Đẩy mạnh xúc tiến, vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Trên địa bàn Nghệ An hiện có 60 tổ chức phi chính phủ nước ngoài có giấy đăng ký hoạt động, có 3 tổ chức xin bổ sung địa bàn hoạt động, 9 tổ chức xin gia hạn thời gian hoạt động...

Thông qua các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, năm 2022, đã có 19 dự án, 7 phi dự án đang triển khai với tổng số vốn cam kết viện trợ là hơn 4,1 triệu USD. Qua đó, đã góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương vùng khó khăn tại Nghệ An.

Nhân rộng màu xanh rừng lùng

Dự án phi chính phủ nước ngoài hỗ trợ người dân ở bản Xẹt 2, xã Châu Thắng, huyện Quỳ Châu thực hiện phục tráng rừng Lùng. Ảnh: Hoàng Vĩnh

Dự án phi chính phủ nước ngoài hỗ trợ người dân ở bản Xẹt 2, xã Châu Thắng, huyện Quỳ Châu thực hiện phục tráng rừng Lùng. Ảnh: Hoàng Vĩnh

Châu Thắng là một trong những xã có diện tích cây lùng khá lớn ở huyện Quỳ Châu và loại cây này đã tạo nên nguồn thu nhập ổn định cho người dân từ bao đời nay. Để bảo tồn, phát triển, khai thác hiệu quả loại cây này, bà con xã Châu Thắng đã nhận bảo vệ, quản lý, phát triển rừng lùng. Ông Vi Văn Cỏ ở bản Xẹt 2, xã Châu Thắng kể lại: “Trước đây, cây lùng chưa được quản lý, bảo vệ tốt, nên bà con khai thác không có kế hoạch làm giảm sản lượng, chất lượng, đặc biệt là ảnh hưởng đến nguồn tài nguyên, phát triển của rừng lùng. Thời gian gần đây, bà con trong bản được dự án FLOURISH (dự án phi chính phủ nước ngoài) đầu tư, cử cán bộ trực tiếp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật bón phân, phát dọn, quy trình khai thác cây lùng… nên diện tích rừng lùng được quản lý, bảo vệ, phát triển tốt hơn. Trên diện tích 1ha rừng do gia đình quản lý, cán bộ hướng dẫn kỹ thuật khai thác mỗi bụi luồng gia đình lựa chọn, khai thác khoảng 30% số cây đủ tiêu chuẩn, nên việc bảo tồn, phát triển cây lùng rất tốt”.

Để tạo cuộc sống ổn định cho bà con quản lý, bảo vệ phát triển rừng lùng, gia đình ông Vi Văn Cỏ và một số hộ trong bản được dự án hỗ trợ giống cây dổi trồng xen dưới tán cây. Với sự trợ giúp của các cấp, ngành liên quan, của dự án, tại các bản Xẹt 1, bản Xẹt 2... các hộ dân đã liên kết thành lập các Tổ dự án phục tráng bảo vệ, chăm sóc rừng lùng ở xã Châu Thắng (mỗi tổ có khoảng 12 hộ dân). Tổ chức này hoạt động rất hiệu quả vì các thành viên luôn chia sẻ, hỗ trợ nhau trong việc bảo tồn, phát triển cây lùng. Ông Lô Văn Tuấn ở bản Xẹt 1 đã rất thành công phương pháp nhân giống lùng bằng tách gốc… Với nhiều cách làm hay, màu xanh của rừng lùng ở xã Châu Thắng được nhân rộng. Phó Chủ tịch UBND xã Châu Thắng - ông Lương Thành Trung cho hay: “Trên địa bàn xã có 210 ha rừng lùng và được 129 hộ dân đảm nhận việc quản lý, bảo vệ. Thời gian gần đây, được sự hỗ trợ của các cấp, ngành và các dự án liên quan, bà con trong xã đã thay đổi cách nghĩ, cách làm trong việc phục tráng, phát triển bền vững cây lùng, qua đó nâng cao được chất lượng, sản lượng và giá trị của cây lùng của xã Châu Thắng”.

Cán bộ Kiểm lâm hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, khai thác dự án phi chính phủ nước ngoài hỗ trợ người dân Quỳ Châu . Ảnh: Hoàng Vĩnh
Cán bộ Kiểm lâm hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, khai thác dự án phi chính phủ nước ngoài hỗ trợ người dân Quỳ Châu . Ảnh: Hoàng Vĩnh

Màu xanh của rừng lùng còn lan rộng ở Quế Phong khi ở nơi rẻo cao này được hưởng lợi từ dự án FLOURISH. Thời gian qua, thực hiện việc phục hồi cảnh quan rừng sản xuất theo cơ chế giảm phát thải khí nhà kính từ nỗ lực hạn chế mất rừng, suy thoái rừng; bảo tồn, nâng cao trữ lượng các bon gắn với quản lý bền vững tài nguyên rừng (REDD+) và hợp tác tư nhân với cộng đồng của Tổ chức Regional Community Forestry Training Center for Asia & the Pacific (Thái Lan) tài trợ, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Nghệ An đã triển khai dự án FLOURISH về phát triển rừng lùng tại huyện Quỳ Châu và Quế Phong.

Ông Dương Ngọc Hùng - Phó Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Nghệ An cho biết: “Trong quá trình thực hiện dự án từ cuối năm 2018 - 2022, cùng với các chương trình và dự án khác, dự án FLOURISH thực hiện các hoạt động xây dựng năng lực cho các thành viên trong cộng đồng. Các hoạt động này bao gồm cung cấp kiến thức về quyền hợp pháp và Giấy chứng nhận quyền sử dụng rừng và đất lâm nghiệp; khai thác hợp lý cây lùng...; khoanh nuôi tái sinh rừng hỗn giao lùng, nứa, cây gỗ; giám sát rừng và cháy rừng; xây dựng kế hoạch quản lý rừng cộng đồng; tham quan học tập thực tiễn tốt về quản lý rừng của cộng đồng dân tộc thiểu số... Tất cả các hoạt động này nhằm đảm bảo các động lực thúc đẩy sự tham gia tích cực vào quá trình phục hồi cảnh quan bền vững…”.

Thu hút dự án ở các lĩnh vực và địa bàn

Tại Nghệ An, tổ chức phi chính phủ nước ngoài hỗ trợ vào nhiều lĩnh vực như: Lĩnh vực Giáo dục và Đào tạo có 6 dự án và 1 phi dự án là dự án “Lồng ghép các hoạt động học thông qua chơi cho học sinh tiểu học ở Việt Nam - iPLAY Việt Nam” do Tổ chức VVOB tài trợ; dự án “Hỗ trợ triển khai các can thiệp hiệu quả và bền vững đề phòng, chống đuối nước trẻ em tại Việt Nam giai đoạn 2” do Tổ chức CTFK tài trợ; Chương trình học bổng SEEDs do Tổ chức PALS tài trợ, dự án “Chia sẻ tình yêu nhỏ” do Tổ chức KTCA tài trợ… Lĩnh vực y tế có 2 dự án và 4 phi dự án là “Cải thiện vệ sinh và nước sạch dựa trên kết quả do phụ nữ làm chủ” do Tổ chức EMWF tài trợ; dự án “Thúc đẩy việc thực hiện các quyền sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục của trẻ em và trẻ em vị thành niên tại xã Lam Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An” do Tổ chức ACS tài trợ; dự án “Hỗ trợ chăm sóc y tế cho đối tượng dưới 18 tuổi thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh Nghệ An” do Tổ chức GIBTK tài trợ. Lĩnh vực tài nguyên môi trường có 3 dự án là “Phục hồi cảnh quan rừng sản xuất theo cơ chế giảm phát thải khí nhà kính từ nỗ lực hạn chế mất rừng, suy thoái rừng; bảo tồn, nâng cao trữ lượng các bon gắn với quản lý bền vững tài nguyên rừng (REDD+) và hợp tác tư nhân với cộng đồng” do Tổ chức RECOFT tài trợ; dự án “Hỗ trợ tài chính dựa vào dự báo tại Việt Nam” do Hội Chữ thập đỏ Đức tại Việt Nam tài trợ. Lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội và các lĩnh vực khác.

Vận hành hệ thống cấp nước dự án Nhà máy nước vùng phụ cận Vinh. Ảnh: Hoàng Vĩnh

Vận hành hệ thống cấp nước dự án Nhà máy nước vùng phụ cận Vinh. Ảnh: Hoàng Vĩnh

Các dự án phi chính phủ nước ngoài triển khai tại Nghệ An và được tập trung ở khu vực miền núi khó khăn như các huyện Con Cuông, Quế Phong, Thanh Chương, Anh Sơn... Nguồn viện trợ phi chính phủ đã góp phần nâng cao năng lực cho chính quyền địa phương và người dân trong việc bảo vệ môi trường, phát triển sinh kế, nâng cao chất lượng dạy và học...

Theo đánh giá, phần lớn các dự án viện trợ có quy mô nhỏ, kinh phí ít, hoạt động dàn trải ở nhiều địa phương. Thời gian tới, Nghệ An tiếp tục đẩy mạnh công tác xúc tiến xúc, vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài. Việc này được thực hiện theo định hướng tại Quyết định số 1031/QĐ-UBND ngày 16/4/2021 của UBND tỉnh Nghệ An về Chương trình tăng cường hợp tác và vận động viện trợ không hoàn lại không thuộc hỗ trợ phát triển chính thức của tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021-2025 và Chương trình quốc gia về tăng cường hợp tác và vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài giai đoạn 2019-2025; Đảm bảo kết hợp phát triển kinh tế - xã hội gắn với ổn định quốc phòng, an ninh chính trị và trật tự xã hội...

Nhằm nâng cao hiệu quả hơn nữa trong công tác phi chính phủ nước ngoài thời gian tới Nghệ An sẽ tăng cường phối hợp, liên hệ chặt chẽ giữa địa phương và các bộ, ban, ngành Trung ương trong công tác vận động, xúc tiến, tiếp nhận nguồn viện trợ từ các tổ chức phi chính phủ nước ngoài đảm bảo lợi ích kinh tế gắn với an ninh đối ngoại. Đẩy mạnh công tác đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ từ cấp tỉnh đến địa phương làm công tác phi chính phủ nước ngoài về kỹ năng xây dựng, vận động, tổ chức thực hiện, kiểm tra giám sát, đánh giá các dự án phi chính phủ nước ngoài

Ông Trần Khánh Thục - Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Nghệ An

Tin mới