Đảm bảo nguồn hàng hóa phục vụ vùng miền núi

(Baonghean) - Thời điểm gần về cuối năm, hoạt động dịch vụ thương mại ở các huyện miền núi khá sôi động, nguồn hàng dồi dào, giá cả ổn định.
Tại chợ thị trấn Con Cuông (huyện Con Cuông), xe ô tô vận tải chất đầy hàng tạp hóa để phân phối cho các đại lý. Anh Trần Chiến - lái xe chở hàng chia sẻ: Cứ 1 tuần là chúng tôi lại chở các mặt hàng tạp hóa như bia, bánh kẹo, mì chính… lên tận nơi cho các đại lý ở chợ Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn. Sức tiêu thụ hàng ở Con Cuông khá nhiều, chúng tôi còn chở hàng vào tận các xã Yên Khê, Môn Sơn, Lục Dạ. 
Xe vận tải cung ứng hàng hóa cho chợ Con Cuông (huyện Con Cuông).
Xe vận tải cung ứng hàng hóa cho chợ Con Cuông (huyện Con Cuông).
Anh Trần Quang Tình - một chủ đại lý ở chợ Con Cuông cho hay: Chợ Con Cuông là trung tâm đầu mối phân phối hàng hóa cho toàn huyện, sức mua về dịp cuối năm thường tăng cao. Để chủ động nguồn hàng, chúng tôi thường dự trữ thêm một số mặt hàng phòng biến động về giá cả, chủ yếu các mặt hàng bia, bánh kẹo, nước mắm…, đảm bảo bình ổn giá cho bà con. 
Hiện hầu hết các đại lý tại chợ Con Cuông đều có hàng cất trữ tại nhà, khi cần là mang ra chợ. Ngoài bán lẻ cho bà con, các đại lý còn bán sỷ cho chủ đại lý nhỏ ở các xã khó khăn về giao thông ở Đôn Phục, Thạch Ngàn, Cam Lâm. Chị Vi Lan ở xã Đôn Phục cho hay: Tôi thường đi xe máy ra lấy hàng, mỗi chuyến trị giá khoảng 1-2 triệu đồng, về bán hết hàng rồi lại ra lấy tiếp chứ mình không phải mua nhiều dự trữ vì hàng ở chợ Con Cuông khá dồi dào, giá cả ổn định. 
Tại chợ đầu mối thị trấn Hòa Bình, huyện Tương Dương dịp này các mặt hàng khá sôi động. Theo anh Thắng Lan - một đại lý ở chợ Hòa Bình, 2 năm trở lại nay sức mua hàng hóa ở đây khá ổn định. Ngoài phục vụ nhu cầu bà con các xã, còn có cán bộ, công nhân các nhà máy thủy điện Bản Vẽ, thủy điện Nậm Nơn. Để không bị động trong dịp cuối năm, chúng tôi mua dự trữ thêm các mặt hàng tạp hóa, nhu yếu phẩm để đáp ứng cho bà con. Đặc biệt, để chủ động cung ứng hàng, anh Thắng Lan còn mua xe vận tải nhỏ chở vào tận nơi cho các ki-ốt đặt hàng ở các xã vùng sâu như Nga My, Xiêng My, Yên Na, Yên Hòa… cung ứng đầy đủ các mặt hàng như vải vóc, quần áo, chăn màn và hàng tạp hóa khác. 
Chợ Hòa Bình hiện có 120 hộ kinh doanh với nhiều mặt hàng. Trong đó có 7 ki-ốt khá lớn, có 2 ki-ốt có xe ô tô vận tải nhỏ vận chuyển hàng hóa tận nơi cho các đại lý nhỏ ở các bản vùng sâu. Nguồn hàng ở chợ Hòa Bình khá dồi dào, phong phú, đặc biệt là hàng tạp hóa, hàng áo quần, dày dép… luôn đáp ứng được nhu cầu cho bà con. Các mặt hàng được lấy từ nhiều nguồn ở thành phố Vinh, ở tại chợ đầu mối huyện Đô Lương, hàng ngày đều được quản lý thị trường kiểm tra giám sát. 
Mua bán lẻ tại chợ Hòa Bình (Tương Dương).
Mua bán lẻ tại chợ Hòa Bình (Tương Dương).
Ông Hoàng Đình Hợi - Phó phòng Công Thương huyện Tương Dương cho biết thêm: Địa bàn huyện Tương Dương có 3 chợ, bao gồm chợ Khe Bố có 62 hộ kinh doanh phục vụ cho thủy điện Khe Bố và các xã lân cận, chợ Tam Thái có 32 hộ kinh doanh phục vụ cho xã Tam Hợp và chợ Hòa Bình phục vụ toàn huyện. Riêng 2 chợ vùng Khe Bố và chợ Tam Thái thời điểm này nguồn hàng khá phong phú. Để bình ổn giá cả và chống hàng giả, hàng nhái, phòng Công Thương phối hợp với ngành chức năng thường xuyên kiểm tra, nhất là các mặt hàng niêm yết giá như xăng, dầu, tránh tình trạng tư thương đẩy giá lên cao bán lẻ cho bà con. 
Ông Nguyễn Xuân Đôn - Đội trưởng QLTT số 7 cho biết: Đội quản lý các huyện Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn. Chúng tôi kiên quyết xử lý nghiêm việc vận chuyển, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng kém chất lượng, cũng như có biện pháp xử lý các đối tượng đầu cơ, găm hàng, tạo sự khan hiếm hàng hóa giả tạo nhằm nâng giá, ép giá và những hành vi kinh doanh trái pháp luật khác. Từ đầu năm 2016 đến nay, đội xử lý được hơn 40 vụ vi phạm, chủ yếu là vi phạm nhãn mác và một số hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. 
Văn Trường
TIN LIÊN QUAN

Tin mới