Dấu hỏi lớn về khu đất thực hiện Dự án Vườn cam Nghi Ân

Bởi có những làng nghề hoa, cây cảnh nổi tiếng Kim Chi, Kim Phúc…, từ khá lâu, Nghi Ân là một trong những xã ngoại vi thành phố Vinh được đánh giá sử dụng hiệu quả đất đai. Chính vì vậy, khi biết ở cuối xã này – đoạn giáp ranh xã Nghi Trung, huyện Nghi Lộc có một khu đất rất lớn, bằng phẳng nhưng đang trong tình trạng hoang hóa, thì cảm thấy bất ngờ.

Khu đất nằm kẹp giữa 2 tuyến đường Kim Phúc – Nghi Trung và Cần Vương, có tường rào cũ kỹ, rêu mốc bao quanh. Theo một người dân ở gần đây, từ khoảng hai chục năm trước, thấy người ta trồng trên khu đất này khá nhiều cây cam. Tuy nhiên, sau dăm bảy năm, vườn cam dần bị phá bỏ, rồi để mặc đất đai hoang hóa trong sự nuối tiếc của người dân. “Khu đất này thuộc xóm Kim Phúc, là làng nghề hoa, cây cảnh của xã Nghi Ân. Với chúng tôi, tấc đất, tấc vàng. Quỹ đất hạn hẹp nên có hộ phải thuê đất nơi khác để sản xuất. Thế nên, nhìn cảnh này thấy xót. Cũng đã có ý kiến lên xã, lên thành phố cả rồi đấy. Nếu gặp cán bộ xóm, các anh sẽ rõ hơn…” – người dân thông tin.

Theo chỉ dẫn, chúng tôi tìm gặp Bí thư Chi bộ xóm Kim Phúc, ông Nguyễn Viết Hoan. Theo ông Hoan, về nguồn gốc xa xưa, khu đất này có một phần thuộc quân đội quản lý, một phần là đất sản xuất của người dân. Đến giai đoạn cấp thẩm quyền thu hồi đất, sử dụng vào trồng cam thì ông không rõ, vì đã rời xã Nghi Ân, công tác xa. Chỉ đến khi nghỉ hưu, với 10 năm tròn làm Bí thư Chi bộ xóm Kim Phúc, ông mới được các bậc lão thành kể cho nghe về dự án vườn cam. Với những gì ông được nghe thì Dự án vườn cam do Công ty Rau quả 19-5 Nghệ An thực hiện. Công ty này được UBND tỉnh cho thuê đất. Tuy nhiên, Dự án vườn cam cũng chỉ thực hiện được khoảng 7 – 8 năm, sau đó để hoang. “Thời tôi mới làm Bí thư xóm Kim Phúc, vườn cam vẫn còn, nhưng khẳng định là không có hiệu quả. Có lẽ chính vì không thu được gì từ vườn cam nên sau này người ta mới để cho hoang hóa, chỉ có 1 hộ gia đình trông coi. Điều này dẫn đến việc cử tri xóm Kim Phúc có ý kiến rất nhiều…” – Bí thư Chi bộ Nguyễn Viết Hoan trao đổi.

Cùng ông Nguyễn Viết Hoan vào phía trong khu đất, thấy rõ hơn tình trạng lãng phí đất đai. Thứ duy nhất biểu hiện “Dự án vườn cam” nay chỉ còn là 1 cây cam thưa thớt lá, khẳng khiu, còi cọc. Còn lại trên toàn bộ khu đất rộng mênh mông này, cùng với cỏ bụi, có một vị trí được rào lưới B40 để làm vật liệu xây dựng; một khuôn viên vườn và nhà của 1 hộ gia đình; 1 dãy nhà đã mất đi phần mái; và mấy con bò. Thời điểm chúng tôi đến, trong nhà ở của hộ gia đình chỉ có trẻ nhỏ. Còn tại xưởng làm vật liệu xây dựng, có 1 thanh niên. Nhưng anh này là người làm nên chỉ biết ông chủ thuê đất lập xưởng với thời gian vài ba năm gì đó…

Cũng tại đây, Bí thư Chi bộ Nguyễn Viết Hoan kể rằng, giai đoạn năm 2020, khi xã Nghi Ân động viên nhân dân hiến đất để mở rộng, xây dựng tuyến đường Kim Phúc – Nghi Trung, ông có tiếp cận người trông coi khu đất. Lý do là để đề nghị họ cho nắn thẳng một khúc cua gấp. Người này đã đưa cho ông số máy của “người có trách nhiệm” để liên hệ. Quá trình trao đổi, ông được “người có trách nhiệm” yêu cầu viết đơn, xin chữ ký của các bậc lão thành trong xóm, rồi chuyển cho chính quyền xã. Hy vọng tuyến đường được nắn thẳng, ông đã làm đúng theo yêu cầu. Thế nhưng, bẵng đi một thời gian không thấy “người có trách nhiệm” trả lời. Hỏi thì đại diện UBND xã cho biết, đơn đã được chính quyền xác nhận, chuyển đi, nhưng không có hồi âm…

“Như tôi biết, quỹ đất này khá lớn, hơn 9 ha. Nhưng tình trạng để đất hoang nhiều năm không đem lại ích lợi gì cho xã hội. Vì vậy, mong muốn cấp trên cho kiểm tra, thu hồi để không lãng phí tài nguyên đất đai, gây những dị nghị không hay trong nhân dân…” – Bí thư xóm Kim Phúc nói.

Tìm kiếm trên Google về Dự án vườn cam ở Nghi Ân, thật bất ngờ vì có khá nhiều thông tin. Hóa ra, xã Nghi Ân từng là nơi thực hiện Dự án sản xuất mô hình cam hữu cơ chất lượng cao, với mục tiêu tạo ra giống cam Xã Đoài sạch bệnh, không có tồn dư hóa chất độc hại. Bởi dự án là do Trung tâm Khuyến nông – Khuyến lâm (Trung tâm Khuyến nông Nghệ An – P.V) làm chủ đầu tư, nên chúng tôi đã liên hệ để hỏi về công tác quản lý, sử dụng đất. Vậy nhưng, tại đây chỉ lưu trữ hồ sơ dự án đến năm 2005. Khoảng năm 2007 – 2008, dự án được chuyển giao cho Công ty Rau quả 19-5 Nghệ An. Một lãnh đạo trung tâm trao đổi: “Từ dạo đó đến nay, trung tâm thay đổi lãnh đạo đã mấy lần. Những cán bộ biết rõ việc chuyển giao đều đã nghỉ hưu. Trung tâm cũng đã chủ động tìm kiếm hồ sơ nhưng chỉ tập hợp được như vậy nên chỉ rõ giai đoạn khởi thủy dự án chứ không nắm bắt được công tác chuyển giao, cũng như việc quản lý, sử dụng khu đất sau này như thế nào…”.

Trở lại xã Nghi Ân, với hy vọng chính quyền xã có manh mối. Được xác nhận trong những năm qua, cử tri trên địa bàn có nhiều ý kiến về khu đất thực hiện Dự án vườn cam. Dịp tháng 9/2021, khi lãnh đạo thành phố về làm việc, người dân lại tiếp tục đề nghị làm rõ nội dung này. “HĐND và MTTQ xã có tập hợp kiến nghị của cử tri. Chính quyền xã cũng sẽ có báo cáo lên UBND thành phố…” – một cán bộ xã Nghi Ân trao đổi.

Nhờ xã Nghi Ân tìm kiếm thông tin, sau một thời gian ngắn, chúng tôi được tiếp cận 3 văn bản liên quan. Gồm các Quyết định số 566/QĐ-UBND.DDC ngày 31/12/2010; Quyết định số 59/QĐ-UBND.ĐC ngày 5/4/2013; Quyết định số 60/QĐ-UBND.ĐC ngày 5/4/2013 của UBND tỉnh.

Quyết định số 566/QĐ-UBND.DDC thể hiện, ngày 31/12/2010, UBND tỉnh cho Công ty Rau quả 19-5 thuê 91.354 m2 đất (trong đó, có 1.334,6 m2 đất nằm trong hành lang điện cao thế bị hạn chế sử dụng) tại xã Nghi Ân (TP. Vinh) để sử dụng vào mục đích duy trì, bảo tồn và phát triển vườn cam. Thời hạn thuê đất 40 năm. Vị trí, ranh giới khu đất được xác định theo “Bản đồ địa chính khu đất (trích đo) số: 77/2010/BĐ.ĐC: Vườn cam hữu cơ chất lượng cao – Công ty Rau quả 19-5 Nghệ An, địa điểm tại xã Nghi Ân, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An” được Sở TN&MT phê duyệt ngày 15/11/2010. Giá thuê đất tại thời điểm năm 2010 là 65.000 đồng/m2; phương thức nộp tiền thuê đất theo định kỳ hàng năm. Công ty Rau quả 19-5 Nghệ An có trách nhiệm: “Sau thời hạn mười hai (12) tháng kể từ ngày được bàn giao đất tại thực địa, nếu Công ty Rau quả 19-5 Nghệ An không đưa đất được giao vào sử dụng hoặc tiến độ sử dụng đất chậm hai mươi bốn (24) tháng so với tiến độ ghi trong dự án mà không được cơ quan có thẩm quyền cho phép thì UBND tỉnh Nghệ An sẽ thu hồi đất theo quy định của pháp luật”.

Với Quyết định số 59/QĐ-UBND.ĐC, thể hiện vào ngày 5/4/2013, UBND tỉnh thực hiện thu hồi 91.354 m2 đất nông nghiệp (trồng cam) tại xã Nghi Ân (TP. Vinh) do Công ty Rau quả 19-5 Nghệ An quản lý, sử dụng. Lý do thu hồi, để làm thủ tục chuyển giao cho Công ty TNHH MTV Cao su – Cà phê Nghệ An thuê.

Còn tại Quyết định số 60/QĐ-UBND.ĐC thể hiện, ngày 5/4/2013, UBND tỉnh cho Công ty TNHH MTV Cao su – Cà phê Nghệ An thuê khu đất 91.354 m2 tại xã Nghi Ân đã thu hồi từ Công ty Rau quả 19-5 Nghệ An. Mục đích sử dụng cũng là để “Duy trì, bảo tồn và phát triển vườn cam”. Thời gian thuê đất, đến ngày 31/12/2050; giá thuê đất bình quân từ thời điểm năm 2013 là 85.000 đồng/m2; nộp tiền thuê đất hàng năm. UBND tỉnh cũng yêu cầu Công ty TNHH MTV Cao su – Cà phê Nghệ An: “Sau thời hạn mười hai (12) tháng kể từ ngày được bàn giao đất tại thực địa, nếu Công ty TNHH MTV Cao su – Cà phê Nghệ An không đưa đất được giao vào sử dụng hoặc tiến độ sử dụng đất chậm hai mươi bốn (24) tháng so với tiến độ ghi trong dự án mà không được cơ quan có thẩm quyền cho phép thì UBND tỉnh Nghệ An sẽ thu hồi đất theo quy định của pháp luật”.

Đến ngày 5/5/2022, UBND xã Nghi Ân chuyển cho chúng tôi Văn bản số 211/UBND-BC báo cáo tiến độ thực hiện dự án trên thửa đất do Công ty TNHH MTV Cao su – Cà phê Nghệ An thuê tại xã Nghi Ân. Trong đó có nội dung: “Từ khi được UBND tỉnh giao đất theo Quyết định số 60/QĐ-UBND.ĐC ngày 5/4/2013, UBND xã chưa tiếp xúc được với đơn vị thuê đất và đơn vị này chưa triển khai bất kỳ hoạt động gì trên khu đất, quá thời hạn tiến độ triển khai dự án theo Quyết định số 60/QĐ-UBND.ĐC. Do đó, đất trở nên hoang hóa, nhân dân bức xúc, kiến nghị nhiều. Vậy UBND xã đề xuất UBND thành phố Vinh có kiến nghị với UBND tỉnh Nghệ An thu hồi đất theo quy định của pháp luật”.