Dân có tin hay không là ở tấm gương Tổng Bí thư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư

"Muốn biết dân có tin Đảng hay không, trước hết người ta nhìn vào những tấm gương của cán bộ trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư, BCH Trung ương”

Ông Phạm Thế Duyệt: “Trên gương mẫu nhất định dưới theo”

Nêu quan điểm liên quan đến việc Hội nghị Trung ương 8 thảo luận và thông qua Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, ông Phạm Thế Duyệt, nguyên Ủy viên thường trực Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nhấn mạnh, đây là việc làm đúng đắn. Việc đặt ra quy định về trách nhiệm nêu gương đối với cán bộ cấp cao sẽ có sức lan tỏa và thuyết phục, chắc chắn sẽ kéo theo sự chuyển biến ở cấp dưới.

Dân có tin hay không là ở tấm gương Tổng Bí thư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư ảnh 1
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với nhân dân tham dự Lễ hội Đền Hùng năm Bính Thân 2016. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)

“Trên nghiêm nhất định dưới nghiêm; trên gương mẫu nhất định dưới theo, trên làm tốt nhất định nhân dân tin. Khi nhân dân đã tin lãnh đạo, tức là tin Đảng, tin vào sự lãnh đạo của Đảng”, ông Duyệt nêu rõ.

Dẫn lại lời Bác Hồ từng nói "Đảng viên đi trước, làng nước theo sau", ông Duyệt nhấn mạnh, mọi việc diễn ra trong Đảng dù tốt hay xấu đều phản ánh sự chỉ đạo, lãnh đạo của Trung ương, trước hết là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương, trước hết là các đồng chí đứng đầu các bộ, ngành trung ương, địa phương. Vì vậy, nếu làm tốt được vấn đề cán bộ, từ đào tạo, rèn luyện, phát hiện, đề bạt mà đúng, thì đây sẽ là những người quan trọng nhất có sự ảnh hưởng sâu rộng nhất.

“Muốn biết dân có tin Đảng hay không có thể nhìn từ cơ sở, nhưng trước hết người ta nhìn vào những tấm gương của những người trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương và đứng đầu các tỉnh, thành phố, các bộ, ngành sống ở xung quanh họ. Chẳng có gì người dân không biết cả, chỉ có điều họ có nói ra hay không”, ông Duyệt khẳng định.

Chứng kiến những việc làm, hành động của Trung ương thời gian qua, ông Duyệt tin tưởng những quy định đó không phải là khẩu hiệu mà nó thể hiện quyết tâm xây dựng chỉnh đốn Đảng, quyết tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương. Cùng với quy định này, cộng với phát huy sức mạnh của toàn Đảng, toàn dân, chắc chắn việc chuẩn bị các cán bộ chủ chốt cho Trung ương, cho Bộ Chính trị, cho Ban Bí thư vào khóa XIII sẽ rất thuận lợi.

Ông Hà Đăng: “Người ta luôn dõi xem Trung ương làm thế nào”

Đánh giá dự thảo Quy định về vai trò nêu gương, đặc biệt chú ý đến vai trò của Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban bí thư, Ủy viên Trung ương, ông Hà Đăng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tổng biên tập Báo Nhân Dân, nguyên Trưởng ban Tư tưởng-Văn hóa Trung ương (nay là Ban Tuyên giáo Trung ương) bày tỏ sự vui mừng bởi theo ông việc nêu gương phải thực hiện từ trên xuống dưới.

“Người ta luôn dõi xem Trung ương làm như thế nào. Qua cuộc đấu tranh chống tham nhũng vừa rồi, có thể nói, Trung ương đặc biệt là đồng chí Tổng Bí thư đã thực sự nêu gương. Tôi tin lần này với quyết tâm của Trung ương là dịp để bàn cho nhân sự Đại hội XIII sắp tới thì chắc chắn sẽ thực hiện một cách trọn vẹn. Trung ương đã quyết tâm cao sẽ có sự chuyển động mạnh ở trong Đảng”, ông Đăng nêu rõ.

Khẳng định nêu gương là tiêu chuẩn lớn trong xây dựng đội ngũ cán bộ, đặc biệt trong tình hình hiện nay. Nêu gương tốt để làm theo, gương xấu để tránh đi không làm, ông Hà Đăng phân tích thêm, theo ông, nêu gương ở đây là phải bao hàm cả phương pháp lãnh đạo lẫn tư chất của người lãnh đạo. Nếu như nói gương chỉ là cách lãnh đạo tức là lãnh đạo bằng nêu gương, chỉ coi đó là một mặt của công tác cán bộ thì không đúng. Nêu gương ở đây là nêu tấm gương toàn diện về con người cách mạng. Nêu gương không chỉ là vấn đề tác phong công tác mà đó là vấn đề chính trị lớn. Cán bộ không nêu gương hoặc nêu gương xấu thì người đó không đủ tiêu chuẩn làm cán bộ như đã nói trong Nghị quyết Trung ương 6.

PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc: Nêu gương không chỉ là chuẩn mực đạo đức

Còn theo PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Hội nghị Trung ương 8 lần này thảo luận và quyết định về quy định nêu gương chính là cụ thể hóa thêm quy định xây dựng Đảng về đạo đức. Vấn đề nêu gương không chỉ là chuẩn mực đạo đức của người cộng sản mà còn thể hiện phong cách làm việc, lãnh đạo, phong cách sống của cán bộ đảng viên nói chung, đặc biệt là cán bộ cấp cao. Trung ương ban hành quy định này là hoàn toàn phù hợp với quan điểm xây dựng Đảng về đạo đức, hoàn thiện đạo đức, phong cách, lối sống của cán bộ đảng viên nói chung và cán bộ cấp cao nói riêng.

Việc quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ cấp cao chính là thực hiện tốt nhất Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị khóa XII về học tập làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Do vậy, việc học tập phải được vận dụng vào thực tiễn chữ không phải để chiêm ngưỡng, ca ngợi mà phải chuyển thành nhận thức và hành động đúng đắn. Đây cũng chính là quá trình hoàn thiện, đổi mới phong cách làm việc, phong cách lãnh đạo, rộng hơn là đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, làm sao để tạo ra sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, củng cố niềm tin tốt hơn ngay trong đảng và niềm tin của nhân dân vào sự gương mẫu của cán bộ đảng viên, nhất là những cán bộ cấp cao. Để có được niềm tin đó, những hành động nêu gương cụ thể sẽ có tác động lan tỏa, tích cực trong đảng, trong hệ thống chính trị và trong xã hội.

Ông Phúc cũng cho rằng, những yêu cầu đặt ra trong dự thảo đều là những quy định có tính hiện thực, có thể thực hiện, hoàn toàn không phải là những quy định viển vông. Khi người cán bộ, đảng viên thực sự trong sáng họ sẽ tự giác thực hiện theo quy định. Những quy định ấy chỉ khó khăn đối với những người không trong sáng trong cuộc sống, trong công việc, trong đạo đức, những người cơ hội chính trị, tham lam vật chất.

Tin mới