Đại học đã không còn là lựa chọn duy nhất của nhiều học sinh giỏi

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Thay vì vào đại học, nhiều học sinh khá, giỏi đã lựa chọn học nghề với mong muốn sớm có việc làm và thu nhập ổn định. Đại học đã không còn là con đường duy nhất, kể cả với những học sinh có học lực giỏi.

Niềm vui từ trường nghề

Những ngày này, Hà Văn Bảo, Nguyễn Đình Toàn và Nguyễn Hồng Quân - sinh viên Khoa Công nghệ ô tô, Trường Cao đẳng nghề Việt - Đức vừa trở về từ Cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp” toàn quốc với Dự án “Máy vớt rác trên sông”.

Dự án được trao giải Khuyến khích là một động lực lớn cho nhóm tác giả, bởi các em chỉ mới là sinh viên và đang trong quá trình thực tập, trau dồi kinh nghiệm.

Trước đó, tại cuộc thi cấp tỉnh này, dự án cũng xuất sắc được trao giải Ba. Là 1 trong 3 tác giả của dự án, em Hà Văn Bảo cho biết: Dự án “Máy vớt rác trên sông” tên gọi có thể khá quen thuộc nhưng chúng em tin rằng, sản phẩm của mình có những ưu thế riêng vì có tính năng nhỏ gọn, đáp ứng được các công nghệ chế tạo trong nước, có tính cơ động cao, khả năng di chuyển linh hoạt trên các kênh, rạch, sông, hồ.

Sinh viên Hà Văn Bảo đạt giải tại cuộc thi "Ý tưởng khởi nghiệp học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp toàn quốc". Ảnh: NVCC

Sinh viên Hà Văn Bảo đạt giải tại cuộc thi "Ý tưởng khởi nghiệp học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp toàn quốc". Ảnh: NVCC

Ở tuổi 20, Hà Văn Bảo cũng nói rằng, việc được tham gia cuộc thi cấp quốc gia là một trải nghiệm đặc biệt của em khi học tại trường nghề. Vì vậy, dù 3 năm học ở Trường THPT Quỳ Hợp 2, Hà Văn Bảo đều đạt danh hiệu học sinh giỏi toàn diện. Tại kỳ thi tốt nghiệp THPT, Bảo có điểm thi khối A khá cao, trên 20 điểm và có rất nhiều cơ hội đậu vào các trường đại học. Tuy nhiên, cuối cùng Bảo chọn trường nghề với lý do đơn giản là học gần nhà, chi phí thấp và em thấy được nhiều cơ hội lựa chọn khi ra trường.

Bảo cũng chia sẻ rằng em không mất quá nhiều thời gian để quyết định nộp hồ sơ vào Khoa Công nghệ ô tô, bởi đây là ngành nghề mà bảo đam mê và yêu thích từ lâu. Nam sinh này cũng khiến nhiều thầy, cô bất ngờ, bởi từ năm thứ nhất, Bảo đã luôn thể hiện được sự cầu thị, nghiêm túc trong học tập và em đã được chọn tham dự cuộc thi tay nghề khi nhập học ở trường chưa đầy 1 năm. Sang năm thứ 2, Bảo tự xin thực tập ở xưởng sửa chữa và đăng ký thêm một khóa học về điện ở trung tâm dạy nghề bên ngoài...

Sinh viên Nguyễn Đình Toàn là một trong những sinh viên xuất sắc nhất được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tuyên dương năm 2022. Ảnh: NVCC

Sinh viên Nguyễn Đình Toàn là một trong những sinh viên xuất sắc nhất được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tuyên dương năm 2022. Ảnh: NVCC

Cùng nhóm với Bảo, Nguyễn Đình Toàn cũng là một sinh viên xuất sắc của trường và em vừa lọt vào danh sách 100 học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp xuất sắc tiêu biểu năm 2022, được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tuyên dương.

Đây cũng là kết quả xứng đáng của một nam sinh từng đạt 27,5 điểm tại kỳ thi tốt nghiệp THPT nhưng không đăng ký vào đại học. Thay vào đó, Toàn quyết định học trường nghề và dành niềm đam mê với máy móc và công nghệ. Ngoài giải Khuyến khích quốc gia Dự án “Máy vớt rác trên sông”, Toàn cũng từng đạt giải Ba cấp tỉnh năm 2021 với Dự án “Máy cày bừa đa năng”.

Hiện tại, dù chỉ mới là sinh viên năm thứ 2, nhưng với thành tích xuất sắc, Toàn đứng trước nhiều cơ hội lựa chọn nghề nghiệp, như đi làm tại các doanh nghiệp trong nước, sang làm việc tại nước ngoài và em cũng đang được nhà trường bồi dưỡng, khuyến khích để trở thành giảng viên trong tương lai.

Qua nhiều năm giảng dạy tại Khoa Công nghệ ô tô và là giáo viên trực tiếp giảng dạy 2 em Hà Văn Bảo và Nguyễn Đình Toàn, thầy giáo Nguyễn Quốc Cường - Trường Cao đẳng nghề Việt - Đức cho biết: Trước đây, chúng ta vẫn quan niệm, chỉ học sinh học trung bình mới đăng ký trường nghề. Nhưng hiện nay, xu thế đã khác và nhiều em lựa chọn học nghề, vì đây là ngành nghề mà các em yêu thích, đam mê và vì thế, trong quá trình học, chất lượng học cũng tốt và hiệu quả hơn.

Cá nhân tôi cũng từng là sinh viên của trường, sau khi ra trường được giữ lại giảng dạy nên tôi vẫn thường khuyến khích các em cố gắng và dù là học nghề thì cơ hội để phát triển vẫn bình đẳng như tất cả các trường đại học khác.


Đại học không còn là con đường duy nhất

Phân luồng hướng nghiệp là một giải pháp tích cực của ngành Giáo dục và Đào tạo nhằm hướng nghiệp cho học sinh, phát triển giáo dục nghề nghiệp, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực.

Hiện việc phân luồng được thực hiện đối với 2 đối tượng, đó là học sinh tốt nghiệp THCS và học sinh tốt nghiệp THPT. Trong khi với học sinh mới tốt nghiệp THCS (lớp 9) việc phân luồng đang có ý kiến trái chiều thì việc phân luồng ở bậc THPT diễn ra dễ dàng và tự nhiên hơn với tỷ lệ học sinh phân luồng đạt gần 40%. So với cả nước, tỷ lệ học sinh lớp 12 của Nghệ An cao hơn mức trung bình chung.

Sinh viên Nguyễn Đình Toàn và Hà Văn Bảo cùng với giáo viên trong tiết thực hành. Ảnh: Mỹ Hà

Sinh viên Nguyễn Đình Toàn và Hà Văn Bảo cùng với giáo viên trong tiết thực hành. Ảnh: Mỹ Hà

Nói về việc phân luồng, thầy giáo Đặng Kỳ - Hiệu trưởng Trường THPT Nghi Lộc 5 cho biết: Ở trường chúng tôi học sinh phân luồng thường chiếm tỷ lệ khoảng 50% và chỉ những học sinh thực sự có năng lực các em mới đăng ký vào đại học. Về phía nhà trường cũng thường định hướng để giúp các em lựa chọn những hướng đi đúng đắn phù hợp với năng lực, hoàn cảnh gia đình. Quan trọng hơn là hướng các em tới những công việc dễ dàng có việc làm sau khi ra trường.

Nhờ xác định tốt việc hướng nghiệp, nên những năm gần đây, với nhiều học sinh lớp 12, đại học không còn là con đường duy nhất để lập thân, lập nghiệp. Tại Trường Cao đẳng Kỹ thuật công nghiệp Việt Nam – Hàn Quốc, khóa sinh viên mới nhập học trong năm học này không khó để tìm ra những sinh viên có điểm thi cao nhưng không vào đại học.

Em Lê Anh Tuân - sinh viên ngành Cơ điện tử vừa tốt nghiệp lớp 12 - Trường THPT Nghi Lộc 4 với điểm thi khối A là 25,25 điểm. Đầu năm học này, Tuân nhập học muộn hơn 2 tuần so với các bạn cùng khóa vì em đang chờ kết quả thi đại học. Tuy nhiên, dù đã có kết quả trúng tuyển vào Đại học Bách khoa Đà Nẵng, nhưng cuối cùng Tuân đã chọn trường nghề. Chia sẻ lý do, Tuân nói thêm: Với điều kiện gia đình em, để trang trải cho một sinh viên đi học xa nhà 4 năm khá khó khăn và em cũng chưa biết sau này ra trường có dễ kiếm được việc làm hay không. Em chọn trường nghề vì thời gian học tập ngắn và cơ hội được đi làm khá dễ dàng, kể cả khi em chưa tốt nghiệp.

Giờ học của sinh viên Trường Cao đẳng Việt - Hàn. Ảnh: Mỹ Hà

Giờ học của sinh viên Trường Cao đẳng Việt - Hàn. Ảnh: Mỹ Hà

Ở lớp 12A2 của Tuân, trường hợp như em không phải là duy nhất, bởi hiện có hơn một nửa học sinh trong lớp lựa chọn vừa đi du học, vừa đi làm, học nghề hoặc đi xuất khẩu lao động. Số học sinh tốt nghiệp đi học đại học chỉ hơn 10 em và phần lớn đều nằm trong tốp đầu của lớp. Xu hướng này có thể sẽ tiếp tục trong những năm tới, bởi hiện nay, việc chọn trường, chọn nghề đã có sự thay đổi trong nhận thức của phụ huynh, học sinh.

Về phía các trường nghề, cũng có nhiều chính sách để khuyến khích thu hút học sinh, như trao học bổng cho những học sinh có đầu vào cao, tạo cơ hội cho sinh viên được học Ngoại ngữ miễn phí để sang làm việc tại nước ngoài. Hiện tỷ lệ học sinh trường nghề có việc làm hoặc được tuyển dụng ngay tại trường cũng đạt gần 90%, nên số lượng học sinh đăng ký vào các trường nghề dự báo sẽ tiếp tục tăng trong những năm tới.

Theo kế hoạch, trong giai đoạn 2021-2025, Nghệ An phấn đấu ít nhất 40% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở và ít nhất 45% học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.


Tin mới