Dân bản lập “hương ước” bảo vệ nòng nọc, cá

(Baonghean.vn) - Nguồn thủy sản đang ngày càng cạn kiệt do các kiểu đánh bắt tận diệt, người dân bản vùng cao đã ra "hương ước” cấm người nơi khác đến khai thác trên khe suối của bản mình.

Người dân vùng cao Nghệ An từ đời này qua đời khác gắn bó mật thiết với khe suối. Bởi chính nơi này các loài thủy sản như cá, nòng nọc đã trở thành nguồn cung cấp thức ăn và cũng là thu nhập cho nhiều hộ gia đình. Tuy nhiên, khi đời sống con người ngày càng được nâng cao, người ta chủ yếu hướng đến các mặt hàng “sạch” trên khe suối nên việc khai thác cũng diễn ra thường xuyên với nhiều phương pháp mang tính chất tận diệt hơn.

Cuộc sống của người dân vùng cao từ lâu gắn liền với việc bắt cá, nòng nọc trên khe suối. Ảnh: Đào Thọ
Cuộc sống của người dân vùng cao từ lâu gắn liền với việc bắt cá, nòng nọc trên khe suối. Ảnh: Đào Thọ

Với giá cả đắt đỏ và chỉ có theo mùa, những loài thủy sản được coi là đặc sản như cá mát, nòng nọc lại càng có giá trị hơn nữa. Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện trên thị trường giá bán 1 kg cá mát là 300 nghìn đồng, nòng nọc 100-150 nghìn đồng/kg. Cá mát có thể được khai thác quanh năm nhưng nòng nọc suối chỉ có theo mùa từ tháng 1 đến tháng 3. Chính vì vậy, đến mùa trên địa bàn khe suối vùng cao người dân lại tấp nập mang dụng cụ đi xúc.

Những tấm biển cấm người nơi khác đến đánh bắt thủy sản trên bản mình ở Xoóng Con. Ảnh: Đào Thọ
Những tấm biển cấm người nơi khác đến đánh bắt thủy sản trên bản mình ở Xoóng Con. Ảnh: Đào Thọ

Để bảo vệ nguồn lợi thủy sản của địa bàn mình, gần 5 năm nay người dân bản Xoóng Con (xã Lưu Kiền - Tương Dương) đã cùng nhau lập ra “hương ước” cấm người các nơi khác đến đánh bắt, khai thác dưới mọi hình thức.

Tại địa phận của bản này, chúng tôi quan sát thấy có nhiều tấm bảng bằng gỗ treo ngay ngắn ghi dòng chữ: “Cấm mọi hành vi người địa phương khác đến đánh bắt thủy sản”.

Theo người dân, những tấm biển này đã được gắn lên cách đây gần 2 năm. Đây chính là thông điệp để cảnh báo người lạ đến khe suối của bản bắt cá, nòng nọc.

Người dân bản Xoóng Con đi xúc nòng nọc suối. Ảnh: Đào Thọ
Người dân bản Xoóng Con đi xúc nòng nọc suối. Ảnh: Đào Thọ

Ông Kha Văn Thướng - trưởng bản Xoóng Con cho hay, bản nằm trên địa phận có 2 con suối chảy qua là Nậm Càn và Nậm Khiên. Ở các con suối này tuy không có cá to nhưng nòng nọc và cá mát thì rất nhiều. Tuy nhiên những năm gần đây, nhiều người ở bản khác của xã và cả ở huyện lân cận cũng đến đánh bắt. Nguy hiểm hơn họ còn dùng kích điện để tận diệt nguồn thủy sản. Từ năm ngoái đến nay, bản đã phát hiện hơn 10 vụ đánh bắt bằng kích điện, sau đó báo lên cho chính quyền xã để xử lý.

Những con cá mát với giá cao là đối tượng săn bắt của nhiều người. Ảnh: Đào Thọ
Những con cá mát với giá cao là đối tượng săn bắt của nhiều người. Ảnh: Đào Thọ

Cũng theo ông Kha Văn Thướng, bản Xoóng Con có 216 hộ với hơn 900 nhân khẩu. Từ lâu mọi người đều sống và đánh bắt cá, nòng nọc trên hai khúc suối này. Lo sợ nguồn thủy sản cạn kiệt, mọi người cùng họp nhau lại và đề ra “hương ước” trên. “Chúng tôi làm thế cũng chỉ mong muốn những người nơi khác đến không dùng kích điện để tận diệt cá và nòng nọc thôi” - ông Thướng cho biết thêm.

Chị Lô Thị Bình, một người chuyên xúc nòng nọc về bán cho chúng tôi hay, cứ đến mùa nòng nọc mỗi ngày chị có thể xúc được 5 kg bằng chiếc vinh truyền thống của người Thái.

Nòng nọc suối mùa này cũng đang là
Nòng nọc suối mùa này cũng đang là "đặc sản" được săn lùng. Ảnh: Đào Thọ

Tuy nhiên, có những thời điểm do người ngoài mang kích điện vào đánh bắt làm cá và nòng nọc chết hàng loạt nên dân bản rất bức xúc. Tính ra vào những ngày thuận lợi, tuy có vất vả lặn lội trên khe suối nhưng gia đình chị cũng có thể kiếm được từ 300-500 nghìn đồng. “Trước đây khi cá và nòng nọc còn nhiều, hàng ngày chúng tôi chỉ đi xung quanh đây cũng xúc được. Còn bây giờ phải đi xa cả ngày trời mới về. Từ khi cấm dân nơi khác đến đây đánh bắt, chúng tôi ai nấy đều đồng ý và ủng hộ rất cao. Bởi đây là nguồn thức ăn và thu nhập của nhiều hộ” - chị Bình cho biết.

Phụ nữ bản Xoóng Con dùng vinh để xúc cá, nòng nọc. Ảnh: Đào Thọ
Phụ nữ bản Xoóng Con dùng vinh để xúc cá, nòng nọc. Ảnh: Đào Thọ

Như vậy có thể thấy rằng, với việc lập ra “hương ước”, người dân ở bản Xoóng Con đã bảo vệ được phần nào nguồn lợi thủy sản từ tự nhiên. Đây cũng chính là một cách làm để ngăn ngừa cách đánh bắt bằng hình thức tận diệt.  

Tin mới