Đấu tranh với tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia

(Baonghean.vn) -Thời gian qua, nhất là trong giai đoạn dịch Covid -19 diễn biến phức tạp, một số đối tượng đã lợi dụng mạng xã hội để tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước, gây hoang mang dư luận.

Xử lý nghiêm nhiều đối tượng

Trong năm 2021, cơ quan an ninh điều tra đã khởi tố 1 vụ, 1 bị can “Hoạt động lật đổ chính quyền nhân dân”; 2 vụ, 2 bị can “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu nhằm chống nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam".

Bị cáo Trần Hữu Đức lĩnh 3 năm tù về tội hoạt động lật đổ chính quyền nhân dân. Ảnh tư liệu Nguyên Nguyên
Bị cáo Trần Hữu Đức lĩnh 3 năm tù về tội hoạt động lật đổ chính quyền nhân dân. Ảnh tư liệu Nguyên Nguyên

Điển hình ngày 21/1/2021, lực lượng chức năng tiến hành bắt giữ Trần Hữu Đức (SN 1964), trú tại huyện Nam Đàn để điều tra về hành vi hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân. Đến ngày 16/8/2021, TAND tỉnh Nghệ An xét xử sơ thẩm vụ án hình sự đối với Trần Hữu Đức về tội "Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân" theo Khoản 3, Điều 109 Bộ luật Hình sự.

Cáo trạng của VKSND tỉnh chỉ rõ: Từ tháng 6/2020 – tháng 1/2021, Đức thông qua Facebook đã liên hệ với các đối tượng Hồ Thị Xuân Hương, Ngô Công Trứ là thành viên của tổ chức khủng bố “Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời” đóng tại Mỹ do Đào Minh Quân cầm đầu. Theo hướng dẫn của các đối tượng này, Đức đã thu thập thông tin cá nhân của 36 công dân trú tại các xã Nam Lĩnh, Xuân Lâm, Kim Liên (Nam Đàn) gửi cho Hồ Thị Xuân Hương để đăng ký tham gia “Trưng cầu dân ý” bầu Đào Minh Quân làm tổng thống “Đệ tam Việt Nam cộng hòa”.

Phiên tòa xét xử sơ thẩm bị cáo Trần Hữu Đức về tội hoạt động nhằm lật đổ chính qjuyeefn nhân dân. Ảnh tư liêu Nguyên Nguyên
Phiên tòa xét xử sơ thẩm bị cáo Trần Hữu Đức về tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân. Ảnh tư liệu Nguyên Nguyên

Tiếp đó, Đức đã viết đơn gửi qua tài khoản Facebook “Tôi Quê Hương” để xin tham gia tổ chức “Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời”; xúc phạm lãnh tụ trên tờ tiền Việt Nam rồi chụp ảnh gửi cho Ngô Công Trứ để đăng ký tham gia tổ chức “Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời”, nhằm mục đích lật đổ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, xóa bỏ chế độ Nhà nước CHXHCN tại Việt Nam… Căn cứ quy định pháp luật, Tòa sơ thẩm tuyên phạt bị cáo Trần Hữu Đức 3 năm tù giam về tội "Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân". Bị cáo còn bị phạt quản chế 2 năm kể từ khi hết thời hạn chấp hành phạt tù. 

Trước đó, vào ngày 22/3/2021, Cơ quan An ninh điều tra Công an Nghệ An đã thi hành lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp đối với Nguyễn Duy Hướng (SN 1987), trú huyện Yên Thành để điều tra về hành vi “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu nhằm chống nhà nước CHXHCN Việt Nam” theo Điều 117 Bộ luật Hình sự.

Theo tài liệu của cơ quan điều tra, từ năm 2018 đến thời điểm bị bắt giữ, Nguyễn Duy Hướng đã sử dụng facebook “Bảo Kiếm” để đăng tải nhiều nội dung xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân. Hướng còn lợi dụng những sự kiện nhạy cảm để viết bài, đăng tải, chia sẻ hình ảnh, bài viết có nội dung nói xấu chính quyền, bôi nhọ, xúc phạm hoạt động của cơ quan công quyền, xúc phạm người thực thi nhiệm vụ. Hành vi của Nguyễn Duy Hướng xâm hại đến lòng tin của nhân dân đối với Đảng, với chế độ XHCN, phá hoại sự thống nhất về chính trị, tư tưởng trong xã hội...

Đối tượng Nguyễn DUy Hướng đã sử dụng facebook Bảo Kiếm đăng tải nhiều nội dung xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân. Ảnh tư liệu Đức Vũ.jpg
Đối tượng Nguyễn Duy Hướng đã sử dụng facebook "Bảo Kiếm" đăng tải nhiều nội dung xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân. Ảnh tư liệu Đức Vũ.jpg

Tính từ năm 2017 đến nay, Cơ quan an ninh điều tra Công an Nghệ An đã khởi tố, điều tra 8 vụ án với 8 bị can về các tội xâm phạm an ninh quốc gia. Các đối tượng này thường cấu kết với các phần tử cực đoan, các tổ chức phản động ở nước ngoài để gây dựng, tập hợp lực lượng, thành lập, tổ chức các hoạt động kích động, biểu tình gây rối, lợi dụng không gian mạng để tuyên truyền xuyên tạc chủ trương đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, bôi nhọ lãnh tụ, phỉ báng chính quyền nhân dân, lợi dụng quyền tự do dân chủ để hoạt động chống phá Đảng và Nhà nước ta.

Trong đó, có một số đối tượng có trình độ học vấn cao, được đào tạo cơ bản nhưng lại sớm nảy sinh tư tưởng bất mãn, tiêu cực bị các thế lực thù địch lợi dụng, kích động, lôi kéo thực hiện các hành vi chống lại Nhà nước CHXHCN Việt Nam. Điển hình như Nguyễn Viết Dũng (SN 1986), trú tại xã Hậu Thành, huyện Yên Thành vốn là sinh viên  một trường đại học có tiếng ở Hà Nội, Nguyễn Duy Hướng (SN 1987), trú tại huyện Yên Thành là bác sỹ của một phòng khám tư; hay Nguyễn Năng Tĩnh (SN 1976), quê quán xã Quỳnh Hưng (Quỳnh Lưu) trú tại TP. Vinh nguyên là giáo viên một trường cao đẳng trên địa bàn…

Việc bắt giữ và xét xử nghiêm đối với các đối tượng này đã thể hiện sự kiên quyết trong đấu tranh với các đối tượng có hành vi chống phá Đảng, Nhà nước của cơ quan chức năng Nghệ An; và cũng là lời cảnh báo cho những người lầm đường, lạc lối, đi ngược lại lợi ích quốc gia, dân tộc, nếu không sớm tỉnh ngộ sẽ phải chịu sự xử lý nghiêm minh của pháp luật. Qua đó, giúp nhân dân hiểu rõ âm mưu của các thế lực thù địch, đề cao cảnh giác, không nghe lời xúi giục, tiếp tay cho các hoạt động chống phá Nhà nước, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân.

Xây dựng thế trận an ninh nhân dân

Nghệ An là tỉnh diện tích rộng, người đông, có đường biên giới đất liền dài 468,281 km, khu vực biên giới có 61 xã, phường thuộc 11 huyện, thị với nhiều thành phần dân tộc. Tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ. 

Bởi vậy, những năm qua, Tỉnh ủy, UBND đã chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp chặt chẽ, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh các hành vi phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia trên địa bàn. Điển hình như mới đây, thực hiện Văn bản số 1193 ngày 22/11/2021 của Cục Xuất bản, In và Phát hành về việc phối hợp kiểm tra xuất bản phẩm phát hành trên thị trường. Ngày 30/11/2021, Sở Thông tin và Truyền thông Nghệ An đã có Công văn số 1855 đề nghị UBND các huyện, thành phố, thị xã chỉ đạo phòng Văn hóa- Thông tin: Thông báo đến các cơ sở kinh doanh sách để biết và yêu cầu cam kết không mua, bán, lưu giữ cuốn sách “Chiếc áo len mẹ đan” của tác giả Trung Quân ghi tên Nhà Xuất bản Hồng Đức.

Đồng thời, tổ chức kiểm tra các cơ sở kinh doanh sách trên địa bàn, kịp thời thu hồi nếu phát hiện có bán, lưu giữ cuốn sách trên.

Bìa và nội dung trang sách Chiếc áo len mẹ đan. Ảnh tư liêu
Bìa và nội dung trang sách "Chiếc áo len mẹ đan". Ảnh tư liêu

Trong cuốn sách này, có đoạn viết “Tôi muốn đan một chiếc áo tự do dân chủ cho quê hương tôi để thay thế sự độc tài, đàn áp của Cộng sản, đan cái tình dân tộc thiêng liêng thay cho cái chủ nghĩa ngoại lai độc tài, đan những câu kinh lời nguyện thay cho những lời hứa hẹn vu vơ, những câu me hoặc mỵ dân, những lời gian dối điêu ngoa...".  Dù trích dẫn một đoạn nhưng dễ dàng nhận thấy rõ ý đồ của tác giả đang truyền bá tư tưởng chống phá Nhà nước, chống phá chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.

Thấm nhuần quan điểm kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Nghệ An cũng đã chỉ đạo cơ quan chức năng, cấp ủy, chính quyền các địa phương xây dựng và nhân rộng phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”  phù hợp với từng vùng, từng loại đối tượng và từng thời điểm. Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được hơn 58 loại mô hình, điển hình tiên tiến trong công tác phòng, chống tội phạm, đảm bảo an ninh, trật tự tại 1.443 khu dân cư, xã, phường, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp, trường học hoạt động hiệu quả. Trong đó, có 8 mô hình được Bộ Công an biểu dương, nhân rộng trên toàn quốc.  Điển hình như mô hình "Đảm bảo an ninh, trật tự xây dựng nông thôn mới" tại xã Hưng Tân, huyện Hưng Nguyên; mô hình dân vận khéo trong tái hòa nhập cộng đồng ở thị xã Thái Hòa… góp phần xây dựng thế trận an ninh nhân dân vững chắc ngay tại cơ sở.

Công an huyện Quỳ Hợp đã tặng gần 6.000 Móc khóa an ninh cho người dân trên địa bàn. Ảnh tư liệu Hoài Thu.jpg
Công an huyện Quỳ Hợp đã tặng gần 6.000 móc khóa an ninh cho người dân trên địa bàn. Ảnh tư liệu Hoài Thu.jpg

Mặt khác, để ngăn chặn các đối tượng cơ hội chính trị, các thế lực thù địch lợi dụng những vấn đề bức xúc, nổi cộm được dư luận quan tâm để thổi phồng yếu kém, hạn chế trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy, chính quyền; hạ thấp uy tín của cán bộ các cấp nhằm làm giảm sút niềm tin trong đảng viên và nhân dân, gây mất ổn định xã hội. Tỉnh cũng yêu cầu các ngành, các địa phương quan tâm việc tiếp công dân và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, tập trung giải quyết dứt điểm các tranh chấp trên một số lĩnh vực nhạy cảm, không để dây dưa, kéo dài tạo thành điểm nóng, gây bức xúc trong nhân dân. Đồng thời, chỉ đạo xử lý nghiêm các vụ việc liên quan đến tội phạm chức vụ, tham nhũng, kinh tế... Trong năm 2021, toàn tỉnh phát hiện, khởi tố 10 vụ, 35 bị can liên quan đến tội phạm chức vụ, tham nhũng ( tăng 5 vụ, 19 bị can so với năm 2020). 

Chủ yếu là các tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ; thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; giả mạo trong công tác; lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; lạm quyền trong thi hành công vụ. Phát hiện, khởi tố 201 vụ, 314 bị can liên quan đến tội phạm về kinh tế (tăng 35 vụ, 98 bị can so với năm 2020).
Lực lượng công an ra quân trấn áp tội phạm. Ảnh tư liệu Bình Minh
Lực lượng công an ra quân trấn áp tội phạm vì bình yên cuộc sống. Ảnh tư liệu Bình Minh

Song song với công tác đấu tranh với các loại tội phạm, ngành chức năng cũng  triển khai những giải pháp linh hoạt trong công tác tuyên truyền nhằm nâng cao  ý thức cảnh giác cho nhân dân trước những thủ đoạn, hành vi xâm phạm an ninh quốc gia, nhất là trên không gian mạng.

Động viên, khuyến khích người dân phát huy trách nhiệm công dân, tích cực ủng hộ chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và của địa phương trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh.

Tin mới