'Nội dung là trái tim của tòa soạn'

(Baonghean.vn)- Chúng ta không được biến sản phẩm báo chí thành một loại hàng hóa tầm thường, loại hàng hóa chỉ nhằm mục đích kiếm tiền.

Phòng làm việc của ông Nguyễn Thế Kỷ - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV); Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương được bao quanh bởi những giá sách và chiếc tủ kính trưng bày nhiều loại radio và máy quay phim đời cũ. Trên tường có tấm hình nhỏ đen trắng là ảnh chụp ông hồi trẻ, dáng thư sinh và vác trên vai chiếc máy quay phim 16 ly khi đang tác nghiệp tại một sự kiện thời sự. Cuộc trò chuyện về nghề lãnh đạo cơ quan báo chí giữa chúng tôi với ông bắt đầu từ tấm hình kỷ niệm đó.

Ông Nguyễn Thế Kỷ. Ảnh: Võ Văn Thành
Ông Nguyễn Thế Kỷ. Ảnh: Võ Văn Thành

Ông Nguyễn Thế Kỷ chia sẻ: Tôi vừa rời Đài Tiếng nói Việt Nam để bước vào chặng đường mới và về cơ bản, đã có thể gói ghém hành trang cuộc đời làm báo và quản lý báo chí của mình. Những ký ức vui thành buồn, thành công, chưa thành công cũng đã nằm lại phía sau. Tôi trưởng thành nghề báo từ vị trí phóng viên. Tốt nghiệp loại Giỏi khoa Ngữ Văn, khóa 22, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội cuối năm 1981, tôi về quê mình, làm ở Đài Truyền hình Vinh, trực thuộc Ủy ban Phát thanh và Truyền hình Việt Nam (Đài đứng chân ở TP. Vinh). Tôi làm phóng viên, biên tập viên rồi lên Phó Trưởng phòng, Trưởng phòng của Đài Truyền hình Vinh trong gần 10 năm. Đài Truyền hình Vinh lúc đó là đài truyền hình khu vực, khá hiện đại, tương tự như các đài khu vực Huế, Đà Nẵng, Nha Trang, Quy Nhơn, TP. Hồ Chí Minh và Cần Thơ.

 Học Ngữ văn nhưng ưa tìm hiểu, khám phá nên tôi chịu không dừng lại ở vai trò một phóng viên, biên tập viên, viết lời bình cho các bản tin, phóng sự, phim tài liệu... tôi còn mày mò học quay phim, dựng phim, lồng tiếng, ghép nhạc. Trong nghề báo hiện nay, chúng ta thường nghe nói về mô hình tòa soạn hội tụ (convergence newsroom). Đó là nơi gặp gỡ của các loại hình truyền thông trong cùng một tòa soạn, thậm chí trong cùng một nhà báo (phóng viên đa phương tiện, đa loại hình). Hồi trước chưa có khái niệm này, nhưng chúng tôi đã tự xây dựng cho mình ý thức người phóng viên phải làm được nhiều việc khác nhau, sử dụng được nhiều loại hình phương tiện khác nhau để truyền tải nội dung một cách tốt nhất.

Trong nghề làm truyền hình, thường có một cặp luôn đi cùng: Phóng viên biên tập + quay phim. Cặp đôi này rất ít khi “hoàn hảo”. Ông quay cứ quay theo ý thích (và cả sự hiểu biết hạn chế về sự việc, sự kiện!), còn ông viết, lẽ ra là người quyết định quá trình phản ánh nội dung, lại như là người phụ thuộc, khi về làm hậu kỳ, có những cảnh rất cần, rất thích thì chẳng có, cảnh không thích, không đắt lại ngập tràn. Mà phim nhựa thì đắt, phải nhập từ nước ngoài. Đó là lý do tôi mày mò học nghề quay phim và học cả các khâu hậu kỳ tiếp theo. Với các phim tài liệu, phóng sự, điều này rất có ý nghĩa. Đấy, bạn xem đấy (ông Kỷ chỉ tay vào bức hình đen trắng gần bàn làm việc), cái chàng phóng viên rất đẹp trai, ngầu, lãng tử, đầu đội mũ bê-rê ấy, là tôi năm 23 tuổi. Nói nhỏ nhé, khối cô mê, thật, đừng có đùa!

Đến nay nhìn lại chặng đường công tác của mình, tự thấy, tôi không có bước nào nhảy vọt, không có ai nâng đỡ, cứ tuần tự, vất vả mà đi lên. Năm 1989, Đài Truyền hình Vinh được chuyển giao cho tỉnh, sáp nhập cùng Đài Phát thanh Nghệ Tĩnh thành Đài Phát thanh - Truyền hình Nghệ Tĩnh. Năm 1991, Nghệ Tĩnh tách thành hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, tôi ở lại Đài Phát thanh - Truyền hình Nghệ An; năm1994, tôi được đề bạt Phó Giám đốc Đài Phát thanh - Truyền hình Nghệ An (phụ trách khối nội dung).

 Năm 2000, Ban Thường vụ Tỉnh ủy điều động, bổ nhiệm tôi giữ chức Tổng Biên tập Báo Nghệ An, kiêm Phó Trưởng ban Ban Tuyên giáo Nghệ An. Năm 2003, tôi được Ban Thường vụ Tỉnh ủy luân chuyển làm Bí thư Huyện ủy Nam Đàn. Năm 2005, được điều động ra Hà Nội làm Vụ trưởng Vụ Báo chí của Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương. Năm 2010, tôi được Ban Bí thư bổ nhiệm là Phó Trưởng ban Ban Tuyên giáo Trung ương phụ trách mảng công tác báo chí, xuất bản, văn hóa, văn nghệ. Đại hội XII của Đảng tháng 01 năm 2016 bầu tôi vào Ban Chấp hành Trung ương. Tháng 3 năm 2016, Bộ Chính trị ra Quyết định điều động, luân chuyển; Thủ tướng ra quyết định bổ nhiệm tôi là Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV).

“Tôi không bao giờ tự hài lòng với bản thân và công việc”.

PV: Từ vị trí Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đến nhận công tác lãnh đạo một cơ quan báo chí cụ thể, ông thấy có gì khác biệt?

PGS.TS. Nguyễn Thế Kỷ: Tôi luôn nghĩ, dù ở vị trí công tác nào thì con người mình cơ bản không thay đổi mấy, không có sự khác biệt đáng kể. Có chăng, là công việc ở mỗi nơi khác nhau thì đi theo đó là những đòi hỏi, yêu cầu đặt ra khác nhau.

Khi ở Ban Tuyên giáo Trung ương, do tính chất công việc, tôi có điều kiện nắm thông tin đầy đủ từ “gốc”, từ nhiều nguồn chính thống như Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Chủ tịch nước, Quốc hội, các bộ, ngành và nhiều lực lượng khác nữa.

Anh chị em trực tiếp lãnh đạo, quản lý các cơ quan báo chí cũng có những nguồn thông tin của mình, nhưng vì nhiều lý do khác nhau, nên không thể đầy đủ, kịp thời, có hệ thống như ở Ban Tuyên giáo Trung ương. Vì vậy, với trách nhiệm công tác của mình, khi cần thiết, tôi đưa ra các khuyến nghị đúng đắn và cần thiết với anh em báo chí. Không phải ép buộc mà với tinh thần chúng ta đều chung một mục đích là phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân. Thông tin đầu nguồn, được tiếp cận đầy đủ như thế, vậy thì chúng ta cùng nhau quyết định nên làm gì, truyền thông ra sao để đảm bảo tính trung thực, khách quan, đúng định hướng.

Ví dụ, năm 2011, tàu Bình Minh 02 đang hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa 200 hải lý của Việt Nam thì bị tàu Trung Quốc vào phá hoại, cản trở. Lúc đó, Việt Nam đã phản đối mạnh mẽ hành động vi phạm Công ước về Luật Biển 1982 của phía Trung Quốc, yêu cầu Trung Quốc rút về và không được tái diễn.

Phóng viên Báo Nghệ An tác nghiệp khi đón công dân từ nước ngoài về nước tránh dịch Covid-19 qua Sân bay Vinh. Ảnh: Thành Cường
Phóng viên Báo Nghệ An tác nghiệp khi đón công dân từ nước ngoài về nước tránh dịch Covid-19 qua Sân bay Vinh. Ảnh: Thành Cường

Đến tháng 3/2012, tàu Bình Minh 02 khảo sát ở khu vực gần đảo Cồn Cỏ (tỉnh Quảng Trị), Trung Quốc đưa khoảng 30 tàu cá, thực chất là tàu bán vũ trang vào gây rối, ngăn cản, khiến tàu khảo sát của Việt Nam gặp khó khăn trong hoạt động. Khi các lực lượng chức năng của ta ra đẩy đuổi thì những tàu cá đó bỏ chạy. Quá trình bỏ chạy, chân vịt các tàu cá dân binh này vướng vào cáp thu nổ địa chấn của tàu Bình Minh 02 khiến cáp bị đứt. Từ thông tin chính xác được cơ quan chức năng cung cấp, tôi đã trao đổi với anh em báo chí về sự việc như trên. Tuy nhiên, một số người gay gắt cho rằng nói như thế là sai, là bao che hành động sai trái “cắt cáp” của phía Trung Quốc. Nhưng tôi bình tĩnh trao đổi lại rằng, nếu dùng từ “cắt cáp”, động từ “cắt” bao giờ cũng phải có dụng cụ, chẳng hạn chúng ta dùng kìm hoặc dao cắt một vật gì đó, còn đây là tàu cá dân binh Trung Quốc khi bỏ chạy vướng chân vịt vào dây thu nổ cáp địa chấn của tàu Bình Minh 02, làm “đứt cáp”.

Chỉ một từ thôi, nhưng chúng ta muốn đấu tranh đàng hoàng, chính xác, có sức thuyết phục thì phải nói cho đúng, nhờ đó, phía bên kia mới “chịu” mình, còn mình nói sai, họ sẽ cãi lại, và mình dễ đuối lý.

Tôi kể một câu chuyện như vậy để từ góc độ nghề báo, chúng ta chia sẻ nhiều hơn, cảm thông hơn với những người làm công tác chỉ đạo, quản lý báo chí. Quản lý ở đây không phải là sự áp đặt, càng không phải là sự bắt buộc, mà là nói đúng sự thật, đấu tranh có lý lẽ, có chính nghĩa, có như vậy mới giành phần thắng. Là người làm báo thì dù ở vị trí nào, cái gốc vẫn là phải có thông tin chính xác, đầy đủ, kịp thời để mang đến niềm tin nơi công chúng.

PV: Quá trình làm quen, hòa nhập với công việc mới ở Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) thì đã diễn ra như thế nào, thưa ông?

PGS.TS. Nguyễn Thế Kỷ:  Đúc kết từ thực tiễn hoạt động, chúng ta có thể phân ra ba dạng lãnh đạo cơ quan báo chí. Một là lãnh đạo an phận thủ thường, “sáng cắp ô đi tối cắp về”, họ chỉ mong mọi việc an toàn, suôn sẻ. Dạng thứ hai tuy có chí tiến thủ, nhưng không tổ chức được lực lượng, không tìm ra được mục tiêu, giải pháp để đưa cơ quan, đơn vị mình đi lên. Thứ ba là những người không chịu bằng lòng với kết quả công việc của mình, luôn trăn trở, năng động, sáng tạo cùng tập thể tìm cách đưa cơ quan phát triển. Tôi tự xếp mình vào dạng thứ ba. Luôn tự hỏi đơn vị mình đã tốt chưa, đã được như mong muốn của mình và mọi người chưa? Có cách gì để cơ quan, để công việc tốt hơn lên?

Tôi về Đài Tiếng nói Việt Nam, một trong những điều đầu tiên chia sẻ với anh chị em là chúng ta được thừa hưởng một di sản vô cùng quý giá và đồ sộ, đó là di sản của Đài Tiếng nói Việt Nam  - cơ quan báo chí đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập ngày 02/9/1945, thì chỉ 5 ngày sau, ngày 7/9/1945 Đài Tiếng nói Việt Nam được thành lập.

Những năm gần đây khi các loại hình báo chí khác nhau phát triển mạnh mẽ, nhất là khi truyền hình chiếm lĩnh thị phần công chúng lớn, rồi báo điện tử, mạng xã hội bùng nổ thì lĩnh vực phát thanh có sự đi xuống ít nhiều. Điều này là quy luật. Tôi từng nói với mọi người ở Đài Tiếng nói Việt Nam là chúng ta phải vượt lên chính mình, nghĩa là vượt lên khó khăn, thử thách để đi tới, để xứng đáng với truyền thống vẻ vang hôm qua. Điều này không phải là hô khẩu hiệu, càng không phải là duy ý chí mà mỗi người ở Đài phải cố gắng hơn nữa, sáng tạo hơn nữa, nâng cao chất lượng nội dung, hình thức, chất lượng kỹ thuật, công nghệ, làm cho các chương trình của VOV, của VTC phải nhanh, đúng, hay, bổ ích, thu hút được đông đảo công chúng nghe, xem, đọc... 

PV: Theo ông, đâu là những tố chất cần phải có để trở thành một Tổng Giám đốc, Tổng Biên tập?

PGS.TS. Nguyễn Thế Kỷ: Ở ta, do những điều kiện cụ thể, một số đồng chí lãnh đạo các cơ quan báo chí, cả trung ương và địa phương không được đào tạo chuyên sâu, bài bản về công tác báo chí, nghiệp vụ báo chí. Một số đồng chí được chuyển từ các ban, ngành khác sang làm lãnh đạo cơ quan báo chí. Thường thì anh chị em này có học qua các lớp cử nhân chính trị hoặc cao cấp lý luận chính trị. Tuy nhiên, người lãnh đạo cơ quan báo chí cần phải học hành bài bản về nghiệp vụ, kỹ thuật và công nghệ làm báo, học về quản lý tòa soạn, quản lý, quản trị một cơ quan báo chí cụ thể (báo chí in, phát thanh, truyền hình, báo điện tử).

Hiểu biết sâu sắc từng khâu công việc là cần thiết để lãnh đạo tòa soạn; tránh tình trạng có những Tổng Giám đốc, Tổng Biên tập cho đến khi nghỉ hưu cũng không thực sự nắm bắt được những vấn đề cốt lõi của nghề báo.

Qua đúc kết hoạt động nghề báo của bản thân, tôi cho rằng có 5 yếu tố mà người lãnh đạo cơ quan báo chí cần phải trang bị cho mình:

Thứ nhất là năng lực quản lý, điều hành tổ chức bộ máy và nhân sự.

Thứ hai là quản lý về nội dung, rất thành thạo, sắc sảo về nghề làm báo. Thứ ba, quản lý về kỹ thuật, công nghệ.

Thứ tư quan trọng không kém ba yếu tố vừa nêu là quản lý về tài chính, tài sản.

Thứ năm là khả năng đối ngoại, quan hệ với công chúng.

Đây là yếu tố rất cần thiết hiện nay để lãnh đạo, quản lý, quản trị một cơ quan báo chí hiện đại, có quy mô lớn hoặc tương đối lớn, đa loại hình, đa phương tiện.

PV: Ông đặt ra ưu tiên như thế nào trong 5 yếu tố nêu trên?

Người xưa nói nhân vô thập toàn, không ai giỏi được tất cả. Trong lĩnh vực báo chí cũng vậy, có người làm tốt về nội dung thì yếu về kỹ thuật hoặc yếu về tài chính báo chí. Người lãnh đạo phải biết chọn bộ phận giúp việc để bổ sung cho mình những hạn chế, bất cập.

Trong 5 lĩnh vực nêu ở trên, chỉ đạo, quản lý nội dung là công việc quan trọng thường trực đối với lãnh đạo cơ quan báo chí, nhất là người đứng đầu.

Nội dung là trái tim của tòa soạn, của cơ quan báo chí và là yếu tố quyết định sự sống còn, phát triển của cơ quan báo chí, tạo nên uy tín, thương hiệu của cơ quan báo chí.

Ông Nguyễn Thế Kỷ cùng các đồng nghiệp tại Phòng truyền thống Báo Nghệ An. Ảnh tư liệu
Ông Nguyễn Thế Kỷ cùng các đồng nghiệp tại Phòng truyền thống Báo Nghệ An. Ảnh tư liệu

Ngày nay tin tức, hình ảnh sẽ tràn ngập khắp các báo, tạp chí, nhất là đài phát thanh, truyền hình và cả mạng xã hội khi một sự kiện nào đó xảy ra trong nước hay quốc tế. Các tòa soạn đứng trước mỗi sự kiện đều ứng xử cơ bản như nhau, nhưng điều làm nên sự khác biệt chính là ở cách thức nắm bắt, xử lý vấn đề, sự kiện và đưa nó đến với công chúng ra sao. Tôi vẫn thường chia sẻ với các cộng sự của mình rằng, làm sao để chúng ta không dừng lại ở phản ánh đơn thuần mà phải có phân tích, bình luận và định hướng dư luận xã hội một cách đúng đắn, tích cực.

Một số chuyên gia quốc tế đã sử dụng thuật ngữ “báo chí trí tuệ”- hoạt động báo chí giúp tăng cường sự hiểu biết của con người về thế giới. Chúng ta vẫn rất cần các tin nóng, tin độc quyền, phóng sự điều tra. Nhưng báo chí trí tuệ nhấn mạnh đến việc giải thích, đưa ra quan điểm đúng đắn, có trách nhiệm về các sự kiện, vấn đề quan trọng, nóng bỏng đang diễn ra.

Ví dụ như chính trường nước Pháp dưới thời kỳ ông Emmanuel Macron nổi lên những nhân tố nào? Tại sao lực lượng áo vàng lại liên tục biểu tình? Những vấn đề của nước Pháp phải chăng đến bây giờ mới có hay đã tích tụ trong lòng nước Pháp từ lâu nay, bây giờ là thời điểm bùng phát? Hay ở trong nước cũng vậy thôi. Những ngày đầu mùa hè này dư luận quan tâm đến việc phiếu thanh toán tiền điện trong các hộ tiêu dùng tăng lên. Có vẻ như giá điện lâu nay ít giảm, chỉ có tăng, vậy cái tăng đó có đúng với quy luật thị trường hay không, hay còn có yếu tố nào khác? Đây là những vấn đề mà cơ quan báo chí phải phân tích, đưa tin một cách minh triết, có trách nhiệm đến bạn đọc.

PV Báo Nghệ An tác nghiệp ở miền Tây xứ Nghệ. Ảnh: PV
PV Báo Nghệ An tác nghiệp ở miền Tây xứ Nghệ. Ảnh: PV

Báo chí muốn hấp dẫn bạn đọc cũng phải biết hướng nội dung đến các vấn đề dân sinh. Xã hội ngày càng quan tâm đến các vấn đề trong đời sống thường ngày của con người. Hiện nay, người dân thông thái hơn, trình độ nhận thức cao hơn thì họ quan tâm hơn đến cuộc sống của mình, của cộng đồng và đặc biệt là con em mình như: Giá điện, giá xăng, chất lượng nước sinh hoạt, chất lượng không khí, an toàn thực phẩm, an toàn giao thông, trường học thân thiện…

Vai trò quan trọng của người Tổng Giám đốc, Tổng Biên tập là định hướng nội dung tờ báo. Cũng như người thuyền trưởng, con thuyền, mái chèo, dòng nước, ghềnh thác thường giống nhau, nhưng chèo chống ra sao lại phụ thuộc vào tài của từng người cầm lái.

PV: Ông nghĩ như thế nào về việc xây dựng ê kíp trong công việc?

PGS.TS. Nguyễn Thế Kỷ: Tôi cho rằng một ông Tổng Biên tập có nghề thì sẽ tạo cho mình bộ máy có nghề. Người không thạo nghề thường có thái độ không đề cao điều này, cứ phải “hồng” đã, “chuyên” là thứ hai, thứ ba. Lúc đó, anh dễ đi theo hướng đánh giá con người theo kiểu “cậu này sống tốt, cậu kia sống dở” chứ không phải dưới góc độ nghề nghiệp là người này viết hay, người kia viết dở.

Báo chí cũng như nhiều ngành nghề khác. Trong đó, một tổ chức phát triển được hay không phụ thuộc rất lớn vào yếu tố con người, phụ thuộc vào việc ban lãnh đạo ở đó có biết trọng dụng người tài và chiêu hiền đãi sĩ hay không? Tất nhiên, ngày nay anh muốn chiêu hiền đãi sĩ thì không thể nói suông mà kèm theo đó phải có chính sách đãi ngộ, ít nhất là thái độ trân trọng khi mời người ta về làm việc.

Ở trên tôi đề cập đến 5 yếu tố cần thiết với người Tổng Biên tập, đây là các yếu tố không hoàn toàn tách bạch mà có mối quan hệ biện chứng với nhau. Anh có nền tài chính vững mạnh thì mới tuyển dụng được nhân sự giỏi, mới mua sắm được máy móc thiết bị, đầu tư công nghệ; và có tài chính thì mới tổ chức được nhiều hoạt động kể cả chuyên môn cũng như hoạt động xã hội.

“Không có công chúng, báo chí là vô nghĩa”

PV: Từ góc độ là lãnh đạo cơ quan báo chí, ông nhìn nhận như thế nào về vấn đề kinh tế báo chí?

PGS.TS. Nguyễn Thế Kỷ: Các cơ quan báo chí ở Việt Nam đang thực hiện nhiều cơ chế tài chính khác nhau. Có những cơ quan được bao cấp hoàn toàn hoặc một phần và có những cơ quan hoạt động tự chủ (tự cân đối thu chi).

Theo “Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025”, Nhà nước có cơ chế, chính sách tài chính để tạo điều kiện cần thiết cho báo chí phục vụ nhiệm vụ chính trị, tuyên truyền; đồng thời khuyến khích các cơ quan báo chí tăng cường huy động nguồn lực phát triển nhưng phải bảo đảm đúng tôn chỉ, mục đích, không chạy theo lợi nhuận thuần túy.

Ở đây, có một điều chắc chắc, lãnh đạo các cơ quan báo chí đều muốn tự chủ được tài chính là tốt nhất. Tuy nhiên, chúng ta phải thấy rằng ở một số nước, chính phủ cũng có những nguồn tài chính hỗ trợ cho hoạt động báo chí dưới nhiều hình thức khác nhau.

Trong số các cơ quan báo chí lớn trực thuộc Chính phủ, Đài Truyền hình Việt Nam (VTV là đơn vị tự chủ tài chính hoàn toàn nhưng cũng có một số khoản đầu tư lớn từ nguồn vốn của Chính phủ (vốn ODA Nhật Bản). Đài Tiếng nói Việt Nam  (VOV) và Thông tấn xã Việt Nam có cơ chế khác VTV, Nhà nước hỗ trợ một phần và tự chủ một phần. Trong VOV, khối phát thanh được Chính phủ hỗ trợ phần lớn do hoạt động phát thanh không có nguồn thu tài chính đáng kể; còn Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC, một đơn vị trực thuộc, lại tự chủ gần như hoàn toàn.

Trong vấn đề này, tôi nghĩ báo chí chỉ có thể phát triển bền vững khi thật sự được công chúng đón nhận, sống bằng nguồn chi trả của công chúng cũng như các nguồn thu hợp pháp khác. Quả thực lịch sử ngành báo chí trên khắp thế giới đã chứng minh rằng độc giả sẽ trả tiền cho nội dung độc đáo, có chất lượng cao trên các nền tảng và phương tiện truyền thông mà họ yêu thích. Chúng ta biết rằng The New York Times từng là một tờ báo in phát triển thịnh vượng, nhưng họ không dừng lại để bị tụt hậu cùng với ngành báo in mà đã phát triển mạnh mẽ bản online. Cho đến những năm gần đây, họ đã có trên 2 triệu thuê báo số (trả phí đọc báo online) và việc kinh doanh trực tuyến đang ngày càng mang thêm nhiều lợi nhuận cho tờ báo.

Cùng với nguồn thu từ độc giả, các cơ quan báo chí cần xây dựng chiến lược đa dạng hóa nguồn thu của mình, từ quảng cáo, liên kết, tư vấn, tổ chức sự kiện, thương mại điện tử, cho đến sản xuất nội dung số, làm video, audio, làm truyền thông... Tất cả những điều này phụ thuộc vào sự năng động, sáng tạo của mỗi cơ quan báo chí.

PV: Ông từng nói rằng “không có công chúng, báo chí là vô nghĩa”. Ông có thể giải thích thêm về điều này? 

PGS.TS. Nguyễn Thế Kỷ: Chúng ta đều biết thành ngữ “văn Bắc, báo Nam”. Trong thời gian dài, báo chí miền Bắc gắn với cơ chế bao cấp. Nhiều người được cấp báo miễn phí mới đọc, còn bỏ tiền mua thì không. Nhậu một bữa vài triệu, thậm chí cả chục triệu đồng, nhưng bỏ ra 5.000 đồng để mua tờ báo lại không có thói quen, thậm chí “hà tiện”. Trong khi đó ở các tỉnh phía Nam, chỉ cần bước ra đường, ta sẽ thấy từ ông xe ôm cho đến người bán hàng rong đều có thói quen đọc báo.

Không phải tự nhiên mà từ hàng chục năm qua, TP.Hồ Chí Minh đã khẳng định là một trong những trung tâm báo chí, xuất bản lớn nhất của cả nước. Trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh có trên 40 cơ quan báo chí, hàng chục cơ quan thường trú, văn phòng đại diện các cơ quan báo chí, trong đó nhiều tờ báo, đài phát thanh, truyền hình nằm ở top đầu. Bằng sự năng động, sáng tạo của những người làm báo Thành phố, nhiều tờ báo ở đây phát triển mạnh mẽ, ấn tượng, sắc nét, đáp ứng nhu cầu bạn đọc cả trong và ngoài nước.

Những tờ báo có trụ sở chính ở TP.Hồ Chí Minh như Tuổi TrẻThanh Niên… số lượng phát hành không phải chốt sẵn mà lên xuống theo nội dung của tờ báo. Nếu hôm nay số báo không có những bài tốt, không đề cập đến những vấn đề hấp dẫn thì số lượng báo tồn sẽ còn nhiều; còn ngày mai báo có nhiều bài hay, nhất là những bài đấu tranh chống tiêu cực, chống tham nhũng, đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo hoặc là những bài báo lay động, nhân văn về tấm gương thuyết phục trong cuộc sống thì số báo đó sẽ được tìm mua nhiều hơn.

Trong điều kiện hiện nay, báo chí vận hành theo cơ chế thị trường, tin tức, nội dung trên báo chí trở thành hàng hóa nhưng là hàng hóa đặc biệt do tính chất ảnh hưởng, tác động đến xã hội của nó. Báo chí của chúng ta là báo chí cách mạng nên tính chuyên nghiệp, tính nhân văn, tính định hướng xã hội phải được đặt lên hàng đầu. Chúng ta không được biến sản phẩm báo chí thành một loại hàng hóa tầm thường, loại hàng hóa chỉ nhằm mục đích kiếm tiền. Nhưng chúng ta cũng ý thức sâu sắc rằng sự đón đợi của công chúng, sự tiêu dùng của công chúng quyết định đến sự tồn tại và phát triển của chính cơ quan báo chí. Không có công chúng thì hoạt động báo chí là vô nghĩa. Công chúng ở đây bao gồm từ các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước cho đến những người lao động bình thường trong xã hội.

Đến giờ phát sóng, khán thính giả có muốn mở máy thu thanh, mở tivi để đón xem chương trình của mình hay không? Buổi sáng mọi người có muốn xem tờ báo in hoặc báo điện tử của mình hay không? Đó là những câu hỏi thường trực với người làm báo.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Tin mới