Đầu tư gần 19 tỷ đồng xây dựng các mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ

(Baonghean.vn) - Năm 2019 các huyện đã tổ chức xây dựng được 155 mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ từ nhiều nguồn kinh phí khác nhau, với tổng kinh phí gần 19 tỷ đồng.
Dự hội nghị có 21 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Phương Thúy
Sáng 9/8, Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức hội nghị giao ban “Hoạt động khoa học và công nghệ cấp huyện năm 2019” tại huyện Nghĩa Đàn. Dự hội nghị có 21 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Phương Thúy

Xây dựng nhiều mô hình

Theo báo cáo của Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN), thời gian qua, hoạt động khoa học và công nghệ cấp huyện đã có nhiều đổi mới, chuyển biến tích cực; đóng góp thiết thực vào sự phát triển kinh tế - xã hội cấp huyện.

Năm 2019, Sở KH&CN đã phê duyệt để các huyện xây dựng 22 mô hình ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ với ngân sách Khoa học là hơn 1 tỷ 865 triệu đồng. Đến nay, đã có 22/22 mô hình được triển khai đạt 100% kế hoạch. 

Mô hình trồng nghệ và sản xuất nghệ bột ở Tổng đội thanh niên xung phong 9, xã Tam Hợp (Tương Dương). Ảnh: Phương Thúy
Mô hình trồng nghệ và sản xuất tinh bột nghệ ở Tổng đội thanh niên xung phong 9 (Tương Dương). Ảnh: Phương Thúy
Bên cạnh đó, trong năm 2019, các huyện đã tổ chức xây dựng được 155 mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ từ nhiều nguồn kinh phí khác nhau với tổng kinh phí gần 19 tỷ đồng.
Một số đơn vị thực hiện nhiều mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ từ nguồn ngân sách khác như: huyện Anh Sơn (16 mô hình), Hưng Nguyên (20 mô hình), Diễn Châu (16 mô hình), Quế Phong (13 mô hình), Tương Dương (9 mô hình); Đô Lương (9 mô hình)…
So với yêu cầu thực tiễn, hoạt động KHCN cấp huyện vẫn bộc lộ những tồn tại: Hoạt động tư vấn của hội đồng KHCN các huyện bước đầu đã được xây dựng mới nhưng chưa được đầu tư về chiều sâu, chưa có nhiều ý kiến tư vấn có chất lượng để định hướng phát triển kinh tế - xã hội cho huyện; các ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ trên địa bàn huyện còn chồng chéo, phân tán, không theo chuỗi sản phẩm nên chưa tạo ra được những đột phá mang tính quyết định để các sản phẩm chủ lực có giá trị trở thành sản phẩm hàng hóa...
Nâng cao hiệu quả hoạt động khoa học và công nghệ 
Tại hội nghị, đại diện của một số ngành và các đơn vị cấp huyện đã tiến hành tham luận, trao đổi thẳng thắn, nhìn nhận những hạn chế, vướng mắc và đề ra các giải pháp, định hướng nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động khoa học công nghệ trên địa bàn các huyện.
Các đại biểu tham quan mô hình trồng bơ của HTX 1/5 huyện Nghĩa Đàn. Ảnh: Phương Thúy
Các đại biểu tham quan mô hình trồng bơ của HTX 1/5 huyện Nghĩa Đàn. Ảnh: Phương Thúy

Đồng thời, các đại biểu cũng nêu lên kiến nghị như đề nghị UBND tỉnh, Sở KH&CN hỗ trợ kinh phí cho các đề tài khoa học; khâu nối với các Viện nghiên cứu, trường đại học trong và ngoài tỉnh triển khai nghiên cứu để tìm ra cho huyện một số giống cây, con chủ lực phù hợp với điều kiện đặc thù của huyện; bổ sung thêm nguồn kinh phí hỗ trợ nông dân sản xuất phân hữu cơ vi sinh, đệm lót sinh học trong chăn nuôi về thực hiện cơ chế chính sách theo Quyết định 15/2018 ngày 30/3/2018 của UBND tỉnh đầu tư phát triển nông nghiệp…

Định hướng nâng cao hiệu quả hoạt động khoa học và công nghệ trong thời gian tới, đồng chí Trần Quốc Thành - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cho rằng: UBND các huyện cần tập trung đánh giá lại quá trình hoạt động khoa học và công nghệ trong thời gian qua nhằm lựa chọn sản phẩm chủ lực, đặc sản của địa phương mình, để từ đó định hình quy mô, công nghệ cũng như xúc tiến thương mại hay phối hợp lồng ghép các nguồn lực để hỗ trợ phát triển khoa học và công nghệ.

Tin mới