Đạo làm Thầy lấy Đức răn mình

(Baonghean) - Dân tộc ta vốn coi trọng sự học. Tôn sư trọng đạo là truyền thống, là đạo lý, là nét đẹp văn hóa tinh thần có từ ngàn xưa, được bao thế hệ người Việt Nam nối tiếp nhau kế thừa, gìn giữ. Không biết trên thế giới có bao nhiêu quốc gia dành hẳn một ngày để cả xã hội tôn vinh nhà giáo! Cũng không biết ở đâu người thầy được xếp vào bậc Thánh hiền, được tôn vinh, thờ phụng cùng những bậc quân vương như thầy giáo Chu Văn An - Ông thầy của mọi thế hệ (Vạn thế sư biểu). 

Không cần nói thì ai cũng hiểu, thầy giáo luôn có một vị trí vô cùng quan trọng trong cuộc đời mỗi người. “Không thầy đố mày làm nên!” Câu nói ấy, người Việt ai mà chẳng thuộc nằm lòng. Nghề dạy học luôn được xã hội trân trọng, được xem là “ nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý”. Bởi dù ở đâu, lúc nào, dù là bây giờ đất nước phát triển, cuộc sống khấm khá, hay ngày xưa chiến tranh loạn lạc, cuộc sống gian lao vất vả, miếng cơm chưa đủ no, tấm áo chưa được lành lặn, thì người thầy vẫn luôn được xã hội kính trọng và ghi nhận công lao, được học trò mến yêu.

Thầy giáo đâu chỉ dạy chữ, mà còn dạy cho con người ta đạo lý làm người. Động cơ của người dạy học không gì khác là luôn gắn liền với mục tiêu và nhiệm vụ cụ thể theo nhu cầu của xã hội, đáp ứng lợi ích của nhân dân, vì sự mưu cầu hạnh phúc cho con người. Bác Hồ từng nói: “Người thầy giáo tốt là người vẻ vang nhất. Những thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh”. 

ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Nói vậy để thấy vai trò vô cùng quan trọng của người thầy trong xã hội. Sự kính trọng dành cho người thầy là vô điều kiện. “ Nhất tự vi sư, bán tự vi sư” đã trở thành nguyên tắc sống của người đi học. Trước mắt học trò, thầy giáo luôn là tấm gương, mà là “gương sáng” cho học sinh noi theo.

Ấy là gương sáng về phẩm chất đạo đức, về tri thức, tài năng, là tấm gương về tinh thần tự học, tự trau dồi. Hay nói cách khác, thầy giáo, cô giáo - những người làm nghề dạy học luôn được xem là tấm gương mẫu mực  về “Tâm”, “Tài” và “Đức” trong mắt học trò, là những tấm gương về nhân cách đối với xã hội.

Thế nhưng, cùng với sự phát triển của cuộc sống, xã hội bây giờ có nhiều đổi thay, một số giá trị văn hóa, đạo đức có biểu hiện xô lệch đã tác động ít nhiều đến tâm tư tình cảm, đến cách nhìn nhận về những người đứng lớp.

Chưa bao giờ những câu chuyện của ngành Giáo dục lại được đem ra mổ xẻ, bình phẩm nhiều như lúc này. Cũng chưa bao giờ hình ảnh, vị trí của người thầy lại “méo mó”, thậm chí là đáng thương như một số biểu hiện thời gian gần đây.

Hàng ngày mở báo chí, mạng xã hội, chen lẫn trong mớ bòng bong của cuộc sống với đầy rẫy những thông tin tiêu cực, những mảng tối về đạo đức, tư cách, lối sống của con người thời buổi kim tiền, đã xuất hiện thêm tên tuổi một số thầy, cô giáo. Từ lớp học đến gia đình và ra môi trường xã hội. Cái gì người đời có, dường như các thầy, cô giáo cũng có. Có cả điều hay lẫn điều chưa hay.   

Dẫu biết rằng, đa phần các thầy, cô giáo luôn nêu cao lòng tự trọng, trước cám dỗ của cuộc sống luôn biết giữ gìn phẩm chất, trình độ tay nghề để xứng đáng với niềm tin yêu, kính trọng của học trò, sự trân trọng của xã hội. Nhưng với con số 139 giáo viên vi phạm pháp luật trong năm 2015, và 775 người/5 năm qua trong toàn tỉnh bị kỷ luật nhiều mức độ khác nhau, trong đó có một số bị truy tố trước pháp luật vì vi phạm pháp luật cũng đủ thấy câu chuyện đã đến mức đáng lo ngại.

Từ chuyện bạo lực với học sinh, đến những quan hệ phức tạp về tiền bạc, sự bê tha trong sinh hoạt cá nhân, suy đồi về đạo đức phẩm chất, thậm chí là dính vào tệ nạn xã hội, nghiện ma túy… cái gì cũng có. Chả trách sao bây giờ, trong mắt người đời, hình ảnh một số thầy, cô giáo lại có phần nhạt nhòa hơn trước.  

Đành rằng thầy giáo, cô giáo thì cũng là người. Mà đã là người thì cũng phải ăn mặc, phải tiêu tiền, phải quan hệ với bạn bè, xã hội; cũng hỉ nộ ái ố như ai. Tuy nhiên, dạy học là một nghề đặc thù với đối tượng duy nhất là học trò và phụ huynh, sử dụng một thứ phương tiện duy nhất là tri thức và đạo đức, nhân cách của chính người thầy.

Ai đã dấn thân vào nghề này thì phải biết tự răn mình nên sống khác. Không đến độ khắc kỷ nhưng xuề xòa, buông thả, lả lơi thì không thể. Thầy, cô giáo cũng cần tiền để lo cho bản thân và gia đình, nhưng nếu lấy tiền làm mục tiêu của cuộc đời thì đi dạy học là chọn nhầm nghề. Sự thanh cao của nghề dạy học vốn dĩ đã là một tiêu chuẩn đạo đức mà ai bước vào nghề này đều phải biết lấy đó làm tự hào, làm điều răn mình sống tốt hơn mức bình thường. Có ai đó đã nói rằng, làm nghề dạy học thì phải biết hy sinh để hiến thân cho sự nghiệp gieo chữ, trồng người, để công việc của mình ươm hoa thơm, kết trái ngọt cho đời.     

Thầy, cô giáo lấy “Tài” để dạy học trò, lấy “Đức” giáo huấn, thuyết phục học trò bằng chính nhân cách cao cả của mình. Ai không làm được điều đó, sẽ bị xã hội ghẻ lạnh, bị cuộc sống đào thải mà thôi! 

Vân Thiêng

TIN LIÊN QUAN

Tin mới