Đấu tranh trực diện, truy xét tận gốc tội phạm, vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ

(Baonghean.vn) -Thời gian qua, tình trạng sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật có chiều hướng gia tăng. Đáng chú ý, nhiều vụ đối tượng sử dụng vũ khí nóng, súng để gây án, giải quyết mâu thuẫn, gây bức xúc dư luận.

Để phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với loại tội phạm này, Bộ Công an khuyến cáo người dân:

-Chấp hành nghiêm các quy định của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Không sản xuất, chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép, không tiếp tay, giúp sức cho các hành vi vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

- Khi phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ thì báo ngay cho cơ quan Công an nơi gần nhất hoặc chính quyền địa phương để có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời.

Trung tướng Tô Ân Xô - Chánh Văn phòng Bộ, Người phát ngôn Bộ Công an.
Trung tướng Tô Ân Xô - Chánh Văn phòng Bộ, Người phát ngôn Bộ Công an.

- Các tổ chức, cá nhân hiện đang tàng trữ vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ tự giác đến cơ quan Công an để giao nộp; trường hợp cố tình vi phạm, khi bị phát hiện sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Chỉ riêng trong đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm bảo đảm an ninh, trật tự Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, Công an các đơn vị, địa phương đã phát hiện, bắt giữ 565 vụ, 902 đối tượng sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, thu 249 khẩu súng các loại, trong đó có 359 vụ, 622 đối tượng sử dụng trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Tuy nhiên, tội phạm và vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ vẫn diễn biến phức tạp.

Bộ Công an cho biết sẽ chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm:

-Tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị, xã hội tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành nghiêm các quy định của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ nhằm thu hồi triệt để vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ còn tồn đọng ngoài xã hội. Tổ chức rà soát, lập danh sách các đối tượng có tiền án, tiền sự, biểu hiện nghi vấn tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ để có biện pháp tuyên truyền, vận động và đấu tranh, xử lý.

Đối tượng gây ra vụ nổ súng quân dụng khiến 1 người bị thương xảy ra vào sáng 20-11-2021, tại một quán cà phê trên đường Đinh Công Tráng, TP Vinh. Ảnh tư liệu Bình Minh
Đối tượng gây ra vụ nổ súng quân dụng khiến 1 người bị thương xảy ra vào sáng 20/11/2021, tại một quán cà phê trên đường Đinh Công Tráng (TP. Vinh). Ảnh tư liệu:  Bình Minh

-Tăng cường công tác nắm tình hình, mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân để kịp thời phát hiện, có phương án xử lý các vụ việc, không để mâu thuẫn tích tụ kéo dài, giải quyết mâu thuẫn lớn thành nhỏ, nhỏ thành không còn mâu thuẫn, không để phát sinh tội phạm, trong đó có tội phạm sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ gây án.

-Làm tốt công tác tiếp nhận tin báo, tố giác tội phạm, kiến nghị khởi tố liên quan đến vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Đối với các vụ án xảy ra có liên quan đến vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, phải tập trung điều tra làm rõ, truy xét nguồn gốc vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ để xử lý nghiêm các đối tượng.

Lãnh đạo Công an tỉnh trực tiếp chỉ đạo tại hiện trường bắt giữ Cao Trọng Phú (đội mũ, mặc áo đen) trú tại xã Nghi Kim -đối tượng đã sử dụng súng bắn 2 người tử vong . Ảnh tư liệu Nhóm PV
Lãnh đạo Công an tỉnh trực tiếp chỉ đạo tại hiện trường bắt giữ Cao Trọng Phú (đội mũ, mặc áo đen) trú tại xã Nghi Kim - đối tượng đã sử dụng súng bắn 2 người tử vong. Ảnh tư liệu: Nhóm P.V

-Phối hợp với các lực lượng chức năng (Hải quan, Biên phòng, Cảnh sát biển, Quản lý thị trường...) tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ tuyến biên giới, cửa khẩu, cảng biển, đường mòn, lối mở, kịp thời phát hiện, ngăn chặn hành vi mua bán, vận chuyển trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trái phép từ nước ngoài vào Việt Nam.

Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự được quy định tại Điều 304 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017. Điều luật quy định mức hình phạt của tội phạm này được chia thành bốn khung. Theo đó, khung một (khoản 1) có mức phạt tù từ 01 năm đến 07 năm. Khung hai (khoản 2) có mức phạt tù từ 05 năm đến 12 năm. Khung ba (khoản 3) có mức phạt tù từ 10 năm đến 15 năm. Khung bốn (khoản 4) có mức phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.

Ngoài việc bị áp dụng một trong các hình phạt chính nêu trên, tùy từng trường hợp cụ thể người phạm tội còn có thể bị: phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm.

 

Tin mới