Dấu ấn những vùng quê cách mạng

(Baonghean) - Mỗi cánh đồng, con suối, ngọn núi và bóng cây ở vùng quê cách mạng Nghệ An còn in đậm dấu ấn của một thời tranh đấu. Và hôm nay, trên vùng quê ấy, từ làng quê đến thị thành đều đang rạo rực không khí vui tươi chào đón kỷ niệm 74 năm giành độc lập.
Làng Châu Sơn (Hưng Châu) từng là “chiếc nôi” của phong trào cách mạng nay đã có nhiều khởi sắc.
Làng Châu Sơn (Hưng Châu) từng là “chiếc nôi” của phong trào cách mạng nay đã có nhiều khởi sắc. Ảnh: Công Kiên
Chúng tôi về xã Hưng Châu (Hưng Nguyên), tìm đến làng Châu Sơn nằm dưới chân núi Nhón – từng là nơi hoạt động của Tỉnh ủy Nghệ An và Xứ ủy Trung Kỳ trong những ngày đầu thành lập Đảng. Từ xa, núi Nhón hiện lên với sắc xanh của rừng cây bạch đàn vươn lên trước nắng gió, phía trước là cánh đồng bát ngát đang vào độ chín, là làng mạc trù phú và yên bình. Các tuyến đường qua thôn xóm đều được rải nhựa và bê tông, dưới chân núi Nhón nhà cửa san sát, khá nhiều ngôi nhà cao tầng khang trang đã mọc lên.

Châu Sơn hiện có 100 hộ (khoảng 600 nhân khẩu), nguồn thu nhập hoàn toàn dựa vào đồng ruộng, cuộc sống của bà con được nâng cao, khoảng 70% số hộ thu nhập khá. Bình quân thu nhập ở mức 30 triệu đồng/người/năm, cùng với toàn xã, Châu Sơn đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Ông Lê Minh Nguyệt – Xóm trưởng Châu Sơn (Hưng Châu - Hưng Nguyên)

Bước chân trên những con đường rợp bóng cây, ông Lê Văn Liễu (87 tuổi) – nguyên Chủ tịch UBND huyện Hưng Nguyên chỉ dẫn vị trí từng ngôi nhà xưa kia được Xứ ủy Trung Kỳ và Tỉnh ủy Nghệ An chọn làm nơi hoạt động. Rồi con đường mòn dẫn ra núi Nhón mỗi khi có địch đến truy lùng, những điểm xưa kia cất giấu tài liệu bí mật và ghé thăm nhà cụ Hoàng Viện – Di tích lịch sử Quốc gia.
Nơi đây, Xứ ủy Trung Kỳ từng tổ chức hội họp trong quá trình lãnh đạo phong trào Xô viết Nghệ - Tĩnh (1930-1931), phong trào đấu tranh dân chủ (1936-1939) và Tổng khởi nghĩa giành chính quyền (1945). Đặc biệt, năm 1945 Việt Minh liên tỉnh triển khai hội nghị phổ biến kế hoạch tổng khởi nghĩa giành chính quyền, để rồi sau đó nhân dân vùng lên giành lấy độc lập, tự do…
Từ đỉnh núi Nhón có thể nhìn gần khắp địa bàn Hưng Châu, làn gió mang theo hương lúa thơm ngào ngạt, cuộc sống đã thực sự đổi thay, khởi sắc, xóm làng phấn khởi trong niềm vui về đích nông thôn mới chưa lâu.
Một góc thị trấn Thanh Chương. Ảnh minh họa
Một góc thị trấn Thanh Chương. Ảnh minh họa
Rời Hưng Nguyên “đứng đầu dậy trước”, chúng tôi ngược lên miệt  trung du Thanh Chương, ghé xã Hạnh Lâm – một “địa chỉ đỏ” của phong trào cách mạng. Không thể không nhắc đến sự kiện ngày 1/5/1930, ước tính khoảng 3 nghìn nông dân Hạnh Lâm tham gia cuộc mít tinh, nghe vạch tội tên địa chủ - tư sản Nguyễn Trường Viễn và kéo đến đốt phá đồn Ký Viễn.
Ngọn lửa đấu tranh cách mạng bùng cháy ở Hạnh Lâm rồi nhanh chóng lan sang các vùng khác, hợp sức với công nông Vinh – Bến Thủy mở đầu một cao trào đấu tranh cách mạng rộng khắp – cao trào Xô viết Nghệ - Tĩnh. Để rồi, 15 năm sau, trong cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám (1945), Hạnh Lâm lại trở thành một trong những lá cờ đầu của Thanh Chương trong việc giành chính quyền về tay nhân dân.
Người dân khu tái định cư bản Kim Liên (xã Ngọc Lâm, Thanh Chương) phát triển cây chè hàng hóa. Ảnh minh họa
Người dân khu  tái định cư bản Kim Liên (xã Ngọc Lâm, Thanh Chương) phát triển cây chè hàng hóa. Ảnh minh họa
Lần tìm dấu tích đồn Ký Viễn xưa, giờ đây là những đồng lúa, bãi ngô xanh tốt; là những đồi chè xanh mượt và rừng keo bạt ngàn. Lúa, ngô, khoai, sắn cho người nông dân một cuộc sống no đủ; cây keo, cây chè giúp bà con vươn lên làm giàu, nhiều nông dân đã trở thành triệu phú. Vùng đất vốn hoang sơ và xa ngái nay đã hình thành một thị tứ khá sầm uất, là trung tâm của tổng Cát Ngạn năm xưa, bộ mặt nông thôn hiện đại đã hiện hình. Người Hạnh Lâm hôm nay đã và đang viết tiếp những trang sử vàng, xứng đáng là những người con của vùng quê giàu truyền thống yêu nước và cách mạng, với hào khí của người xưa.
Cây đa làng Trù, xã Nghĩa Khánh (Nghĩa Đàn) - Cây Di tích lịch sử - văn hóa Việt Nam.
Cây đa làng Trù, xã Nghĩa Khánh (Nghĩa Đàn) - Cây Di tích lịch sử - văn hóa Việt Nam. Ảnh: Công Kiên
Tiếp tục ngược lên vùng đất đỏ Nghĩa Đàn, chúng tôi dừng chân dưới cây đa Làng Trù (Nghĩa Khánh), được công nhận là Cây Di tích lịch sử - văn hóa Việt Nam từ năm 2015. Cây cổ thụ vươn cao, cành lá xum xuê tỏa bóng cả một vùng, rễ xoắn xuýt, đan cài tạo nên thế vững chãi. Ngày xưa, vùng này là đồn điền cao su, cà phê của thực dân Pháp, chúng ra sức áp bức, bóc lột sức lao động của dân ta và vơ vét của cải. Không chịu nổi áp bức, bóc lột, lại gặp “luồng gió mới” là phong trào cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân quyết tâm vùng dậy đấu tranh... 
Vườn cam của gia đình anh Nguyễn Nhật Tuấn ở xóm 13B, xã Nghĩa Yên (Nghĩa Đàn). Ảnh minh họa Minh Thái
Vườn cam của gia đình anh Nguyễn Nhật Tuấn ở xóm 13B, xã Nghĩa Yên (Nghĩa Đàn). Ảnh minh họa Minh Thái
Vùng đất đỏ Phủ Quỳ – nơi có những đồn điền rộng lớn cũng nhanh chóng hưởng ứng phong trao đấu tranh với khí thế ngày càng sục sôi, quyết liệt. Tỉnh ủy Nghệ An đã cử đồng chí Võ Nguyên Hiến và Võ Thược lên Nghĩa Đàn gây dựng cơ sở cách mạng. Tại đây, có hang Rú Ấm (nay thuộc xã Nghĩa Đức) là nơi khá kín đáo, có đồi núi bao quanh là điểm lý tưởng để tổ chức các hoạt động bí mật.
Vào giữa tháng 10/1930, tại hang Rú Ấm diễn ra Hội nghị thành lập Chi bộ ghép của 2 làng Thọ Lộc và Cự Lâm. Nơi gần 74 năm trước, ngày 22/8/1945, hàng ngàn người thuộc 3 dân tộc là Kinh, Thái và Thổ thuộc các tổng Cự Lâm, Hạ Sưu, Thạch Khê, Nghĩa Hưng và lực lượng công nhân các đồn ở phủ Quỳ cùng tập trung hô vang khẩu hiệu đấu tranh và giương cao cờ đỏ sao vàng. Sau đó, kéo về huyện lỵ Nghĩa Đàn đấu tranh giành chính quyền. 
Công nhân chăm sóc vườn cây cao su ở Nghĩa Đàn. Ảnh minh họa
Công nhân chăm sóc vườn cây cao su ở Nghĩa Đàn. Ảnh minh họa
Chúng tôi rảo bước vào đường làng đã được rải nhựa và bê tông phẳng lỳ, các khu dân cư được quy hoạch theo hình ô bàn cờ cùng những ngôi nhà khang trang, những bức tường rào thẳng tắp gợi lên bao sự đổi thay, khởi sắc và một nhịp sống thanh bình, yên ấm. Ngoài đồng bãi, bà con nông dân đang vào vụ chăm sóc cây trồng, cày cấy, tiếng nói, cười rộn vang. Những dải đất đỏ bazan màu mỡ năm xưa là đồn điền cao su, cà phê của thực dân Pháp nay được chuyển sang trồng mía, những cánh đồng mía trải dài ngút ngàn tầm mắt, hiện tổng diện tích mía toàn xã lên tới gần 210 ha. 
Nông dân xã Nghĩa Khánh (Nghĩa Đàn) thu hoạch mía nguyên liệu.
Nông dân xã Nghĩa Khánh (Nghĩa Đàn) thu hoạch mía nguyên liệu. Ảnh: Công Kiên
Ngoài cây mía, Nghĩa Khánh còn có hơn 613 ha lúa, 167 ha ngô, 115 ha sắn, gần 100 ha rau màu và hàng trăm ha rừng nguyên liệu, chưa kể các loại cây lâu năm thường xuyên cho thu hoạch. Cùng với đó là đàn trâu, bò gần 2.000 con; đàn lợn gần 4.000 con, đàn gia cầm gần 60.000 con và 60 ha nuôi trồng thủy sản. Đó thực sự là những con số khẳng định sự đổi thay, khởi sắc của một vùng quê từng trải qua đói nghèo, gian khổ. 
Khắp các nẻo đường của quê hương Nghệ An đã rực rỡ cờ hoa và biểu ngữ, nhân dân khắp các vùng đang hân hoan đón chào, kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám giành thắng lợi, đưa đất nước vào kỷ nguyên của độc lập, tự do. Tiếng hát cũng đang ngân vang khắp phố phường và làng bản… 

Tin mới