Đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết ở huyện miền núi Nghệ An

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) -  Cùng với sự nỗ lực của các cấp chính quyền và ban, ngành, đoàn thể với nhiều giải pháp sát thực tế, những năm gần đây, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống ở huyện rẻo cao biên giới Tương Dương đang dần được đẩy lùi.

Vấn nạn dai dẳng

Cách trung tâm huyện gần 150km, xã biên giới Nhôn Mai là địa bàn cư trú của đồng bào dân tộc Mông, Khơ mú và Thái của huyện Tương Dương. Tại đây, có những bản như Huồi Măn, Phá Mựt, Piêng Luống cách trung tâm xã khoảng nửa ngày đi bộ, đời sống mọi mặt còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Đặc biệt là một số hủ tục lạc hậu như kết hôn ở lứa tuổi vị thành niên và lấy chồng, lấy vợ có mối quan hệ họ hàng vẫn còn tồn tại.

Theo số liệu báo cáo của UBND xã Nhôn Mai, năm 2020, trên địa bàn có 7 trường hợp tảo hôn, năm 2021 có 8 trường hợp. Những trường hợp tảo hôn thường rơi vào các bản xa xôi, hẻo lánh, người dân ít được tiếp xúc với bên ngoài nên trình độ dân trí còn hạn chế.

Tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đang tồn tại ở nhiều bản làng của huyện Tương Dương. Ảnh: Công Khang

Tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đang tồn tại ở nhiều bản làng của huyện Tương Dương. Ảnh: Công Khang

Trước tình trạng tảo hôn diễn ra trên địa bàn, UBND xã Nhôn Mai đã chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể và ban quản lý các bản đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, thuyết phục bà con nhân dân, nhất là lứa tuổi vị thành niên chấp hành các quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình. Tình hình bắt đầu có chuyển biến tích cực, đến thời điểm hiện nay của năm 2022 mới chỉ có 3 trường hợp vi phạm, chính quyền địa phương đã chỉ đạo cố gắng dừng lại ở con số này.

Cùng với xã Nhôn Mai, tình trạng tảo hôn còn diễn ra khá nhiều ở một số xã khác như: Tam Hợp, Lưu Kiền, Hữu Khuông, Mai Sơn và Yên Na. Điều này ít nhiều ảnh hưởng đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tác động tiêu cực đến phong trào học tập của các em lứa tuổi thiếu niên.

Số liệu báo cáo của Phòng Dân tộc huyện cho thấy, năm 2015, toàn huyện có 114 trường hợp tảo hôn. Nhờ đẩy mạnh thực hiện công tác tuyên truyền, vận động, đến năm 2020 giảm xuống còn 77 trường hợp. Tuy nhiên, tính từ năm 2016 - 2020 vẫn còn 286 trường hợp tảo hôn, chứng tỏ tình trạng này vẫn còn tương đối phổ biến trên địa bàn.

Cán bộ xã Lưu Kiền (Tương Dương) vận động bà con người Mông bản Lưu Thông thực hiện phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Ảnh: Công Khang

Cán bộ xã Lưu Kiền (Tương Dương) vận động bà con người Mông bản Lưu Thông thực hiện phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Ảnh: Công Khang

Trong các trường hợp tảo hôn, dân tộc Mông có 161/286 trường hợp (chiếm 56,29%); dân tộc Thái có 43/286 trường hợp (chiếm 15,03%); dân tộc Khơ mú có 82/286 trường hợp (chiếm 28,67%). Điều đáng mừng là qua khảo sát từ năm 2016 - 2020, tình trạng hôn nhân cận huyết thống không xảy ra trong các trường hợp tảo hôn cũng như trên địa bàn có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.

Nguyên nhân của tình trạng tảo hôn ở huyện Tương Dương được xác định do ảnh hưởng của phong tục, tập quán và quan niệm lạc hậu trong hôn nhân. Sự tác động của mạng xã hội có nội dung xấu, sự du nhập của văn hóa ngoại lai đã ảnh hưởng trực tiếp đến lứa tuổi vị thành niên, dẫn đến những trường hợp mang thai ngoài ý muốn, phải nghỉ học lấy chồng.

Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật còn hạn chế do rào cản về ngôn ngữ, trình độ dân trí thấp… dẫn đến hiệu quả không cao. Sự can thiệp, xử phạt vi phạm hành chính từ phía chính quyền địa phương đối với các trường hợp tảo hôn có lúc thiếu kiên quyết; các chính sách, pháp luật về vấn đề hôn nhân và gia đình chưa được triển khai thực hiện hiệu quả ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số; các bậc làm cha, làm mẹ chưa quan tâm đúng mức, nhiều gia đình buông lỏng trong quản lý con cái…

Đồng bộ các giải pháp

Nhằm giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số, huyện Tương Dương đã triển khai Kế hoạch Phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2021 - 2025. Mục tiêu của kế hoạch là đến năm 2025 cơ bản ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng tảo hôn và không để xảy ra hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số, góp phần nâng cao chất lượng dân số và nguồn nhân lực trên địa bàn.

Cán bộ phòng Dân số - Trung tâm Y tế huyện Tương Dương tuyên truyền Luật Hôn nhân và Gia đình cho học sinh THCS. Ảnh: Công Khang

Cán bộ phòng Dân số - Trung tâm Y tế huyện Tương Dương tuyên truyền Luật Hôn nhân và Gia đình cho học sinh THCS. Ảnh: Công Khang

Triển khai Kế hoạch Phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, các xã đã đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân dưới nhiều hình thức. Đặc biệt là việc xây dựng mô hình điểm và nhân rộng mô hình phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết tại các bản có nguy cơ cao. Năm 2021, đã thành lập 3 mô hình điểm (CLB) ở bản Phá Mựt (xã Nhôn Mai), Hợp Thành (xã Xá Lượng) và Piêng Coọc (xã Mai Sơn).

Năm 2022, nhân rộng thêm 7 mô hình ở các bản có đông đồng bào Mông sinh sống, từ đó, duy trì, nhân rộng và nâng cao chất lượng hoạt động của các mô hình. Trong đó, đặc biệt chú trọng việc phát huy, nâng cao vai trò của già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ và những người có uy tín trong cộng đồng.

Đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết ở huyện miền núi Nghệ An ảnh 4

Tiểu phẩm tuyên truyền phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống của Trung tâm Y tế huyện Tương Dương. Ảnh: Công Khang

Vì đây là những người nắm rõ phong tục, tập quán của dân tộc và những quy định pháp luật của Nhà nước, hương ước, quy ước của làng, bản cũng như các kiến thức cơ bản khác, nên thuận lợi trong thực hiện tuyên truyền, vận động đồng bào trong cộng đồng dân cư xóa bỏ những hủ tục lạc hậu về hôn nhân.

Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động kết hợp giáo dục, định hướng nghề nghiệp để các đối tượng (học sinh, thanh, thiếu niên, các bậc cha mẹ) nhận thức được hệ lụy của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Qua đó, nâng cao ý thức, trách nhiệm của bản thân đối với gia đình, xã hội trong việc tuân thủ pháp luật; chú trọng tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong hệ thống các trường học (THCS, THPT) trên địa bàn.

Nhờ đó, ở một số địa phương được xem là “điểm nóng” đã có dấu hiệu chuyển biến tích cực như các xã: Lưu Kiền, Hữu Khuông, Mai Sơn và Nhôn Mai.

Lãnh đạo Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh và huyện Tương Dương tặng quà các gia đình thực hiện tốt Chính sách Dân số - Kế hoạch hóa gia đình trên địa bàn. Ảnh: Công Khang

Lãnh đạo Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh và huyện Tương Dương tặng quà các gia đình thực hiện tốt Chính sách Dân số - Kế hoạch hóa gia đình trên địa bàn. Ảnh: Công Khang

“Công tác phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống luôn được quan tâm chỉ đạo từ huyện đến cơ sở và đạt được những kết quả quan trọng. Các cấp, ngành đã thực hiện nhiều giải pháp như tuyên truyền, phổ biến pháp luật; lồng ghép hoạt động tuyên truyền, vận động với hoạt động giao lưu văn hóa, hội nghị của thôn, bản, hoạt động ngoại khóa trong trường học; gặp gỡ các đối tượng đang có ý định tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống để kịp thời vận động, ngăn chặn. Nhờ vậy, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đã và đang dần được đẩy lùi…”.

Ông Lương Xuân Hiệp - Trưởng phòng Dân tộc huyện Tương Dương

Tin mới