Đại biểu Quốc hội Thái Văn Thành: Cần thiết thành lập Quỹ Hỗ trợ, phát triển điện ảnh Việt Nam

(Baonghean.vn) - Đại biểu Thái Văn Thành - Đoàn ĐBQH Nghệ An đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần xác định tầm quan trọng của điện ảnh và sự cần thiết để thành lập Quỹ Hỗ trợ, phát triển điện ảnh nhằm thúc đẩy điện ảnh Việt Nam phát triển theo định hướng vừa như một ngành nghệ thuật, vừa là một ngành công nghiệp văn hóa.

Chiều 28/10, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội thảo luận trực tuyến về Dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi).

Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) gồm 8 chương, 50 điều, trong đó kế thừa, chỉnh lý, sửa đổi và bổ sung 32 điều, quy định mới 18 điều so với Luật Điện ảnh hiện hành. 

Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội. Ảnh: Quochoi.vn
Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội. Ảnh: Quochoi.vn

BĂN KHOĂN VỀ QUỸ HỖ TRỢ, PHÁT TRIỂN ĐIỆN ẢNH

Liên quan đến việc có nên thành lập Quỹ Hỗ trợ, phát triển điện ảnh, một số ý kiến đại biểu đề nghị không nên xây dựng quỹ này trong Luật Điện ảnh (sửa đổi), vì Luật Điện ảnh hiện hành đã ban hành 14 năm nay có quy định xây dựng quỹ nhưng đến nay không thực hiện được.

Phát biểu tranh luận, đại biểu Thái Văn Thành - Đoàn Nghệ An đồng tình thành lập Quỹ Hỗ trợ, phát triển điện ảnh. Vì theo đại biểu, đây là giải pháp hiệu quả nhằm hỗ trợ đầu tư cho các tài năng trẻ, nâng cao chất lượng nội dung nghệ thuật, kỹ thuật của các tác phẩm điện ảnh, xúc tiến quảng bá đất nước, con người và điện ảnh Việt Nam thông qua chính các tác phẩm điện ảnh có chất lượng cao được giới thiệu, phổ biến đến khán giả nước ngoài, tham dự các liên hoan phim quốc tế.

Đại biểu Thái Văn Thành phát biểu tranh luận về Dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi). Ảnh: Thành Duy
Đại biểu Thái Văn Thành phát biểu tranh luận về Dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi). Ảnh: Thành Duy

Đại biểu Thái Văn Thành phân tích: Trong bối cảnh hiện nay, cơ chế đặt hàng sản xuất có sử dụng ngân sách Nhà nước, chưa bao gồm sản xuất các phim tạm gọi dòng phim tác giả (phim độc lập), phim nghệ thuật, phim đầu tay của các tài năng mới. Vì vậy, nếu Quỹ Hỗ trợ, phát triển điện ảnh được thành lập sẽ đặc biệt hiệu quả trong việc hỗ trợ, khuyến khích các tài năng sáng tạo; duy trì và phát triển dòng phim nghệ thuật; qua đó tạo ra được sự hài hòa phát triển giữa các dòng phim của Việt Nam.

Mặt khác, theo đại biểu đến từ đoàn Nghệ An, sản xuất phim là lĩnh vực cần có sự đầu tư kinh phí lớn, tuy nhiên, việc thu hồi vốn để tái đầu tư gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí nguy cơ gặp rủi ro cao, đặc biệt là các phim nghệ thuật. Cho nên, Quỹ Hỗ trợ, phát triển điện ảnh cũng có vai trò hỗ trợ, khuyến khích, chia sẻ khó khăn với các nhà sản xuất phim.

Cũng theo đại biểu, trong Luật Điện ảnh hiện nay chưa có điều khoản nào quy định ngân sách Nhà nước chi cho sản xuất những phim tác giả mang đậm tính nghệ thuật để tranh giải tại các hoan phim quốc tế. “Nếu không có Quỹ Hỗ trợ, phát triển điện ảnh để đầu tư, khuyến khích người tài sẽ dẫn đến việc Nhà nước luôn đứng ngoài, không hỗ trợ mức độ cần thiết cho các tác phẩm có thể đưa điện ảnh Việt Nam xác lập vị thế văn hóa trên trường quốc tế”, GS. TS Thái Văn Thành trăn trở. 

Do đó, đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần xác định tầm quan trọng của điện ảnh và sự cần thiết để thành lập Quỹ Hỗ trợ, phát triển điện ảnh nhằm thúc đẩy điện ảnh Việt Nam phát triển theo định hướng vừa như một ngành nghệ thuật, vừa là một ngành công nghiệp văn hóa.

Nhấn mạnh để Quỹ Hỗ trợ, phát triển điện ảnh phát huy được hiệu quả cần xây dựng cơ chế quản lý quỹ này rõ ràng, đại biểu đoàn Nghệ An đề nghị, quỹ cần phải được Nhà nước cấp kinh phí do cơ quan quản lý chuyên ngành điều hành với mục đích phát triển nghệ thuật điện ảnh nước nhà, hỗ trợ các nhà làm phim; đồng thời cũng cần có quy định phù hợp về việc đóng góp tài chính từ doanh thu doanh nghiệp phát hành phim vào quỹ nhằm góp phần thúc đẩy điện ảnh dân tộc phát triển.

TIỀN KIỂM HAY HẬU KIỂM PHỔ BIẾN PHIM TRÊN MẠNG?

Các đại biểu đã có nhiều ý kiến thảo luận bao quát toàn diện các vấn đề liên quan đến điện ảnh; khắc phục tình trạng “luật khung”, “luật ống”; bảo đảm phù hợp, đồng bộ, khả thi; tuân thủ Hiến pháp, tôn trọng quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện ảnh; tạo hành lang pháp lý thuận lợi, khuyến khích sự tham gia của toàn xã hội phát triển ngành Điện ảnh.

Đặc biệt, đối với phổ biến phim trên không gian mạng nhận được nhiều ý kiến đại biểu do đây là hoạt động đang ngày càng phổ biến, song còn có nhiều khoảng trống về pháp lý.

Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh, đoàn Bình Định đồng tình với việc ưu tiên hậu kiểm đối với phổ biến phim trên không gian mạng khi số lượng phim quá nhiều. Tuy nhiên, vấn đề đại biểu phân vân là làm sao kiểm soát để trẻ em xem phim trên không gian mạng phù hợp độ tuổi. 

Đại biểu Vi Văn Sơn - Đoàn Nghệ An dự phiên thảo luận trực tuyến tại điểm cầu Nghệ An. Ảnh: Thành Duy
Đại biểu Vi Văn Sơn - Đoàn Nghệ An dự phiên thảo luận trực tuyến tại điểm cầu Nghệ An. Ảnh: Thành Duy

Theo đại biểu đến từ đoàn Bình Định, quyền lợi đi liền với trách nhiệm, do đó, tổ chức phổ biến phim trên không gian mạng cần thiết lập hệ thống kiểm soát trẻ em để người lớn quản lý được phim nào trẻ em được xem phù hợp với lứa tuổi thì được áp dụng ưu tiên hậu kiểm; còn tổ chức nào chưa có hệ thống kiểm soát trẻ em thì áp dụng tiền kiểm.

Về nội dung này, sau khi phân tích các thuận lợi, khó khăn đối với 2 phương án tiền kiểm hay hậu kiểm đối với phổ biến phim trên không gian mạng, nhiều ý kiến cũng đồng tình ưu tiên hậu kiểm, tuy nhiên, cần gắn trách nhiệm đối với tổ chức phổ biến phim; trách nhiệm pháp lý đối với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian…

Một nội dung khác đại biểu quan tâm chính là phát triển điện ảnh Việt Nam dưới góc độ là một ngành nghệ thuật sáng tạo, vừa là ngành kinh tế, phục vụ đắc lực cho quảng bá hình ảnh đất nước, con người, sản phẩm của nước ta.

Đại biểu Dương Khắc Mai - đoàn Đắk Nông bày tỏ: Điện ảnh của mỗi quốc gia trên thế giới được xem như một cách thức truyền bá hình ảnh, thương hiệu quốc gia. Xu hướng hiện nay là các nước đưa vào phim các sản phẩm mới để quảng bá, giới thiệu trước khi đưa đến với công chúng.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành phiên thảo luận trực tuyến về Dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi).
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành phiên thảo luận trực tuyến về Dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi).

Do đó, đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo luật cần chú ý nhiều hơn định hướng nền tảng phát triển nội dung phim Việt Nam, đặc biệt là về thế mạnh riêng có, đặc sắc của Việt Nam mà bạn bè quốc tế quan tâm.

“Kỳ vọng lần sửa đổi này, Luật Điện ảnh (sửa đổi) khi được Quốc hội thông qua sẽ tạo được hành lang pháp lý đủ điều kiện hấp dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước nhằm thu hút tối đa nguồn lực xã hội để tập trung đầu tư nâng tầm điện ảnh Việt Nam; qua đó có thể đảm đương được sứ mệnh cùng với các loại hình văn hóa, nghệ thuật khác quảng bá hình ảnh, đất nước, con người, các giá trị văn hóa, truyền thống, lịch sử cách mạng hào hùng của dân tộc và cả ẩm thực, hàng hóa Việt Nam đến bạn bè quốc tế”, đại biểu Dương Khắc Mai nói. 

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Tin mới