Đại tá Nguyễn Hữu Cầu: Luật Công an nhân dân hiện hành đang có nhiều bất cập

(Baonghean.vn) - Bên hành lang phiên thảo luận tổ về Dự án Luật Công an Nhân dân (sửa đổi), Đại tá - Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An Nguyễn Hữu Cầu chia sẻ: ‘‘Bản chất của quân hàm là vấn đề tiền lương, và theo chủ trương mới của Hội nghị Trung ương 7 thì sẽ xây dựng lại bảng lương theo hướng trả theo chức vụ và vị trí công việc được giao…’’.
Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu trả lời phỏng vấn
Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu trả lời phỏng vấn. Ảnh: Diệp Anh
 - Ông nhìn nhận như thế nào về chủ trương ngành Công an phải rút gọn lại bộ máy, tinh giản biên chế sau khi nhiều năm qua đã phình ra quá lớn?

- Là người trong ngành đã lâu, tôi thấy thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) về “Một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” và Nghị quyết số 22 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 56 của QH về tinh gọn bộ máy để hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn thì có thể nói Bộ Công an là bộ tiên phong về vấn đề tinh giản bộ máy. Anh em trong ngành thì nói đây là một cuộc cách mạng chưa từng có từ trước đến nay.

Bộ Công an trước đây có tới 8 tổng cục, dần dần rút xuống còn 4 tổng cục. Bây giờ bỏ cấp tổng cục và từ 126 đầu mối sẽ giảm xuống chỉ còn lại 60 đầu mối, tức là giảm hơn một nửa. Trong lúc thay đổi bộ máy, giảm hết cấp trung gian và thu gọn đầu mối như vậy nhưng chức năng nhiệm vụ của lực lượng công an không thay đổi. Cho nên, có những cục phải đảm nhận nhiệm vụ của 4-5 cục. Có những nhiệm vụ trước đây giao cho Tổng cục trưởng thì nay Cục trưởng phải gánh vác. Do có sự thay đổi về bộ máy theo hướng rút gọn, tinh giản như vậy nên việc sửa đổi Luật CAND là tất yếu, phải làm sớm để ổn định tổ chức.

- Thưa ông, trong dự thảo Luật CAND sửa đổi có đề xuất mới về việc sẽ phong hàm cấp tướng cho công an cấp tỉnh. Ông  nhìn nhận như thế nào về vấn đề này?

- Theo tôi, bản chất của cấp bậc, quân hàm chính là vấn đề tiền lương. Tiền lương ở đây theo quan điểm của Nghị quyết Trung ương 7 được nói rất rõ là thực hiện nguyên tắc phân phối theo lao động và vị trí việc làm cho phù hợp, đúng với cống hiến. Cho nên theo nguyên tắc này thì lực lượng công an phải điều chỉnh lại tiền lương cho phù hợp…

Đại tá Nguyễn Hữu Cầu phát biểu tại buổi thảo luận tổ. Ảnh: Anh Tuấn.
Đại tá Nguyễn Hữu Cầu phát biểu tại buổi thảo luận tổ. Ảnh: Anh Tuấn.

Và tại sao phải có sự điều chỉnh cấp tướng đưa về cho công an các địa phương vì hiện nay Luật CAND hiện hành đang có nhiều bất cập.

Bất cập thứ nhất, đó là sự không công bằng trong vấn đề cấp hàm. Ví dụ như luật hiện hành quy định tổng cục phó chỉ có thiếu tướng, trong khi đó cục trưởng một số cục lại là trung tướng. Nếu về mặt nguyên tắc chức vụ lãnh đạo thì tổng cục phó là cấp trên của cục trưởng mà tại sao họ lại chỉ là thiếu tướng thôi, còn cục trưởng thì là trung tướng. Như vậy là không hợp lý.

Bất cập thứ hai, cùng là Giám đốc nhưng Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh và Giám đốc Công an TP Hà Nội là Trung tướng còn Giám đốc công an các địa phương khác lại chỉ là Đại tá. Thậm chí, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội, Phó Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh còn được phong Thiếu tướng.

Thứ ba, bất hợp lý về luân chuyển cán bộ, ở cấp địa phương thì cấp hàm Đại tá làm sao có thể ra Bộ để làm cục trưởng. Và nếu như vậy thì theo quy định luân chuyển cán bộ về cơ sở, cấp tướng, trung tướng ở cấp cục muốn lên đến Thứ trưởng Bộ Công an thì phải qua quá trình về địa phương công tác, và như vậy là ở địa phương vẫn có cấp hàm tướng?!.

Thứ 5, có những cục chỉ có quân số 100-200 thôi, thậm chí có cục chỉ hơn 100 quân số nhưng cục trưởng vẫn là Trung tướng, trong khi đó công an các địa phương có những nơi đang quản lý đến 4.000-5.000 quân số, nhưng Giám đốc công an tỉnh vẫn chỉ là Đại tá.

- Vậy nếu rút bớt một nửa số đầu mối (ở đây là cấp cục) thì các tướng công an đã phong sẽ bố trí như thế nào, thưa ông?

- Đã có những nơi đề nghị trong quá trình sáp nhập, rút gọn lại từ 126 cục xuống còn 60 cục thì còn lại một số tướng dư ra mà chưa biết bố trí ở đâu thì phải bố trí về cho các địa phương. Có nhiều đại biểu yêu cầu phải bố trí hết, nhưng có đại biểu bảo trước mắt chỉ bố trí ở những tỉnh lớn loại 1. Và bố trí như vậy thì vẫn còn thừa tướng… Tuy nhiên, Đảng và Nhà nước đã cho quy định rất rõ ràng về số tướng của công an và quân đội. Cụ thể, công an được 205 tướng, quân đội là 415 tướng. Đến thời điểm hiện nay, khi tổ chức lại bộ máy của Bộ Công an bằng cách nhập lại chỗ này, giảm đầu mối chỗ kia thì số lượng tướng chưa chắc đã hết “chỉ tiêu” 205 người.

- Nếu bố trí tướng ở trên xuống thì có cần đề xuất phong tướng cho Giám đốc công an tỉnh nữa không? Và có nên và có cách nào để tách quân hàm khỏi tiền lương không, thưa ông?

- Nếu công an tỉnh loại 1, họ quản lý một lúc 5.000-6.000 quân tại sao lại không được phong tướng? Trong lúc đó một đồng chí cục trưởng chỉ quản lý khoảng vài trăm quân thôi cũng là trung tướng rồi thì có hợp lý không nếu phân công theo lao động? Tuy nhiên, theo tôi thì phân công đồng chí nào vào vị trí nào thì nên để cho Đảng ủy Công an Trung ương thực hiện vì họ hiểu và nắm được vị trí nào cần người nào và tự giải quyết nội bộ với nhau. Còn theo tôi, quân hàm và tiền lương thì không thể tách nhau được.

Tin mới