Đảm bảo công tác tài chính Đảng tiết kiệm, hiệu quả

(Baonghean) - Trong những năm qua, công tác tài chính Đảng đã có bước chuyển biến tích cực, đạt hiệu quả, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành tốt nhiệm vụ lãnh đạo toàn diện của cấp ủy.

Cán bộ phòng Tài chính Văn phòng Tỉnh ủy khai thác tài liệu tại phòng lưu trữ.
Cán bộ phòng Tài chính Văn phòng Tỉnh ủy khai thác tài liệu tại phòng lưu trữ.

Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng tháng 10/1930 đã quyết định thành lập các bộ phận tham mưu, giúp việc Trung ương Đảng - tiền thân của văn phòng cấp ủy, ban tài chính – quản trị sau này. Đây chính là dấu mốc đầu tiên về hoạt động của văn phòng cấp uỷ và công tác tài chính Đảng.

Ngày 2/4/2002, Ban Bí thư TW Đảng ban hành Thông báo số 57-TB/TW lấy ngày 25/10/1930 là ngày truyền thống Ban Tài chính - Quản trị Trung ương Đảng, đồng thời cũng là ngày truyền thống của ngành Tài chính Đảng các cấp.

Truyền thống của ngành Tài chính Đảng gắn liền với sự ra đời và phát triển của Đảng qua các thời kỳ cách mạng. Ngay trong bản Điều lệ vắn tắt do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc soạn thảo được thông qua tại Hội nghị thành lập Đảng (02/1930) đã đề cập tới vấn đề tài chính của Đảng.

Đặc biệt, trong Thông cáo của Trung ương Đảng ngày 29/9/1939, tiếp tục khẳng định vai trò của công tác tài chính Đảng “Tài chính với Đảng cũng như đèn với dầu, nếu không có dầu thì đèn tắt… Đảng không có tài chính thì công việc của Đảng phải đình trệ”.

Ở Nghệ An, trong suốt chiều dài lịch sử đấu tranh cách mạng giành chính quyền cũng như trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, công tác tài chính của Đảng luôn nhận được sự quan tâm, động viên kịp thời của Thường trực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các cấp ủy, tổ chức, cơ quan Đảng.

Chính vì vậy, trong thời gian qua, công tác tài chính Đảng đã có bước chuyển biến tích cực, đạt hiệu quả, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành tốt nhiệm vụ lãnh đạo toàn diện của cấp ủy.

Một trong những nhiệm vụ của Văn phòng Tỉnh ủy là cơ quan tài chính của cấp ủy, thừa ủy quyền của cấp ủy làm chủ sở hữu tài sản của Đảng bộ tỉnh theo phân cấp quản lý; đảm bảo kinh phí phục vụ hoạt động của Thường trực cấp ủy và các ban, cơ quan tham mưu giúp việc của cấp ủy; tham mưu về nguyên tắc và chế độ quản lý tài chính, tài sản của Đảng bộ; tham mưu xây dựng và tổ chức thực hiện các chế độ chính sách theo quy định cho cán bộ, công chức các cơ quan Đảng.

Để giúp Thường trực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo triển khai toàn diện, đạt được kết quả công tác tài chính Đảng, Văn phòng Tỉnh ủy đã thực hiện tốt nhiệm vụ tham mưu, căn cứ vào nhiệm vụ chính trị và các chủ trương, định hướng về công tác tài chính của cấp ủy trong năm, tình hình thực hiện dự toán ngân sách Đảng năm trước để triển khai xây dựng dự toán thu, chi ngân sách.

Đồng thời tăng cường quản lý và kiểm soát nguồn vốn, nguồn kinh phí, tình hình sử dụng, quyết toán kinh phí, tình hình quản lý và sử dụng các loại vật tư, tài sản công; tình hình chấp hành dự toán thu - chi ngân sách Đảng và thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - tài chính của các cấp ủy Đảng.

Cùng đó, Phòng Tài chính, Văn Phòng Tỉnh ủy chỉ đạo các cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách Đảng, các huyện, thành ủy xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ, quy chế quản lý sử dụng tài chính, tài sản Đảng đảm bảo sử dụng kinh phí được giao hiệu quả, tiết kiệm phục vụ tốt chức năng nhiệm vụ được giao; tổ chức hướng dẫn, bồi dưỡng nghiệp vụ về tài chính cho cơ sở, kiểm tra việc thực hiện các nguyên tắc, chế độ, chính sách tài chính đảng ở các đơn vị dự toán trực thuộc và các huyện, thị, thành uỷ, góp phần tích cực trong việc tham mưu, phục vụ kịp thời, có hiệu quả sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng.

Song song, Phòng Tài chính triển khai đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý tài chính, tài sản của Đảng thông qua triển khai có hiệu quả việc sử dụng các hệ thống phần mềm trong công tác tài chính, như: Phần mềm kế toán IMAS, phần mềm báo cáo tổng hợp thu nộp  đảng phí, phần mềm tài sản đảng đã giúp công tác nghiệp vụ chuyên môn ở các đơn vị trực thuộc có nhiều chuyển biến tích cực, trình độ cán bộ làm công tác tài chính kế toán được nâng cao, phương pháp làm việc được đổi mới khoa học, tiết kiệm thời gian và mang lại hiệu quả cao, thuận lợi trong công tác kiểm tra, thẩm định quyết toán.

Tài chính của Đảng là một trong những điều kiện quan trọng trong hoạt động của Đảng, giúp cho tổ chức đảng các cấp có điều kiện tổ chức các hoạt động phục vụ hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao; cung cấp cơ sở vật chất kỹ thuật, phương tiện làm việc, đào tạo bồi dưỡng, giáo dục, nâng cao trình độ, năng lực, kiến thức của đảng viên...

Để công tác tài chính của Đảng phát huy được tác dụng, hiệu quả trong hoạt động của từng tổ chức đảng đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới, trong thời gian tới công tác tài chính Đảng tập trung làm tốt nhiệm vụ: Chủ động tham mưu, đề xuất những vấn đề cần bổ sung trong công tác quản lý ngân sách; thường xuyên coi trọng việc quán triệt và thực hiện nghiêm túc Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong công tác quản lý tài chính, tài sản của Đảng; Luật Ngân sách, các chế độ tài chính kế toán, các quy định về kế toán và quyết toán ngân sách một cách tiết kiệm, hiệu quả.

Cán bộ phòng Tài chính, Văn phòng Tỉnh ủy trao đổi nghiệp vụ.
Cán bộ phòng Tài chính, Văn phòng Tỉnh ủy trao đổi nghiệp vụ.

Thường xuyên sâu sát cơ sở nắm bắt tình hình, kiểm tra và hướng dẫn các đơn vị trực thuộc thực hiện đúng cơ chế quản lý tài chính, tài sản của Đảng. Thực hiện đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi, đảm bảo đúng nguyên tắc, thủ tục chứng từ và báo cáo quyết toán theo quy định; kiểm tra, hướng dẫn thực hiện chế độ Đảng phí và chế độ chi hoạt động công tác Đảng của tổ chức đảng các cấp. Hướng dẫn thi hành kịp thời các chế độ tài chính kế toán của Nhà nước và các quyết định, quy định của cơ quan Đảng cấp trên.

Để hoàn thành tốt nhiệm vụ đó, đòi  hỏi mỗi  cán bộ, đảng viên làm công tác tài chính của Đảng bộ tỉnh Nghệ An phải tiếp tục phát huy truyền thống của ngành, nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động, sáng tạo trong mọi tình huống; luôn giữ gìn phẩm chất đạo đức cách mạng, gương mẫu rèn luyện, nêu cao ý thức tổ chức kỷ luật, giữ gìn bí mật, không ngừng học tập nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, nắm vững đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tham mưu cho các cấp uỷ đảng nghiên cứu, ban hành và tổ chức thực hiện có hiệu quả các chế độ về tài chính, quản lý chặt chẽ, sử dụng có hiệu quả các nguồn tài chính, xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật phục vụ ngày càng tốt hơn cho mọi hoạt động của các cấp ủy Đảng; góp phần xây dựng quê hương Nghệ An ngày càng phát triển, xứng đáng với sự tin tưởng của Đảng và nhân dân. 

Hiện nay, tài chính ngân sách Đảng bộ tỉnh nghệ An gồm có 31 đơn vị dự toán, trong đó có 21 đơn vị thụ hưởng ngân sách huyện, thành, thị ủy và 10 đơn vị thụ hưởng ngân sách Tỉnh ủy. Tài chính, tài sản của Đảng bộ được quản lý theo nguyên tắc tập trung dân chủ, kết hợp phân cấp quản lý, đảm bảo tính độc lập trong công tác quản lý ngân sách Đảng và được kiểm tra, phê duyệt quyết toán hàng năm nhằm phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị của mỗi cấp ngân sách được giao và giúp cho các đơn vị phát huy ưu điểm, khắc phục hạn chế  trong công tác quản lý tài chính, tài sản của Đảng.

Nguyễn Sỹ Giang

(Trưởng phòng Tài Chính, Văn phòng Tỉnh ủy)

TIN LIÊN QUAN

Tin mới