Đại dịch HIV/AIDS tại Nghệ An vẫn còn diễn biến phức tạp

(Baonghean.vn) - Trong cộng đồng, còn nhiều người nhiễm HIV chưa được phát hiện. Nguy cơ lây nhiễm tiêm chích ma túy vẫn còn cao. Xuất hiện nguy cơ lây nhiễm HIV mới từ người quan hệ tình dục đồng giới nam. Sự kỳ thị, tự kỳ thị còn nặng nề. Đó là những khó khăn, thách thức của hoạt động phòng chống HIV/AIDS...

Nhân Tháng hành động phòng chống HIV/AIDS, Báo Nghệ An có cuộc trò chuyện với ông Thái Văn Nhàn - Phó Trưởng Khoa Phòng Chống HIV/AIDS, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Nghệ An.

PV: Được biết, Nghệ An hiện là tỉnh có số người nhiễm HIV cao, đứng hàng thứ 6 của cả nước. Vị trí “không mấy vui vẻ” này nói lên điều gì?

Ông Thái Văn Nhàn: Năm 1996, Nghệ An phát hiện trường hợp nhiễm HIV/AIDS đầu tiên. Sau 24 năm, Nghệ An đã có 21/21 huyện, thị, thành có người nhiễm, với 10.094 người nhiễm HIV được báo cáo. Trong đó, số người chết do AIDS là 4.245 người. Với những con số này, Nghệ An là tỉnh có số người nhiễm HIV cao, đứng hàng thứ 6 của cả nước.

Sàng lọc và xét nghiệm để phát hiện sớm HIV
Sàng lọc và xét nghiệm để phát hiện sớm HIV. Ảnh: CTV

Nhìn từ vị trí thứ 6 này, chúng ta có thể thấy rõ những tín hiệu tích cực và những dấu hiệu nguy cơ. Trước hết ở góc độ tích cực là Nghệ An kiểm soát tốt đại dịch HIV. Công tác điều trị đã được triển khai ở 21/21 huyện, thành, thị với 25 cơ sở chăm sóc và điều trị. Hoạt động cấp phát thuốc điều trị được triển khai về tận phường xã. Các hoạt động lưu động về tư vấn, xét nghiệm, cấp phát bơm kim tiêm, bao cao su... đã được triển khai đồng bộ. Chính nhờ vậy, chúng ta đã giúp cho 5.849 người người nhiễm HIV còn sống và có 4.693 người nhiễm đang được điều trị ARV.

Dưới góc nhìn nguy cơ, chúng ta có thể thấy rõ tình hình dịch HIV/AIDS ở Nghệ An vẫn diễn biến phức tạp. Tỉnh đang là địa phương trọng điểm về HIV/AIDS của cả nước. Các huyện như Quế Phong, Quỳ Châu, Tương Dương có nhiều đối tượng nguy cơ cao. Tỉnh cũng đang là một trọng điểm về ma túy, cả buôn bán và sử dụng. Dưới góc độ này, Nghệ An vẫn cần nhiều nỗ lực để giảm số người nhiễm mới, giảm số người chuyển sang giai đoạn AIDS, người tử vong do AIDS.

Ảnh: Thành Cường
Nghệ An vẫn đang là địa phương trọng điểm về HIV/AIDS của cả nước. Ảnh: CTV

Tuy nhiên, vị trí thứ 6 chưa nói lên điều gì cả. Số lượng người nhiễm HIV/AIDS chưa được phát hiện ở Nghệ An theo tính toán đang còn khá nhiều. Từ năm 2016 trở về trước, mỗi năm, tỉnh phát hiện mới thêm trên 500 người nhiễm HIV/AIDS. 4 năm trở lại đây, mỗi năm, tỉnh phát hiện mới thêm 300 người nhiễm HIV/AIDS. Riêng năm 2020, do ảnh hưởng dịch Covid-19,hoạt động phòng chống HIV/AIDS bị ảnh hưởng nên chỉ phát hiện mới khoảng hơn 200 người nhiễm HIV/AIDS. Trong cộng đồng vẫn còn nhiều người nhiễm chưa được phát hiện, đơn cử như ở huyện Quế Phong, tháng nào cũng phát hiện mới từ 4-8 người nhiễm. Bản thân người nhiễm đang dấu bệnh hoặc chưa coi trọng việc xét nghiệm để được điều trị.

PV: Bên cạnh những người nhiễm chưa được phát hiện thì chắc chắn sẽ còn có những người nhiễm mới. Nguy cơ xuất hiện người nhiễm mới đến từ đâu?

Ông Thái Văn Nhàn: Nghệ An đang là một trọng điểm về ma túy, cả buôn bán và sử dụng. Các nghiên cứu về người nhiễm HIV ở tỉnh cho thấy hơn 80% người nhiễm là do tình trạng tiêm, chích ma túy chung bơm kim tiêm. Như vậy, về lý thuyết, nguy cơ xuất hiện người nhiễm mới do tình trạng tiêm chích ma túy chung bơm kim tiêm vẫn là nguy cơ hàng đầu.

Từ năm 2015 trở lại đây, ở Nghệ An, xu hướng lây nhiễm HIV từ tiêm chích ma túy đang giảm dần và xu hướng lây nhiễm do quan hệ tình dục đặc biệt là quan hệ tình dục đồng giới nam đang tăng lên. Theo tính toán của các chuyên gia ở Nghệ An có gần 10.000 người quan hệ tình dục đồng giới nam - nhiều hơn số người tiêm chích ma túy được quản lý trên địa bàn tỉnh.

Khám, tư vấn, cấp thuốc cho bệnh nhân HIV ở Trung tâm y tế Quế Phong.
Khám, tư vấn, cấp thuốc cho bệnh nhân HIV ở Trung tâm Y tế Quế Phong. Ảnh: Thành Chung

Sở dĩ quan hệ tình dục đồng giới nam có nguy cơ lây nhiễm lớn là do đây không phải mối quan hệ mang tính tự nhiên nên dễ xảy ra sự trầy xước, lây nhiễm. Hiện nay, quan hệ tình dục đồng giới nam không được xã hội chấp nhận cho nên việc tiếp cận các đối tượng này rất khó.

Để tiếp cận những người quan hệ tình dục đồng giới nam, lâu nay, người làm công tác phòng chống HIV/AIDS vẫn phải thông qua những nhóm MSM (nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới) đã công khai. Những người này sẽ thực hiện tuyên truyền trong những nhóm, hội kín của mình.  Nghệ An đang có 1 nhóm MSM với khoảng 1.000 người đã công khai.

Thống kê số liệu, ở tỉnh hiện có khoảng 200 người quan hệ tình dục đồng giới nam đang điều trị dự phòng, trên 80 người quan hệ tình dục đồng giới nam nhiễm HIV đang điều trị ARV. Nếu chúng ta không có giải pháp để tuyên truyền phòng chống HIV một cách hiệu quả thì nguy cơ lây nhiễm HIV rất lớn.

Những người quan hệ tình dục đồng giới nam có xu hướng “giấu mình” nên việc xâm nhập tuyên truyền là rất khó, cần phải khéo léo. Năm 2016, một đoàn nghệ thuật trung ương phối hợp cùng tổ chức dự án và Sở Y tế Nghệ An tổ chức đêm giao lưu tại một trường đại học trên địa bàn tỉnh với khoảng 500 sinh viên tham gia. Tại đêm giao lưu, đoàn nghệ thuật này đã biểu diễn các vở kịch có nội dung MSM. Nhiều sinh viên đã khóc òa. Đến phần giao lưu, người dẫn chương trình đã yêu cầu những sinh viên có xu hướng đồng giới tham gia thổ lộ thì đã có trên 10 cánh tay giơ lên, đứng trên sân khấu chia sẻ về “giới tính thật” của mình.

nhân viên tiếp cận cộng đồng huyện Quỳ Châu tuyên truyền, tiếp xúc nhằm đưa đối tượng nguy cơ cao đi xét nghiệm.
Nhân viên tiếp cận cộng đồng huyện Quỳ Châu tuyên truyền, tiếp xúc nhằm đưa đối tượng nguy cơ cao đi xét nghiệm. Ảnh: CTV

Còn có thêm một nguy cơ lây nhiễm khác đó là quan hệ tình dục sau khi sử dụng ma túy đá, ma túy tổng hợp. Như chúng ta đã biết, ma túy đá, ma túy tổng hợp gây ảo giác mạnh, thường được người sử dụng theo kiểu tập thể.

PV: Bên cạnh những nguy cơ này thì công tác phòng chống HIV/AIDS ở Nghệ An còn gặp phải những khó khăn nào nữa?

Ông Thái Văn Nhàn: Khó khăn trong công tác phòng chống HIV/AIDS ở Nghệ An là rất nhiều. Thứ nhất, hiện nay, kinh phí dành cho hoạt động phòng chống rất yếu và thiếu. Ở tỉnh, các chương trình dự án tài trợ đều đã cắt, giảm. Ở cấp huyện, kinh phí rất hạn hẹp, ngay cả truyền thông cũng phải làm lồng ghép, hiệu quả không cao.. Ngay cả Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2020 có nơi cũng chỉ bố trí kinh phí làm một vài cái băng rôn, khẩu hiệu.

Thứ hai, thời gian qua, công tác phòng chống HIV/AIDS được nhiều cấp, ban ngành qua tâm, hỗ trợ, phối hợp thực hiện tốt. Nhưng ngược lại, cũng có những ban, ngành chưa thực sự vào cuộc. Nhiều cán bộ chưa có nhận thức đầy đủ về đại dịch HIV/AIDS, cũng như các hoạt động điều trị Methadone, ARV...

Tiếp cận tuyên truyền phòng chống HIV-AIDS cho các đối tượng nguy cơ cao.
Tiếp cận tuyên truyền phòng chống HIV-AIDS cho các đối tượng nguy cơ cao. Ảnh: Thành Chung

Thứ ba, trước đây, hoạt động phòng chống HIV/AIDS có sự hỗ trợ của đội ngũ công tác viên (được chi trả kinh phí từ nguồn ngân sách tỉnh, dự án). Song bây giờ, đội ngũ này không còn nữa, ít nhiều cũng ảnh hưởng đến công tác phòng chống  HIV/AIDS.

Về phía gia đình, người nhiễm và xã hội ít nhiều vẫn đang còn có những định kiến. Những người nhiễm phần lớn là bị nhiễm thứ phát từ tiêm chích ma túy hoặc mại dâm. Sự lầm lỡ của người nhiễm tạo nên những hình ảnh không tốt khiến họ bị xa lánh, kỳ thị và bản thân người nhiễm cũng tự kỳ thị mình. Do tự kỳ thị nên có người nhiễm sống thu mình, khó tiếp cận, thường xuyên di biến động nên khó quản lý.

Hiện nay, chương trình điều trị ARV cho người nhiễm đã được BHYT chi trả song vì tự kỳ thị nên có nhiều người nhiễm không vào tham gia điều trị vì sợ lộ thông tin cá nhân nên đi điều trị ở một số phòng khám ở ngoài. Điều trị ở ngoài nên họ không được theo dõi, quản lý, chăm sóc, tư vấn, hỗ trợ kịp thời nên bỏ trị hoặc uống thuốc không đều đặn, mất hiệu quả điều trị.

Ảnh: Thành Cường
Chương trình điều trị ARV cho người nhiễm đã được BHYT chi trả song vì tự kỳ thị nên có nhiều người nhiễm không vào tham gia điều trị vì sợ lộ thông tin cá nhân. Ảnh: Thành Chung

Cách đây không lâu, có một trường hợp nam thanh niên chưa vợ bị tai nạn giao thông phải vào viện cấp cứu. Tại viện, anh này được xét nghiệm máu, kết quả cho thấy dương tính với HIV. Nam thanh niên này đã đăng ký, nhận thuốc điều trị ARV ngay tại bệnh viện. Nhưng không hiểu sao khi nam thanh niên về nhà chỉ vài ngày thì được lãnh đạo địa phương đến hỏi thăm, động viên; còn hàng xóm thì xì xào, nhìn với ánh mắt kỳ thị. Nam thanh niên đã treo cổ tự tử... Đây là một câu chuyện buồn về sự kỳ thị, tự kỳ thị, làm lộ thông tin cá nhân, xử lý không khéo léo với người bệnh ở Nghệ An chúng ta.

PV: Việt Nam nói chung và Nghệ An nói riêng đang đặt ra mục tiêu lớn là chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030. Để thực hiện được mục tiêu này, theo ông, chúng ta phải tập trung vào những nhiệm vụ công tác trọng điểm nào?

Ông Thái Văn Nhàn: Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1246/QĐ-TTg ngày 14/8/2020 về việc phê duyệt Chiến lược Quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030. Chiến lược quốc gia đã đề ra những giải pháp, nhiệm vụ cụ thể để thực mục tiêu. Với Nghệ An, UBND tỉnh cần sớm phê duyệt kế hoạch thực hiện chiến lược Quốc gia, với việc bố trí nguồn lực cụ thể.

Nghệ An cần tiếp tục tổ chức quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm Chỉ thị 54 của Ban Bí thư Trung ương Đảng; Luật phòng, chống HIV/AIDS; Nghị định 108/2007NĐ-CP quy định về thi hành luật phòng, chống HIV/AIDS. Trong đó, các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội, các tổ chức dựa vào cộng đồng cần tích cực thực hiện; xem nhiệm vụ phòng chống HIV/AIDS vừa có tính cấp bách, vừa có tính lâu dài trong các kế hoạch hoạt động của địa phương, đơn vị mình.

Ảnh: Thành Cường
Cần tập trung đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, kiến thức cho người dân về HIV/AIDS. Ảnh: Thành Chung

Về các giải pháp cụ thể, chúng ta cần tập trung đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, kiến thức cho người dân về HIV/AIDS. Chú trọng việc tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS cho thanh thiếu niên, học sinh sinh viên... Cần tăng cường hoạt động xét nghiệm, tìm ra những người nhiễm HIV chưa được phát hiện, đưa vào quản lý, điều trị, dự phòng. Khi được điều trị thì khả năng lây nhiễm cho những người khác là rất khó. Để làm được điều này thì cả hệ thống chính trị, xã hội ở cấp cơ sở phải tích cực vào cuộc nhằm tìm, vận động đối tượng nguy cơ cao đi xét nghiệm.

Chúng ta cũng cần triển khai một số biện pháp can thiệp, dự phòng như chương trình bơm kim tiêm, bao cao su. Hiện nay, chương trình này đang được Quỹ Toàn cầu hỗ trợ (mỗi năm trung bình hỗ trợ tỉnh trên 500.000 bơm kim tiêm). Nghệ An cần tính toán đến giai đoạn Quỹ Toàn cầu không còn hỗ trợ nữa... Riêng với nguy cơ lây nhiễm HIV từ quan hệ tình dục đồng giới nam, chúng ta cần kêu gọi thêm các nguồn kinh phí tài trợ cho hoạt động tiếp cận, xét nghiệm, hỗ trợ kinh phí cộng tác viên thuộc các nhóm MSM.

PV: Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Tin mới