các cử tri nêu tại hội nghị, ông Kiên cho rằng trong việc chậm chi trả cho các hộ được hưởng Quyết định 22, cấp nào sai thì phải kiểm điểm đồng thời cần hỗ trợ sớm cho người dân. “Họ vay tiền làm nhà chưa được Nhà nước cấp thì đã chết rồi. Mong Quốc hội và Chính phủ cần quan tâm vấn đề này”, ông Kiên nói.

Cũng bày tỏ lo ngại về vệ sinh an toàn thực phẩm, cử tri Cao Văn Thành, cho rằng cần quan tâm hơn nữa trong việc đầu tư sản xuất thực phẩm sạch. “Ngoài ra đề nghị chính quyền xem xét lại cách đấu giá đất. Với quy trình đấu giá như thời gian qua, người dân muốn mua rất khó”, ông Thành nói.

Trong khi đó, cử tri Bùi Thăng Long, phản ánh nhiều thắc mắc trong công tác chế độ chính sách cho người có công. “Tôi muốn hỏi các đối tượng người có công đã được tạo điều kiện kê khai, rà soát nhưng bây giờ đã chết có được nhận nữa không….”, ông Long nói.

Tại hội nghị, đại diện chính quyền huyện Diễn Châu và Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã giải trình một số kiến nghị của cử tri.

Giải thích về việc Nhà nước chậm chi trả cho những hộ được hưởng Quyết định 22 - vấn đề nhiều cử tri phản ánh tại hội nghị, bà Nguyễn Vân Chi, cho hay trong các phiên họp của Quốc hội cũng đã có báo cáo giải trình về việc này. “Vấn đề này liên tục được nêu ra, gây áp lực đòi hỏi các Bộ giải quyết rốt ráo. Cho đến nay, chủ trương chính sách là đúng, nhưng quá trình thực hiện lại xảy ra bất cập”, bà Chi nói.

Đ
Đại biểu Nguyễn Vân Chi giải trình các kiến nghị của cử tri.

Theo đại biểu Nguyễn Vân Chi, lúc xây dựng chính sách hỗ trợ làm nhà cho người có công vào năm 2012, 50 tỉnh thành báo cáo lên chỉ có 71.000 hộ nằm trong danh sách với tổng số tiền hỗ trợ gần 3.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau đó các địa phương liên tục bổ sung danh sách, đến tháng 8/2016, là hơn 300.000 hộ. Đồng nghĩa với việc số tiền hỗ trợ tăng rất nhiều, trong khi ngân sách đang khó khăn.

“Sau việc này, có nhiều vấn đề rút ra. Thứ nhất, trong công tác rà roát, nhiều địa phương làm không nghiêm túc mới gây ra tình trạng này, cần phải rút kinh nghiệm. Ngoài ra, ở bất cứ lĩnh vực nào,  khi đưa ra chính sách nào cũng phải dự định được nguồn sau đó mới tính được độ khả thi”, bà Chi nói và cho hay, các bộ, ngành liên quan đang rốt ráo để xử lý vấn đề này, dự kiến trong năm 2017 sẽ giải ngân để chi trả cho các hộ chính sách.

Về vấn đề phụ cấp với cán bộ cấp cơ sở, bà Nguyễn Vân Chi cho rằng, đây là vấn đề nổi cộm trên địa bàn cả nước. Hiện nay, một mặt Bộ trưởng Bộ Nội vụ đang triển khai kế hoạch tinh giảm biên chế ở các bộ, ngành. Mặt khác, Bộ Tài chính cũng đang làm các vấn đề để cải cách tiền lương. Dự kiến, trong năm 2017 sẽ tăng mức lương cơ bản lên 1,3 triệu đồng/tháng.

Đối với vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, bà Chi cho hay, tại các phiên chất vấn của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ cũng đã dành nhiều thời gian để nói vấn đề này. “Nhà nước sẽ tiếp tục tăng cường quản lý để đảm bảo an toàn thực phẩm. Với góc độ đại biểu Quốc hội, chúng tôi cũng sẽ theo dõi và giám sát vấn đề này”, đại biểu Nguyễn Vân Chi nói.

Đ
Các đại biểu Quốc hội trao quà cho các gia đình hộ nghèo.

Cuối hội nghị, đại biểu Nguyễn Vân Chi cho hay, trong phiên họp Quốc hội vừa qua, các đại biểu tỉnh Nghệ An đã phát biểu sôi nổi ở nghị trường cũng như tại các phiên thảo luận tổ. Tại hội nghị, các đại biểu cũng đã trao 11 suất quà tới 11 hộ nghèo trên địa bàn xã Diễn Lợi.

Trước đó, ông Nguyễn Thanh Hiền báo cáo với cử tri kết quả kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa 14.

Tiến Hùng

TIN LIÊN QUAN

Tin mới