Đào giếng sâu 18m vẫn không có nước dùng

(Baonghean.vn) - Đã 8 năm nay, 113 hộ dân người Thái ở bản Hủa Na (xã Châu Hạnh, huyện Quỳ Châu) mong ngóng từng cơn mưa bởi đó là nguồn cung cấp nước sạch gần như duy nhất của người dân nơi đây.

» Linh mục Nguyễn Đình Thục kích động giáo dân
 

Cái giếng tự đào sâu gần 14m trong vườn nhà chị Lữ Thị Huế ở bản Hủa Na, xã Châu Hạnh (Quỳ Châu)  năm nay lại khô nước. Những năm trước, dù nguồn nước trong giếng chưa bao giờ cao quá 1 m nhưng nếu tiết kiệm thì 5 thành viên của gia đình chị vẫn đủ dùng. Giờ nó cạn hoàn toàn, buộc lòng gia đình chị lại phải vay mượn gần 4 triệu đồng để thuê người về đào thêm giếng. Nhưng giếng đã sâu tới 12 m mà vẫn chưa tìm thấy mạch nước ngầm.

dfhjtyhi
Một trong 8 bể tự dẫn nước bị hư hỏng hoàn toàn ở bản Hủa Na (Châu Hạnh, Quỳ Châu). Ảnh: Thanh Quỳnh.

Đó là tình trạng chung của 113 hộ gia đình bản Hủa Na khi công trình nước tự chảy của bản đã hư hỏng gần 90%. Cụ thể, công trình có 9 bể tự chảy thì 8 bể đã ngừng hoạt động trong gần 10 năm qua. Chỉ còn duy nhất một bể hoạt động cầm chừng khiến cho bà con vô cùng khốn đốn.

Trước tình trạng hư hỏng của hệ thống nước tự chảy, bà con trong bản đã 2 lần tự quyên góp tiền để sửa chữa nhưng chỉ được một thời gian ngắn, sau đâu lại vào đấy.

Mặt khác, nước ở khe Dến - nguồn cung cho hệ thống bể tự chảy cũng dần cạn và thấp hơn nhiều so với hệ thống dường dẫn và bể chứa. Do vậy, để sửa chữa cần một nguồn kinh phí lớn. Trong khi đây là bản 100% đồng bào Thái, cuộc sống của bà con vẫn rất khó khăn.

ftkiyt7to9
Bể nước sâu 14 m nhưng vẫn cạn nước của gia đình gia đình chị Lữ Thị Huế (bản Hủa Na, Châu Hạnh, Quỳ Châu). Đây là tình trạng chung của nhiều hộ dân trong bản. Ảnh: Thanh Quỳnh.

Bà Lương Thị Xuân - Bí thư Chi bộ bản Hủa Na cho biết: “Trước đây, khi chưa có hệ thống nước tự chảy thì bà con vẫn dùng nguồn nước từ sông Hiếu và hệ thống khe suối chảy từ thượng nguồn về. Tuy nhiên, nhiều năm trở lại đây, nguồn nước sông bị ô nhiễm nặng nề nên không thể phục vụ cho sinh hoạt được nữa. Để có nước, bà con phải tự đào giếng, xây bể dự trữ nước mưa nhưng không ăn thua bởi gần 60% giếng đào đều không có nước, cho dù độ sâu lên tới 17, 18 m. Còn nước mưa thì không phải lúc nào cũng có, đặc biệt là về mùa hạn”.

Cùng chung tình trạng trên, các bản Khe Lan, Na Xén, Đồng Minh, Minh Tiến… của xã Châu Hạnh cũng khốn đốn vì “khát” nguồn nước sạch.

dfrjutri
Để dẫn nước từ bể chứa duy nhất của bản, bà Bà Lương Thị Xuân, Bí thư Chi bộ bản Hủa Na (Châu Hạnh, Quỳ Châu) phải dẫn đường ống dài gần 400 m. Tuy nhiên, nguồn nước trong bể quá yếu nên mỗi ngày chỉ dẫn về được khoảng 5 lít nước. Ảnh: Thanh Quỳnh

Bà Lê Thị Ngọc, Trưởng phòng Dân tộc huyện Quỳ Châu cho biết: Hiện tại, toàn huyện có 9 công trình nước tự chảy cho các bản thuộc 6 xã theo Quyết định 134/QĐ-TTg gồm các xã Châu Tiến, Châu Bình, Châu Hội, Châu Hạnh, Châu Phong và Châu Nga. Thời gian đầu, các công trình nước tự chảy phát huy hiệu quả phục vụ nước sinh hoạt cho nhân dân vùng hưởng lợi. Tuy nhiên cho đến nay hơn 80% công trình đã hư hỏng và không còn sử dụng được nữa.

Cũng theo bà Ngọc, trong thời gian tới, huyện sẽ có kế hoạch duy tu, sửa chữa các vị trí bị hư hỏng và thành lập các Ban quản lý đồng thời gắn trách nhiệm cho người dân được hưởng lợi. Trong năm 2017, huyện sẽ triển khai dự án đầu tư xây dựng 2 công trình nước tự chảy từ nguồn vốn hỗ trợ thực hiện QĐ 755/QĐ-TTg cho bản Thanh Tân, Thanh Sơn thuộc xã Châu Nga và bản Cướm thuộc xã Diên Lãm./.

Thanh Quỳnh

TIN LIÊN QUAN

Tin mới