Đâu là lý do khiến Toyota Innova 2023 chuyển sang dòng SUV?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Toyota Innova tồn tại suốt 18 năm với hình dáng MPV quen thuộc nhưng đã chuyển mình sang dáng SUV và nền tảng khung gầm mới từ thế hệ thứ 3 vừa ra mắt ở Indonesia. Vậy đâu là nguyên cớ cho sự thay đổi này?

Toyota Innova 2023 (thế hệ thứ 3) đã chính thức được giới thiệu tại Indonesia vào ngày 21/11 vừa qua. Trong đó, sự thay đổi lớn của Toyota Innova chính là việc chuyển sang nền tảng NTGA-C chứ không phải nền tảng IMV vốn đang được Toyota áp dụng cho mẫu SUV cỡ trung Fortuner và mẫu bán tải Hilux.

Vậy tại sao Toyota Innova 2023 lại chuyển sang sử dụng nền tảng TNGA-C? Trong bài viết này, hãy cùng VietNamNet đi tìm lý do cho điều này.

Đến thế hệ thứ 3, Toyota Innova đã chính thức từ bỏ kiểu khung gầm xát xi rời (Body-on-frame) để chuyển sang khung gầm liền khối (Unibody), đồng thời cũng đã thay đổi hệ dẫn động từ cầu sau sang cầu trước giống như đàn em Toyota Veloz và Avanza.

Việc sử dụng khung gầm mới trên Toyota Innova 2023 có thể đã được hãng xe Nhật Bản nghiên cứu kỹ lưỡng bởi những lợi thế mà nền tảng TNGA-C đang có không thể tìm thấy được trên nền tảng IMV cũ.

Toyota Innova 2023 với ngoại hình mới đã thực sư SUV hoá

Toyota Innova 2023 với ngoại hình mới đã thực sư SUV hoá

Đầu tiên là khả năng áp dụng công nghệ hybrid. Rõ ràng, nền tảng IMV của Toyota được phát triển từ năm 2002 vốn dành áp dụng cho xe thông thường chứ không phải là xe hybrid.

Điều đó có nghĩa là công nghệ hybrid sẽ không thể xuất hiện trên những chiếc xe ô tô sử dụng nền tảng IMV. Toyota cho biết ngay cả khi có thể kết hợp được thì sự phối hợp giữa các công nghệ cũng sẽ không thể hoạt động một cách tối ưu.

Ngoài ra, việc áp dụng công nghệ hybrid chắc chắn bổ sung nhiều thành phần như mô-tơ điện, pin nhiên liệu nên cần không gian cho những thứ đó. Nếu không gian không được phân bổ ngay từ đầu, các kỹ sư sẽ phải rất vất vả để xử lý mọi thứ.

Đó là lý do tại sao Toyota Innova EV Concept được giới thiệu tại triển lãm ô tô Quốc tế Indonesia vào đầu tháng 4/2022 đã không thể trở thành hiện thực bằng một phiên bản thương mại. Đơn giản nền tảng của nó không phù hợp với một mẫu xe điện EV ngay từ đầu.

Thứ hai, khi sử dụng nền tảng TNGA-C, Toyota Innova 2023 sẽ có cơ hội được sử dụng các động cơ mới. Điều đó đồng nghĩa Innova mới sẽ nói lời tạm biệt với động cơ 2.0L mang mã hiệu 1TR-FE đã đồng hành cùng mẫu xe này gần 20 năm qua.

Thay thế vào đó là động cơ Dynamic Force Engine 2.0L mã hiệu M20A-FKS sẽ có mặt trên Toyota Innova 2023. Công suất và mô-men xoắn lớn hơn, độ nén cao hơn và tất nhiên là công nghệ hiện đại hơn sẽ giúp cải thiện lượng khí thải và mức tiêu thụ nhiên liệu.

Cuối cùng là hàng loạt điểm cộng khác từ nền tảng TNGA-C trên Toyota Innova như trọng lượng đã giảm 170 kg so với mẫu xe thế hệ cũ, bộ khung gầm mới được khẳng định là cứng cáp và ổn định hơn và tạo ra không gian nội thất rộng rãi hơn.

Vì vậy, với những ưu điểm này, có vẻ như Toyota lựa chọn sử dụng nền tảng TNGA-C cho Innova 2023 thế hệ mới là hoàn toàn hợp lý.

Tại Việt Nam, trong mấy năm trở lại đây, Toyota Innova từ vị thế "ông vua" phân khúc với doanh số trên nghìn xe mỗi tháng thì giờ "tụt dốc" còn chưa đến 300 xe,thua kém doanh số với những mẫu MPV nhỏ và rẻ hơn như Mitsubishi Xpander hay chính "đàn em" Veloz và Avanza.

Lý do nội tại của Toyota Innova chính là thiết kế đã quá cũ, khung gầm xát xi rời khiến khả năng vận hành của xe thiếu sự ổn định, công năng của chiếc MPV 7 chỗ bị lấn át bởi nhiều mẫu xe mới trong khi động cơ lại chưa thực sự tiết kiệm. Thêm yếu tố giá bán ngày càng đắt, khó cạnh tranh khiến Innova dần mất đi "hào quang" quá khứ, đứng bên nguy cơ khai tử.

Đây có lẽ là điều mà Toyota cũng đã nhìn thấy để quyết định tạo nên những thay đổi lớn trên Toyota Innova 2023. Hiện tại, Toyota Corolla Cross và Corolla Altis đang là hai mẫu xe của Toyota bán tại Việt Nam sử dụng nền tảng TNGA-C có doanh số ổn định, đủ tự tin để Innova đi theo hướng đi mới.

Tin mới