Dân bản trục xuất chồng ra khỏi địa phương vì đánh đập vợ

(Baonghean.vn) - Trần Văn Ch. thường xuyên đánh đập vợ con, xóm bản can ngăn nhưng không sửa đổi, vì vậy ban cán sự bản đã họp dân và biểu quyết trục xuất Ch. ra khỏi địa bàn cư trú.

Ly tán vì bạo lực gia đình

Mỗi khi nói đến tình trạng bạo lực gia đình, nhiều hộ dân ở bản Thanh Phong 1, xã Mường Nọc (Quế Phong) thường nhắc đến trường hợp gia đình anh Trần Văn Ch. như một bài học đắt giá. Anh Ch. là người Thái Nguyên, kết hôn và sống với bố mẹ vợ tại bản Thanh Phong 1 đã 12 năm. Cuộc sống hai vợ chồng tuy không giàu có nhưng cũng khá ổn định. Tuy nhiên, theo ông Vi Kim Chương - Trưởng bản Thanh Phong 1 thì vài năm lại nay, anh Trần Văn Ch. thường hay rượu chè say sưa. Mỗi lần uống rượu say lại về nhà gây gổ, đánh đập vợ con. Thậm chí  Ch. còn đòi đốt hết nhà cửa, đánh cả mẹ đẻ, đuổi bố vợ ra khỏi nhà. Bởi vậy, từ chỗ gia đình yên ấm bỗng trở nên lục đục. Mấy năm nay vợ con của Ch. lâm vào cảnh nghèo đói, bị hành hạ khổ sở.

Trưởng bản Vi Kim Chương cho biết về tình hình an ninh trật tự tại bản Thanh Phong 1. Ảnh: P.V
Trưởng bản Vi Kim Chương cho biết về tình hình an ninh trật tự tại bản Thanh Phong 1. Ảnh: P.V

Ban cán sự xóm, tổ hòa giải nhiều lần can ngăn nhưng không có tác dụng. “Dù đã sống với vợ con 12 năm tại xã Mường Nọc nhưng Trần Văn Ch. chỉ đăng ký tạm trú. Do vậy, tháng 8/2020, ban quản lý bản đã tổ chức họp dân và thống nhất áp dụng các quy định về hương ước, biểu quyết trục xuất Trần Văn Ch. ra khỏi địa bàn, cấm không cho ở lại bản để gây gổ với vợ con” - Trưởng bản Vi Kim Chương cho hay. Vì nhà nghèo, không đủ khả năng nuôi hai đứa con nên chị vợ đành để Ch. mang theo đứa con trai rời khỏi địa phương; cô con gái ở lại với mẹ cùng ông bà ngoại.

Cũng ở địa bàn huyện Quế Phong, tháng 8/2018, tại bản Minh Châu, xã Tri Lễ, xảy ra vụ việc vợ chồng chị V.T.T mâu thuẫn do ghen tuông và say rượu dẫn tới người chồng đánh vợ bầm dập. Khi có người anh họ đến can ngăn thì xảy ra ẩu đả giữa người chồng và người họ hàng khiến người này bị thương. Chính quyền, các đoàn thể địa phương phải nhiều lần giải quyết, hòa giải. Và đến nay, tuy sự việc có lắng xuống nhưng sự yên ấm của gia đình chị V.T.T đã không còn như trước.

Một góc bản Thanh Phong xã Mường Nọc. Ảnh: Hoài Thu
Một góc bản Thanh Phong xã Mường Nọc. Ảnh: Hoài Thu

Hoặc như trường hợp chị V.T.M ở bản Chắn, thị trấn Thạch Giám (Tương Dương), do chồng chị M. thường xuyên say rượu rồi về gây gổ, đánh đập vợ con. Dù nhiều lần được chính quyền, người thân khuyên can, hòa giải nhưng chồng chị M. vẫn chứng nào tật nấy. “Vì không chịu nổi sự vũ phu của người chồng, chị V.T.M đã quyết định ly hôn, hai vợ chồng mỗi người nuôi 1 đứa con, bán nhà cửa và đi khỏi địa phương’’ - Chị Lương Thị Lợi - Chủ tịch Hội Phụ nữ bản Chắn cho biết. Dù sự việc xảy ra đã khá lâu, nhưng đến nay vẫn để lại những xót xa cho bà con mỗi khi nhắc đến. Để không còn những vụ việc đáng tiếc như đã xảy ra, bản Chắn đã thành lập Câu lạc bộ "Người đàn ông phòng chống bạo lực gia đình", không chỉ thu hút ngày càng đông hội viên mà còn giúp giảm hẳn những vụ việc gây bất ổn gia đình.

Theo số liệu thống kê của Sở Văn hóa - Thể thao, trên địa bàn tỉnh mỗi năm xảy ra hàng trăm vụ bạo lực gia đình, có những vụ phải xử lý hình sự. Ví như năm 2019 xảy ra  429 vụ bạo lực ở 389 hộ gia đình. Trong đó, bạo lực về thân thể là 285 vụ, chiếm 66,4%; bạo lực về tinh thần 117 vụ; bạo lực về kinh tế chiếm 17 vụ và bạo lực về tình dục 10 vụ.

Chung tay hành động

Không chỉ ở bản Chắn, để đẩy lùi nạn bạo lực gia đình, tại 17 xã, thị trấn của huyện Tương Dương, mỗi xã đều duy trì 1 Câu lạc bộ “Gia đình phát triển bền vững”. Ngoài ra, các địa phương còn triển khai  thêm 10 mô hình “Gia đình, dòng họ hiếu học”, “Ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền” để vun đắp, kết nối sợi dây tình cảm trong gia đình, dòng họ. Theo đó, 95% hộ gia đình trên địa bàn huyện Tương Dương được tuyên truyền, phổ biến pháp luật về công tác gia đình, bình đẳng giới…

Không chỉ ở huyện Tương Dương, mà trên 21 huyện, thành, thị trên địa bàn tỉnh đều xây dựng và đưa vào hoạt động các mô hình như “Nhóm phòng, chống bạo lực gia đình”, CLB “Gia đình hạnh phúc”… Duy trì các số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận những thông tin về bạo lực gia đình trên địa bàn để ngăn chặn, phát hiện và xử lý kịp thời hành vi bạo lực gia đình, hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình. Riêng Sở Văn hóa - Thể thao, từ năm 2019 đã xây dựng 2 mô hình thí điểm phòng, chống bạo lực gia đình tại phường Nghi Thu (TX. Cửa Lò) và xã Châu Lý (Quỳ Hợp) hiện đang phát huy hiệu quả tích cực.

Các huyện, thành, thị xây dựng và duy trì hiệu quả mô hình Câu lạc bộ phòng chống bạo lực gia đình ảnh Tường Vy.
Các huyện, thành, thị xây dựng và duy trì hiệu quả mô hình Câu lạc bộ phòng chống bạo lực gia đình. Ảnh tư liệu Tường Vy.

Bên cạnh đó, các sở, ban, ngành, đoàn thể là thành viên Ban Chỉ đạo công tác gia đình cấp tỉnh cũng đã triển khai nhiều biện pháp, hình thức nhằm phòng, chống bạo lực gia đình dựa trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của ngành mình. Ví như Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã tổ chức được 1.245 cuộc tập huấn nói chuyện chuyên đề về phòng, chống bạo lực gia đình; phòng, chống tệ nạn xã hội; bình đẳng giới; chăm sóc sức khỏe sinh sản; nghệ thuật ứng xử trong gia đình và các vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ và trẻ em. Hội Cựu chiến binh các cấp cũng đã xây dựng được 613 câu lạc bộ, trong đó, có 244 Câu lạc bộ “Gia đình hạnh phúc”, 109 Câu lạc bộ “Bình đẳng giới”…

Theo Tiến sỹ, Luật sư Nguyễn Trọng Hải - Trưởng Văn phòng Luật sư Trọng Hải và Cộng sự: Ngoài tuyên truyền, vận động thì việc xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm Luật Phòng, chống bạo lực gia đình cũng là biện pháp hữu hiệu giúp giảm nhanh tình trạng này. 

Tiến sỹ, Luật sư Nguyễn Trọng Hải: Tại Điều 42, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (BLGĐ) 2007 quy định: “Người có hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính, xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự…”. Điều 43, Luật này cũng nêu rõ: “Người thường xuyên có hành vi bạo lực gia đình đã được góp ý, phê bình trong cộng đồng dân cư mà trong thời hạn 6 tháng, kể từ ngày áp dụng biện pháp này vẫn có hành vi bạo lực gia đình nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì có thể bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn”. Ngoài ra, “Theo Mục 4, Chương 2, Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong phòng, chống BLGĐ thì người có hành vi đánh đập, gây thương tích cho thành viên gia đình, có thể bị phạt tiền từ 1.000.000 - 2.000.000 đồng. Người có hành vi bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung 2017) khi đủ yếu tố cấu thành các tội như: Tội cố ý gây thương tích Điều 134; Tội hành hạ người khác theo Điều 140; Tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình theo Điều 185’’.

Tin mới