Đại biểu Quốc hội tán thành dự án Luật Đo đạc và bản đồ với tỷ lệ 92,61%

(Baonghean.vn) - Chiều 14/6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, QH đã thông qua dự án Luật Đo đạc và bản đồ với 92,61% số ĐBQH tán thành.
Toàn cảnh phiên thảo luận sáng 14/6. Ảnh: Diệp Anh
Toàn cảnh phiên thảo luận sáng 14/6. Ảnh: Diệp Anh

Với 9 chương, 61 điều, Luật Đo đạc và bản đồ quy định về hoạt động đo đạc và bản đồ cơ bản; hoạt động đo đạc và bản đồ chuyên ngành; chất lượng sản phẩm đo đạc và bản đồ; công trình hạ tầng đo đạc; thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ; hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia; điều kiện kinh doanh dịch vụ đo đạc và bản đồ; quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân hoạt động đo đạc và bản đồ; quản lý nhà nước về đo đạc và bản đồ.

Luật quy định nguyên tắc cơ bản trong hoạt động đo đạc và bản đồ, theo đó, hoạt động đo đạc và bản đồ phải bảo đảm chủ quyền quốc gia, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế; phù hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; kịp thời ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ. Thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ phải được cập nhật, cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý tài nguyên và môi trường, phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, ứng phó với biến đổi khí hậu, nâng cao dân trí...

Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An bấm nút thông qua. Ảnh: Diệp Anh
Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An bấm nút thông qua. Ảnh: Diệp Anh
Về chính sách của Nhà nước về đo đạc và bản đồ, Luật quy định, Nhà nước đầu tư phát triển hoạt động đo đạc và bản đồ đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh. Nhà nước ưu tiên đầu tư hoạt động đo đạc và bản đồ phục vụ phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, khắc phục sự cố môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; phát triển và ứng dụng hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia; nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ đo đạc và bản đồ theo hướng tiên tiến, hiện đại...

Về các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động đo đạc và bản đồ, luật quy định, nghiêm cấm giả mạo làm sai lệch số liệu, kết quả đo đạc và bản đồ; phá hủy, làm hư hỏng công trình hạ tầng đo đạc; vi phạm hành lang bảo vệ công trình hạ tầng đo đạc. Nghiêm cấm xuất bản, lưu hành sản phẩm đo đạc và bản đồ, xuất bản phẩm bản đồ liên quan đến chủ quyền lãnh thổ quốc gia mà không thể hiện hoặc thể hiện không đúng chủ quyền, biên giới quốc gia.

Ngoài ra, nghiêm cấm cản trở hoạt động đo đạc và bản đồ hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân; lợi dụng hoạt động đo đạc và bản đồ để xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân…

Luật quy định Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về hoạt động đo đạc và bản đồ trong cả nước. Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ; Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch UBND cấp tỉnh tổ chức kiểm tra, xử lý vi phạm trong việc chấp hành các quy định về điều kiện năng lực hoạt động của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động đo đạc và bản đồ theo thẩm quyền.

Luật Đo đạc và bản đồ có hiệu lực từ ngày 1/1/2019.

Cũng trong buổi chiều, QH thảo luận tại Hội trường về Dự án Luật Chăn nuôi.

Trước đó, buổi sáng, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao với 93,84 % số đại biểu tán thành.

Tin mới