Đánh giá cán bộ, đảng viên cuối năm: Nhận diện biểu hiện 'tự diễn biến', 'tự chuyển hóa' phù hợp

(Baonghean) - Cùng với ban hành hướng dẫn kiểm điểm, đánh giá, xếp loại chất lượng hàng năm đối với tổ chức Đảng, đảng viên và tập thể, cá nhân cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, Ban Tổ chức Trung ương yêu cầu việc đánh giá, xếp loại phải công tâm, khách quan, khắc phục tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm không phản ánh đúng thực chất.

Tăng tính chủ động cho cơ sở

Theo đánh giá từ cơ sở, Hướng dẫn số 16-HD/BTCTW ngày 24/9/2018 của Ban Tổ chức Trung ương về kiểm điểm, đánh giá, xếp loại hàng năm đối với tổ chức Đảng, đảng viên và tập thể, cá nhân cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp cơ bản phù hợp với tình hình thực tế, góp phần đánh giá cụ thể, sát đúng đối với tổ chức Đảng, đảng viên và tập thể, cá nhân cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Tuy nhiên, bên cạnh đó còn có một số bất cập nhất định như việc quy định các chủ thể đánh giá, xếp loại đảng viên còn nhiều.

Đảng viên là công chức, viên chức, những người hưởng lương từ ngân sách Nhà nước có tới 5 chủ thể cùng đánh giá, có trường hợp số chủ thể đánh giá nhiều hơn 5 chủ thể nếu đảng viên còn tham gia các tổ chức chính trị - xã hội. Đồng chí Nguyễn Ngọc Biên - Phó trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Nghi Lộc dẫn chứng: Một đồng chí đảng viên làm bí thư đoàn xã ngoài việc xin ý kiến 5 chủ thể theo quy định còn phải xin ý kiến đánh giá của chi đoàn (là đoàn viên của chi đoàn), ý kiến đánh giá của công đoàn (là đoàn viên công đoàn xã)... Vì vậy, khó khăn cho quá trình xin ý kiến và tổng hợp báo cáo trước khi đánh giá, xếp loại đảng viên.

Lãnh đạo Ban Tổ chức Huyện ủy Nghi Lộc trao đổi với cán bộ, nhân dân xóm 2, xã Nghi Thuận. Ảnh: Thành Duy
Lãnh đạo Ban Tổ chức Huyện ủy Nghi Lộc trao đổi với cán bộ, nhân dân xóm 2, xã Nghi Thuận. Ảnh: Thành Duy

Việc đánh giá các biểu hiện theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng chỉnh đốn Đảng với 27 biểu hiện được cụ thể hóa thành 82 nội dung nhưng cấp độ chỉ ghi “có biểu hiện” và “không có biểu hiện” nên khó khăn cho việc nhận định, đánh giá cụ thể. Bởi có những biểu hiện chỉ xuất hiện đâu đó, có lúc, có khi hoặc ở mức độ nhẹ sẽ khó khăn khi xác định có hay không có biểu hiện. Vì thế, đại đa số đảng viên nhận ở cấp độ “không có biểu hiện”.

Từ thực tiễn trên, Ban Tổ chức Trung ương đã ban hành Hướng dẫn số 21-HD/BTCTW (Hướng dẫn 21) ngày 18/10/2019 hướng dẫn kiểm điểm, đánh giá, xếp loại chất lượng hàng năm đối với tổ chức Đảng, đảng viên và tập thể, cá nhân cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp thay thế cho Hướng dẫn số 16 - HD/BTCTW ngày 24/9/2018 nhằm khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện của năm 2018 theo hướng tăng tính chủ động cho cơ sở.

Trong Hướng dẫn 21 đã bỏ phụ lục nhận diện 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" bằng các biểu hiện cụ thể, đồng thời đề nghị các tỉnh, thành, đảng ủy trực thuộc Trung ương hướng dẫn việc nhận diện các biểu hiện suy thoái "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" cho phù hợp. Khung tiêu chuẩn và các mức chất lượng cũng được sửa đổi theo hướng cụ thể hóa tiêu chí đánh giá, định lượng mức độ đạt được theo đúng cấp độ: xuất sắc, tốt, trung bình, kém của từng tiêu chí cụ thể để đánh giá, xếp loại chất lượng được chính xác hơn.

"Các tập thể, cá nhân được xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thì phải có nhiều thành tích nổi bật, có đổi mới sáng tạo, khẳng định vị trí hàng đầu, điển hình để các tổ chức Đảng khác học tập noi theo, một số tiêu chí quan trọng và kết quả thực hiện phải đạt cấp độ xuất sắc".

Đồng chí Nguyễn Thanh Bình - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương.

Các tập thể, cá nhân được xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thì phải có nhiều thành tích nổi bật, có đổi mới sáng tạo. Ảnh một góc nông thôn mới xã Hưng Đạo (Hưng Nguyên). Ảnh: T.D
Các tập thể, cá nhân được xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thì phải có nhiều thành tích nổi bật, có đổi mới sáng tạo. Trong ảnh: Một góc nông thôn mới xã Hưng Đạo (Hưng Nguyên). Ảnh: T.D

Hướng dẫn số 21 cũng tạm dừng việc tham gia đánh giá, xếp loại của các chủ thể ở cùng cấp và ở cấp dưới, chỉ thực hiện tham gia đánh giá ở cấp trên bằng hình thức lấy phiếu kín, lấy ý kiến. Về nhiệm vụ này, Ban Tổ chức Trung ương đề nghị các tỉnh, thành, đảng ủy trực thuộc Trung ương hướng dẫn về đối tượng, nội dung lấy ý kiến của chủ thể tham gia đánh giá ở cấp trên cho phù hợp để có thêm căn cứ đánh giá, xếp loại chính xác hơn.

Một số điểm lưu ý để khắc phục một số vướng mắc trong tổ chức thực hiện năm 2018 cũng được bổ sung như: Trường hợp cá nhân chuyển đến là người đứng đầu mà không liên quan đến mức xếp loại của tổ chức, cơ quan, đơn vị mới thì không áp dụng quy định “Mức xếp loại của người đứng đầu không được cao hơn mức xếp loại của tổ chức, cơ quan, đơn vị do mình đứng đầu”. Đối với đảng viên vi phạm kỷ luật ở tổ chức Đảng nơi công tác trước đó nhưng bị xử lý kỷ luật và thi hành kỷ luật ở tổ chức Đảng mới chuyển đến thì tính vào kết quả đánh giá, xếp loại của tổ chức Đảng nơi xảy ra vi phạm;... Hướng dẫn 21 chỉ ban hành kèm theo 2 mẫu về kiểm điểm tập thể và cá nhân thay vì có đến 6 mẫu như Hướng dẫn số 16 năm 2018.

Cụ thể hóa phù hợp với các loại hình tổ chức cơ sở Đảng

Tuy nhiên, theo lãnh đạo Ban Tổ chức Trung ương, Hướng dẫn số 21 chỉ mang tính chất khung nên các tỉnh, thành, đảng ủy trực thuộc cần đặc biệt quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể, chi tiết cho phù hợp với từng loại hình tổ chức Đảng, đối tượng đảng viên và đặc điểm của địa phương, từng đơn vị, từng lĩnh vực để thực hiện có hiệu quả.

Cán bộ Báo Nghệ An trao đổi về công tác Đảng. Ảnh: T.D
Cán bộ Báo Nghệ An trao đổi về công tác Đảng. Ảnh: T.D

Trên cơ sở đó, ngày 28/10/2019, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Kế hoạch số 215-KH/TU kiểm điểm tập thể, cá nhân và đánh giá, xếp loại, khen thưởng hàng năm đối với tổ chức Đảng, đảng viên, tập thể, cá nhân cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Kế hoạch số 215 đưa ra các quy định về nội dung, tiêu chí, nguyên tắc, phương pháp đánh giá, xếp loại tổ chức Đảng cấp trên cơ sở và cấp cơ sở; tập thể, cá nhân lãnh đạo, quản lý các cấp và phiếu đánh giá, xếp loại các đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy để các đảng bộ có cơ sở đánh giá, nhận xét và tự nhận loại. Đối với các đảng bộ, chi bộ cơ sở trực thuộc huyện, thành, thị ủy và đảng ủy trực thuộc do các huyện, thành, thị ủy và đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy rà soát, điều chỉnh, bổ sung phiếu đánh giá, xếp loại phù hợp để các đảng bộ, chi bộ cơ sở tự đánh giá, nhận loại.

Tại Đảng bộ Khối Các cơ quan (CCQ) tỉnh Nghệ An, đồng chí Hồ Thị Hồng Liên - Trưởng ban Tổ chức Đảng ủy Khối CCQ tỉnh cho biết: Các tổ chức cơ sở Đảng trực thuộc Đảng ủy chủ yếu thuộc loại hình đảng bộ, chi bộ cơ sở cơ quan. Vì vậy, Đảng ủy ban hành hướng dẫn thiên về công tác xây dựng đảng đối với việc lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị gắn liền với các nhiệm vụ trong quá trình tham mưu các cơ chế, chính sách, chức năng ngành mình, trong lãnh đạo thực hiện cơ quan mạnh, ngành mạnh, gắn với xây dựng tổ chức, đoàn thể vững mạnh, đặc biệt công tác cải cách hành chính là một trong những nét trọng tâm của năm nay.

Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy xã Lượng Minh (Tương Dương) kiểm tra, giám sát quản lý đảng viên. Ảnh: Thanh Lê
Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy xã Lượng Minh (Tương Dương) kiểm tra, giám sát quản lý đảng viên. Ảnh: Thanh Lê

Hướng dẫn của Đảng ủy Khối CCQ tỉnh căn cứ theo khung Trung ương, tỉnh, song được chi tiết hóa ở mức yêu cầu cao hơn. “Đặc biệt với các tổ chức Đảng trực thuộc hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phải có thành tích nổi bật, có những đổi mới sáng tạo và khẳng định được vị trí, vai trò dẫn đầu, điển hình; có sản phẩm cụ thể và có báo cáo cụ thể về điểm mới để từ đó Ban Thường vụ Đảng ủy Khối CCQ tỉnh thẩm định kết quả và xin ý kiến nhiều kênh khác nhau khi đó mới đưa ra kết quả xếp loại, đặc biệt là công nhận xuất sắc”, đồng chí Hồ Thị Hồng Liên cho biết.

Kiểm điểm, tự phê bình, phê bình, đánh giá và xếp loại chất lượng tập thể, cá nhân là việc khó, vì vậy, để nâng cao chất lượng, đảm bảo đúng thực chất các cấp ủy, tổ chức Đảng, đảng viên cần quán triệt sâu sắc tầm quan trọng của công tác này, khắc phục tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm và đánh giá, xếp loại không phản ánh đúng thực chất. Đặc biệt, các cấp ủy, tổ chức Đảng lãnh đạo các tổ chức, cơ quan, đơn vị, nhất là người đứng đầu phải thực hiện nghiêm túc và cấp ủy cấp trên phải tăng cường kiểm tra, lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc việc thực hiện. Có như vậy mới nâng cao chất lượng công tác đánh giá, xếp loại chất lượng hàng năm. 

Tin mới