Dấu ấn của Việt Nam trong 3 năm là thành viên Hội đồng nhân quyền

Trong ba năm trở thành thành viên Hội đồng nhân quyền Liên Hiệp quốc (2014-2016), Việt Nam đã để lại những dấu ấn rõ nét.

Hội nghị cung cấp thông tin về công tác nhân quyền cho báo chí. (Ảnh: T.H/Vietnam+)
Hội nghị cung cấp thông tin về công tác nhân quyền cho báo chí. (Ảnh: T.H/Vietnam+)

Phát biểu tại Hội nghị cung cấp thông tin về công tác nhân quyền cho báo chí do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức tại Hà Nội vào sáng 28/9, bà Hoàng Thị Thanh Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Các Tổ chức Quốc tế (Bộ Ngoại giao) cho hay, Việt Nam trở thành thành viên hội đồng này nhiệm kỳ 2014-2016 với số phiếu cao nhất trong các nước tham gia bầu cử vào thời điểm đó (184/192).

Từ đó tới nay, Việt Nam luôn tham gia Hội đồng Nhân quyền một cách nghiêm túc, có trách nhiệm, chủ động và tích cực xây dựng.

Có thể lấy ví dụ như việc Việt Nam luôn có trách nhiệm trong tham gia phát biểu, thảo luận tài hàng trăm cuộc họp, xây dựng và thương lượng các nghị quyết, quyết định của Hội đồng nhân quyền, đóng góp vào việc bảo đảm các giá trị chung về quyền con người.

Việt Nam cũng nghiêm túc trong thực hiện cơ chế UPR (Rà soát định kỳ phổ quát), đối thoại thẳng thắn với các nước tại phiên bảo vệ UPR; thực hiện nghiêm túc các khuyến nghị đã chấp thuận…

Dù lần đầu tham gia hội đồng, song Việt Nam cũng chủ động đưa ra các sáng kiến như cùng Bangladesh và Philippines là đồng tác giả về Nghị quyết tác động của Biến đổi khí hậu với quyền trẻ em (được thông qua bằng đồng thuận với hơn 110 nước đồng bảo trợ); tổ chức tọa đàm quốc tế thu hút hàng trăm người tham dự tại Hội đồng nhân quyền…

Cũng theo bà Nga, Việt Nam luôn đề cao phương châm đối thoại và hợp tác trong vấn đề quyền con người. Trong nhiều trường hợp, Việt Nam làm trung gian trong các cuộc thương lượng; ý kiến của Việt Nam được lắng nghe. 

Việc tham gia Hội đồng nhân quyền, theo bà Nga, đã đóng góp thiết thực vào việc thúc đẩy đối thoại và hợp tác, tăng cường tính hiệu quả, minh bạch và cân bằng trong công việc của hội đồng. Bên cạnh đó, tăng cường tiếng nói, nâng cao hình ảnh, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế; phản bác những luận điệu, thông tin sai lệch về tình hình nhân quyền tại Việt Nam; thúc đẩy các vấn đề như kinh tế, văn hóa, xã hội, quyền của nhóm dễ bị tổn thương, biến đổi khí hậu…/.

Theo Vietnam+

TIN LIÊN QUAN

Tin mới