Đánh giá ứng dụng khoa học công nghệ trong chế biến dược liệu tại Con Cuông

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Sáng 7/6, Công ty CP Dược liệu Pù Mát phối hợp Sở Khoa học Công nghệ tổ chức Hội thảo khoa học về ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong chế biến sản phẩm cao, trà hoà tan từ cây dược liệu tại huyện Con Cuông. 

Ông Hoàng Nghĩa Nhạc - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ và Thạc sĩ nông nghiệp Phan Xuân Diện - Chủ nhiệm dự án chủ trì Hội thảo.

Tham dự có đại diện lãnh đạo các sở: Khoa học Công nghệ, Y tế, Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thuỷ sản; lãnh đạo huyện và các xã, thị trên địa bàn huyện Con Cuông.

ThS Phan Xuân Diện trình bày báo cáo khoa học "Ứng dụng tiến bộ KHCN xây dựng mô hình chế biến sản phẩm cao, trà hoà tan từ cây dược liệu tại huyện Con Cuông" tại hội thảo. Ảnh: Hoài Thu

ThS Phan Xuân Diện trình bày báo cáo khoa học "Ứng dụng tiến bộ KHCN xây dựng mô hình chế biến sản phẩm cao, trà hoà tan từ cây dược liệu tại huyện Con Cuông" tại hội thảo. Ảnh: Hoài Thu

Phát biểu tại Hội thảo, ông Hoàng Nghĩa Nhạc cho biết, “Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ xây dựng mô hình chế biến sản phẩm cao, trà hoà tan từ cây dược liệu tại huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An” là dự án nghiên cứu khoa học nhằm phục vụ nâng cao chất lượng sản phẩm từ phát triển nguồn cây dược liệu ở miền Tây Nghệ An.

Dự án “Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ xây dựng mô hình chế biến sản phẩm cao, trà hoà tan từ cây dược liệu tại huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An” được Công ty CP Dược liệu Pù Mát thực hiện trong thời gian 18 tháng, bắt đầu từ tháng 7/2020 - 6/2022 dưới sự quản lý, hướng dẫn của Sở Khoa học Công nghệ. Đây là dự án thuộc chương trình khoa học công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của các huyện, thành, thị.

Trong Đề án “Mỗi xã một sản phẩm tỉnh Nghệ An giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến 2030”, được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 729/QĐ -UBND ngày 12 tháng 3 năm 2019, tỉnh Nghệ An hiện có 182 sản phẩm nông nghiệp lợi thế trong các lĩnh vực dịch vụ, lâm nghiệp, thủy sản, trồng trọt, chăn nuôi, trong đó có sản phẩm của Công ty CP Dược liệu Pù Mát.

Việc thực hiện dự án này phù hợp với mục tiêu trọng tâm của OCOP Nghệ An là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ du lịch có lợi thế trên địa bàn tỉnh theo hướng gia tăng giá trị, do các tổ chức kinh tế OCOP tại địa phương thực hiện.

Các đại biểu dự Hội thảo tham quan khu trồng dược liệu ở xã Chi Khê, huyện Con Cuông. Ảnh: Hoài Thu

Các đại biểu dự Hội thảo tham quan khu trồng dược liệu ở xã Chi Khê, huyện Con Cuông. Ảnh: Hoài Thu

Dự án này nghiên cứu, hoàn thiện quy trình công nghệ chế biến cao, trà hòa tan từ một số cây dược liệu (cà gai leo, dây thìa canh, giảo cổ lam và mướp đắng rừng) đảm bảo an toàn thực phẩm. Đồng thời xây dựng được mô hình sản xuất cao, trà hòa tan đảm bảo an toàn thực phẩm theo quy định tại QCVN 8-2:2011/BYT và Quyết định số 46/2007/QĐ-BYT với công suất 100 kg nguyên liệu/mẻ. Đồng thời xây dựng được nhãn hiệu liên kết cao, trà hòa tan do Công ty CP Dược liệu Pù Mát sản xuất.

Phát biểu tại Hội thảo, Chi cục trưởng Chi cục Nông lâm thuỷ sản Nguyễn Mạnh Hà cho biết, Dược liệu Pù Mát là công ty đầu tiên thực hiện chuyên sâu trong sản xuất, chế biến dược liệu ở Nghệ An với cách thức vừa nghiên cứu khoa học, vừa xây dựng công ty và kinh doanh sản phẩm, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Ông Hà đề nghị Công ty CP Dược liệu Pù Mát tiếp tục phát huy, đổi mới quy trình, quy mô sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm. Duy trì và tiếp tục phát triển những mô hình đã được chuyển giao cho công ty; đồng thời tiếp cận các chương trình hỗ trợ sản xuất, trang bị thiết bị và kinh doanh sản phẩm OCOP của Nhà nước.

Thạc sĩ Trần Thị Oanh - giảng viên khoa Dược, Trường Đại học Y khoa Vinh, trưởng nhóm dự án nêu tại hội thảo, Công ty CP Dược liệu Pù Mát có hệ thống vườn trồng và nguồn dược liệu rộng lớn, có chất lượng, có chế độ chăm sóc đạt tiêu chuẩn cao. Trà hoà tan là một sản phẩm chất lượng cao và có yêu cầu sản xuất, chế biến nghiêm ngặt, trải qua quá trình thử nghiệm trong thời gian dài mới có thể đưa ra sản phẩm đáp ứng các tiêu chí về chất lượng, giữ được dược tính của các dược liệu.

Đại diện các sở, ngành, địa phương tham quan khu vực trồng và quy trình sản xuất, chế biến của Công ty CP Dược liệu Pù Mát đóng tại xã Chi Khê huyện Con Cuông. Ảnh: Hoài Thu

Đại diện các sở, ngành, địa phương tham quan khu vực trồng và quy trình sản xuất, chế biến của Công ty CP Dược liệu Pù Mát đóng tại xã Chi Khê huyện Con Cuông. Ảnh: Hoài Thu

Tham luận tại Hội thảo, đại diện nhóm chuyên gia, công nhân, cán bộ Hội Nông dân huyện đã nêu rõ các ưu điểm của quy trình sản xuất mới trong sản xuất cao và trà hoà tan các loại dược liệu; các giải pháp hợp tác, tạo việc làm cho người dân địa phương; thực hiện mục tiêu đưa các sản phẩm nông nghiệp của Con Cuông lên sàn giao dịch thương mại điện tử...

Trước đó, trình bày nội dung dự án, ThS Phan Xuân Diện cho biết, dự án đã nghiên cứu, hoàn thiện được quy trình công nghệ chế biến cao, trà hòa tan từ một số cây dược liệu (cà gai leo, dây thìa canh, giảo cổ lam và mướp đắng rừng. Tổ chức đoàn đi học tập kinh nghiệm tại Quảng Trị, Hà Nội và Hà Tĩnh cho 10 người gồm Cơ quan thực hiện dự án, chủ nhiệm dự án, các kỹ thuật viên và công nhân; cùng với 2 chuyên gia hoàn thiện quy trình, đánh giá sự phù hợp hệ thống nhà xưởng và trang thiết bị hiện có của Công ty CP Dược liệu Pù Mát với yêu cầu dây chuyền sản xuất cao, trà hòa tan từ cây dược liệu.

Kết quả phân tích, kiểm nghiệm các chỉ tiêu chất lượng, đảm bảo các yêu cầu, đảm bảo an toàn thực phẩm theo quy định tại QCVN 8-2:2011/BTY và Quyết định số 46/2007/QĐ-BTY và đăng ký và công bố chất lượng sản phẩm cho 4 sản phẩm là cao cà gai leo, cao dây thìa canh, trà hòa tan cà gai leo, trà hòa tan dây thìa canh.

Cán bộ xã Chi Khê đề nghị Công ty CP Dược liệu Pù Mát mở rộng quy mô trồng nguyên liệu trên địa bàn xã, tiếp tục giúp tạo nhiều việc làm, thu nhập cho người dân. Ảnh: Hoài Thu
Cán bộ xã Chi Khê đề nghị Công ty CP Dược liệu Pù Mát mở rộng quy mô trồng nguyên liệu trên địa bàn xã, tiếp tục giúp tạo nhiều việc làm, thu nhập cho người dân. Ảnh: Hoài Thu

Đối với trồng trọt ở địa phương, Dự án đã mở ra hướng phát triển trồng cây dược liệu một cách bền vững, tạo được vùng trồng dược liệu quy mô lớn như ở xã Châu Khê có vùng trồng hơn 10 ha, xã Lạng Khê có vùng trồng trên 4 ha, xã Chi Khê có vùng trồng trên 4 ha.

Sau khi kết thúc dự án (tháng 6/2022), diện tích trồng dược liệu ở huyện Con Cuông đã được nâng từ 14 ha năm 2019 lên 23 ha vào năm 2022, tạo thêm 150 việc làm cho các hộ dân (thêm 150 hộ trồng dược liệu) với lợi nhuận sau khi đã trừ các chi phí trên 150 triệu đồng/ha, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương./.

Tin mới