Đại thủy nông Kẻ Gỗ, kể mãi chưa hết lạ

10 năm về quê. Vác ba lô từ chiến trường trở về, người lính ở xã Cẩm Trung (huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh) cứ tưởng mình lạc ngõ. Đâu đồng cỏ khô cháy, đâu cảm giác xót lòng trước mâm cơm “Khoai! Khoai! Toàn khoai!”. Đâu cái cảnh xách từng can nhựa ra tận thị xã mua nước về cho người, cho bò. Hỏi người thân: “Làm răng mà nước ngọt vô tận vườn nhà?”. Người thân chỉ về phía sông Rào Cái. Lên đó mà nghe câu hát: “Ta nghe trong gió bao nhiêu là chuyện lạ” (Người đi xây hồ Kẻ Gỗ – nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý).

Dù hàng năm, khi nước lũ dâng cao, cả vùng Cẩm Xuyên có nguy cơ “sống ngâm da, chết ngâm xương”, dù nhận lượng mưa gấp đôi so với bình quân chung của  cả tỉnh (4.000mm/năm), thì vào mùa khô, không chỉ đồi núi, ruộng vườn thành bãi hoang mà người và súc vật cũng điêu đứng trong cơn khát thường trực. Sau chiến tranh, giữa những ngổn ngang mất mát tang thương, người Hà Tĩnh ngùn ngụt một quyết tâm phải đưa nước về tận ruộng đồng.

Thực ra, ý định làm công trình thủy lợi ở sông Rào Cái đã được manh nha từ thời thuộc Pháp. Một người Hà Tĩnh phát hiện ra điều này khi tìm thấy trong kho lưu trữ ở Paris bản thiết kế xây đập ngăn sông tại làng Kẻ Gỗ. Khởi nghĩa 1945, trải qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ, Khu IV trở thành tiền tuyến lớn, khát vọng “độc lập, tự do” phải được đẩy cao hơn khát vọng về đồng nước mát tự bao đời. Ngay sau hòa bình, người Hà Tĩnh không thể không nhớ đến công trình thủy lợi trong mơ của mình. “Bọn mình vác cả bưởi Phúc Trạch ra Trung ương nói chuyện xây hồ Kẻ Gỗ” – Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh lúc bấy giờ – ông Nguyễn Tiến Chương – nhớ lại. Trung ương đồng ý – 6 năm.

Mới chỉ manh nha như vậy thì có quyết định sáp nhập 2 tỉnh Nghệ An – Hà Tĩnh. Tháng 1/1976, Nghệ Tĩnh tiến hành Đại hội Đảng bộ. Chỉ 2 tháng sau, hàng vạn người dân Nghệ An, Hà Tĩnh đã đội nón, khoác tơi đứng thành vòng nghe đọc diễn văn tuyên bố khởi công công trình thủy lợi lớn nhất đất nước (thời bấy giờ) tại huyện Cẩm Xuyên. Đó là một ngày mưa phùn gió bấc, 26/3/1976. Tất cả đều được quyết định nhanh đến bất ngờ: Trong 3 năm, công trình phải hoàn thành.

Làm thế nào để rút ngắn thời gian thi công xuống còn một nửa, trong khi với  những phác thảo ban đầu của tỉnh Hà Tĩnh, 6 năm đã là một giới hạn thách đố rồi? Đất nước còn nghèo, tỉnh còn đói, 100 triệu đồng trải đều ra 6 năm còn chật vật, huống hồ đột nhiên phải cân đối xuống 3 năm. Phó Thủ tướng, Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước Nguyễn Duy Trinh cũng chưa biết tính cách nào. Tổng Bí thư Lê Duẩn đích thân vào làm việc với Nghệ Tĩnh, cùng các Bộ liên quan như Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, Thủy lợi, Giao thông. Ông Trương Văn Kiện – Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ Tĩnh lúc bấy giờ lý giải: Sau niềm vui hòa bình, cả tỉnh trắng khăn tang trên đầu những người mẹ chờ con, người vợ chờ chồng. Phải có ngay một công trình để thấy giá trị của sự hy sinh là không hề vô nghĩa. Nếu không lập tức chuyển ngọn lửa cách mạng từ chiến tranh sang lĩnh vực kinh tế, e rằng phong trào sẽ mất. Xây dựng lại quê hương từ bao nhiêu đổ nát bởi đạn bom, cần coi đây là mặt trận không kém phần dữ dội, mà chỉ có qua mặt trận này, phẩm chất người cán bộ mới được bộc lộ hết. Cơn khát ngàn đời, tỉnh nhỏ không làm được thì 2 tỉnh hợp lại phải có sức mạnh gấp đôi (Nghệ An 1,8 triệu dân, Hà Tĩnh 90 vạn). Kéo dài ra 6 năm, khí thế đi xuống, lòng dân không đợi được!

Tổng Bí thư gật đầu: Lao động sống cũng là vốn. Các Bộ cùng góp tay vào. Tận lực nhà nước, tận lực nhân dân. Quyết 3 năm!

Vậy là ông Nguyễn Văn Cung – Phó Tiến sỹ ở Liên Xô về, Hiệu trưởng Trường Đại học Thủy lợi phải  trằn lưng ra thiết kế cho kịp với tiến độ cấp bách như vậy. Câu khẩu hiệu lúc bấy giờ: Thủy lợi hay là chết!

Ngay lập tức, các kế hoạch điều động dân công được triển khai. Số công nhân chuyên nghiệp ở bộ phận thiết kế, kỹ thuật, lái máy… được ăn lương Nhà nước. Thời đó chưa có nghĩa vụ lao động, lực lượng nhân công phổ thông được tập hợp theo tinh thần tình nguyện. Sau chiến tranh, tỷ lệ thanh niên từ 16 đến 25 tuổi ở Nghệ Tĩnh chưa đầy 1% (so với cả nước là 5 – 6%), lại chủ yếu là nữ. Vậy mà khi cần, hàng vạn người sẵn sàng cơm đùm cơm nắm đổ về Cẩm Xuyên (ở những hạng mục chính có lúc lên đến 5 vạn người). Dân công đi đến đâu, tự mở đường đến đấy. Đường cho người đi. Đường cho xe qua. Tre nứa trở thành những lán trại chạy dọc triền sông Rào Cái. Xa xôi như huyện Kỳ Sơn (Nghệ An, cách 370km), những chàng trai cô gái người Mông cũng dập dìu xuống núi. Cây khèn cây sáo, họ làm vợi nhẹ đi những giọt mồ hôi đổ xuống công trường. Ca dao mới được truyền miệng từ hàng vạn người đi xây hồ Kẻ Gỗ: “Ngày xưa lều chõng đi thi/Ngày nay lều chõng  ta đi công trường…”.

Trận lụt năm 1978 mới thật sự là một cơn ác mộng. Đập tràn với thiết kế lưu lượng xả lũ 1.200m3/giây còn đang làm dở thì đã có nguy cơ phải nổ mìn để phá nước. Người ta tính, huyện Cẩm Xuyên, thị xã Hà Tĩnh sẽ bị xóa sổ hoàn toàn nếu đập  Kẻ Gỗ bị vỡ. Bộ Quốc phòng điều động máy bay trực thăng về đậu ngay trên sân trụ sở ủy ban, ở cả tháng để đi thị sát tình hình hàng ngày. Nước ngâm 3, 4 tháng như thế, mà nhân công vẫn bám trụ lại với những bì đựng cát được huy động đến tối đa. Thậm chí, trong tình huống xấu nhất, sẵn sàng lấy thân người ra để làm vật  chắn lũ. Trong cuộc thử sức này, con người đã thuyết phục được thiên nhiên.

Một năm sau ngày khởi công, cống đập chính đã có thể đưa nước về huyện Cẩm Xuyên. Người hết khát. Trâu bò hết khát. Đất đai bừng tỉnh sau bao nhiêu năm chắt chiu nuôi cây lúa còi cọc cho năng suất không đầy 1 tấn/ha/năm. Cầm chắc hai năm nữa, nước sẽ về tưới tắm trên diện tích hơn 21.000 ha của 62 xã phường thuộc 3 huyện Cẩm Xuyên, Thạch Hà, thị xã Hà Tĩnh. Vĩnh biệt những mùa hạn hán nứt nẻ vết chân chim. Vĩnh biệt nạn lũ quét gây ngập lụt hạ du từ 1.500 đến 5.000 ha. Đã có thể nói về chuyển dịch cơ cấu cây, con, với những chỉ số vượt trội về năng suất và chất lượng. Đã có thể thấy thấp thoáng có đàn voi về hồ nước, khi rừng dần lên xanh…

Khí thế bừng bừng, tiếng vang khắp trong Nam ngoài Bắc. Các văn nghệ sỹ về tận nơi, lặn lội cả tháng trời bên công nhân để tìm những nét thơ, nốt nhạc mới (năm 1978, Hội VHNT Nghệ Tĩnh cho in tập sách viết riêng về công trình này, lấy tên bài hát “Người đi xây hồ Kẻ Gỗ” của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý). Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam, ông Hồ Nghinh, đích thân tới tận công trường đang ngổn ngang như trận địa để học hỏi kinh nghiệm về làm đập Phú Ninh. Được Bộ trưởng Bộ Thủy Lợi Nguyễn Thanh Bình ưu tiên cho hai “đại gia” về cơ giới là Công ty 3 và Công ty 4, Nghệ Tĩnh quyết định “nhường” luôn Công ty 3 cho tỉnh Quảng Nam, lấy năng suất lao động để bù lại. Một năm sau khi hồ Kẻ Gỗ hoàn thành thì đập Phú Ninh với những điều kiện tương đương cũng làm lễ ăn mừng. Người ta gọi đó là Kẻ Gỗ 2.

Đúng vào năm khánh thành công trình – 1979, xét đề nghị của tỉnh Nghệ Tĩnh, Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng ký quyết định tặng thưởng Huân chương Lao động Hạng Ba cho ông Đinh Sĩ Nam – Bí thư Đảng ủy, Trưởng Ban chỉ đạo công trường Kẻ Gỗ. Tấm Huân chương duy nhất này được coi như niềm tự hào chung của cả tỉnh. Ngay trong thời điểm vừa hợp nhất Nghệ An với Hà Tĩnh, Thường vụ Tỉnh ủy đã sớm xác định: Hợp tỉnh không phải là cơ hội để tranh ghế, xôi thịt. Muốn đánh giá cán bộ, đưa vào trận sẽ rõ. Nói theo ngôn từ địa phương là “Thui ra để biết béo gầy”. Từ bí thư, chủ tịch tỉnh cho đến những người dân bình thường đều đã đi về với hồ Kẻ Gỗ bằng tinh thần anh em một nhà. Nhớ những năm tháng ăn dầm nằm dề trên công trường, ông Đinh Sĩ Nam đọc chệch đi câu nói đã trở thành một phần của lịch sử cách mạng xứ Nghệ: “Lều chõng cộng tấm lòng Cộng sản đi  xây hồ Kẻ Gỗ”.

Năm 2003, khi về thăm hồ Kẻ Gỗ, ông Trương Văn Kiện ngẫm ngợi: “Với sức chứa 345 triệu m3 nước, người thiết kế công trình hồ Kẻ Gỗ đã dành lại một phần cho nhà máy thủy điện với công suất 2.100kw/giờ, một phần cho công nghiệp gang thép với công suất 4 triệu tấn/năm (từ mỏ sắt Thạch Khê). Có điều đến tận hôm nay, các kế hoạch đón đầu thời đại ấy vẫn chỉ dừng lại ở dạng tiềm năng. Với những ngọn đồi xanh tươi nằm ngay trong lòng hồ, khả năng mở ra khu du lịch sinh thái ở nơi đây cũng đã được đề cập đến nhiều, nhưng dường như tất cả mới chỉ là ý tưởng. Trong điều kiện mới, nếu chỉ để hồ Kẻ Gỗ đơn thuần là một công trình tưới nước, thì thật không phải với tinh thần “Nhà nước và nhân dân cùng làm” của hàng vạn người đã từng bấm chân trần lên mảnh đất khô cằn khi xưa. “Đất trời như vẫn vang vang lời trống giục” – chuyện người đi xây hồ Kẻ Gỗ đang cần viết tiếp những trang sau”.

Năm 2003, Phó Tổng biên tập tạp chí Ngày Nay – Nguyễn Tiến Thanh chỉ định tôi viết về Kẻ Gỗ cho số báo Tết. Ông nói “Tên tuổi của ông Trương Kiện gắn liền với đại thủy nông Kẻ Gỗ, không lẽ con gái ông không viết được gì về công trình lịch sử này”. Tôi vốn ngại viết về bố, càng ngại nhận một đề tài mà mình không hiểu gì, nên chỉ muốn thoái lui. Nhưng bố tôi đã không cho tôi đường lui. Hai bố con từ Hà Nội về Nghệ An, rong ruổi vào Hà Tĩnh, rồi lại trở ra thành phố Vinh. Tôi chở bố đi tìm từng “nhân chứng lịch sử”. Có người đã mất. Có người nằm một chỗ vì tai biến, không nói nên lời, nghe nhắc tới Kẻ Gỗ thì nước mắt lưng tròng. Hơn một tuần lễ đắm chìm trong “bao nhiêu chuyện lạ”, tôi vẫn loay hoay với mớ ghi chép ngổn ngang của mình. Mãi rồi tôi cũng miễn cưỡng hoàn thành bài viết nộp kịp số Tết, nhưng không dám đưa bố đọc duyệt, tôi thấy mình viết không xứng với những gì mà bố kỳ vọng. Bài báo không hề nhắc đến tên bố, vì tôi sợ rằng con viết về bố sẽ không khách quan.

Hôm nay, trước ngày tiễn bố đi xa, tôi lục tìm bài báo cũ, đánh máy lại, và ngạc nhiên như thể đó không phải là bài báo tôi từng viết. Nhiều chi tiết đọc lại tôi vẫn thấy như mới. Tôi nghĩ sẽ có nhiều người ngạc nhiên như tôi khi đọc bài báo này. Tôi hy vọng bài báo sẽ góp thêm một  vài câu chuyện không nhiều người trẻ biết  về hồ Kẻ Gỗ, đặc biệt là câu chuyện về sức mạnh của sự đồng lòng – giữa lãnh đạo với lãnh đạo, giữa lãnh đạo với nhân dân, giữa tỉnh này với tỉnh khác. Sức mạnh đó không phải thời nào cũng có.

Và để công bằng hơn với người đã “áp tải” tôi đi tìm các tư liệu quý, tôi xin phép được đưa tên bố tôi vào bài viết, điều mà cách đây nhiều năm, tôi đã không dám làm, chỉ vì tôi là con của bố tôi.