Đại tá Nguyễn Hữu Cầu: Cấp trung gian là cấp nào?

(Baonghean.vn) - Đây là câu hỏi được Đại tá Nguyễn Hữu Cầu - Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An đặt ra tại diễn đàn Quốc hội khi thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016 sáng 30/10.

Đại tá Nguyễn Hữu Cầu phát biểu tại Quốc hội. Ảnh: Quochoi.vn
Đại tá Nguyễn Hữu Cầu phát biểu tại Quốc hội. Ảnh: Quochoi.vn

Theo đại biểu Nguyễn Hữu Cầu, mặc dù bộ máy hành chính nhà nước ta hoạt động ngày càng hiệu lực, hiệu quả hơn, góp phần vào thành tựu chung của công cuộc đổi mới đất nước.

Tuy nhiên qua nghiên cứu báo cáo của Chính phủ cũng như của Quốc hội kết hợp với thực tiễn trong thời gian qua, Đại tá Nguyễn Hữu Cầu đánh giá có 3 vấn đề còn mờ nhạt, chưa đậm nét, nếu không muốn nói thiếu vắng .

Trước hết, khi đánh giá về những yếu kém, tồn tại trong cải cách bộ máy hành chính nhà nước,  có 2 đánh giá kết luận rất quan trọng được nhắc đi nhắc lại nhiều lần của báo cáo giám sát là bộ máy bên trong của các bộ, cơ quan ngang bộ còn nhiều tầng, nấc trung gian, tình trạng bộ trong bộ càng nặng nề thêm.

Xuất phát từ đánh giá này nên trong dự thảo Nghị quyết của Quốc hội ghi rõ "giảm cấp trung gian". “Thế nhưng câu hỏi cấp trung gian là cấp nào?.” - đại biểu Nguyễn Hữu Cầu đặt câu hỏi.

Ông dẫn chứng, khi tìm hiểu tổng cục có phải là bộ trong bộ hay không thì thấy trong 22 bộ, cơ quan ngang bộ thì có 17 bộ, cơ quan ngang bộ có tổng cục, còn lại 5 bộ và cơ quan ngang bộ không có tổng cục.

“5 bộ, cơ quan ngang bộ không có tổng cục mà vẫn hoạt động bình thường như thời gian vừa qua như Bộ Xây dựng, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Thông tin và Truyền thông, Thanh tra Chính phủ, Ủy ban Dân tộc” - đại biểu Nguyễn Hữu Cầu chỉ rõ.

"Cử tri mong muốn các đồng chí Bộ trưởng, Thủ trưởng các địa phương phải sáng suốt đặt lợi ích đất nước, lợi ích nhân dân lên trước lợi ích của ngành, địa phương mình. Quyết tâm cải tạo bộ máy hành chính tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Cử tri cũng đề nghị Đảng, Quốc hội, Chính phủ tiếp tục xây dựng, áp đặt khung pháp lý, chuẩn bị mọi nguồn lực để các ngành, các địa phương thực hiện một cách nghiêm minh, công bằng, thống nhất." 

Đại tá Nguyễn Hữu Cầu

Số lượng tổng cục hiện nay của 17 bộ và cơ quan ngang bộ còn lại là 40, dưới tổng cục có các cục, vụ, văn phòng, phòng, chi cục. Trong bộ máy của các bộ này vừa có văn phòng bộ vừa có văn phòng tổng cục mà văn phòng thì rõ ràng là phục vụ.

Với những phân tích đã nêu trên, Đại tá Nguyễn Hữu Cầu đề nghị Quốc hội nên làm rõ cấp trung gian là cấp nào để giảm cho đúng.

“Theo tôi, đã đến lúc Quốc hội cần phải mạnh dạn chỉ rõ cấp trung gian trong các bộ, ngành Trung ương chính là cấp tổng cục và cấp phòng trong các vụ, cục cần phải giảm” - vị đại biểu đến từ đoàn Nghệ An nêu kiến nghị.

Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu cũng đánh giá, vấn đề về đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công vụ, kỷ luật công vụ đã được đề cập trong báo cáo nhưng còn mờ nhạt.

Thực tế hiện nay, vấn đề nhức nhối được cử tri và xã hội đặc biệt quan ngại, tình trạng cán bộ, công chức, viên chức thờ ơ, vô cảm, quan liêu, hách dịch, vi phạm quy luật, bằng cấp giả, chạy chức, chạy quyền, bổ nhiệm thần tốc, tình trạng trên bảo dưới không nghe, coi thường kỷ luật, kỷ cương hành chính vẫn còn xảy ra ở nhiều ngành, nhiều nơi.

“Nền đạo đức công vụ, kỷ luật công vụ trong các cơ quan Nhà nước, các đơn vị sự nghiệp công lập còn nhiều tồn tại, đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công vụ vẫn là một cái gì đó mơ hồ, chưa được quy định cụ thể, kỷ luật, kỷ cương áp dụng cho đối tượng vi phạm còn rất chậm chạp và khó khăn” - Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An nhận định.

Chính vì vậy, ông đề nghị biện pháp quan trọng và hữu hiệu nhất là phải có chế tài đủ mạnh, biện pháp xử lý nghiêm khắc, muốn vậy phải khẩn trương nghiên cứu đưa ra bộ quy tắc điều chỉnh hành vi chuẩn mực đạo đức công vụ được quy định cụ thể trong các văn bản quy phạm pháp luật.

Pháp lý hóa chuẩn mực đạo đức công vụ và đạo đức nghề nghiệp. Đồng thời, các cơ quan nhà nước cần mạnh tay đưa ra khỏi bộ máy nhà nước những người mất đạo đức, hành vi ứng xử thiếu chuẩn mực làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của cơ quan và tổ chức.

Một vấn đề khác được đại biểu Nguyễn Hữu Cầu đề cập là trong báo cáo giám sát còn thiếu việc đánh giá chủ trương của Đảng về các chức danh lãnh đạo không phải là người địa phương.

Tại Hướng dẫn số 33 ngày 25/9/2009 của Ban Tổ chức Trung ương về công tác nhân sự cho đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI có hướng dẫn 9 chức danh không phải là người địa phương gồm có: Bí thư, Chủ tịch, Trưởng các ngành Công an, Tòa án, Viện kiểm sát, Thanh tra, Tài chính, Thuế và Hải quan.

Tại Kết luận số 24 ngày 5/6/2012, Bộ Chính trị đẩy mạnh công tác quy hoạch, luân chuyển đội ngũ cán bộ quản lý đến năm 2020 và những năm tiếp theo chỉ còn lại 5 chức danh không phải là người địa phương gồm: Bí thư, Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Trưởng ngành công an, Tòa án, Viện kiểm sát. Phấn đấu đến năm 2015, 25% tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và 50% quận, huyện thực hiện chủ trương này.

Tuy nhiên qua theo dõi thực tế, Đại tá Nguyễn Hữu Cầu thấy ngành công an triển khai quyết liệt và nghiêm túc, còn các ngành khác rất khó thực hiện. “Đề nghị Chính phủ, Quốc hội đánh giá về chủ trương này” - ông Cầu nói.

PV - CTV

TIN LIÊN QUAN

Tin mới