Dạy và học ở điểm trường chưa có bản

(Baonghean.vn) - Điểm trường Khe Nóng thuộc xã Châu Khê (Con Cuông) nằm ở nơi sơn cùng thủy tận giữa vùng lõi Vườn quốc gia Pù Mát. Năm học này, điểm trường có 3 cô giáo 'cắm bản' và 22 học trò, nhưng lại là nơi chưa có bản.

Khe Nóng là một cụm dân cư thuộc bản Châu Sơn xã Châu Khê, tách biệt với bản chính cách đó 20km. Theo ông Nguyễn Ngọc Luyến - Chủ tịch UBND xã Châu Khê: Dù đã có 40 hộ dân, nhưng vì thiếu vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đường sá nên chưa thể thành lập bản. Dẫu rằng trước đó ít năm chính quyền huyện Con Cuông đã có đề án thành lập bản Khe Nóng trực thuộc xã.

Điểm trường Khe Nóng trực thuộc Trường TH Châu Khê 2 đã tồn tại từ hơn 20 năm nay. Đây là nơi dạy và học của 22 học trò và 3 cô giáo tiểu học
Điểm trường Khe Nóng trực thuộc Trường Tiểu học Châu Khê 2 đã tồn tại từ hơn 20 năm nay. Đây là nơi dạy và học của 22 học trò và 3 cô giáo. Ảnh: H.V

Dù chưa thành lập bản, nhưng từ hơn 20 năm nay, Khe Nóng đã tồn tại một điểm lẻ trực thuộc trường Tiểu học Châu Khê 2. Hàng năm, một đội ngũ giáo viên vẫn được cắt cử đến giảng dạy cho học trò nơi đây. Năm học 2017 - 2018, điểm trường Khe Nóng có 22 học sinh từ lớp 1 đến lớp 5, do 3 cô giáo phụ trách.

Để đến được điểm trường ở cộng đồng người Đan Lai này, các cô giáo phải vượt qua 6 khúc suối sâu. Xe chết máy là chuyện xảy ra như cơm bữa. Ảnh: H.V
Để đến được điểm trường ở cộng đồng người Đan Lai này, các cô giáo phải vượt qua 6 khúc suối sâu. Xe chết máy là chuyện xảy ra như cơm bữa. Ảnh: H.V

Để vào được Khe Nóng là việc rất khó khăn. Quần cư nằm ở vùng lõi rừng quốc gia Pù Mát này khá biệt lập. Bản gần nhất cách đó 6km, trong đó có 3km là đường rừng, núi. Lội qua 6 khúc suối và những quãng đèo dốc quanh co mới đến bản Khe Nóng.

Nhà cô Lương Thị Nội chỉ cách đó 7km, ngay xã Châu Khê. Thế nhưng cô chỉ có thể trở về với gia đình vào cuối tuần. Dù gắn bó với xã biên giới Châu Khê đã hơn 20 năm nay, nhưng mỗi lần được phân công dạy ở điểm Khe Nóng là một nỗi ám ảnh. “Mình đi xe máy vào loại tốt so với chị em giáo viên trong trường, nhưng đều gặp khó khăn khi mỗi lần vượt qua những khúc suối để vào điểm trường. Mỗi lần gặp mưa lớn thì không thể qua được.”

Theo cô Nội, người từng 2 lần cắm bản ở điểm trường Khe Nóng, khi có mưa lớn, quần cư này bị cô lập cả tuần liền. “Những ngày mưa lũ, không thể ra ngoài mua thức ăn, bữa cơm chỉ có rau rừng làm món chính” - Cô Nội chia sẻ.

Cô giáo Lê Thanh Thủy phụ trách một lớp ghép gồm 2 lớp 2 và 3. Trong đó chỉ có 1 học trò lớp 3.
Cô giáo Lê Thanh Thủy phụ trách một lớp ghép. Ảnh: H.V

Với cô Lê Thanh Thủy, phụ trách 1 lớp ghép với 2 trình độ lớp 3 và 5. Trong khi đó lớp 3 chỉ có một học trò. Phòng học được bố trí 2 bảng đen và cô phải luân phiên chạy qua lại. Tại điểm trường còn có lớp ghép gồm 2 trình độ lớp 1 và 2 do cô giáo Lộc Thị Liên phụ trách.

Cô giáo Lộc Thị Liên tập viết cho học trò lớp 1 duy nhất ở điểm trường
Cô giáo Lộc Thị Liên tập viết cho học trò lớp 1 duy nhất ở điểm trường. Ảnh: H.V

Thông tin từ chính quyền địa phương cho hay, hiện Khe Nóng đã có 7 em đang theo học ở bậc THCS. Đây là điều chưa từng có ở quần cư xa xôi này. Dẫu vậy thì việc vận động trẻ đến lớp vẫn là một việc vô cùng khó khăn. Cô Nội cho biết, hàng ngày các cô vẫn phải mang kẹo đến “dỗ” một số trẻ cá biệt trở lại lớp. “Trước đây 10 năm, bọn mình còn phải đến bế từng đứa chúng nó mới chịu tới lớp” - Cô giáo Nội nhớ lại.

Sau giờ dạy, các cô giáo tự naaus ăn tại bếp của điểm trường với món chính là rau dún, một loài cây dại họ dương xỉ mọc ven khe suối.
Sau giờ dạy, các cô giáo tự kiếm rau rừng để cải thiện bữa ăn. Ảnh: H.V

Không có chợ, các cô giáo phải cải thiện bữa ăn bằng cách trồng thêm rau. Trong khuôn viên ngôi trường nhỏ biệt lập nhất ở huyện vùng cao Con Cuông luôn có một vườn rau xanh mướt. Ngoài rau rừng và những thứ trồng được trong vườn, các cô giáo hoàn toàn phải dựa vào nguồn thức ăn mua từ dân bản, lâu lắm mới có một vài người bán rong mang hàng hóa từ ngoài vào.

Vườn rau cái thiện bữa ăn của các cô giáo ở điểm trường Khe Nóng. Ảnh: H.V
Vườn rau của các cô giáo ở điểm trường Khe Nóng. Ảnh: H.V

Ở địa bàn mà điện lưới quốc gia còn là một mơ ước của cư dân, thì thì đêm tối dường như dài dằng dặc. Cô giáo Nội cho hay, nếu hệ thống chiếu sáng từ năng lượng mặt trời và gió từ tổ chức từ Hàn Quốc lắp đặt cho trường mới đây đi vào hoạt động ổn định thì các giáo viên nơi đây sẽ đỡ hơn.

Khó khăn, vất vả là vậy, song những tình cảm mộc mạc của học trò và dân bản nơi đây như một ngọn lửa sưởi ấm đối với các giáo viên vào mỗi đêm lạnh. Thứ quà duy nhất các cô giáo ở Khe Nóng nhận được từ học trò là những bó rau rừng. Ở nơi mà 100% người dân đều là hộ nghèo này thì quà mừng “ngày tết” thầy cô chỉ có vậy.

Rau rừng là món quà duy nhất các trò đem tặng cô nhân ngày nhà giáo 20/11.
Rau rừng là món quà duy nhất các trò đem tặng cô nhân dịp ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Ảnh: H.V

Đại bộ phận cư dân Khe Nóng là người Đan Lai. Cộng đồng ít ỏi này cư trú ở một số làng bản thuộc vùng lõi Vườn quốc gia Pù Mát trên địa bàn huyện Con Cuông. 

Hữu Vi

TIN LIÊN QUAN

Tin mới