Đằng sau cuộc trốn chạy ngoạn mục của cựu Chủ tịch Nissan

(Baonghean) - Trong những ngày cả thế giới còn đang hân hoan trong bầu không khí chào đón năm mới 2020, một thông tin bất ngờ xuất hiện và lập tức trở thành “bom tấn truyền thông”, đó là cuộc chạy trốn bí hiểm của cựu Chủ tịch Tập đoàn Nissan Carlos Ghosn tới Libanon trong thời gian chờ xét xử vì các cáo buộc gian lận tài chính.

Không chỉ “lùng sục” thông tin về việc Carlos Ghosn làm cách nào rời khỏi Nhật Bản trong khi 3 cuốn hộ chiếu vẫn đang bị các luật sư cất giữ, mọi người còn tò mò tìm hiểu về quá trình sụp đổ của nhân vật từng được coi là “tinh tú trong ngành công nghiệp ô tô thế giới” này.

“Vì tinh tú” một thời

Hành trình chốn trạy của Carlos Ghosn tới Lebanon qua con đường Thổ Nhĩ Kỳ trở thành một câu chuyện đầy hấp dẫn với cánh truyền thông quốc tế bởi mang màu sắc như một bộ phim ly kỳ với nhân vật chính được xếp vào hàng cao cấp nhất trong ngành sản xuất ô tô thế giới.

Carlos Ghosn

Vị trí nhà lãnh đạo của tập đoàn sản xuất ô tô lớn thứ 2 thế giới còn mang lại cho Carlos Ghosn một vị thế chính trị mà bất cứ doanh nhân nào cũng phải ao ước, ở bất cứ nơi nào có nhà máy sản xuất của Nissan, là Nhật Bản, là Pháp, là Anh và tất nhiên là cả Lebanon - nguồn gốc xuất thân của ông.

Carlos Ghosn sinh năm 1954 tại Brazil trong một gia đình người nhập cư Lebanon. Tuổi thơ của Carlos Ghosn gắn liền với thủ đô Beirut, nhưng lớn lên, ông đã tới Paris, Pháp để theo học trường École Polytechnique danh tiếng - nơi trang bị cho ông những kiến thức chuyên sâu về lĩnh vực tự động hóa.

18 năm sau khi tốt nghiệp, Carlos Ghosn gắn bó với hãng sản xuất lốp ô tô Michelin trước khi gia nhập Renault trong một chiến dịch “săn đầu người” của tập đoàn này. Trong giai đoạn nhà sản xuất ô tô của Pháp khó khăn nhất, Carlos Ghosn đã tiến hành một chiến dịch tái cấu trúc đầy khắc nghiệt, đưa những con số lợi nhuận xuất hiện trở lại trong bảng báo cáo tài chính của Renault. Đó cũng là điểm khởi đầu đưa tên tuổi của Carlos Ghosn “cất cánh” trong ngành sản xuất ô tô thế giới.

Carlos Ghosn - Nikkei Asian Review

Năm 1999, khả năng xoay chuyển tình thế của Carlos Ghosn lại được dịp thể hiện khi Renault mua 43,4% cổ phần của Nissan, cứu Nissan bên bờ vực sụp đổ. Carlos Ghosn được coi là một trường hợp đặc biệt của ngành sản xuất ô tô Nhật Bản - nơi mà những người ngoại quốc hầu như không thể chạm tới vị trí lãnh đạo cao nhất. Jürgen Schrempp, cựu Chủ tịch của Tập đoàn Daimler Chrysler khi ấy còn ví von Carlos Ghosn như một “chiếc tàu phá băng”, làm thay đổi những tập quán kinh doanh đã “ăn sâu bén rễ” trong ngành công nghiệp với những quy tắc đầy bảo thủ của Nhật Bản.

Sau khi hình thành liên minh Renault - Nissan, Carlos Ghosn tiếp tục thúc đẩy việc liên kết với Mitsubishi, tạo nên liên minh ô tô sản xuất lớn thứ hai trên thế giới với khoảng 470.000 nhân viên trên toàn cầu, chiếm hơn 10% sản lượng ô tô bán ra trên thị trường thế giới.

Trong ngành công nghiệp sản xuất ô tô, Carlos Ghosn được đánh giá là một trong những lãnh đạo doanh nghiệp thành công nhất, là một ngôi sao với vầng hào quang tỏa sáng suốt 20 năm qua. Ý tưởng đột phá của Carlos Ghosn là sở hữu chéo cổ phần giữa các công ty mà không sáp nhập chúng với nhau. Đồng thời giữ vị trí Chủ tịch của cả Renault, Nissan và Mitsubishi, đồng thời kiêm nhiệm Giám đốc điều hành của Renault, Carlos Ghosn thực sự tạo nên “đế chế Ghosn” trong ngành sản xuất ô tô toàn cầu.

Carlos Ghosn và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong cuộc triển lãm ô tô tại Paris tháng 10/2018 - một tháng trước khi bị bắt. Ảnh: Getty
Carlos Ghosn và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong cuộc triển lãm ô tô tại Paris tháng 10/2018 - 1 tháng trước khi bị bắt. Ảnh: Getty

Sự sụp đổ của một ngôi sao

Nhưng buổi chiều ngày 19/11/2018 là một bước ngoặt lịch sử trong sự nghiệp của Carlos Ghosn, đánh dấu sự sụp đổ của “ngôi sao Ghosn” lừng lẫy một thời. Khi chiếc máy bay riêng hạ cánh tại sân bay Haneda ở Tokyo, Carlos Ghosn dự định sẽ ăn tối tại một nhà hàng sushi yêu thích với cô con gái và chủ trì một cuộc họp Hội đồng quản trị vào ngày hôm sau. Nhưng trước khi Carlos Ghosn có thể rời sân bay, các công tố viên đã ập lên máy bay và thực hiện quy trình bắt giữ.

Bị bắt ngay tại sân bay, cuộc gọi đầu tiên của Carlos Ghosn để yêu cầu trợ giúp pháp lý lại là cuộc gọi cho chính nhân vật quan trọng nhất đằng sau vụ bắt giữ. Đó thực sự là một vụ việc chưa từng có tiền lệ, gây chấn động trong cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản. Thế nhưng với một số nhân vật chủ chốt trong Nissan, đây là kết quả tất yếu sau cuộc điều tra kéo dài gần 1 năm - cuộc điều tra được giữ bí mật theo một thỏa thuận giữa những người tố giác và chính quyền.

Vụ bắt giữ Carlos Ghosn tại sân bay Haneda tháng 11/2018. Ảnh: Getty
Vụ bắt giữ Carlos Ghosn tại sân bay Haneda tháng 11/2018. Ảnh: Getty

Sau khi Carlos bị bắt giữ, những chuyện “thâm cung bí sử” của Carlos Ghosn mới dần vỡ lở, rằng căng thẳng đã bao vây ông suốt một thời gian dài. Ông đã mâu thuẫn với cổ đông lớn nhất của Renault là Chính phủ Pháp về mức lương quá cao của ông. Trong khi tại Nissan, ông bị chỉ trích không đưa ra được mẫu xe mới nào thực sự truyền cảm hứng. Và quan trọng nhất, có không ít quyết sách của ông trong cả ba công ty bị các thành viên khác trong Hội đồng quản trị phản đối. Dư luận từng đặt câu hỏi, vì sao một nhân vật từng đứng trên đỉnh cao vinh quang lại có thể đưa ra những quyết sách sai lầm?

Với những người thân cận với Carlos Ghosn, cũng là những người bí mật thúc đẩy cuộc điều tra nhắm vào ông, yếu tố then chốt chính là khát vọng khẳng định bản thân quá lớn, luôn mong muốn vươn tới vị thế người đứng đầu của doanh nghiệp sản xuất ô tô số 1 thế giới. Họ cáo buộc ông thúc đẩy cuộc sáp nhập hoàn toàn giữa Nissan và Renault để vượt qua quy mô của Toyota và Volkswagen, từ đó tiếp tục liên minh với Fiat Chrysler Automenses để trở thành nhà sản xuất ô tô lớn nhất toàn cầu. Nhưng khát vọng của Carlos Ghosn lại gây khó khăn cho nhu cầu chuyển hướng của Nissan, Renault sang lĩnh vực ô tô điện và ô tô tự hành, thúc đẩy một số thành viên chủ chốt trong tập đoàn thực hiện một cuộc lật đổ gây chấn động.

Ghosn đã nộp 13,8 triệu USD để được tại ngoại, trước khi đào tẩu. Ảnh: Getty Images
Ghosn đã nộp 13,8 triệu USD để được tại ngoại, trước khi đào tẩu. Ảnh: Getty Images

Vụ bắt giữ Carlos Ghosn đã tạo nên luồng dư luận trái chiều. Những người ủng hộ ông thì cho rằng ông là nạn nhân của một âm mưu do những người phản đối kế hoạch sáp nhập Nissan và Renault tiến hành. Ngược lại, những người phản đối ông lại đưa ra những cáo buộc vô cùng nặng nề, rằng ông lạm dụng tín nhiệm để làm sai lệch các bản báo cáo tài chính, lợi dụng tài sản công ty để mưu lợi cá nhân. Tội danh chính thức mà ông bị cơ quan công tố cáo buộc là khai man thu nhập cá nhân khoảng 83 triệu USD trong thời gian 8 năm và lạm dụng tín nhiệm để chuyển hàng triệu USD ra khỏi tài khoản của công ty. Tuy nhiên, Carlos Ghosn phủ nhận toàn bộ cáo buộc này.

Theo kế hoạch, Tòa án Tokyo sẽ bắt đầu xét xử Carlos Ghosn vào tháng 4/2020. Nhưng với việc trốn sang Lebanon và không bị dẫn độ về Nhật Bản do Lebanon và Nhật Bản không ký hiệp ước dẫn độ, những bí mật đằng sau cuộc chạy trốn ngoạn mục của Carlos Ghosn chưa biết đến bao giờ mới được làm sáng tỏ. Khi chưa trả lời được câu hỏi “Carlos Ghosn là người có công hay có tội?”, vụ việc của Carlos Ghosn đang đẩy giới kinh doanh ô tô Nhật Bản đã vào một câu hỏi lớn và quan trọng khác: “Liệu một người ngoại quốc có thể thực sự trở thành một phần của công ty Nhật Bản hay không?”

Carlos Ghosn - The Guardian

Tin mới