Đạo diễn Phan Đăng Di: Người đưa 'dạng thức' canh tân của người Nghệ vào điện ảnh

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Phan Đăng Di là một đạo diễn, biên kịch nổi tiếng. Là một người Nghệ, tuy đã thành danh, đi muôn nơi trên thế giới, nhưng trong một góc tâm hồn, anh tự nhận mình vẫn luôn mãi là đứa trẻ năm nào thèm vị giò bột Tết quê và coi văn hóa xứ Nghệ như một phần của chính mình.
Đạo diễn Phan Đăng Di. Ảnh: NVCC

Đạo diễn Phan Đăng Di. Ảnh: NVCC

Từ đứa trẻ nuôi giấc mộng nhà văn…

Phan Đăng Di sinh năm 1976 trong một gia đình nhà giáo, lớn lên trong các khu tập thể giáo viên từ Nam Phúc (Nam Đàn) đến Xuân Tiên, Xuân Viên (Nghi Xuân) rồi thành phố Vinh. Đó là những tháng ngày tuổi thơ thiếu thốn phải thường xuyên dịch chuyển nơi ăn chốn ở do thiên tai cộng với cảnh sống tem phiếu gian nan thời bao cấp, song đó cũng là khoảng thời gian hình thành nên những giá trị tinh thần quý giá trong con người anh.

“Ở vùng đất này, thiên tai khắc nghiệt và sự vất vả của cuộc sống khiến người ta không lựa chọn cho mình những điều yên ả mà luôn phải sẵn sàng, có ý chí đương đầu với thử thách.” - Phan Đăng Di nói.

Những ngày tháng ấy, niềm vui của anh ngoài những trò chơi với bạn bè cùng xóm là thế giới diệu kỳ trong trang sách. Những cuốn sách được bố mua về mở ra bao điều mới lạ, cho cậu bé Di thả sức tưởng tượng, mộng mơ. Nhờ sách mà anh đã hình thành nên khả năng tư duy độc lập và một khát khao khám phá thế giới ngay từ khi bắt đầu vào trung học. Đăng Di may mắn bởi đó cũng chính là thời kỳ đổi mới của kinh tế - văn hóa - xã hội nước nhà. Anh không chỉ được tiếp cận với những tác phẩm văn học kinh điển trong nước mà còn cả những tác phẩm dịch từ nước ngoài.

Thời kỳ văn học “cởi trói” với những tác phẩm hiện thực sắc sảo, giàu cá tính đã tác động lớn đến tư duy của Phan Đăng Di, thôi thúc anh “viết một điều gì đó”. Và anh đã viết, tự do viết những điều mình nghĩ, với giấc mơ trở thành nhà văn. Sau này nghĩ lại, những bản thảo đầu đời ấy chính là nền tảng cho năng lực viết kịch bản - thứ đã mang lại cho anh nhiều giải thưởng quý giá trong nghề, trong đó có đề cử giải Kịch bản xuất sắc nhất tại Giải thưởng Điện ảnh châu Á 2010 cho kịch bản phim “Chơi vơi” của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên.

… đến với điện ảnh bởi niềm tự hào Việt Nam

Phan Đăng Di tự nhận, chính từ quê hương Nghệ An - nơi sản sinh ra rất nhiều nhà yêu nước vĩ đại như Nguyễn Trường Tộ, Phan Bội Châu, Nguyễn Ái Quốc… đã giúp anh nhận ra một tinh thần yêu nước rất riêng của người Nghệ An: Tinh thần yêu nước gắn liền với ý thức canh tân.

Một cảnh trong phim "Bi, đừng sợ". Ảnh: NVCC

Một cảnh trong phim "Bi, đừng sợ". Ảnh: NVCC

Khi đang là học sinh lớp 11 tại Vinh, Đăng Di được thấy những hình ảnh Việt Nam đầy lung linh được đạo diễn Trần Anh Hùng đưa vào phim “Mùi đu đủ xanh”. Phim thắng giải Caméra d'Or (Máy quay vàng) tại Liên hoan phim Cannes 1993. Chính điều này đã thôi thúc anh chuyển từ theo đuổi ước mơ văn chương sang điện ảnh, bởi anh tin điện ảnh có thể giúp anh đưa hình ảnh Việt Nam ra thế giới như Trần Anh Hùng đã làm.

Năm 1994, Phan Đăng Di thi đỗ vào Khoa Biên kịch, Trường Đại học Sân khấu và Điện ảnh Hà Nội. Đó là thời kỳ mà cả ngành điện ảnh đang vật lộn với thiếu thốn, lạc hậu và có lúc, anh cảm thấy… vỡ mộng làm phim! Ra trường với chuyên ngành biên kịch, anh vào làm việc tại Cục Điện ảnh Việt Nam, với ý định sẽ yên ổn sống đời công chức. Dù vậy, Phan Đăng Di dần hiểu rõ: Điện ảnh không thể là một lựa chọn an toàn. Với tất cả những gì anh từng được đọc, được nghe, được học, anh thấy rằng thứ điện ảnh anh muốn không nằm vừa trong những khuôn khổ quen thuộc, bởi thế, sau 6 năm làm công chức, anh quyết định nghỉ việc nhà nước để trở thành một nhà làm phim độc lập ngay sau khi hoàn thành xong bộ phim ngắn “Khi tôi 20” do anh viết kịch bản, đạo diễn và tự sản xuất.

Cụm poster quảng bá phim "Cha và con và..." của đạo diễn Phan Đăng Di ở Paris. Ảnh: NVCC

Cụm poster quảng bá phim "Cha và con và..." của đạo diễn Phan Đăng Di ở Paris. Ảnh: NVCC

Một điều đặc biệt trong các tác phẩm của Phan Đăng Di là luôn phảng phất đâu đó ký ức và hồn cốt văn hóa quê hương xứ Nghệ, nó có thể đến từ một mẩu ký ức tuổi thơ về những quả dưa hấu mọc hoang cạnh một bãi đá bóng mà cậu từng tìm cách giấu không cho những đứa trẻ khác thấy. Đây là chi tiết được anh đưa vào một cách đầy ấn tượng trong phim “Bi, đừng sợ!”. Nhưng, với Phan Đăng Di, ký ức và tình yêu quê hương không chỉ là chất liệu nghệ thuật, nó đã nằm trong tâm hồn người đạo diễn, để cách này hay cách khác, thành tinh thần điện ảnh luôn hướng về sự cách tân. Tinh thần này khởi nguồn từ khát khao muốn khám phá thế giới, tham vọng vượt lên chính mình, để vươn tới những điều mới mẻ trong sáng tạo, một dạng thức canh tân vốn làm nên bản sắc của bao thế hệ người Nghệ An.

Phan Đăng Di được biết đến với những tác phẩm nhận được nhiều giải thưởng lớn như “Bi, đừng sợ!” giải Dự án châu Á nổi bật tại LHP Quốc tế Pusan 2007, được lựa chọn tham dự hoạt động L'Atelier của Quỹ điện ảnh (Cinéfondation) LHP Cannes 2018 và giành 2 giải trong hạng mục Tuần lễ phê bình (Critic Week) LHP Cannes 2010. Phim “Cha và con và…” (Bản phát hành ở Pháp có tên Mekong Stories) là bộ phim Việt Nam đầu tiên được lựa chọn vào hạng mục dự thi chính thức Liên hoan phim quốc tế Berlin 2015.

Trò chuyện với Phan Đăng Di trong những ngày cận kề Xuân Quý Mão, anh hào hứng chia sẻ về dự định tương lai, trong đó, có hình hài một bộ phim mới “Tiệc trăng tròn (Full-moon Party)” mà anh kỳ vọng sẽ một lần nữa đưa được phim Việt tới những liên hoan phim hàng đầu thế giới. Cùng với đó, chương trình “Gặp gỡ mùa thu” - một sự kiện điện ảnh quốc tế thường niên do anh và nhà sản xuất Trần Thị Bích Ngọc sáng lập vừa kỷ niệm sinh nhật lần thứ 10. 10 năm qua, chương trình này đã trở thành một điểm hẹn để các nhà làm phim Việt Nam và nhiều nước châu Á học tập, trao đổi kinh nghiệm và tìm kiếm cơ hội làm phim. Nhiều tác phẩm điện ảnh của Việt Nam và Đông Nam Á ra đời tại đây đã giành giải tại nhiều liên hoan phim uy tín. Anh tin chắc rằng chỉ có những chương trình giáo dục hướng đến cộng đồng là cách duy nhất để thay đổi tâm thế, vị thế của điện ảnh Việt.

Khi được hỏi về ký ức ngày tết xưa ở quê nhà, Phan Đăng Di nhớ mãi món giò bột “đặc sản” thời đói khổ có đến 7 phần bột, 3 phần thịt mà bên ngoại hay cho. Nó nhắc nhở thời kỳ cái gì cũng “độn” nhưng ấm ấp và không thể nào ra khỏi ký ức quê hương.

Tin mới