Đạo đức báo chí: Nền tảng của báo chí nhân văn

Từ ngày 1/1/2017, Luật Báo chí năm 2016 và Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam sẽ cùng có hiệu lực. Đây là nền tảng để xây dựng một nền báo chí nhân văn, vì con người, tôn trọng con người.
Nhân dịp kỷ niệm 91 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2016), nhà báo Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Thư ký Liên đoàn các nhà báo ASEAN đã trao đổi về câu chuyện đạo đức nghề nghiệp báo chí.
Ông đánh giá thế nào về vai trò của đạo đức nghề nghiệp đối với sự phát triển của nền báo chí cách mạng Việt Nam, thưa ông?
Đạo đức báo chí là cốt lõi của hoạt động báo chí. Nếu không có đạo đức thì không thể nào xây dựng được một nền báo chí chính trực, tôn trọng sự thật, bảo vệ sự thật, công lý, lẽ phải. Một người làm báo có đạo đức là người làm báo luôn lấy việc bảo vệ lẽ phải, bảo vệ công lý, chính nghĩa làm giá trị cao cả mà mình hướng đến.
Nhà báo Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Thư ký Liên đoàn các nhà báo ASEAN
Nhà báo Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Thư ký Liên đoàn các nhà báo ASEAN
Tôi  làm nghề báo đến giờ là 37 năm. Bản thân tôi cũng như anh em đồng nghiệp cả nước tự hào vì chúng ta có một nền báo chí cách mạng, một nền báo chí chính trực, một nền báo chí vì đất nước, vì  nhân dân, vì con người và tôn trọng con người.
Chúng ta có rất nhiều nhà báo tiêu biểu, cả đời họ phấn đấu, cống hiến, dấn thân vì sự cao cả của báo chí. Chính họ góp phần xây đắp nên truyền thống vẻ vang của báo chí cách mạng Việt Nam. Nhờ đó, báo chí mới được xã hội tôn trọng, tin tưởng, trao cho một sứ mệnh hết sức cao cả, đó là bảo đảm quyền thông tin của xã hội, góp phần xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh, dân chủ, văn minh.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, khi đề cập tới khái niệm đạo đức báo chí, nhiều người thường chỉ hiểu theo khía cạnh mang sắc thái tiêu cực. Ông có cảm nghĩ gì về điều này?
Quả thực gần đây có những sự việc đau lòng, gióng hồi chuông đáng báo động về vấn đề đạo đức nghề nghiệp báo chí. Đó là hiện tượng báo chí bị thương mại hóa, bị hút theo sự cám dỗ vật chất, bị thao túng, ràng buộc bởi các mối quan hệ xã hội, vì động cơ vụ lợi, từ đó có những hành vi sai trái.
Có những hành vi sai trái cả về mặt luật pháp cả về mặt đạo đức, cũng có những hành vi nếu chiếu theo các quy định của pháp luật thì không dễ gì truy cứu được, nhưng về mặt đạo đức thì có vấn đề, với những “chiêu” rất tinh vi để thực hiện  mục đích không trong sáng.
Có những hành động gây tác hại đối với một cơ quan, doanh nghiệp, tập thể, khiến có doanh nghiệp đã bị phá sản trước khi được minh oan. Cũng có những hành động chĩa mũi tấn công vào cá nhân, vi phạm đời tư, xúc phạm nhân phẩm và danh dự của công dân, khiến cho một số người bị áp lực, bức bách về tinh thần, quá sức chịu đựng đến mức phải tự tử. Đó là sự không tử tế, thậm chí rất ác độc.
Tuy nhiên, tôi muốn chúng ta nhìn nhận vấn đề đạo đức nghề nghiệp báo chí một cách toàn diện, khách quan, thỏa đáng. Không nên chỉ vì một vài vụ việc, một số hiện tượng nổi lên trong đời sống truyền thông hiện nay mà chúng ta có cái nhìn không thỏa đáng, thiên lệch về vấn đề đạo đức nghề nghiệp của các nhà báo.
Với nhiều năm trải nghiệm nghề báo và quản lý báo chí, ông có thể cắt nghĩa nguyên nhân dẫn tới những hành vi vi phạm đạo đức nghề nghiệp báo chí hiện nay?
Theo tôi, mọi sự đều xuất phát từ sự biến đổi xã hội. Trước hết vẫn là sự tác động bởi mặt trái của cơ chế thị trường, đồng tiền lên ngôi và thao túng các mối quan hệ xã hội.
Thứ hai, đời sống xã hội chịu sự tác động, va đập rất mạnh của thời đại thông tin kỹ thuật số, trong đó rất nhiều thông tin không được kiểm chứng, kiểm soát, nhiều thông tin bịa đặt, vu cáo. Thông tin sai trái lan tràn trên mạng xã hội. Biển thông tin xô bồ hỗn tạp thế này đã và đang tác động trực tiếp vào từng gia đình, công dân, vào từng ngõ ngách của đời sống xã hội, âm thầm mà rất bạo liệt.
Thứ ba, lý do chủ quan của các nhà báo, đó là thiếu bản lĩnh chính trị, bản lĩnh nghề nghiệp, thiếu sự rèn luyện, tu dưỡng, non kém về nghề. Có những sai phạm không cố ý do non kém về trình độ, nhưng có những sai phạm cố ý, biết sai mà vẫn làm, che đậy cái sai bằng những biện pháp, chiêu thức tinh vi, đưa đến hậu quả rất tai hại đối với xã hội. Đây thực sự là vấn đề "nóng" về đạo đức báo chí.
Được biết Hội Nhà báo đang xây dựng Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam . Công việc này tiến hành như thế nào?
Quốc hội khóa XIII trong phiên họp cuối cùng đã ban hành đạo luật rất quan trọng là Luật Báo chí năm 2016. Luật này có một điều khoản dành riêng cho Hội Nhà báo Việt Nam, với 8 nhiệm vụ cụ thể, trong đó có nhiệm vụ:Hội Nhà báo Việt Nam xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện Quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam.
Hội Nhà báo Việt Nam đang triển khai một đợt sinh hoạt sâu rộng trong giới báo chí Việt Nam, trong các cấp hội, để học tập, quán triệt, nắm vững nội dung cũng như tinh thần của Luật Báo chí năm 2016. Đồng thời mở đợt thảo luận, góp ý bằng các hình thức hội thảo, diễn đàn, tọa đàm ở các cấp hội và trong đời sống xã hội, để từ đó bổ sung, sửa đổi và hoàn chỉnh quy định mới về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam.
Từng cấp hội sẽ xây dựng dự thảo góp ý, gửi về Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam tập hợp, chắt lọc, xây dựng thành dự thảo Quy định về đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam. Có thể sẽ tổ chức một cuộc hội thảo ở cấp trung ương, tiếp tục hoàn thiện, rồi trình ra Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam thông qua.
Tại sao lại dùng khái niệm “quy định” chứ không phải là “quy tắc” hay “quy ước”?
Từ hàng chục năm trước, vấn đề đạo đức nghề nghiệp đã được đặt ra. Hội Nhà báo Việt Nam đã ban hành quy ước về đạo đức nghề nghiệp. Nhưng quy ước thì tính khích lệ tinh thần tự giác là chính. Sau này thấy quy ước chưa đủ mức để giải quyết những vấn đề liên quan đến đạo đức nghề nghiệp nên nâng lên thành quy định.
Tại Đại hội VIII của Hội Nhà báo Việt Nam năm 2005, Quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam gồm 9 điều đã được ban hành. 11 năm đã trôi qua, đời sống đất nước, xã hội và các vấn đề liên quan đến đạo đức nghề nghiệp của người làm báo có nhiều thay đổi, đòi hỏi phải đưa ra bộ quy định mới.
Bộ quy định mới được xây dựng từ cơ sở, mọi người làm báo đều phải có trách nhiệm đóng góp ý kiến. Các cấp hội không chỉ thu thập ý kiến góp ý của các nhà báo, phóng viên mà của nhiều đối tượng khác trong xã hội như nhà quản lý chỉ đạo báo chí, nhà hoạt động chính trị xã hội và bạn đọc nói chung.
Khi ban hành chính thức thì Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam sẽ được thực hiện đồng thời cùng Luật Báo chí vào ngày 1/1/2017. Nói cách khác, quy định luật pháp và quy định đạo đức song hành với nhau, là nền tảng để xây dựng một nền báo chí nhân văn, phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân.
Nhân dịp kỷ niệm 91 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, ông có lời nhắn nhủ nào với những người làm báo?
Nhân ngày truyền thống vinh quang của những người làm báo Việt Nam, tôi muốn gửi lời chào đồng nghiệp trân trọng và thân thiết đến tất cả những người làm báo Việt Nam, bày tỏ lòng kính trọng, trân trọng với các thế hệ làm báo đi trước, những nhà báo lão thành nổi tiếng của đất nước, đã trở thành những tấm gương lao động báo chí quên mình. Chính những tấm gương đó đang hiện hữu trong đời sống báo chí ngày hôm nay, thôi thúc cổ vũ những người làm báo ở các thế hệ tiếp theo.
Tôi cũng muốn chúc các bạn đồng nghiệp dồi dào năng lượng sáng tạo, đề cao trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân của người làm báo, vừa tăng cường tính chiến đấu của báo chí, coi trọng tính nhân văn trong lao động nghề nghiệp để cùng góp sức xây dựng nền báo chí cách mạng Việt Nam ngày càng tiên tiến, dồi dào sức sống, được xã hội tin cậy, góp phần xứng đáng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Xin cảm ơn ông!

Tin mới