Đàm phán phi hạt nhân hóa: Khi thời cơ chưa 'chín'

(Baonghean) - Tuyên bố của Triều Tiên về việc chấm dứt đàm phán phi hạt nhân hóa với Mỹ làm dấy lên nhiều lo ngại. Một thời kỳ căng thẳng mới có thể đang chờ đợi bán đảo Triều Tiên nếu “tối hậu thư” này không được đáp ứng.

Khi Triều Tiên “cạn” kiên nhẫn

Ngày 7/12, Đại sứ Triều Tiên tại Liên hợp quốc Kim Song khẳng định vấn đề phi hạt nhân hóa đã bị rút khỏi các cuộc đàm phán với Mỹ, đồng thời cho rằng, những cuộc đàm phán kéo dài với Washington là không cần thiết. Trong một tuyên bố, Đại sứ Kim Song cho rằng “cuộc đối thoại được duy trì liên tục và quan trọng” mà Mỹ tìm kiếm chỉ là cách Washington tiết kiệm thời gian để mang lại lợi ích chương trình nghị sự trong nước. Bên cạnh đó, Đại sứ Triều Tiên cũng phản đối tuyên bố của các thành viên châu Âu trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về các vụ phóng tên lửa vừa qua của Bình Nhưỡng. 

Đại sứ Triều Tiên tại Liên hợp quốc Kim Song

Tuyên bố trên được đưa ra sau khi Bỉ, Estonia, Pháp, Đức, Ba Lan và Anh lên án việc Triều Tiên tiếp tục thử tên lửa đạn đạo, đồng thời kêu gọi thực thi nghiêm ngặt các lệnh trừng phạt đối với Bình Nhưỡng. Theo thống kê, Triều Tiên đã tiến hành 13 vụ phóng tên lửa đạn đạo kể từ tháng 5 vừa qua - một động thái được coi như những lời cảnh cáo với Mỹ, nếu Washington không đưa ra các đề xuất mới nhằm nối lại cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa trước khi kết thúc năm 2019.

Bình Nhưỡng kêu gọi Washington từ bỏ "chính sách thù địch" và ngừng đưa ra các yêu cầu một phía, song phía Mỹ không có dấu hiệu đáp ứng. Chuyên gia Jenny Town của trang 38 North - trang mạng chuyên giám sát các hoạt động trong lãnh thổ Triều Tiên, nhận định trong bối cảnh hạn chót đang tới gần, những thông điệp cứng rắn kiểu này của Triều Tiên đang xuất hiện ngày càng nhiều và có thể nhằm giành lấy sự nhượng bộ ở phút cuối.

Và để minh chứng cho quyết tâm của mình, ngày 8/12, hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) cho biết, Bình Nhưỡng đã tiến hành một vụ thử "rất quan trọng" tại bãi phóng Sohae. Theo tin tức được đưa ra, Viện Khoa học quốc phòng Triều Tiên tiến hành vụ thử trước đó 1 ngày và kết quả của vụ thử thành công đã được trình lên Ban Chấp hành Trung ương đảng Lao động Triều Tiên.

Ảnh chụp vệ tinh cho thấy có những diễn biến mới tại bãi thử Sohae của Triều Tiên. Ảnh: 38 North
Ảnh chụp vệ tinh cho thấy có những diễn biến mới tại bãi thử Sohae của Triều Tiên. Ảnh: 38 North

Tuyên bố nhấn mạnh, kết quả này đóng vai trò quan trọng trong việc thay đổi vị thế chiến lược của Triều Tiên trong tương lai gần. Trong khi đó, công ty cung cấp dịch vụ hình ảnh vệ tinh Planet Labs đã chụp được những hình ảnh Triều Tiên chuẩn bị tái khởi động việc thử nghiệm động cơ tên lửa ở Dongchang, huyện Cholsan, tỉnh Bắc Pyongan. Hình ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy, một container hàng hóa cỡ lớn chưa từng xuất hiện ở bãi thử tên lửa trên. Bãi thử này là nơi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un từng cam kết sẽ đóng cửa vĩnh viễn, một trong những thỏa thuận phi hạt nhân hóa mà lãnh đạo 2 miền Triều Tiên đã đạt được tại Hội nghị Thượng đỉnh liên Triều lần thứ 3 ở Bình Nhưỡng hồi tháng 9 năm ngoái. 

Lần gần nhất quan chức Mỹ và Triều Tiên gặp gỡ là hồi đầu tháng 10 tại Stockhom (Thụy Điển). Cuộc gặp kết thúc bằng những lời đổ lỗi cho nhau. Mọi việc cứ yên lặng kể từ đó, khiến Triều Tiên đang sốt ruột thực sự. Còn phía Mỹ, xem ra cũng biết rõ rào cản còn lại là quá lớn cho một thỏa thuận phi hạt nhân hóa, nên vẫn tuyên bố cho đúng lệ.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc gặp tại biên giới liên Triều hồi tháng 6. Ảnh: AP
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc gặp tại biên giới liên Triều hồi tháng 6. Ảnh: AP

Chưa đúng thời điểm

Đáp lại những lời lẽ khiêu khích của Triều Tiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ tiếp tục theo dõi tình hình Triều Tiên, đồng thời nêu rõ quan hệ hai bên vẫn tốt đẹp dù vẫn có sự đối đầu nhất định. Do đó, ông bày tỏ tin tưởng rằng Triều Tiên sẽ không can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ sắp tới, đồng thời nhấn mạnh ông sẽ rất ngạc nhiên nếu Bình Nhưỡng có hành động thù địch. Những cử chỉ này cho thấy quan điểm “không phải vội” của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Sau 2 cuộc gặp thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Triều Tiên, mặc dù chưa thể giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, song ông Trump đã có đủ tự tin khi thiết lập được kênh đối thoại để chấm dứt tình trạng “bên bờ vực chiến tranh” hồi năm 2017 với liên tiếp các vụ thử hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng. Đó chắc chắn là một thành công về đối ngoại của ông chủ Nhà Trắng trong mắt cử tri Mỹ. Và thực tế này vẫn đang tồn tại, bất chấp việc Triều Tiên thời gian gần đây liên tiếp thử vũ khí mới, song đây chỉ được coi như những màn phô trương sức mạnh nhằm tạo ưu thế trên bàn đàm phán của Bình Nhưỡng, hơn là một hành động đe dọa thực sự tới an ninh của Mỹ và các đồng minh.

Triều Tiên thử pháo phản lực siêu lớn tại tỉnh Nam Hamgyong ngày 28/11. Ảnh: KCNA
Triều Tiên thử pháo phản lực siêu lớn tại tỉnh Nam Hamgyong ngày 28/11. Ảnh: KCNA

Thái độ của Tổng thống Mỹ sau những vụ thử vũ khí mới của Triều Tiên càng củng cố nhận định rằng, việc giải quyết nhanh chóng vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên không nằm trong chương trình nghị sự ưu tiên của ông Trump. Điều cần thiết nhất thì ông đã có được. Đó là bán đảo Triều Tiên tạm thời “đóng băng” theo hướng không có nguy cơ bùng phát thành điểm nóng đe dọa trực tiếp lợi ích của Mỹ. Vì thế, cứ để thời gian sẽ tìm ra giải pháp. Ngoài ra, dường như chủ đề hạt nhân Triều Tiên cũng không chi phối nhiều tới lá phiếu cử tri, trong bối cảnh chưa tới 1 năm nữa sẽ diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ.

Nhận định về một giải pháp tháo gỡ bế tắc trong tương lai gần, giáo sư Ryo Hinata-Yamaguchi, Trường Đại học quốc gia Pusan ở Hàn Quốc, nhận định cả hai bên vẫn chưa thể tạo ra khác biệt vào thời điểm này, bởi lập trường của họ hầu như chưa thay đổi. Với Mỹ đó là việc giải giáp hạt nhân hoàn toàn, có kiểm chứng và không thể đảo ngược. Còn với Triều Tiên họ muốn giải tỏa các biện pháp cấm vận trước khi bàn tới chuyện sẽ làm gì. Thời hạn tháng 12/2019 mà phía Triều Tiên đặt ra với Mỹ nếu không sẽ chấm dứt các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa sắp hết, nhưng tới giờ mọi việc vẫn dẫm chân tại chỗ. Có lẽ, Mỹ và Triều Tiên cần thêm nhiều thời gian và công sức hơn nữa để hoàn tất vấn đề phức tạp này.

Tin mới