Đẩy nhanh tiến độ cho vay các chương trình tín dụng chính sách theo Nghị quyết 11

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội được coi là một trong những giải pháp tạo thêm nhiều động lực và “sức bật” cho nền kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh.

Hàng chục tỷ đồng cho học sinh, sinh viên vay mua máy tính

Ở Nghệ An, nhiều chương trình cho vay vốn đã được giải ngân đến với các đối tượng chính sách và mang lại kết quả cao.

Tại huyện Thanh Chương, thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đã tập trung đẩy nhanh việc giải ngân để sớm đưa nguồn vốn tín dụng chính sách ưu đãi đến với người nghèo và các đối tượng chính sách nhằm góp phần giúp người dân vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.

Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Thanh Chương giải ngân vốn vay theo Nghị quyết 11. Ảnh: T.H

Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Thanh Chương giải ngân vốn vay theo Nghị quyết 11. Ảnh: T.H

Ngân hàng đã tham mưu cho Ủy ban nhân dân huyện ban hành công văn rà soát nhu cầu vốn tín dụng chính sách; Đồng thời phối hợp tốt với các tổ chức nhận ủy thác tuyên truyền, tổ chức bình xét và hoàn thiện hồ sơ vay vốn giải ngân cho các đối tượng đủ điều kiện vay vốn. Ngay trong tháng 4 đã giải ngân được cho 100 hộ gia đình mua 165 máy tính với số tiền là 1,650 tỷ đồng.

Số liệu cho vay đến ngày 22/5/2022 là: Cho vay học sinh, sinh viên mua máy tính 6,1 tỷ đồng cho 610 học sinh; Cho vay giải quyết việc làm 4.050 tỷ đồng cho 79 lao động; Cho vay nhà ở xã hội theo Nghị định 100 cho 6 nhà số tiền 1.160 triệu đồng.

Thanh Chương là một trong những địa phương cho vay mua máy tính cao của tỉnh. Nhiều hộ gia đình được vay vốn mua máy tính cho con học như gia đình chị Trần Thị Thành - hộ nghèo ở thôn Hoa Thịnh, xã Thanh Thịnh vay 20 triệu đồng; Phạm Xuân Huân hộ cận nghèo ở thôn Hoa Thịnh, Thanh Thịnh, vay 10 triệu đồng; Chị Bùi Thị Lý - hộ cận nghèo ở xóm Ngũ Cẩm, xã Thanh Xuân vay mua 3 máy tính số tiền 30 triệu đồng…

Gia đình chị Hoàng Thị Dung thuộc hộ nghèo ở xã Thanh Thuỷ (Thanh Chương) được vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội mua máy tính phục vụ việc học của con trai. Ảnh T.H
Gia đình chị Hoàng Thị Dung thuộc hộ nghèo ở xã Thanh Thuỷ (Thanh Chương) được vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội mua máy tính phục vụ việc học của con trai. Ảnh T.H

Tại huyện Anh Sơn, nhằm triển khai thực hiện các chính sách tín dụng ưu đãi kịp thời, hiệu quả, đúng đối tượng để hỗ trợ người nghèo và các đối tượng chính sách khác vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ, với tinh thần khẩn trương quyết liệt, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban, ngành và các tổ chức chính trị, xã hội nhận ủy thác tích cực rà soát đối tượng, giải ngân kịp thời khi được giao vốn, đảm bảo công khai, minh bạch, sử dụng hiệu quả nguồn vốn đúng mục đích.

Ông Trần Khắc Thi - Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Anh Sơn cho biết: Chương trình cho vay đối với học sinh, sinh viên mua máy tính, thiết bị học tập trực tuyến cũng là một phần trong công cuộc chuyển đổi số để phát triển nền giáo dục hiện đại cho hiện tại và tương lai. Chính sách thể hiện sự quan tâm của Đảng, Chính phủ đối với thế hệ tương lai của đất nước, đồng thời, đảm bảo công bằng trong việc tiếp cận giáo dục của học sinh. Nguồn vốn này sẽ kịp thời tiếp sức cho các em học sinh, sinh viên nghèo có đủ điều kiện học tập, chắp cánh cho các em thực hiện được ước mơ trên con đường học tập của mình.

Giải ngân chương trình học sinh, sinh viên mua máy tính tại xã Lạng Sơn (Anh Sơn). Ảnh T.H
Giải ngân chương trình học sinh, sinh viên mua máy tính tại xã Lạng Sơn (Anh Sơn). Ảnh T.H

Đến ngày 23/5/2022, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Anh Sơn đã giải ngân các chương trình theo Nghị quyết 11 gồm: Cho vay giải quyết việc làm số tiền 4,810 tỷ đồng cho 89 lao động; Cho vay nhà ở xã hội số tiền 1,5 tỷ đồng cho 4 khách hàng; Cho vay học sinh, sinh viên mua máy tính với số tiền 3,280 tỷ đồng cho 328 học sinh, sinh viên.

Theo đánh giá, nhiều địa phương làm tốt chương trình cho học sinh, sinh viên vay mua máy tính phục vụ việc học tập như Thanh Chương, Anh Sơn, TX. Hoàng Mai… với số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng.

Tiếp tục rà soát, đẩy nhanh tiến độ giải ngân

Triển khai Kế hoạch của Tổng Giám đốc về triển khai thực hiện Nghị quyết 11-NQ/CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã xây dựng Kế hoạch, thành lập Ban Chỉ đạo, phân công công việc cụ thể đến cán bộ chủ chốt để triển khai thực hiện, tổ chức phát động thi đua hoàn thành xuất sắc việc triển khai thực hiện. Trên cơ sở tổng hợp rà soát từ các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Xây dựng và Ban Dân tộc tỉnh, nhu cầu vốn theo Nghị quyết 11 của 5 chương trình tín dụng giai đoạn 2022-2023 là 2.177 tỷ đồng.

Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Yên Thành giải ngân vốn vay cho đại diện gia đình khó khăn có học sinh đang theo học. Ảnh T.H
Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Yên Thành giải ngân vốn vay cho đại diện gia đình khó khăn có học sinh đang theo học. Ảnh T.H

Đến nay, Nghệ An đã được giao chỉ tiêu 5 chương trình tín dụng với tổng số vốn là 389 tỷ đồng. Trong số này, có 4/5 chương trình đã được Trung ương giao đủ nhu cầu tỉnh đề xuất, riêng cho vay giải quyết việc làm còn thiếu so với nhu cầu đề xuất.

Đến ngày 24/5/2022, tổng số hồ sơ chi nhánh Nghệ An đã tiếp nhận để chuẩn bị giải ngân là: 3.013 bộ hồ sơ với số tiền là 119,3 tỷ đồng; trong đó: Cho vay giải quyết việc làm: 50 tỷ đồng/892 hồ sơ; Cho vay nhà ở xã hội: 49 tỷ đồng/123 hồ sơ; Cho vay đối với cơ sở mầm non: 420 triệu đồng/5 hồ sơ; Cho vay học sinh, sinh viên mua máy tính: 19,9 tỷ đồng/1.993 hồ sơ.

Toàn tỉnh đã giải ngân nguồn vốn (4/5 chương trình tín dụng được phép thực hiện) cho 2.404 khách hàng, số tiền trên 80,1 tỷ đồng. Trong đó: Cho vay giải quyết việc làm: 50 tỷ đồng/892 lao động; Cho vay nhà ở xã hội: 10 tỷ đồng/46 khách hàng; Cho vay học sinh, sinh viên mua máy tính: 19,9 tỷ đồng/1.226 hộ vay/cho 1.993 em học sinh, sinh viên được hỗ trợ mua máy tính để phục vụ học tập. Cho vay đối với cơ sở mầm non: 240 triệu/3 hồ sơ.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện đã có một số khó khăn bước đầu ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân một số chương trình tín dụng. Ông Trần Khắc Hùng – Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh cho biết: Đối với cho vay vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, hiện địa phương chưa công bố kết quả phê duyệt danh sách đối tượng thụ hưởng các tiểu dự án liên quan đến vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội để ngân hàng căn cứ cho vay. Ngoài ra, Sở Giáo dục và Đào tạo chưa thông báo danh sách đối tượng được hỗ trợ từ Chương trình "Sóng và máy tính cho em” theo từng địa bàn cụ thể. Vì vậy, ngân hàng chưa có đủ căn cứ để loại trừ các đối tượng được hỗ trợ khi cho vay, mặt khác, các đối tượng thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo mong muốn được vay nhưng chưa đăng ký vì đang chờ kết quả hỗ trợ.

Ủy ban nhân dân tỉnh cần chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan, ủy ban nhân dân cấp huyện kịp thời chỉ đạo rà soát, phê duyệt danh sách đối tượng thụ hưởng các chính sách tín dụng liên quan đến đồng bào kịp thời để ngân hàng căn cứ cho vay; Sở Giáo dục và Đào tạo sớm thông báo danh sách đối tượng được hỗ trợ từ Chương trình "Sóng và máy tính cho em” theo từng địa bàn cụ thể để Ngân hàng Chính sách xã hội căn cứ loại trừ, tránh cho vay chồng chéo, trùng lặp đối tượng. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và tổ chức thành viên, các cơ quan, ban, ngành có liên quan tiếp tục phối hợp tuyên truyền về chính sách tín dụng ưu đãi theo Nghị quyết số 11 đến các cấp, các ngành, người dân và doanh nghiệp; quan tâm giám sát, kiểm tra kết quả thực hiện chương trình, góp phần đảm bảo việc triển khai chính sách trên địa bàn đúng, trúng và có hiệu quả.

Ông Trần Khắc Hùng - Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Nghệ An.

Tin mới