Đau bụng thoáng qua, bé gái được phát hiện bị bệnh hiếm gặp

(Baonghean) - Nang ống mật chủ là bệnh ít gặp ở trẻ em với tỷ lệ 1/100.000 -1/1.500.000 và nữ mắc nhiều hơn nam (tỷ lệ 4:1). Nếu bệnh nhân không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể dẫn đến sỏi mật, tắc mật và các biến chứng liên quan đến gan, mật nguy hiểm.
Ngày 27/11/2018, Bệnh viện Quốc tế Vinh phẫu thuật nội soi thành công cắt nang ống mật chủ, túi mật và nối mật ruột cho bé gái 10 tuổi ở thị xã Hoàng Mai (Nghệ An).
Bé L.T.T.T, 10 tuổi, ở Quỳnh Vinh, thị xã Hoàng Mai (Nghệ An) vào Bệnh viện Quốc tế Vinh trong tình trạng đau bụng vùng thượng vị, kèm theo buồn nôn. Trước đó, bé thường xuyên đau bụng thoáng qua khi ăn uống, mặc dù đã đi khám nhiều nơi nhưng không tìm ra nguyên nhân. Sau khi được các bác sỹ thăm khám lâm sàng và thực hiện xét nghiệm: Chức năng gan, siêu âm, chụp cộng hưởng từ (MRI) ổ bụng đã xác định bé T bị bệnh nang ống mật chủ kích thước 74 x 46 mm (týp IC).
Các bác sỹ Bệnh viện Quốc tế Vinh thực hiện phẫu thuật nang ống mật.  Ảnh:  Kim Chung
Các bác sỹ Bệnh viện Quốc tế Vinh thực hiện phẫu thuật nang ống mật. Ảnh: Kim Chung
Sau khi hội chẩn, bệnh nhi đã được chỉ định phẫu thuật nội soi cắt nang ống mật chủ, túi mật và phục hồi lưu thông đường mật bằng phương pháp nối mật ruột kiểu Roux-en-Y.
Việc phẫu tích nang ống mật chủ khó khăn vì liên quan đến các thành phần quan trọng vùng cuống gan (tá tràng, động mạch gan, tĩnh mạch cửa). Ca phẫu thuật kéo dài hơn 3 giờ và kết thúc thành công. Sau 7 ngày chăm sóc và điều trị sau mổ, bé T phục hồi hoàn toàn và được xuất viện.
Hình ảnh chụp cộng hưởng từ (MRI) ổ bụng. Ảnh: Kim Chung
Hình ảnh chụp cộng hưởng từ (MRI) ổ bụng. Ảnh: Kim Chung
Theo bác sỹ Trần Việt Hùng - Khoa Ngoại, Bệnh viện Quốc tế Vinh, nang ống mật chủ là tình trạng giãn bẩm sinh dạng hình cầu hoặc hình thoi của đường mật trong gan, ngoài gan hoặc cả 2, mà không kèm sự tắc nghẽn nguyên phát của ống mật chủ. Nang ống mật chủ phổ biến ở châu Á hơn so với các nước phương Tây. Theo phân loại TODANI (1977), nang ống mật chủ gồm có 5 tuýp: I, II, III, IV, V; trong đó, ở trẻ em loại I và IV chiếm 95%. 
Bệnh thường khó phát hiện vì triệu chứng mơ hồ, gia đình cần cảnh giác nếu bé xuất hiện các cơn đau bụng, kèm theo nôn, có thể có sốt hoặc vàng da. Nang ống mật chủ cần phẫu thuật sớm ở bất kỳ lứa tuổi nào vì những biến chứng nguy hiểm của nó.
Hình ảnh nang ống mật chủ sau phẫu thuật. Ảnh: Kim Chung
Hình ảnh nang ống mật chủ sau phẫu thuật. Ảnh: Kim Chung
 “Bệnh nang ống mật chủ là bệnh ít gặp ở trẻ em với tỷ lệ 1/100.000 -1/1.500.000 và nữ mắc nhiều hơn nam (tỷ lệ 4:1). Nếu bệnh nhân không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể dẫn đến sỏi mật, tắc mật và nguy hiểm hơn có thể dẫn đến xơ gan, biến chứng như viêm tụy cấp, viêm đường mật cấp gây chảy máu đường mật, vỡ nang gây viêm phúc mạc, ung thư đường mật...
Vì vậy, khi trẻ có biểu hiện đau bụng nhiều, đau bụng vùng trên rốn, đau không rõ nguyên nhân, bố mẹ không nên chủ quan mà đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế để thăm khám và điều trị. Các trường hợp nối mật ruột cần được theo dõi định kỳ: 1, 3, 6 tháng sau mổ. Sau đó, mỗi năm 1 lần đến khi trẻ 15 tuổi, đồng thời phải xổ giun định kỳ 6 tháng/lần”  - Bác sỹ Trần Việt Hùng khuyến cáo.
Phẫu thuật nội soi cắt u nang ống mật chủ là một trong những kỹ thuật khó mà Bệnh viện Quốc tế Vinh thực hiện thành công; đã khẳng định chuyên môn vững vàng của đội ngũ y, bác sỹ bệnh viện trong thực hiện sứ mệnh chăm sóc sức khỏe cộng đồng./.

Tin mới