Đấu giá biển ô tô: Không đưa ra khái niệm 'biển số đẹp', 'kho số đặc biệt'

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Sáng 21/10, Quốc hội nghe các tờ trình, báo cáo thẩm tra về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày Tờ trình về dự thảo Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày Tờ trình về dự thảo Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Bộ Công an đã hai lần báo cáo Chính phủ xin phép thực hiện thí điểm đăng ký cấp biển số thu lệ phí biển số tự chọn năm 1993 và đấu giá biển số xe năm 2008 tại một số địa phương, nhưng do vướng mắc về cơ sở pháp lý và quy trình thủ tục nên không được mở rộng.

Từ đó đến nay, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu, xây dựng Đề án thí điểm và thấy cần có một số quy định khác với các luật hiện hành như Luật Quản lý tài sản công, Luật Giao thông đường bộ và Luật Đấu giá tài sản để đáp ứng nhu cầu một bộ phận không nhỏ người mua xe muốn sở hữu biển số xe theo mong muốn cá nhân; nâng cao hiệu quả công tác quản lý phương tiện giao thông đường bộ, tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước và tránh dư luận cho rằng có sự thiếu minh bạch hoặc hành vi trục lợi trong cấp biển số xe. Vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhất trí bổ sung nội dung này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022.

Trình bày Tờ trình của Chính phủ, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, sau khi nghiên cứu, rà soát đánh giá pháp luật, thực tế và kinh nghiệm quốc tế, Chính phủ thấy rằng việc xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá là hết sức cần thiết. Tờ trình đề xuất thí điểm trong 3 năm.

Theo Dự thảo Nghị quyết, biển số đưa ra đấu giá là biển số ô tô chưa đăng ký, Bộ Công an dự kiến cấp mới cho xe ô tô của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân (nền màu trắng, chữ và số màu đen), được đăng công khai trên Cổng thông tin điện tử quốc gia về đấu giá tài sản, Cổng thông tin điện tử Bộ Công an, Trang thông tin điện tử Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), trang thông tin điện tử đấu giá trực tuyến của tổ chức đấu giá tài sản và trên các phương tiện thông tin đại chúng trước 30 ngày tổ chức đấu giá. Doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có nhu cầu được lựa chọn biển số của tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trên toàn quốc để đăng ký tham gia đấu giá (kể cả biển số của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương không phải là nơi đăng ký thường trú, đặt trụ sở của người tham gia đấu giá). Biển số không được lựa chọn để đấu giá, biển số qua cuộc đấu giá không thành sẽ chuyển vào hệ thống đăng ký, quản lý xe để đăng ký theo quy định của Bộ Công an. Đáng chú ý là sẽ được chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế biển số trúng đấu giá theo xe theo quy định; không được giữ lại biển số trúng đấu giá để đăng ký cho xe khác.

Dự thảo Nghị quyết được xây dựng theo hướng quy định cụ thể về giá khởi điểm của từng biển số đưa ra đấu giá, theo đó xác định con số cụ thể, áp dụng thống nhất, minh bạch trong tất cả các trường hợp đấu giá, giá khởi điểm là mức giá thấp nhất và phù hợp với thực tiễn. Cụ thể, vùng 1 (gồm: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh) 40 triệu đồng; vùng 2 (gồm các địa phương còn lại) 20 triệu đồng.

Theo Bộ trưởng Tô Lâm, quá trình xây dựng dự thảo Nghị quyết, nguyên tắc xuyên suốt của Bộ Công an là không đưa ra khái niệm “biển số đẹp”, “kho số đặc biệt” hoặc “kho số đẹp”… Việc xác định giá khởi điểm của biển số ô tô để đấu giá là hết sức phức tạp do biển số là “tài sản công đặc thù”, giá trị cao hay thấp phụ thuộc vào thị trường và mức độ “đẹp” theo sở thích của người tham gia đấu giá quyết định. Giá khởi điểm chỉ là mức giá ban đầu, trong quá trình đấu giá, tính cạnh tranh giữa những người tham gia đấu giá sẽ quyết định giá trúng đấu giá của biển số đó.

Nhất trí với việc thí điểm 3 năm

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết, Ủy ban nhất trí với sự cần thiết ban hành Nghị quyết nhằm đáp ứng nhu cầu của một bộ phận không nhỏ người mua xe muốn sở hữu biển số xe theo mong muốn cá nhân; bảo đảm chặt chẽ, hiệu quả công tác quản lý phương tiện giao thông đường bộ; tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

Về phạm vi thí điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho biết, có ý kiến đề nghị giới hạn phạm vi thực hiện thí điểm tại một số địa phương hoặc chỉ thí điểm tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhất trí thực hiện thí điểm trên phạm vi toàn quốc việc cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số xe ô tô thông qua đấu giá. Đây cũng là cơ sở để tổng kết, đánh giá, kiến nghị Quốc hội sửa đổi, bổ sung các luật có liên quan khi kết thúc thí điểm để thực hiện ổn định, lâu dài.

Về loại biển số xe ô tô đưa ra đấu giá, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho biết, có ý kiến đề nghị mở rộng thí điểm đấu giá cả biển số xe ô tô nền vàng chữ đen (xe hoạt động kinh doanh vận tải) và mở rộng đấu giá cả biển số xe mô tô, xe gắn máy. Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhất trí với việc giới hạn thí điểm chỉ đấu giá đối với biển số ô tô nền trắng, mà không thí điểm đấu giá đối với biển số xe ô tô nền vàng chữ đen, biển số xe mô tô, xe gắn máy. Ủy ban Quốc phòng và An ninh cũng nhất trí chỉ thí điểm hình thức đấu giá trực tuyến.

Về thời gian thí điểm, dự thảo Nghị quyết quy định thời gian thí điểm là 3 năm kể từ ngày Nghị quyết có hiệu lực thi hành. Về vấn đề này, đa số Ủy ban Quốc phòng An ninh nhất trí với dự thảo, vì cho rằng thời gian thí điểm 3 năm là phù hợp để các cơ quan có đủ thời gian triển khai thực hiện, kiểm nghiệm, tổng kết, đánh giá việc thí điểm. Thực tế, hầu hết các nghị quyết thí điểm do Quốc hội ban hành thời gian gần đây đều quy định thời gian thí điểm là từ 3 năm đến 5 năm. Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị quy định thời gian thí điểm là 2 năm để kịp thời tổng kết, đánh giá, kiến nghị luật hóa nội dung này đồng bộ với việc sửa đổi Luật Giao thông đường bộ. Có ý kiến đề nghị quy định kết hợp theo hướng: Thời gian thí điểm là 3 năm kể từ ngày Nghị quyết có hiệu lực thi hành hoặc thực hiện thí điểm cho đến khi nội dung này được quy định trong luật, nhưng không quá 3 năm kể từ ngày Nghị quyết có hiệu lực thi hành.

Tin mới