Đặng Thiên Sơn: Người đi chậm mà chắc

(Baonghean) - Đặng Thiên Sơn có một gương mặt khá già dặn so với lứa tuổi 8X của mình. Ngày thấy thơ và ảnh Sơn giới thiệu trên báo Áo Trắng - tờ báo văn chương dành cho giới trẻ, cứ nghĩ rằng Sơn hẳn ở thế hệ 7X. Bởi có lẽ, cậu trai Yên Thành quê lúa ấy lớn lên từ những vất vả, trải qua nhiều thăng trầm nên trông mặt chẳng bắt được “thời gian”.
Nhờ văn chương mà xin được việc
Năm 2009, sau khi tốt nghiệp ngành Sư phạm Ngữ văn tại Trường Đại học Quy Nhơn, Đặng Thiên Sơn đăng ký thi tuyển giáo viên vào Trường THPT Quy Nhơn. Sòng phẳng mà nói, một cậu trai nghèo, không thân không quen mà nộp đơn thi vào một trường công lập lớn ở thành phố Quy Nhơn không hề dễ.
Sơn kể, hôm ấy Ban giám hiệu rút một tác phẩm ngẫu nhiên trên mạng xuống và cho thí sinh trong vòng 4 tiếng đồng hồ phải soạn được giáo án điện tử và giáo án giấy, đồng thời giảng trực tiếp cho hội đồng sư phạm chấm điểm.
Anh bốc thăm được tác phẩm “Mẹ điên” của tác giả Vương Hằng Tích, do Trang Hạ dịch sang tiếng Việt. Trong 4 tiếng đồng hồ bằng những gì đã học, cộng với năng khiếu văn chương anh đã hoàn thành bài giảng của mình và lấy được nhiều nước mắt của những người ngồi nghe giảng hôm ấy.
Và cuối cùng anh đã vượt qua 12 giáo viên khác để được ký hợp đồng giảng dạy tại Trường THPT Quy Nhơn. Lúc ấy Sơn vui lắm. Bởi một người tha phương từ tỉnh khác đến Quy Nhơn kiếm được việc làm ngay thành phố và việc làm ấy lại đúng chuyên ngành mình yêu thích thì còn gì bằng. 
Đặng Thiên Sơn
Đặng Thiên Sơn.
Suốt 2 năm đứng trên bục giảng tại Trường THPT Quy Nhơn, Sơn luôn nỗ lực phấn đấu để hoàn thành nhiệm vụ nhà trường phân công. Có thể nói đó cũng là thời gian ý nghĩa nhất của cuộc đời anh tính tới thời điểm này. Vì 2 năm ngắn ngủi ấy đã giúp anh thực hiện được ước mơ đeo đuổi suốt 16 năm ngồi trên ghế nhà trường là được làm một thầy giáo, được gần gũi các em học sinh. Không ngày nào là không có tiếng cười, không có niềm vui. Mệt đến mấy, khó khăn đến mấy, vất vả đến mấy, chỉ cần nhìn thấy học sinh thân yêu là mọi thứ lại tan biến.
Sau này, vì một số lý do cá nhân mà Sơn phải chuyển sang công tác ở những lĩnh vực khác, không còn đứng lớp thường xuyên, thi thoảng chỉ tham gia giảng tại một số trung tâm cho đỡ nhớ nghề và kiếm thêm thu nhập. Nhưng Sơn luôn tự nhủ với lòng mình, nếu sau này có điều kiện vẫn muốn trở lại với nghề dạy học. Nghề mà anh yêu thích nhất, được đào tạo bài bản nhất và có thể làm tốt nhất.  
Là giáo viên giảng dạy văn chương, nên năng khiếu viết lách luôn hỗ trợ Sơn rất nhiều trong giảng dạy và ngược lại. Bởi trước khi viết đòi hỏi người viết phải đọc của tiền nhân, của bạn bè, nắm vững lý thuyết thể loại… Từ sự đọc, sự tìm tòi đó sẽ giúp Sơn nắm vững kiến thức văn chương, biết được xu thế cũng như tính thời sự của văn học để có những tiết dạy tốt hơn. Nhờ năng khiếu viết lách mà trong các tiết dạy anh có thể thêm những câu chuyện ngoại đề giúp học sinh hứng thú hơn với từng tiết học… Ngược lại, nghề dạy học cũng giúp anh viết tốt hơn, nhìn nhận mọi việc chậm hơn, kỹ hơn trước khi viết để không có những tác phẩm vô nghĩa. 
Tập thơ đầu tiên “cháy hàng” sau một tháng
Trong khi nhiều nhà thơ đau đầu với việc phát hành thơ thì Sơn bất ngờ bán cháy hết veo tập thơ đầu tay chỉ sau một tháng. Với Sơn, đó là một duyên may. Anh là một người rất thích hòa đồng với học sinh. Và trong sáng tác của mình anh cũng ưu ái hơn với học sinh. Vì hơn ai hết học sinh gần gũi với Sơn, bản thân anh cũng hiểu được các em rõ nhất.
Mặt khác, Sơn cũng chỉ mới bước qua thời học sinh, sinh viên mấy năm nên việc viết cho lứa tuổi học trò, viết về lứa tuổi học trò vẫn luôn thường trực trong anh.
Tập thơ đầu tay của Sơn có tên “Blog thời sinh viên”. Phần lớn các tác phẩm trong tập thơ này viết về thời áo trắng. Kỷ niệm khiến Sơn vui sướng nhất với tập thơ này là nó đã “cháy hàng” chỉ sau một tháng ra mắt bạn đọc. Điều ngạc nhiên là đối tượng mua tập sách lại là các em học sinh, sinh viên. Gần đây khi tập thơ không còn một cuốn nào trong nhà để lưu giữ, một học sinh cũ mà Sơn vẫn kết nối qua Facebook đã gửi tặng lại thầy. 
Sơn đến với văn chương khá chậm so với nhiều bạn bè viết cùng trang lứa. Khi còn nhỏ đi học ở Nghệ An, anh tự nhận “chả mê gì văn chương”. Bởi quê Sơn nghèo đói, xa xôi trung tâm thị trấn huyện nên không có sách, báo để đọc, để mà mê văn chương. Sơn bắt đầu mon men viết lách từ năm thứ 2 đại học. Bài thơ đầu tiên của anh được đăng báo là bài “Cỏ lau” đăng trên Tập san “Áo trắng”.
Từ đó Sơn bén duyên với văn chương. Từ đọc, viết đến khi tham gia cùng với các anh chị Ban biên tập Áo trắng tuyển chọn, giới thiệu bài vở của các bạn học sinh, sinh viên đối với Sơn là những bước đi chậm mà luôn cảm thấy rất thích thú. Nhất là khi được Áo trắng ủy quyền phụ trách bộ phận Áo trắng Hà Nội, được gặp gỡ, giao lưu, giúp đỡ những bạn viết trẻ mới chập chững bước vào nghề anh thấy mình ý nghĩa hơn. 
Sơn là người chịu học. Anh luôn trân trọng cả những tác phẩm đầu đời của các bạn trẻ vì từ đó có thể rút ra được rất nhiều kinh nghiệm cho mình và hơn nữa là học hỏi được ở các bạn những thể nghiệm mới mà đa số người trẻ họ mới làm được. Qua sự nhiệt huyết, hăng say của các bạn trẻ cũng tiếp thêm cho Sơn cảm hứng và đam mê với văn chương. 
Anh còn có duyên được học nhiều tên tuổi lớn. Sơn chia sẻ, nếu để chọn ra một người thầy trong văn chương thực sự khó với Sơn. Bởi tất cả những người liên quan tới anh trong lĩnh vực văn chương phần lớn là thầy cô giáo dạy chuyên môn cho tới những người anh, người bạn tài giỏi xung quanh. Nhưng dường như anh rất có duyên với những người họ Đoàn. Có người thì họ Đoàn thật có người chỉ ký bút danh, nhưng họ có tác động rất lớn đến con đường viết lách của Sơn. Ấy là anh có 2 năm công tác trong ngành bản quyền tác giả cùng với nhà thơ Đoàn Thị Lam Luyến, một người rất đáng trọng. Sơn rất thích thơ của chị, nhất là thơ lục bát. Từ khi không còn làm việc với chị Luyến nữa Sơn về đầu quân cho Nhà sách Đông Tây của dịch giả Đoàn Tử Huyến, cũng là một người đồng hương.
Đoàn Tử Huyến là một dịch giả cần mẫn, uyên bác và làm việc với văn chương hết mình khiến anh luôn kính nể. Mỗi lần làm việc với dịch giả Đoàn Tử Huyến, anh đã học được rất nhiều từ dấu chấm, dấu phẩy cho đến những văn bản đa ngôn ngữ… Nếu chọn một người thầy văn chương cho mình, Sơn chọn Nhà văn Đoàn Thạch Biền vì đây là người vẫn luôn theo sát, động viên anh, giúp anh bước vào con đường văn chương bằng việc đăng những bài thơ đầu tiên khiến Sơn say đắm văn chương đến giờ. 
Còn cầm bút, còn viết về quê
“Đường về xa lắm” là tập tạp văn của Sơn viết về quê nhà xứ Nghệ. Tập sách thấm đẫm những nhớ nhung, trăn trở và nặng ân tình quê hương này được nhiều bạn trẻ, nhất là những người xa quê yêu thích vì tìm được sự đồng cảm với mình trong đó. 
Quê gốc của Sơn là xã Diễn Quảng, huyện Diễn Châu, một xã nghèo nằm ven bờ sông Bùng hiền hòa thơ mộng, nơi ấy có tổ tiên, có những lăng tẩm, đình, đền mà mỗi năm anh phải trở về vài ba bận. Nơi Sơn sinh ra và lớn lên là huyện lúa Yên Thành, nơi có những cánh đồng lúa mênh mông, bát ngát, nơi có những dãy núi uy nguy trầm mặc mọc bao bọc xung quanh, nơi có con kênh đào quanh năm xanh ngắt và là nơi đóa nhau thai của anh được chôn nơi gốc khế sau nhà... Bởi vậy quê hương xứ Nghê là nguồn cảm hứng vô tận cho Sơn sáng tác. Và anh cũng biết chắc rằng mình sẽ không bao giờ viết hết được những gì mình nghĩ, mình yêu thương với đất và người xứ Nghệ. Anh nói: “Khi nào còn cầm bút thì chắc chắn tôi sẽ còn viết về xứ Nghệ, quê hương tôi”.
Sơn tự nhận, lâu nay anh chưa thể viết được cái gì hay hơn đề tài quê hương và mẹ. Có lẽ mảnh đất xứ Nghệ nơi anh sinh ra và lớn lên, trải qua những tháng năm khốn khó đã là một “mỏ quặng” quý báu để anh cày cuốc trên cánh đồng chữ nghĩa. Những dấu mốc đầu đời vui có, buồn có đã hằn sâu vào những tháng ngày tuổi thơ của anh cứ thế ùa ra làm đầy nỗi nhớ nhà, nhớ quê trong những ngày xa cách.
Sơn là người thứ ba trong làng đậu đại học và là người đầu tiên trong dòng họ bước vào giảng đường. Bố mẹ, ông bà tôi mấy đời về trước đều là nông dân, chân lấm tay bùn, chân chất và nghèo đói. Sở dĩ làng anh có người vào đại học muộn cũng bởi là nông trang, nông trại xóm mới nên việc học hành ở đời trước chưa được chú tâm. Vì vậy khi anh vào đại học là tự mình quyết định ngành nghề và sở thích, không ai ép buộc. Mẹ Sơn chỉ nói: Học sư phạm thì không phải đóng tiền học phí, sẽ đỡ vất vả hơn. Thời ấy ở quê đứa nào cũng chỉ mê sư phạm. Sơn kể, anh được như bây giờ tất cả là sự cố gắng của bản thân, muốn thoát nghèo và xóa đi mặc cảm về học vấn của dòng họ. Tất cả đều đến bất ngờ, ngẫu nhiên, chỉ cần mình luôn nghiêm túc và nỗ lực với nghề, sẽ ổn. 
Đặng Thiên Sơn (1984) sinh ra và lớn lên ở Tân Thành, Yên Thành, Nghệ An. Hiện làm việc tại Sách Đông Tây, Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, Hà Nội. Từng là giáo viên THPT Quy Nhơn, TP. Quy Nhơn.
* Các tác phẩm đã xuất bản: Blog thời sinh viên (Tập thơ), Nhà xuất bản Thanh Niên, 2009; Đường về xa lắm (Tập tản văn), Nhà xuất bản Văn học, 2014; Ngồi chơi với phố (Tập tản văn), Nhà xuất bản Hội Nhà văn 2016. In chung và Chủ biên nhiều đầu sách văn học khác.
T.V-V.H
TIN LIÊN QUAN

Tin mới