Dân nhà tầng và những 'ngón nghề' mưu sinh

(Baonghean.vn) - Đến giờ, tôi mới biết trong những ngôi nhà cũ kỹ là những cuộc đời và thân phận khác nhau. Để mưu sinh, những năm tháng khốn khó ấy người dân Quang Trung đã tìm mọi cách kiếm tiền duy trì cuộc sống gia đình...

Người đàn ông gắn bó cả cuộc đời với nghề mộc ở khu B3, chung cư Quang Trung.
Người đàn ông gắn bó cả cuộc đời với nghề mộc ở khu B3, chung cư Quang Trung.

Những tháng năm bao cấp, đa phần cuộc sống của người dân đều khổ nhưng những người ăn lương nhà nước thì khổ hơn bởi từ gạo, thịt, rau, chất đốt đều phải mua bằng tem phiếu. Nếu như CBCNV ở nhà đất, còn có thể cải thiện cuộc sống bằng chăn nuôi, trồng trọt thì cư dân Quang Trung, chỉ số ít người làm được điều đó. Một số khác lại chọn cách làm các nghề phụ khác “mang màu sắc Quang Trung” để kiếm kế sinh nhai.

Trong một lần trở lại Quang Trung, Tiến sĩ Lê Thống Nhất - một thầy giáo nhiều năm sống ở nhà A5, sau đó là nhà A6 vui vẻ:“Nói về dạy luyện thi, tớ đã thuộc dạng có tiếng ở Vinh nhưng tay nghề nấu kẹo lạc và cuốn thuốc lá, tớ lại còn nổi tiếng hơn”. Anh cho biết, ngoài giờ lên lớp, 2 vợ chồng ngồi lỳ trên bàn quấn thuốc lá thủ công, đêm về lại nấu kẹo lạc.

Lợi thế là có nhiều phụ huynh bán quán nước, thầy giáo tài năng của Trường Đại học sư phạm Vinh bao thầu hầu hết mặt hàng kẹo lạc, thuốc lá của các quán nước dọc đường Quang Trung và khu vực lân cận. Không chỉ thầy Nhất mà khá nhiều thầy, cô giáo sống ở Quang Trung đều miệt mài ngồi bên bàn quấn thuốc sau những giờ chấm bài. Trẻ con thì cặm cụi cắt “râu thuốc” rồi đóng bao để mẹ ngày mai tranh thủ trống giờ dạy đi giao hàng.

Hàng kẹo bánh, thuốc lá của ông lão ở dưới gầm cầu thang nhà Quang Trung.
Hàng kẹo bánh, thuốc lá của ông lão ở dưới gầm cầu thang nhà Quang Trung.

Ngày ấy, nhu cầu đá lạnh giải khát mùa hè thành phố Vinh khá lớn, thế là một số nhà có người đi Liên xô đã mua về tủ lạnh Saratov, chức năng làm đá được tận dụng triệt để. Thường làm được mỗi mẻ đá mất độ 8 giờ, mỗi tủ đặt được 2 khay như thế… Trời nắng, đá chưa kịp đông thì quán đã đứng dưới đất réo vọng lên: Bà G. ơi, được đá chưa, mau lên cho người ta bán hàng? Thường là cung không kịp cho cầu vì tủ thì bé, khu nhà tầng thỉnh thoảng lại bị cắt điện.

Nhiều gia đình mang tiếng là có tủ lạnh nhưng con cái vẫn chỉ “ngó đá” bởi làm được tí đá lạnh nào đều đem ra quán, nhà vẫn không dám dùng bởi “đá nuôi người”. Nhớ đến những mùa hè bao cấp, đến những buổi trưa nắng ôm mấy viên đá lạnh đưa ra cho quán nước bán giải khát, tôi lại nhớ ba tôi, PGS.TS Nguyễn Quý Dy trong một lần cao hứng với các đồng nghiệp khoa Toán đã “Vịnh Saratov”, cái cần câu cơm của gia đình tôi:

Cắm vào run rẩy toàn thân
Rút ra nước chảy từ chân xuống sàn
Hỡi chàng quân tử giàu sang
Cắm vào xin chớ vội vàng rút ra

Một số các mẹ, các chị ngại “ló mặt” ra ngoài đường thì chọn nghề đan len để tăng thêm thu nhập. Ngày đó, dân Việt Nam chuộng mũ len Lào, mùa đông trùm kín tai và đầu nhưng mua hàng xịn thì đắt. Thế là có người đứng ra mua len, rồi thuê các mẹ, các chị đan gia công. Thường thì phải mất độ 2 ngày để hoàn thành một chiếc mũ len như thế, tiền công độ 400 đồng, đủ mua được 2 bó rau muống Vinh Tân, loại rau “xịn nhất” thời bấy giờ. Các mẹ Quang Trung còn lập “hội đan len”, hẹn nhau tụ tập ở một nhà nào đó có ông chồng hay trốn đi chơi, vừa đan vừa buôn đủ thứ chuyện, cao hứng các mẹ, các chị còn hát, những điệu ví giằm à ơi…

Hàng bún Vân Đàn ở khu B2 Quang Trung.
Hàng bún Vân Đàn ở khu B2 Quang Trung.

Những nhà khá hơn có máy khâu thì lại nhận gia công đồ may sẵn. Phần lớn gia công quần áo xuất khẩu đi Đông Âu, “nhà thầu” cung cấp cả chỉ, khuya áo, quần. Phần lớn các máy khâu thời ấy không có động cơ, toàn phải đạp bằng chân. Tiếng bàn đạp của máy khâu đêm khuya nghe rõ mồn một, có người nghe mãi đâm quen tai đến khi hết hàng lại khó ngủ. Nhà tôi cũng có một chiếc máy khâu hiệu Con bướm của Liên Xô (cũ). Vào dịp hè, mẹ tôi kỳ cạch cắt và may những bộ đồ học sinh rồi gửi về quê nội ở Nam Đàn để bán trước dịp khai giảng. Khi bắt đầu có “thương hiệu” thì thỉnh thoảng mẹ tôi vẫn nhận được “đơn hàng” của bà con trên quê, nếu làm không kịp mẹ tôi cũng chuyển cho mấy bác láng giềng cùng làm để có thêm thu nhập. Trong cái nghèo, tình người đầy sẻ chia luôn đong đầy!

Mấy gia đình gần Rạp 12/9 thì tối tối rủ nhau cầm cái mẹt, trên là mấy bao thuốc, vài cái lọ đựng kẹo lạc, kẹo vừng, tay xách ấm nước chè xanh…háo hức ăn cơm sớm rủ nhau “tranh dằm đẹp” để bán chạy hàng.

Lịch sử thì không bao giờ lặp lại. Có những kỷ niệm tưởng chừng như bị lãng quên bởi dấu ấn thời gian nhưng nếu ai đó vô tình nhắc lại vẫn làm cho những người trong cuộc bùi ngùi xúc động. Cuộc sống gắn bó với Quang Trung của tôi và những người cùng thời là thế, khốn khó nhưng đầy tự hào!

Bài: An Thanh

 Ảnh: Hazone - Bình Nguyên

TIN LIÊN QUAN

Tin mới