Đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi số

(Baonghean.vn) - Nghệ An đang rốt ráo triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử của Chính phủ theo đúng lộ trình đề ra. Đây là bước đi quan trọng nhằm phục vụ chuyển đổi số quốc gia của Chính phủ cũng như thực hiện định hướng chuyển đổi số mạnh mẽ đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thống nhất chủ trương, định hướng.

5 NHÓM TIỆN ÍCH

Ngày 28/1 vừa qua, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 78 về việc thực hiện Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Kế hoạch được ban hành nhằm kịp thời triển khai ứng dụng Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư, hệ thống định danh và xác thực điện tử, thẻ căn cước công dân gắn chíp điện tử trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 để phục vụ 5 nhóm tiện ích, bao gồm: Giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; phục vụ công dân số; hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư; phục vụ chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp trên địa bàn tỉnh.

Lãnh đạo tỉnh trao đổi, làm việc với cán bộ xã thông qua hệ thống họp trực tuyến tương tác hai chiều từ UBND tỉnh đến phường, xã trong toàn tỉnh. Ảnh Thành Duy
Lãnh đạo tỉnh trao đổi, làm việc với cán bộ xã thông qua hệ thống họp trực tuyến tương tác hai chiều. Ảnh: Thành Duy

Văn bản do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Hoa ký ban hành yêu cầu Văn phòng UBND tỉnh sau khi có hướng dẫn của các cơ quan Trung ương, phối hợp Công an tỉnh khẩn trương hướng dẫn các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, thị xã thực hiện tích hợp, kết nối và chia sẻ dữ liệu dân cư giữa Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư với Cổng Dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh phục vụ xác thực, chia sẻ thông tin công dân khi thực hiện thủ tục hành chính theo nguyên tắc không yêu cầu khai báo lại các thông tin đã có trong Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư, dự kiến hoàn thành trong quý I/2022.

Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, Bộ phận Một cửa các sở, ban, ngành, UBND các cấp phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh trong tháng 3/2022 thực hiện số hóa và tái sử dụng kết quả số hóa hồ sơ kết quả giải quyết thủ tục hành chính có liên quan đến thông tin, giấy tờ cá nhân trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính để làm giàu, cập nhật, bổ sung, kết nối, chia sẻ và sử dụng có hiệu quả Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư phục vụ giải quyết thủ tục hành chính.

Kèm theo đó là 25 thủ tục hành chính thiết yếu ưu tiên, tích hợp chia sẻ dữ liệu dân cư phục vụ giải quyết thủ tục hành chính như: Cấp lại, đổi thẻ căn cước công dân; đăng ký thường trú, tạm trú; khai báo tạm vắng; thông báo lưu trú; đăng ký, cấp biển số mô tô, xe gắn máy; đăng ký khai sinh; đăng ký kết hôn; đăng ký thuế lần đầu, đăng ký thay đổi thông tin đăng ký thuế đối với người nộp thuế là hộ gia đình, cá nhân; đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT Quốc gia và xét tuyển đại học, cao đẳng; giải quyết trợ cấp thất nghiệp… sẽ được tỉnh triển khai ngay trong năm 2022.

UBND tỉnh sẽ thành lập Tổ công tác triển khai Kế hoạch trên địa bàn tỉnh Nghệ An do Giám đốc Công an tỉnh làm Tổ trưởng, Chánh Văn phòng UBND tỉnh làm Tổ phó, đồng chí Phó Giám đốc Công an tỉnh phụ trách lĩnh vực làm Tổ phó thường trực, thành viên tổ công tác là đại diện lãnh đạo các sở, ngành có liên quan.

Công an Nghệ An làm căn cước công dân cho người dân đầu năm 2022. Ảnh: Hải Vương
Công an Nghệ An làm căn cước công dân cho người dân đầu năm 2022. Ảnh: Hải Vương

Trước đó, ngày 18/1, Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Đề án được đánh giá là có ý nghĩa rất quan trọng trong phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và chuyển đổi số quốc gia, mang lại nhiều lợi ích trước mắt và lâu dài xây dựng Chính phủ điện tử, hướng đến Chính phủ số giai đoạn 2022 - 2030.

Tại hội nghị được kết nối từ Văn phòng Chính phủ đến cấp các bộ, ngành, UBND cấp tỉnh, huyện và cấp xã này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu các đồng chí bí thư cấp ủy, chủ tịch UBND các cấp quan tâm chỉ đạo quyết liệt để phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị; trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình tăng cường kiểm tra, đôn đốc trực tiếp đến tận cơ sở để tháo gỡ ngay vướng mắc, khó khăn phát sinh; đẩy mạnh tuyên truyền, tạo sự đồng thuận tham gia của các tổ chức, doanh nghiệp và người dân trong quá trình thực hiện Đề án. Các bộ, ngành, địa phương khẩn trương đẩy mạnh các dịch vụ công trực tuyến, đặc biệt là 25 dịch vụ công thiết yếu để phục vụ người dân và doanh nghiệp đã được xác định trong Đề án.

SẼ BAN HÀNH NGHỊ QUYẾT VỀ CHUYỂN ĐỔI SỐ

Trong bối cảnh đó, trước yêu cầu cấp bách của sự phát triển, ngay từ đầu nhiệm kỳ khóa XIX, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã dành thời lượng xứng đáng trong chương trình làm việc để bàn, thống nhất các nghị quyết, chương trình, đề án cụ thể hóa Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025, đặc biệt là công tác cải cách hành chính gắn với chuyển đổi số. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 14/12/2021, về đẩy mạnh cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2021 - 2030, đồng thời lấy chủ đề cải cách hành chính năm 2022 là “chuyển đổi số”.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh, thị xã Hoàng Mai và VNPT Nghệ An ấn nút khai trương hệ thống tương tác trực tuyến. Ảnh tư liệu: Thanh Lê
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh, thị xã Hoàng Mai và VNPT Nghệ An ấn nút khai trương hệ thống tương tác trực tuyến. Ảnh tư liệu: Thanh Lê

Cùng với đó, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã thông qua Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, trong đó có một nội dung hết sức trọng điểm là sẽ ban hành Nghị quyết về chuyển đổi số tỉnh Nghệ An đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Hiện nay, các cơ quan tham mưu đang xây dựng dự thảo, lấy ý kiến trước khi hoàn thiện trình Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh xem xét, ban hành ngay trong năm nay. Theo đó, dự kiến Nghị quyết sẽ đề ra các mục tiêu, giải pháp rất cụ thể để thực hiện chuyển đổi số đến năm 2025 và 2030 trên các lĩnh vực như: Hạ tầng số, chính quyền số, kinh tế số, đô thị thông minh trên địa bàn tỉnh.

Điều này cho thấy quyết tâm mạnh mẽ, quyết liệt của lãnh đạo tỉnh nhằm tạo đột phá đối với việc chuyển đổi số, xem đây là động lực rất quan trọng cho sự phát triển. Vì thực tế cho thấy, những năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền tỉnh Nghệ An đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử; triển khai Đề án xây dựng Chính phủ điện tử tại Nghệ An giai đoạn 2011 - 2015, tầm nhìn đến năm 2025.

Tuy vậy, những kết quả đạt được mới chỉ đặt nền móng bước đầu cho quá trình chuyển đổi số. Việc xây dựng chính quyền điện tử, hướng đến chính quyền số, kinh tế số và xã hội số vẫn còn nhiều hạn chế. Cơ sở hạ tầng mạng thông tin của các cơ quan, đơn vị trong tỉnh còn yếu và chưa đồng bộ, đặc biệt là các xã vùng sâu, vùng xa. Người dân, doanh nghiệp vẫn chưa quan tâm, sử dụng các hệ thống dịch vụ công; tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, tỷ lệ hồ sơ phát sinh trực tuyến mức độ 3 và mức độ 4, nền tảng tích hợp và chia sẻ dữ liệu, cơ sở dữ liệu dùng chung… chưa đạt mục tiêu.

Quy trình vận hành đô thị thông minh TP Vinh. Ảnh tư liệu: Văn Hải
Quy trình vận hành đô thị thông minh TP Vinh. Ảnh tư liệu: Văn Hải

Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ban hành Nghị quyết về chuyển đổi số, tại Hội nghị lần thứ 5 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Nghệ An khóa XIX, đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh khẳng định: Nghệ An cần có một nghị quyết để tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, bố trí nguồn lực thực hiện; cùng với sự ủng hộ, giúp đỡ của Bộ Thông tin và Truyền thông để Nghệ An có thể bắt nhịp được, có những kết quả tốt hơn trong chuyển đổi số vì đây là xu thế tất yếu cho quá trình phát triển.

Tin mới