Đại biểu Trần Văn Mão: Cần chiến lược và thời hạn cụ thể quy hoạch phát triển nguồn lợi thủy sản

(Baonghean.vn) - Đại biểu Quốc hội đến từ tỉnh Nghệ An kiến nghị cần quy định chiến lược và thời hạn cụ thể về quy hoạch phát triển nguồn lợi thủy sản trong Dự án Luật Thủy sản (sửa đổi).

Chiều 7/6, tiếp tục nội dung kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV, các đại biểu thảo luận ở tổ về Dự án Luật Bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi) và dự án Luật Thủy sản (sửa đổi).

Góp ý dự án Luật Thủy sản (sửa đổi), đại biểu Trần Văn Mão - Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An cho rằng cần tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, hoàn chỉnh và đầu tư thêm công sức, trí tuệ cho bản dự thảo.

Các đại biểu lắng nghe ý kiến của đại biểu Trần Văn Mão - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: Huyền Thương
Các đại biểu lắng nghe ý kiến của đại biểu Trần Văn Mão - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: Huyền Thương

Cụ thể, đại biểu Mão chỉ ra bất cập trong một số điều luật dự thảo, như trong phần quy định chung, điều 6 về chính sách của nhà nước trong hoạt động thủy sản. Ông phân tích: “Đây là vấn đề đột phá mà cử tri quan tâm nhưng lại đưa ra 1 loạt tới 18, 19 chính sách phân tán, manh mún, dàn trải, không có nguồn lực thực tế bảo đảm thực thi, không có tính đặc thù và đột phá”.

Hay với Chương 2 về bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản, ông Trần Văn Mão cho rằng dự án luật cần đưa ra chiến lược và thời hạn cụ thể về quy hoạch phát triển nguồn lợi thủy sản cho phù hợp dự thảo Luật Quy hoạch sắp sửa được thông qua, nhằm đem lại chiến lược và tầm nhìn lâu dài về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Một điểm khác được đại biểu đoàn Nghệ An quan tâm là Khoản 1, Điều 33 của Dự án luật quy định về trình độ của người phụ trách kỹ thuật trong sản xuất thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý, cải tạo môi trường, nuôi trồng thủy sản là phải có trình độ từ đại học trở lên về một trong các chuyên ngành thuộc nuôi trồng thủy sản, công nghệ sinh học, thực phẩm hoặc được tập huấn, chứng nhận đạt kết quả tập huấn kiến thức về chất lượng thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chế biến thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý và cải tạo môi trường, nhắc lại những bài học xương máu về môi trường đã trải qua, ông Mão thẳng thắn đặt câu hỏi: “Thế thì đồng nghĩa với việc một người được tập huấn cũng ngang với người có trình độ đại học và trên đại học? Liệu có phù hợp và tương xứng với hoạt động này không, trong lúc hết sức quan trọng, nếu làm không tốt sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người?”

Nhóm PV-CTV

TIN LIÊN QUAN

Tin mới