Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số toàn quốc: Biểu tượng đặc biệt của khối đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam

Sáng nay (4/12), tại Hà Nội, Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số toàn quốc lần thứ II chính thức khai mạc. Đây là một sự kiện có ý nghĩa chính trị, xã hội quan trọng, là biểu tượng đặc biệt của khối đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam.

Tham dự Đại hội có Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn và các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ban, ngành, địa phương.

Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tham gia Đoàn Chủ tịch điều hành Đại hội. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Diễn ra sau 10 năm kể từ lần thứ I, Đại hội lần này có chủ đề "Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp đỡ lẫn nhau, phát huy nội lực cùng phát triển với đất nước" với 1.593 đại biểu chính thức tiêu biểu đại diện cho 54 dân tộc anh em.

Nước ta có 54 dân tộc, trong đó, có 53 dân tộc thiểu số (DTTS) với hơn 14 triệu người, chiếm 14,7% dân số cả nước. Các DTTS sinh sống thành cộng đồng, đan xen với dân tộc đa số ở 51 tỉnh, thành phố, chủ yếu ở miền núi, biên giới vùng kinh tế-xã hội (KT-XH) đặc biệt khó khăn; là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, KT-XH, quốc phòng-an ninh, đối ngoại và môi trường sinh thái.

Mỗi dân tộc có một sắc thái văn hóa riêng, tạo nên sự đa dạng, phong phú, đặc sắc, thống nhất trong nền văn hóa dân tộc Việt Nam. Cộng đồng các DTTS là một bộ phận không thể tách rời của dân tộc Việt Nam, đều là “Con Rồng cháu Tiên” chung sống hòa thuận; một lòng theo Đảng, kề vai, sát cánh trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Toàn cảnh đại hội
Toàn cảnh Đại hội.

Từ Đại hội đại biểu toàn quốc các DTTS lần thứ I (năm 2010) đến nay, Đảng và Nhà nước ta tiếp tục dành sự quan tâm đặc biệt, ưu tiên đầu tư phát triển KT-XH, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào.

Theo dự thảo báo cáo của Đại hội, mục tiêu được đặt ra đến năm 2025 là phấn đấu mức thu nhập bình quân của người DTTS tăng trên 2 lần so với năm 2020; đến năm 2030 bằng 1/2 bình quân chung của cả nước.

Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS mỗi năm giảm trên 3%; đến năm 2030 giảm hộ nghèo xuống dưới 10% (theo chuẩn nghèo đa chiều hiện nay).

Đến năm 2025 hoàn thành cơ bản công tác định canh, định cư; sắp xếp, bố trí ổn định 90% số hộ di cư không theo quy hoạch. Đến năm 2030, quy hoạch sắp xếp, di dời, bố trí 100% hộ DTTS đang cư trú phân tán, rải rác trong rừng đặc dụng, các khu vực xa xôi, hẻo lánh, nơi có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở.  

Tin mới