David Frost: Người nắm giữ 'sức chiến đấu' của Anh trước EU

(Baonghean.vn) - Bắt đầu từ hôm qua, Anh và Liên minh châu Âu đã nối lại các cuộc đàm phán về Brexit. Để có được vòng đàm phán này, châu Âu đã phải bắn tín hiệu chấp nhận nhượng bộ sau khi Anh tuần trước tuyên bố dừng đàm phán vì cách tiếp cận “thiếu nghiêm túc” trong đàm phán của EU. Trong suốt hơn 4 năm đàm phán ròng rã giữa Anh và Liên minh châu Âu, có lẽ đây là lần đầu tiên người ta thấy Anh lại là bên “gây sức ép” trong các cuộc đàm phán Brexit – kết quả của một chiến lược đàm phán cứng rắn dưới sự dẫn dắt của “kiến trúc sư trưởng” David Frost.

“Henry Kissinger của nước Anh”

Trước khi ông David Frost được lựa chọn làm Trưởng đoàn đàm phán Brexit, nhân vật có vai trò quan trọng nhất trong định hướng chiến lược của Anh trong các cuộc đàm phán với Liên minh châu Âu (EU) là Dominic Cummings, cố vấn cấp cao được Thủ tướng Anh Boris Johnson bổ nhiệm ngay sau khi nhậm chức. Ông Dominic Cummings là người thích phong thái nổi bật, luôn khoác trên mình những bộ trang phục bắt mắt, luôn mang lại cảm giác được chờ đợi tại mỗi sự kiện mà ông xuất hiện. Nhưng ở David Frost là những đặc điểm trái ngược, đó là sự bình dị, cần mẫn và hơi hướng nội.

David Frost – người quyết định vị thế của Anh trước EU trong đàm phán Brexit. Ảnh: Reuters
David Frost - người quyết định vị thế của Anh trước EU trong đàm phán Brexit. Ảnh: Reuters

Trong mọi cuộc họp, David Frost luôn nền nã, chỉn chu với trang phục công sở truyền thống. Nhưng các đồng nghiệp của David Frost nhận định rằng, đằng sau vẻ ngoài không có gì là nổi bật ấy là một tinh thần làm việc không biết mệt mỏi, là tinh thần chiến đấu của một chiến binh, mạnh mẽ hơn so với Dominic Cummings - tố chất được đánh giá rất cao khi Anh đang trải qua những vòng đàm phán đầy khó khăn với EU liên quan tới mối quan hệ giữa hai bên thời kỳ “hậu Brexit”.

David Frost giành được sự tin tưởng của Thủ tướng với tư cách một nhà ngoại giao giàu kinh nghiệm, am hiểu các giá trị châu Âu, am hiểu các thể chế của châu Âu qua các vị trí mà ông từng nắm giữ.

Sinh năm 1965 tại Derby, David Frost bắt đầu sự nghiệp chính trị khá sớm khi gia nhập Văn phòng Đối ngoại năm 1987 - nơi ông được bổ nhiệm làm Cao ủy Anh tại Nicosia, Cộng hòa Cyprus. Từ năm 1993 trở đi, ông nắm giữ nhiều vị trí quan trọng liên quan đến châu Âu, đó là Đại diện Vương quốc Anh về các vấn đề kinh tế, tài chính tại Liên minh châu Âu, Vụ trưởng Vụ Liên minh châu Âu hay Giám đốc Ủy ban châu Âu trong Bộ Ngoại giao… Chính bởi bản chất bình dị, hướng nội nên dù làm việc ở bộ phận nào, ông đều không được xem là “ngôi sao”. Nhưng ai từng làm việc cùng với ông đều nhận thấy tố chất siêng năng và tận tâm, luôn muốn mọi người tập trung sự chú ý và các công việc mà ông đang triển khai thay vì tập trung vào cá nhân ông.

Khi Thủ tướng Anh Boris Johnson lựa chọn David Frost làm Trưởng đoàn đàm phán Brexit - một ví trị trọng yếu trong nội các, có thể xem là “nắm giữ tương lai của nước Anh”, nhiều người cho rằng đó là sự tin tưởng giữa những người quen cũ khi cả hai học cùng khóa tại trường Đại học Oxford. Nhưng với những người am hiểu tình hình tại số 10 phố Downing, David Frost giành được sự tin tưởng của Thủ tướng với tư cách một nhà ngoại giao giàu kinh nghiệm, am hiểu các giá trị châu Âu, am hiểu các thể chế của châu Âu qua các vị trí mà ông từng nắm giữ.

Ông David Frost tuyên bố Anh không sợ khi phải rời EU mà không đạt thỏa thuận thương mại. Ảnh: Getty
Ông David Frost tuyên bố Anh không sợ khi phải rời EU mà không đạt thỏa thuận thương mại. Ảnh: Getty

Sự tin tưởng của Thủ tướng Johnson với David Frost còn thể hiện qua việc bổ nhiệm ông vào vị trí Cố vấn An ninh quốc gia thay cho người tiền nhiệm Mark Sedwill - đánh dấu sự việc chưa từng có tiền lệ khi một nhân vật đồng thời nắm giữ cả hai vị trí quan trọng trong chính phủ và Quốc hội.

Nhiều người nói rằng, Thủ tướng Johnson đặt vào tay David Frost những vai trò quan trọng như vậy còn bởi David Frost là một sự “bổ sung hoàn hảo” cho Thủ tướng. Ông Boris Johnson vẫn nổi tiếng là người ngẫu hứng, có phong cách hài hước, vì vậy ông cần sự hỗ trợ của những nhân vật nghiêm túc, vững chắc, có khả năng xử lý công việc một cách chi tiết, chuẩn mực như David Frost, những người sẽ thiết lập quanh Thủ tướng một bức tường thành vững chắc.

Nhìn vào David Frost hiện nay, nhiều người còn ví von ông với một nhân vật có tầm ảnh hưởng rất lớn trên chính trường Mỹ, định hình các chính sách đối ngoại của Mỹ suốt một thời gian dài, đó là Henry Kissinger, Cố vấn An ninh quốc gia dưới thời các Tổng thống Richard Nixon và Gerald Ford.

“Hòn đá tảng” thách thức châu Âu

Dù giữ cả hai vị trí quan trọng là Trưởng đoàn đàm phán Brexit và Cố vấn An ninh quốc gia, nhưng ở thời điểm này, David Frost cho biết ưu tiên số 1 vẫn được dành cho Brexit. David Frost từng tuyên bố mục đích của ông là hỗ trợ Thủ tướng xác định tầm nhìn chiến lược mới cho vị thế của Anh trên trường quốc tế với tư cách một quốc gia độc lập sau khi kết thúc giải đoạn chuyển tiếp. Để đạt vị thế đó, Anh phải thể hiện được tiếng nói có trọng lượng trong các cuộc đàm phán về Brexit với Liên minh châu Âu, buộc Liên minh châu Âu phải thể hiện sự nghiêm túc, tôn trọng Anh với tư cách một quốc gia có chủ quyền.

David Frost và Trưởng đoàn đàm phán Brexit của EU Micheal Barnier tại Brussels, Bỉ. Ảnh: Scotland Herald
David Frost (trái) và Trưởng đoàn đàm phán Brexit của EU Micheal Barnier tại Brussels, Bỉ. Ảnh: Scotland Herald

Quan điểm cứng rắn của của David Frost được xem là điều khá bất ngờ với các nhà đàm phán bên phía Liên minh châu Âu. Nhìn vào hồ sơ của David Frost với những vị trí nắm giữ liên quan nhiều tới châu Âu, người ta từng dự đoán ông sẽ có cách tiếp cận mềm dẻo trong các cuộc đàm phán Brexit. Nhưng thực tế đã chứng minh điều ngược lại. Mới đây, khi châu Âu có ý định sử dụng chiến thuật cũ là kéo dài đàm phán để buộc Anh nhượng bộ trong 3 vấn đề lớn liên quan đến cạnh tranh thương mại công bằng, cơ chế giải quyết tranh chấp và thỏa thuận về nghề cá, Anh đã chủ động tuyên bố dừng đàm phán chừng nào mà châu Âu chưa thay đổi cách thức tiếp cận về Brexit.

David Frost nhiều lần nhắc tới quan điểm Anh không “run sợ” khi phải rời khỏi Liên minh châu Âu mà không đạt được thỏa thuận thương mại. 

Trong các cuộc trả lời phỏng vấn, ông David Frost nhiều lần nhắc tới quan điểm Anh không “run sợ” khi phải rời khỏi Liên minh châu Âu mà không đạt được thỏa thuận thương mại. Trên thực tế, Anh đã khuyến cáo các doanh nghiệp chuẩn bị kịch bản nước Anh ra đi mà không đạt thỏa thuận, cho thấy tuyên bố dừng đàm phán hoàn toàn không phải là “đòn gió” mà là con đường mà Anh sẵn sàng theo đuổi nếu không có sự tôn trọng từ phía châu Âu.

Không chỉ khiến các nhà đàm phán châu Âu bất ngờ, quan điểm cứng rắn của David Frost còn khiến chính các đồng nghiệp ở Bộ Ngoại giao của ông ngạc nhiên. Nhiều người đã tìm cách lý giải “bí ẩn” về quan điểm hội nhập châu Âu của David Frost, và câu chuyện đã được dẫn dắt về thời điểm quyết định năm 1993 - khi ông được bổ nhiệm làm Thư ký thứ nhất về các vấn đề kinh tế, tài chính trong Cơ quan đại diện Vương quốc Anh tại Liên minh châu Âu. Ban đầu, David Frost được khắc họa là “người ủng hộ châu Âu điển hình”. Nhưng sau nhiều năm làm việc tại EU, David Frost dần thay đổi cách nhìn nhận của mình, xem EU là một “bộ máy quan liêu”, và điều đó khiến ông đánh mất niềm tin vào Giấc mơ châu Âu.

David Frost dẫn đầu đoàn đàm phán của Anh. Ảnh: Getty
David Frost dẫn đầu đoàn đàm phán của Anh. Ảnh: Getty

Với việc buộc các nhà đàm phán phía EU chấp nhận nhượng bộ để nối lại đàm phán, những người theo chủ nghĩa dân tộc tại Anh đang rất hân hoan, coi đây là “bàn gỡ” của nước Anh sau suốt thời gian dài bị Liên minh châu Âu “dẫn điểm”. Trong mọi phân tích của các chuyên gia trước đó, Anh luôn bị đánh giá là “cửa dưới”, là bên sẽ mất nhiều hơn châu Âu nếu hai bên không đạt thỏa thuận Brexit. Nhưng David Frost đang cho thấy Anh sẽ không để quan điểm cố hữu này trói buộc sức mạnh của Anh trên bàn đàm phán với EU trong khoảng thời gian ít ỏi còn lại, và nếu Anh phải trả giá cho lựa chọn của mình, thì cái giá mà châu Âu phải hứng chịu cũng không hề nhỏ.

Không những vậy, việc một thành viên chấp nhận ra đi mà không đạt thỏa thuận sẽ tạo ra một tiền lệ rất nguy hiểm cho châu Âu. Trong 4 tuần tới đây, cả Anh và EU sẽ tiến hành các cuộc đàm phán với cường độ rất cao, kể cả thứ bảy và chủ nhật. Cho dù hai bên có đạt được thỏa thuận cuối cùng hay không, sau này người ta sẽ vẫn nhắc tới David Frost với vai trò lịch sử trong một thời khắc lịch sử của nước Anh, đó là thời khắc nước Anh chính thức rời khỏi EU vào ngày 31/12/2020.

Tin mới