Đằng sau việc Mỹ thúc đẩy Ukraine bày tỏ thiện chí đàm phán với Nga

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Washington dường như đã thay đổi lập trường về cuộc xung đột Nga-Ukraine, khi Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ thúc giục các cuộc đàm phán trước khi mùa Đông bắt đầu, trong khi các cố vấn an ninh quốc gia Mỹ tiến hành cuộc trao đổi với Nga ở hậu trường.

Trong vài tháng qua, đã có những đồn đoán ở phương Tây rằng chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ thay đổi chính sách theo hướng có lợi cho các cuộc đàm phán hòa bình sau khi các cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ kết thúc”, ông David T. Pyne - cựu quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ và hiện là học giả của Lực lượng Đặc nhiệm EMP, nhận định.

“Các báo cáo cho rằng, chính quyền Biden đã lo ngại về việc tham gia vào các cuộc đàm phán hòa bình trước các cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ trong tuần trước vì sợ xuất hiện rủi ro khiến đảng của ông Biden hứng chịu thất bại lớn bao gồm cả việc mất cả hai viện Quốc hội”, ông Pyne nói.

Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, trong chuyến thăm Kiev ngày 4/11/2022. Ảnh: Văn phòng Tổng thống Ukraine/AP

Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, trong chuyến thăm Kiev ngày 4/11/2022. Ảnh: Văn phòng Tổng thống Ukraine/AP

Trong bối cảnh cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ của Mỹ chưa rõ kết quả, “thời điểm đó là đúng lúc cho một sáng kiến ngoại giao quan trọng để đàm phán một thỏa thuận hòa bình” với Moscow nhằm chấm dứt xung đột Nga-Ukraine, theo ông Pyne.

Ngày 10/11, New York Times tiết lộ, Tướng Mark A. Milley - Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, gợi ý rằng đã đến lúc Ukraine “củng cố lợi ích của họ” trên bàn đàm phán với Nga trước khi mùa Đông bắt đầu.

Trong khi đó, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan đã xác nhận liên lạc với phía Moscow. Ông Sullivan cũng có chuyến thăm Kiev vào đầu tháng này.

Hôm 5/11, Washington Post tiết lộ chính quyền Tổng thống Biden đang kín đáo yêu cầu Ukraine tỏ thái độ sẵn sàng đàm phán với Nga. Đồng thời, hãng truyền thông Mỹ cũng cho rằng yêu cầu của các quan chức Washington là một nỗ lực có tính toán nhằm đảm bảo Ukraine có thể duy trì sự ủng hộ của các quốc gia khác. Giới báo chí Mỹ cũng thừa nhận rằng những cuộc thảo luận không rõ ràng này cho thấy lập trường của Nhà Trắng đối với Ukraine đã trở nên phức tạp như thế nào.

Đáng chú ý, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã bất ngờ thể hiện sự thay đổi rõ ràng bằng tuyên bố rằng ông sẵn sàng đàm phán với Nga, mặc dù ông đã từ chối xem xét khả năng này trong nhiều tháng qua.

“Một số nguồn tin suy đoán rằng sáng kiến hòa bình mới nhất của chính quyền Mỹ có thể ít mang tính thực tiễn mà thiên về thái độ hòa bình nhiều hơn để đảm bảo sự hỗ trợ từ các đồng minh châu Âu của Mỹ như Pháp và Đức - những nước đã muốn theo đuổi một thỏa thuận được đàm phán từ nhiều tháng nay”, ông Pyne nhận định.

Cựu quan chức Lầu Năm Góc không loại trừ khả năng Italy, Pháp và Đức có thể đang theo đuổi lựa chọn ngoại giao đằng sau hậu trường để chấm dứt xung đột Ukraine trong bối cảnh cuộc khủng hoảng năng lượng đang bùng phát. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh thực tế là 3 nước lớn của EU vẫn “không ngừng tuyên bố sẽ tiếp tục hỗ trợ quân sự cho Ukraine với hy vọng Kiev có thể đẩy quân đội Nga trở lại vị trí trước ngày 24/2”.

Đầu tuần trước, Hungary đã chặn gói viện trợ tài chính 18 tỷ euro của EU dành cho Ukraine, gây ra làn sóng chỉ trích từ giới lãnh đạo của khối. Trong khi đó, người dân châu Âu đã tổ chức các cuộc biểu tình trên khắp liên minh kêu gọi chính phủ của họ ngừng gửi vũ khí tới Kiev và dỡ bỏ các lệnh trừng phạt Nga.

Đa số người Mỹ phản đối tiếp tục viện trợ quân sự cho Ukraine

Theo ông Pyne, khủng hoảng kinh tế ở các nước phương Tây và đặc biệt là suy thoái kinh tế ở Mỹ “chắc chắn đã gia tăng áp lực lên chính quyền Tổng thống Biden và các thành viên Quốc hội, buộc họ phải cởi mở hơn trong việc hỗ trợ các cuộc đàm phán hòa bình giữa Ukraine và Nga”.

Các cuộc khảo sát gần đây cũng cho thấy hơn một nửa số người Mỹ muốn chấm dứt xung đột Nga-Ukraine.

“Một số cuộc thăm dò gần đây cho thấy đa số người Mỹ đã thay đổi quan điểm, chuyển sang phản đối việc tiếp tục viện trợ quân sự cho Ukraine. 52% số người được hỏi nói rằng họ đồng ý với việc Ukraine thua cuộc. Một số cuộc thăm dò khác cho thấy dư luận Mỹ chia rẽ về việc liệu Washington có nên tiếp tục hỗ trợ Ukraine trong cuộc chiến chống lại Nga hay không”, ông Pyne cho hay.

Đảng Cộng hòa (GOP) hiện đang được dự đoán sẽ giành quyền kiểm soát Hạ viện. Trước đó, Hạ nghị sĩ Đảng Cộng hòa Kevin McCarthy - người có thể trở thành Chủ tịch Hạ viện nếu GOP kiểm soát viện này, tuyên bố ông sẽ ủng hộ việc cắt giảm viện trợ cho Kiev.

“Hơn nữa, phe bảo thủ ủng hộ “Nước Mỹ trước tiên” của nội bộ Đảng Cộng hòa ở Hạ viện đang ngày càng nổi lên, họ hiểu rằng viện trợ quân sự cho Ukraine đang đi ngược lại với lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ vì nó làm gia tăng nguy cơ xảy ra một cuộc chiến tranh giữa Mỹ và Nga cũng như khả năng Nga leo thang hạt nhân”, ông Pyne nhận định.

Tín hiệu “hòa bình” từ Washington chỉ là vì dư luận trong nước?

Dù vậy, theo ông Pyne, hiện vẫn chưa rõ chính quyền đương nhiệm của Mỹ nghiêm túc đến mức nào trong việc hỗ trợ một cuộc đàm phán nhằm kết thúc cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine.

Ông lưu ý rằng, chính quyền Tổng thống Biden đã tuyên bố sẽ ủng hộ bất kỳ nhượng bộ nào mà Chính phủ Ukraine đồng ý như một phần của thỏa thuận hòa bình với Nga. Tuy nhiên, Kiev nhiều lần nhấn mạnh họ sẽ không đồng ý với kết quả các cuộc trưng cầu ý dân ở Donetsk. Lugansk, Zaporizhzhia và Kherson cũng như việc sáp nhập các vùng lãnh thổ này vào Liên bang Nga sau đó. Vấn đề này có thể trở thành rào cản đối với các cuộc đàm phán tiềm năng trong tương lai.

Mặt khác, sáng kiến hòa bình mới của chính quyền Mỹ có thể là tình thế trong nước nhằm mục đích xoa dịu nhóm cấp tiến của đảng Dân chủ tại Hạ viện. Trước đó, nhóm này đã gửi một lá thư tới Tổng thống Joe Biden kêu gọi ông làm trung gian đàm phán hòa bình giữa Kiev và Moscow.

“Một trong những lý do về thời điểm của sáng kiến hòa bình này có thể giúp đảm bảo sự ủng hộ của phe cấp tiến đối với gói viện trợ 50 tỷ USD của ông Biden trong phiên họp quốc hội “vịt què” (“lame-duck” - khoảng thời gian được coi là giai đoạn chuyển giao quyền lực từ đảng này sang đảng khác)”, cựu quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ nhận định./.

Tin mới