Đàm phán thương mại Mỹ - Trung: Gần tới đích?

(Baonghean) - Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẵn sàng lùi mốc 1/3 để áp thuế với hàng hóa Trung Quốc. Đây là tín hiệu mạnh mẽ nhất cho thấy Tổng thống Trump sẵn sàng cho Trung Quốc nhiều thời gian hơn để đạt thỏa thuận cuối cùng nhằm chấm dứt căng thẳng thương mại.

Triển vọng

 Vòng đàm phán về thương mại mới nhất giữa Mỹ và Trung Quốc vừa diễn ra ở thủ đô Bắc Kinh đã có những tín hiệu lạc quan ngoài dự đoán. Đây là cuộc đàm phán cấp thứ trưởng, mang tính chất chuẩn bị cho cuộc gặp cấp bộ trưởng dự kiến diễn ra vào ngày 14 và 15/2. Mặc dù các chi tiết về cuộc đàm phán này không được tiết lộ với báo giới nhưng ngay sau khi kết thúc, Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo đang xem xét hoãn hạn chót của thỏa thuận “đình chiến thương mại”. Điều đó có nghĩa, phía Mỹ không còn “làm găng” như trước, khi áp đặt thời hạn chót là ngày 1/3 nếu Trung Quốc không nhượng bộ để hai bên đạt được một thỏa thuận, mức thuế Mỹ áp đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc sẽ tăng từ mức 10% lên 25%.

Đàm phán cấp cao về thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ diễn ra ngày 14 và 15/2. Ảnh AFP
Đàm phán cấp cao về thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ diễn ra ngày 14 và 15/2. Ảnh: AFP
Tuyên bố của Tổng thống Donald Trump cũng có thể ngầm hiểu là các cuộc đàm phán với Trung Quốc đang đi đúng hướng, thậm chí tiến triển tích cực và Mỹ sẵn sàng cho Bắc Kinh thêm thời gian để đi đến một thỏa thuận cuối cùng giải quyết vấn đề thương mại giữa hai nước.

Không thể phủ nhận thời gian qua cả Mỹ và Trung Quốc đều nỗ lực đối thoại với mục đích tìm ra tiếng nói chung trong vấn đề thương mại, vốn đang là “hòn đá tảng” trong quan hệ hai nước. Cách đây nửa tháng, các quan chức thương mại Mỹ và Trung Quốc đã gặp nhau ở Washington với một bầu không khí thiện chí và lạc quan hiếm có. Bản thân Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ca ngợi những “tiến bộ to lớn” sau vòng đàm phán này. Bởi quả thực, ở một mức độ nào đó, Trung Quốc đã có thêm nhượng bộ với những cam kết tăng lượng hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ, đáp ứng một trong số những yêu cầu chủ chốt của Washington đối với Bắc Kinh.

Có thể trong vòng đàm phán mới nhất vừa diễn ra tại Bắc Kinh, hai bên cũng tiếp tục có những thỏa hiệp “thuận cả đôi bên”. Vậy nên Tổng thống Donald Trump mới “bật đèn xanh” cho khả năng lùi thời hạn chót nhằm áp thuế vào hàng hóa Trung Quốc. Dù sao đi nữa, những dấu hiệu lạc quan từ các vòng đối thoại thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới cũng làm hạ nhiệt bầu không khí căng thẳng và nguy cơ về một cuộc chiến lâu dài có thể ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu.

Xét từ khía cạnh chính trị, các chính quyền Mỹ và Trung Quốc đều đang rất cần đưa những căng thẳng thương mại hiện nay đi đến hồi kết. Tại Mỹ, Tổng thống Donald Trump đang cần sự ủng hộ của cử tri trước khi diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống vào năm sau. Việc giải quyết bài toán thương mại “thâm căn cố đế” với Trung Quốc sẽ là “điểm cộng” cho ông trong cuộc đua vào năm tới.

Về phía Trung Quốc, trước sức ép quyết liệt từ Washington, các quan chức ở Bắc Kinh đều hiểu tiếp tục cuộc chiến thương mại sẽ chỉ gây “hao tiền tốn của” cho hai bên. Kinh tế Trung Quốc mặc dù vẫn tăng trưởng nhưng đã bắt đầu đi vào giai đoạn giảm dần. 12 tháng vừa qua, các chỉ số kinh tế quan trọng của Trung Quốc như sản xuất công nghiệp, doanh số xe ô tô, bán lẻ và đầu tư đều giảm tới mức thấp báo động. Một khi căng thẳng thương mại với Mỹ leo thang, “con thuyền kinh tế” Trung Quốc không những đi chậm lại mà còn có nguy cơ bị nhấn chìm. Bởi thế, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng không hề giấu giếm mong muốn giải quyết vấn đề thương mại thông qua đối thoại.

Trong lá thư gửi ông Donald Trump cuối tháng trước, ông Tập Cận Bình đánh giá quan hệ của hai nước đang ở giai đoạn “quan trọng” và hy vọng hai bên sẽ đạt được một thỏa thuận thương mại cùng có lợi trong thời gian sớm nhất.

Sàn giao dịch chứng khoán New York (Mỹ) ngày 12/2 đi lên sau những tín hiệu tích cực của đàm phán thương mại Mỹ - Trung. Ảnh AP
Sàn giao dịch chứng khoán New York (Mỹ) ngày 12/2 đi lên sau những tín hiệu tích cực của đàm phán thương mại Mỹ - Trung. Ảnh: AP
Những vấn đề tồn đọng

Mặc dù có nhiều dấu hiệu cho thấy, đàm phán thương mại Mỹ-Trung đang dần đi đến hồi kết nhưng để tiến tới một thỏa thuận toàn diện sẽ không phải chuyện dễ bởi tranh chấp thương mại là câu chuyện dài kỳ giữa Mỹ và Trung Quốc. Việc Trung Quốc tăng mua hàng hóa của Mỹ để giảm thâm hụt thương mại cho Washington chỉ là một phần nhỏ trong mối bất hòa giữa hai nước. Gốc rễ của vấn đề mà các chính quyền Mỹ lâu nay yêu cầu Trung Quốc phải thay đổi là cấu trúc và chính sách kinh tế của nước này. Trong suốt hơn 20 năm qua, nhiều nhà lãnh đạo Mỹ đã tìm cách giải quyết vấn đề này nhưng chưa thành công. Trung Quốc cũng nhiều lần cam kết điều chỉnh nhưng phía Mỹ khẳng định “những hứa hẹn từ Bắc Kinh chưa được thực hiện”.

Vì thế, trong các cuộc đàm phán hiện nay, giới chức Mỹ tiếp tục tập trung yêu cầu Trung Quốc thay đổi 2 vấn đề chính: thứ nhất là mua nhiều hàng hóa của Mỹ hơn và thứ hai là Trung Quốc phải điều chỉnh các chính sách kinh tế tạo ra lợi ích đặc biệt, ví dụ như trợ cấp chính phủ, bảo hộ thị trường nội địa và các ưu đãi pháp lý khác cho những công ty trực thuộc chính phủ Trung Quốc. Mỹ cũng yêu cầu Trung Quốc cam kết chấm dứt tình trạng đánh cắp chất xám, gián điệp thương mại và đồng ý có biện pháp trừng trị thích đáng với loại tội phạm này. Biện pháp mạnh tay mà chính quyền Tổng thống Donald Trump đưa ra là buộc Trung Quốc phải có những cam kết và hành động cụ thể, bằng không Mỹ sẽ áp thuế quan lên hàng hóa của Trung Quốc.

Hiện Bắc Kinh đã cho thấy thiện chí sẵn sàng nhân nhượng đối với việc mở cửa hơn nữa cho hàng hóa Mỹ. Nhưng điểm bế tắc chính là ở chỗ “cải cách cơ cấu”. Với tham vọng gia tăng tầm ảnh hưởng và vị thế toàn cầu, câu hỏi được đặt ra là liệu Trung Quốc có thể thỏa hiệp bao nhiêu nữa? Nhiều chuyên gia cho rằng, những dấu hiệu có vẻ tích cực trong các cuộc đàm phán thương mại có thể sẽ như không như vẻ bề ngoài. Luật đầu tư nước ngoài mới của Trung Quốc là một ví dụ đáng chú ý.

Theo tờ The Wall Street Journal, mặc dù dự thảo luật này hiện nay đã giải quyết được một số vấn đề bị các công ty nước ngoài chỉ trích lâu nay đó là cam kết bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, cấm cưỡng ép chuyển giao công nghệ, song dự thảo còn nhiều chỗ chưa rõ ràng về đánh giá an ninh quốc gia, quyền sung công của chính phủ....

Ngoài ra, một điều quan trọng khác là liệu Mỹ và Trung Quốc có thu hẹp khoảng cách đang chia tách hai bên hay không? Đó chính là những vấn đề gai góc, khó giải quyết trong các cuộc đàm phán hiện nay giữa hai nước Mỹ và Trung Quốc. Liệu hai bên sẽ giải quyết được đến đâu những thách thức đó? Câu trả lời sẽ rõ hơn sau các cuộc đàm phán cấp cao về thương mại Mỹ - Trung tại Bắc Kinh trong hai ngày 14 và 15/2./.

Tin mới